THÂN TRỌNG SƠN
VỀ BÀI THƠ “AI DA MÀU ?”
CỦA MỘT “EM BÉ CHÂU PHI”
Hai ba năm trở lại đây thấy xuất hiện trên mạng internet một bài thơ tiếng Anh với nhan đề “ Who is colored ?” ( Ai da màu ? ). Bài thơ nhanh chóng được rất nhiều các trang web và blog đăng lại, nguyên văn và kèm theo bản dịch, với những bình luận khen ngợi tán thưởng. Vỏn vẹn chỉ có 16 câu, với một lối diễn đạt giản dị, dễ hiểu, tác giả đã nói lên thân phận người da màu với tất cả cảm xúc chân thật, thuyết phục người đọc bằng những nhận xét tế nhị, thông minh. Tôi người da đen, sinh ra rồi chết đi da tôi vẫn đen, nắng mưa gió bão, vui buồn lo sợ gì đi nữa tôi vẫn đen. Còn anh, sinh ra là người da trắng, vậy mà qua nhiều trạng thái tâm lý, dưới ảnh hưởng của thiên nhiên thời tiết, da anh cứ thay đổi, xanh đỏ trắng hồng đủ cả, và khi chết thì xám xịt. Vậy sao anh gọi tôi là da màu?
WHO IS COLORED?
When I born, I black.
When I grow up, I black.
When I go in sun, I black.
When I cold, I black.
When I scared, I black.
When I sick, I black.
And when I die, I still black.
When I grow up, I black.
When I go in sun, I black.
When I cold, I black.
When I scared, I black.
When I sick, I black.
And when I die, I still black.
And you white fellow
When you born, you pink.
When you grow up, you white.
When you go in sun, you red.
When you cold, you blue.
When you scared, you yellow.
When you sick, you green.
And when you die, you gray.
And you calling me CO LORED ??
When you grow up, you white.
When you go in sun, you red.
When you cold, you blue.
When you scared, you yellow.
When you sick, you green.
And when you die, you gray.
And you calling me CO LORED ??
Khi sinh ra, tôi đen,
Khi lớn lên, tôi đen,
Khi ra nắng, tôi đen,
Khi thấm lạnh, tôi đen,
Khi lo sợ, tôi đen,
Khi đau ốm, tôi đen,
Và khi chết, tôi vẫn đen.
Còn anh, người da trắng,
Khi sinh ra, anh hồng
Khi lớn lên, anh trắng,
Khi ra nắng, anh đỏ,
Khi thấm lạnh, anh xanh.
Khi lo sợ, anh vàng,
Khi đau ốm, anh tái
Và khi chết, anh xám.
Và anh gọi tôi là DA MÀU ??
(Thân Trọng Sơn dịch)
Bài thơ tự nó xứng đáng với những lời khen ngợi. Và những chú thích kèm theo lại khiến nó nổi tiếng hơn :
Written by an African Kid
Nominated by UN as the best Poem of 2006
( do một Em bé châu Phi viết, được tổ chức Liên Hiệp Quốc bình chọn là Bài thơ hay nhất năm 2006. )
Tuy nhiên, thay vì vinh danh bài thơ, hai dòng chú thích trên khiến người đọc tỉnh táo đâm ra nghi ngờ vì những thông tin mơ hồ và phi lý chứa đựng trong đó.
- Em bé này tên họ là gì, mấy tuổi, là người nước nào trong số 54 quốc gia của châu Phi ? Hay chí ít là trong số 20/54 quốc gia có sử dụng tiếng Anh của châu Phi ? Sao không nói cụ thể ? Và có phải vì tác giả là một em bé nên bài thơ đã sử dụng một thứ tiếng Anh sai cả mẹo luật với những câu không có hoặc dùng sai động từ ? ( I black, you red, you blue…, I/you cold, I/you sick, I/you born, you calling me … ).
- Tổ chức Liên Hiệp Quốc sao lại làm cái việc bình chọn thơ hay ? Cho dù không phải là một trong 6 cơ quan chính ( trong đó có Đại Hội Đồng, Hội đồng Bảo An, Hội đồng Kinh tế - Xã hội … ) mà chỉ là một tổ chức chuyên môn trực thuộc ( như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn Hóa – UNESCO- chẳng hạn ) thì cũng chưa hề nghe nói đến việc bình chọn thơ hay bao giờ.
- Dựa vào tiêu chí nào mà chọn được Bài thơ hay nhất ( của thế giới ) cho dù giới hạn ở chủ đề và ngôn ngữ ? Và sao chỉ có năm 2006, trước đó và sau đó là bài thơ nào ?
Những nghi ngờ nêu trên tất phải dẫn đến việc đi tìm văn bản gốc và tác giả thực của bài thơ.
Soi sáng bởi chủ đề tư tưởng của bài thơ và con số 2006 rất có ý nghĩa, cuộc tìm kiếm dẫn đến kết quả : văn bản gốc không phải là tiếng Anh mà là một bài thơ TIẾNG PHÁP, không phải của một em bé châu Phi vô danh mà của một nhà thơ của lục địa đen mà tên tuổi đã vang lừng khắp năm châu bốn biển : Léopold-Sédar Senghor. Nguyên văn bài thơ như sau :
Poème à mon frère blanc
Cher frère blanc
Quand je suis né, j’étais noir,
Quand j’ai grandi, j’étais noir,
Quand je suis au soleil, je suis noir,
Quand je suis malade, je suis noir,
Quand je mourrai, je serai noir.
Tandis que toi, homme blanc,
Quand tu es né, tu étais rose,
Quand tu as grandi, tu étais blanc,
Quand tu vas au soleil, tu es rouge,
Quand tu as froid, tu es bleu,
Quand tu as peur, tu es vert,
Quand tu es malade, tu es jaune,
Quand tu mourras, tu seras gris.
