Nguyễn Ngọc Hoa
C o n M o i E m
Trường làng tôi chỉ có một phòng, học sinh toàn
là con trai ngồi chung và học cùng thầy.
Thầy dạy từ lớp năm là
lớp tôi với thằng Gái vào học
cho đến lớp ba.Trái hẳn với lời
dọa dẫm của anh tôi, thầy trẻ và hiền, chỉ la mắng mấy thằng nhác học. Đi học sao mà dễ òm; từ học vần, tập viết, tập đọc, học thuộc lòng,
cho đến làm toán cọng trừ nhân chia, tôi học một lần là lên trả bài
cho thầy và được phép ôm lồng gà ra sân chơi.
Mỗi chiều ông nội đến đón chúng tôi ở cổng
trường, anh tôi méc là
bị tụi lớn bắt nạt rồi làm nũng bắt nội cõng về. Trái lại, mấy đứa bạn tôi, có đứa lớn
hơn anh vài tuổi, làm ngựa cho tôi cuỡi và mang tặng tôi đủ thứ đồ
chơi mà bù lại tôi chỉ cần chỉ bài để tụi hắn
được thầy cho ra chơi.Tôi mang
về khi thì cái ná bắn chim, khi
thì con diều tre mới phất, khi
thì cái lồng chim, nhưng món quà tôi đắc ý nhất là cái ống bóc. Tương tự như cái bơm nhỏ, ống bóc làm bằng hóp là thứ tre nhỏ và thẳng, một
đầu có cây thụt ra vào để ép hơi và đầu kia được nén chặt bằng
“đạn” làm bằng khoai lang sống nhai mịn.
Khi “bắn” cục đạn khoai, hơi ép thoát ra nghe thành tiếng “bóc.”
Vườn nhà nội rất rộng, trồng đủ thứ rau quả như
cà rốt, su lơ, bắp sú, v.v. Hàng
ngày mẹ thuê năm sáu chị người làm cắt hái gánh ra chợ bán. Các chị độ 13, 14 tuổi nói cười ríu rít và trêu chọc thằng Gái bằng
câu hát “Cô Bảy cô Tám hai cô anh
ưng cô nào?” nhại theo
một bài nhạc thịnh hành. Thằng Gái ốt dột (mắc cỡ) vùng vằng chạy đi.
Trước khi trẩy gánh, các chị không quên dúi cho tôi gói kẹo cau hoặc mấy cục đường phèn.
Nhà nội tôi giàu có nhưng ăn uống tằn tiện
không kém ai trong làng. Mùa bắp sú, các lá già hư được tách ra
giữ lại để nhà ăn, phầnxanh non bên trong thì đem bán. Khi món bắp sú luộc chấm nước kho xuất
hiện trên mâm cơm chiều, anh tôi càm
ràm suốt bữa. Anh than
vãn về món cá long hội (tức là lôi họng,
ý nói cá lắm xương) kho mặn chằng và cay xé họng.
Tôi biết thân im thin thít, xem chừng hôm nào cơm không ngon là chạy tót lên
nhà bà ngoại. Buổi chiều ở chợ
về, ngoại dành sẵn cho tôi đủ thứ quà bánh, ăn không xuể.
Rồi mẹ sinh thêm thằng Sang. Tên thằng bé là Sang nhưng nội bắt gọi
là thằng Sáng để khỏi trùng tên với một người ở làng bên. Mẹ vừa quán xuyến nhà cửa ruộng vườn của
nội vừa lo việc buôn bán làm ăn cùa mẹ nên không mấy khi mẹ có thì giờ cho ba anh
em tôi. Thằng Gái
ngày đêm quấn quít bên nội, thằng Sáng thì giao cho chị vú, và
tôi theo chân anh Đồng làm các việc trong nhà, sau vườn.
Thuở sinh tiền, bà nội ghét bỏ anh Đồng nên không
ai dám cho anh thuê ruộng. Anh làm
các việc nặng như bửa củi, đào hố, đốn cây, đào giếng, sửa nhà
cửa, v.v. để sống qua ngày. Hàng
ngày anh đến nhà đợi ông nội sai khiến.
