Giới thiệu sách mới:
Tập truyện
RỚT
XUỐNG TUỔI THƠ, TÔI
Trần
Yên Hòa
Nhà xuất bản Bạn Văn Nghệ
California, tháng 9.2014
Sách dày 300 trang, gồm 25 truyện viết về tuổi thơ.
Và phần Phụ Lục với các bài phỏng vấn hay viết về Trần
Yên Hòa của các tác giả: Phạm Phú Minh (Phạm Xuân Đài), Lương Thư Trung, Hà
Khánh Quân (Luân Hoán), Bích Huyền (đài VOA), Mặc Lâm (đài RFA), Nguyên Huy
(báo Người Việt), Lê Hải, Trần Thế Phong.
Độc giả muốn có sách, xin liên lạc:
Email:
ĐT: (714) 360 - 7356
Hay địa chỉ:
Trần Yên Hòa
9155 Pacific Ave # 246
Anaheim, CA 92804, USA
Mấy dòng tâm sự của Trân Yên Hòa
Ai cũng có một nơi chốn sinh ra. Dù
ở nhà quê hay phố thị, thì đó là nơi cất dấu những kỷ niệm của đời mình nhiều
nhất.
Có thể thời gian qua đi, ta quay
quắt sống với cuộc đời, với xã hội, ta bon chen với cơm áo gạo tiền nên những
hình ảnh cũ tạm thời lắng xuống lòng mình. Đến một lúc, những vật lộn với cuộc
đời đã qua, nằm gát tay lên trán trong những đêm trằn trọc ngủ không được, mới
thấy nổi nhớ nhung khôn nguôi về một thời thơ ấu. Bây giờ thì quá xa, có với
tay níu bắt cũng không được nữa rồi, nó trở thành những bóng hình của ký ức.
Tôi đã có một thời ấu thơ như thế.
Ký ức là những mảnh vụn, có lúc rời
rạc, có lúc nối kết thành một xâu chuổi trong tâm thức tôi, đánh động tôi viết
nên những giòng này, như tri ân một quê hương đã mất, đã mù xa.
Tôi xa quê năm mười sáu tuổi. Thật
ra thì chiến tranh và cuộc sống xô đuổi tôi đi. Chiến tranh thì ai không sợ, mà
chiến tranh đã xuất phát từ vùng quê. Một đêm tối trời đang ngủ ngon giấc với
giấc ngủ trẻ thơ, bỗng có tiếng đập cửa, tiếng nhiều người hét lớn, “mở cửa,
mau mở cửa.” Mẹ tôi quýnh quáng thức dậy thắp ngọn đèn dầu, rồi ra mở cửa.
Những bóng đen nói, “ai có trong nhà thì thức dậy hết để kiểm tra”. Chúng tôi
phải bước ra khỏi giường, phải sắp hàng ngồi dưới đất để nghe những lời
thuyết giảng. Rồi cha tôi bị bắt đi sau đó.
Sau đó là những tiếng súng nổ, tiếng
hô xung phong. Mẹ tôi đã khóc ngất, tôi đã khóc ngất. May mà cha tôi được trở
về, nhưng đó là lần đầu tiên tôi biết về chiến tranh, về tiếng nổ của súng và
lựu đạn, về những tiếng la hét của những người trong bóng đêm. Tôi đã sợ hãi
nên những năm sau đó phải rời xa quê.
Cho nên trong tập truyện này, tôi cố
viết về chuyện trẻ con, về tuổi ấu thơ, nhưng dù cố gắng bao nhiêu đi nữa cũng
mắc vào cái nhìn của người lớn, là tròng vào đầu trẻ con những suy nghĩ người
lớn. Tuy nhiên, là những truyện có chút thật bên trong, nên tôi nghĩ mình cũng
chưa đi quá đà.
Con nít hồi xưa khác xa con nít bây
giờ. Con nít ngày xưa ở quê tôi tìm không ra quả bóng “tơ nít” bỏ đi, để đem ra
đồng đá bóng, mà phải kết quả bóng bằng lá chuối khô, hay lấy quả “bòng” nướng
lên cho dẽo, để đá khỏi bể. Đồ chơi trẻ con không có, chỉ tự tạo, được cái gì chơi
cái đó, như tự làm ná cao su bắn chim, lấy đất sét làm tượng con trâu, con bò,
con chim, con cá…
Bây giờ thì ê hề, trẻ con muốn gì
thì cha mẹ sắm cho cái đó. Tuy nhiên, suy cho cùng, trong cái thiếu thốn đó
cũng có những cái thú vị, đi chân đất cũng thú vị, để đầu trần dang nắng giữa
trưa cũng thú vị, hái ổi trộm cũng thú vị lắm chứ sao không?
Đây là thời kỳ còn non tơ, tươi rói,
chưa biết yêu là gì, chỉ có những rung động đơn phương nho nhỏ như dây đàn bung
lên nhè nhẹ, rồi thôi, nhưng là thời kỳ đáng nhớ nhất, đẹp nhất của cuộc đời.
Mới đầu tôi muốn ghi nhan đề quyển
sách là Bóng Sắc Ấu Thơ. Tôi muốn dùng chữ Bóng Sắc, vì trong những truyện, tuy
là truyện trẻ con, nhưng cũng có một chút hình bóng của sắc dục. Nhưng nghĩ lại
thì không ổn, không nên, nên tôi dùng nhan đề nhẹ hơn là Rớt Xuông Tuổi
Thơ, Tôi.
Vì là một truyện kể, như là đang
ngồi với một người bạn, người cùng quê, cùng xóm, cùng làng năm xưa, bên tách
nước chè, tách trà, tách cà phê…hay nhậu lai rai ba sợi… kể lại cho nhau những
chuyện nho nhỏ nơi miền quê mình đã sống, chuyện thuở ấy, xa tít tắp, năm, sáu
mươi năm…Kể lại, rồi mình như đã bị rớt xuống quá khứ, rớt về quá khứ…Như anh
với tôi, chị với tôi, em với tôi, ngồi đối diện nhau…nhìn lại một thời...
Viết đến đây tôi tự dưng nhớ một bài
thơ của Huy Cận, bài tựu trường. Bài thơ này chị hai tôi đã đọc cách đây
năm, sáu mươi năm, vào những buổi trưa, trời nắng chang chang. Chị nằm tòng
teng trên cái võng treo giữa mấy cành cây trong vườn, mà ngâm nga, câu thơ bay
trong gió, đi theo tôi mãi đến bây giờ:
Giờ nao nức của một thời trẻ
dại!
Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa
gương!
Những chàng trai mười lăm tuổi vào
trường,
Rương nhỏ nhỏ với linh hồn bằng
ngọc...
Sắp hạnh phúc như chương trình lớp
học,
Buổi chiều đầu họ tìm bạn kết duyên;
Trong sân trường tưởng dạo giữa Đào
viên;
Quần áo trắng đẹp như lòng mới
mẻ.
Chân non dại ngập ngừng từng bước
nhẹ
Tim run run trăm tình cảm rụt rè
Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng
nghe
Lòng mới mở giữa tay đời ấm áp.
(Huy Cận)
Nào, bây giờ, xin mời bạn cùng “Rớt
Xuống Tuổi Thơ, Tôi.”
Trần Yên Hòa