Alors, de nous deux,
Qui est l’homme de couleur ?
Thơ gởi người anh em da trắng
Hỡi người anh em da trắng,
Khi sinh ra, tôi đen,
Khi lớn lên, tôi đen,
Khi ra nắng, tôi đen,
Khi đau ốm, tôi đen,
Và khi chết, tôi sẽ đen.
Còn anh, người da trắng,
Khi sinh ra, anh hồng
Khi lớn lên, anh trắng,
Khi ra nắng, anh đỏ,
Khi thấm lạnh, anh xanh.
Khi lo sợ, anh tái,
Khi đau ốm, anh vàng
Và khi chết, anh xám.
Vậy thì, trong hai chúng ta,
Ai mới là người DA MÀU ??
(Thân Trọng Sơn dịch)
Đọc kỹ bản tiếng Pháp, so với bản ( dịch/ mô phỏng ? ) tiếng Anh, ta thấy chỉ khác ở nhan đề và câu kết. Khổ 1 bài tiếng Pháp không có hai câu “ Khi thấm lạnh..., Khi lo sợ...” và khổ 2 khác ở hai tính từ “ tái / vàng ” ở hai câu “ Khi lo sợ... , Khi đau ốm”.
Vậy thì,Léopold-Sédar Senghor (1906-2001) là ai ?
Sinh năm 1906 tại Joal, nước Sénégal, L.S. Senghor được biết đến như một nhà thơ đã xuất bản trên 10 tác phẩm liên tục từ 1945, tất cả đều gắn với nền văn hóa da đen. Từ thời sinh viên, Ông đã cùng các bạn chủ trương tờ báo « Sinh viên da đen »(Étudiant noir) và đưa ra khái niệm « négritude »(thân phận da đen), mà Ông định nghĩa là tổng thể các giá trị văn hóa của thế giới da đen, như chúng được diễn đạt trong cuộc sống, trong những định chế và những tác phẩm của người da đen ». Năm 1983, Ông là người châu Phi đầu tiên được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp (Académie française).
…Cho dù kẻ thù đốt cháy biên thùy của chúng ta
Chúng ta đều đồng lòng đứng lên, vũ khí trong tay,
Một dân tộc vững niềm tin thách thức mọi gian khó,
Hết thảy mọi người, già trẻ, gái trai,
Cùng cất cao lời : Chết chứ không tủi hổ !
Léopold-Sédar Senghor còn là một nhà văn hóa hoạt động không mệt mỏi cho sự « đối thoại của các nền văn minh nhân loại » thông qua việc xiển dương ngôn ngữ Pháp giúp cho các dân tộc xích lại gần nhau để cùng phát triển. Ông là một trong những sáng lập viên của "Tổ chức hợp tác văn hoá và kỹ thuật" (ACCT), thành lập ngày 20/3/1970 tại Niamey (Niger), tiền thân của Tổ chức Quốc Tế Pháp ngữ (OIF) ngày nay.
Đến đây ta có thể « giải mã » con số 2006 trong chú thích của « bài thơ AI DA MÀU ? » nói trên : Năm 2006 là năm kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Léopold-Sédar Senghor và Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ ( Sommet de la Francophonie ) lần thứ X họp tại Ouagadougou ( thủ đô Burkina Faso ) năm 2004 đã quyết định chọn năm 2006 là năm Léopold-Sédar Senghor. Trong ý nghĩa đó, vào năm này, tất cả các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ trên khắp thế giới đã tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm vinh danh người khởi xướng và liên tục đóng góp vào sự phát triển của tổ chức này.
Tại Canada, Quảng trường Léopold Sédar Senghor trong khuôn viên trường Đại học Montréal được khánh thành.
Cầu Léopold-Sédar Senghor.
Tại Paris, thủ đô nước Pháp, cầu đi bộ Solférino (Passerelle Solférino) bắc qua sông Seine nối liền bảo tàng Orsay ở bờ trái với vườn Tuileries ở bờ phải được đổi tên là Cầu Léopold-Sédar Senghor.
Hoạt động tại Việt Nam cũng không kém phần sôi nổi : giới thiệu sách, diễn thuyết, đọc thơ… Trong dịp này, Bộ Bưu chính Viễn thông phát hành con tem « Kỷ niệm 100 n ngày sinh Léopold Sédar Senghor ». Các xe buýt ở Hà Nội đồng loạt dán áp phích in hình ông cùng câu: « Tiếp thu khác biệt, hướng tới hòa đồng ».
Nhà thơ, nhà chính trị, nhà văn hóa, với tư cách nào, Léopold- Sédar Senghor cũng có những thành tựu nổi bật. Có thể mượn lời của Tổng thống Pháp Jacques Chirac phát biểu nhân tang lễ của Ông cử hành tại Dakar vào ngày 29/12/2001 ( Ông qua đời 9 ngày trước đó tại Verson , Normandie, Pháp) để tóm tắt cuộc đời Ông : « Nền thi ca mất một bậc thầy, Sénégal mất một chính khách, châu Phi mất một linh tài, nước Pháp mất một bạn hiền » ( La poésie a perdu un maître, le Sénégal un homme d'État, l'Afrique un visionnaire et la France un ami. »
Tóm lại, vì không ai ký tên dưới bài thơ tiếng Anh nên không thể kết luận đây là một trường hợp đạo văn. Có thể là một « người vui tính » nào đó đã dịch bài thơ của Léopold Sédar Senghor rồi tô vẽ thêm bằng những chi tiết giật gân để thử tài người đọc. Thôi thì « hãy trả lại César những gì của César » vậy.
THÂN TRỌNG SƠN