Thỉnh thoảng, thằng Gái cười hề hề chỉ mặt anh lập lại câu nội thường
nói, “Dòng họ Nguyễn có hai thằng sợ vợ là Nguyễn Đồng và Nguyễn
Đá.” Anh vờ như không nghe thấy. Anh Đá là em ruột của anh Đồng, đi lính
đâu trong Nam Kỳ.
Nội quên là ông cũng là một tay... nể vợ có
tiếng – ngoại trừ trong giai thoại mà (khi không có mặt bà nội) ông vung tay múa
ngón khoe khoang. Ngày
còn trẻ ông ham mê cờ bạc nhưng vì sợ bà nên cho người cất chòi đánh
bạc trên độông (đụn) cát ngoài Bàu
Tró, một vũng lớn nước trong nhìn thấy cát dưới đáy. Bà nội biết được tức tốc kêu người
hộ tống ra Bàu
Tró bắt bạc. Lúc bà xuất
hiện, canh bạc đang tới hồi gay cấn.
Không ngoảnh mặt, ông ném một nắm tiền cho đám lâu la, “Tụi bây mô, trói con mụ nớ đem quăng
xuống bàu cho tau.” Mấy tên đầu trâu mặt ngựa sấn tới, bà hết
hồn chạy trối chết.
Sau vườn nhà nội là nhà cậu Thăng, em họ xa cùa mẹ; đêm đêm tiếng than khóc văng vẳng
vọng ra. Chị vú nói
con Moi em điên điên khùng
khùng, nói ba láp ba xàm và xé tan
quần áo nên bị cậu xiềng lại nhốt trong chuồng
bò. Chị thì thầm kể con Moi em từng bỏ nhà theo trai, cậu
tìm bắt về đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Cậu còn bị làng phạt vì có con chửa
hoang.
Chiều ba mươi Tết nội lăng xăng sửa soạn cúng đón ông bà, thằng Gái không có chuyện làm bèn
rủ đi coi mụ điên
xiên cái l.. méo miệng. Biết là điều cấm kỵ nhưng
thằng Gái bày đầu thì
không sợ bị đòn nên tôi chạy theo. Hai anh em
mon men nấp sau bụi rào thưa thì nghe tiếng đàn bà la lên, “Ai rứa? Dòm chi
đó? Qua đây coi...” Anh tôi hoảng hốt chạy ù đi. Nỗi lo sợ của tôi tan biến khi tôi lại
gần thấy
con Moi Em trần truồng dơ bẩn, tóc
rối bù bê bết bùn, đôi mắt điên dại nhưng khuôn mặt thanh tú như mẹ.
Tôi về nhà đúng lúc nội cho thằng Gái đi tìm về lễ ông bà. Chắp tay vái lạy trước bàn thờ,
tôi chợt nảy ra một ý kiến. Tôi xuống bếp tìm
một tấm mo cau mà mẹ dùng bới cơm mang theo khi đi chợ xa rồi trở lại nhà trên giả vờ học
bài. Nhân lúc nội xuống nhà ngang lấy nước châm trà, tôi bước
tới bệ thờ với tay lên đĩa bánh tét. Bệ thờ cao quá, nhón
gót hết
sức tôi chỉ
chạm mép đĩa. Tôi dùng bàn tay khều
mạnh khiến chiếc dĩa rơi xuống vỡ tan. Tôi vội vàng
vơ hai lát bánh tét lăn lóc trên sàn, gói trong tấm mo cau rồi chạy
như bay sang chuồng bò dí vào tay con
Moi em.
Sau khi ra giếng rửa chân, tôi lảng vảng sau hè nghe ngóng động tĩnh. Mẹ đang rầy anh Đồng và chị vú không
canh chừng để mèo tha bánh tét làm vỡ chiếc đĩa gia bảo của nội. Nội can, “Bay đừng la tụi nớ mà
tội.
Năm cùng tháng tận được ông bà về hưởng rứa là nhà mình có phước lắm.” Rồi
ông nói lớn như để tôi nghe, “Mà không phải mèo tha mô, con chuột đó.” Thằng Bé tuổi Tý.
Nguyễn Ngọc Hoa