Saturday, July 5, 2014

847. NGUYỄN ÂU HỒNG Tạp bút VŨNG TRÂU NẰM



Ảnh PCH -  July 2014





Trâu nằm ngoài biển, khá thương
Sóng vùi, gió dập dội nương tư bề
(Vè Các Lái)


Như vậy, theo miêu tả của giới thương hồ ghe bầu [1] trong “Vè Các Lái” thì tất cả các mô đá, khối đá trong Vũng Trâu Nằm, dù ở hướng nào cũng đều bị sóng vùi gió dập và bị dội nương tư bề. Thật đáng thương!

Vũng trâu nằm (trâu dầm) là những vũng nước cạn nhiều sình, được dùng để dầm trâu khi nắng nóng thì làng xã nào ở Việt Nam có nhiều trâu đều có. (Những chỗ có nước trong, đáy ít sình, nông dân vừa cho trâu uống nước vừa cho trâu dầm nước, không gọi là vũng mà gọi là bến: bến trâu). Nhưng dù là vũng hay bến đều chứa nước ngọt và nằm ven bờ đất, không nằm ngoài biển.

Vũng Trâu Nằm trong bài viết này không phải là một vũng nước thông thường mà là một địa danh như Vũng Rô, Vũng Tàu…

Vũng Trâu Nằm nằm chính đông bên ngoài vịnh Vân Phong gần làng Bãi Giếng [2] xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa; ở vị trí cực đông bán đảo Hòn Gốm – Khải Lương, cách Mũi Gành – Hòn Nhọn trên 100 m. Theo giới các lái ghe bầu thì Vũng Trâu Nằm ở quãng giữa Mũi Cỏ tỉnh Khánh Hòa và Mũi Én tỉnh Phú Yên, trên đường biển từ nam ra bắc, một đoạn hải hành đầy hiểm nguy:

Cây Sung – Mũi Cỏ đà qua
Bến đò Cồn Cạn [3] người ta tiếng đồn
Đi lên một quãng xa xăm
Gần tới Bãi Giếng hỏi thăm Trâu Nằm
Trâu nằm ngoài biển, khá thương
Sóng vùi, gió dập dội nương tư bề
Ngó lên, toàn cõi sơn khê
Đường ra Mũi Én trăm bề gian nguy…

Đó là đường hải hành từ nam ra – Bắt từ Gia Định kể ra, còn từ ngoài bắc vào – Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô [4], thì trước khi đến Vũng Trâu Nằm phải qua bãi Cát Thắm, một bãi cát hướng mặt ra biển khơi ở vị trí phía bắc Hòn Nhọn, hòn núi cao nhất bán đảo – cao 390 m. Ngoài đường cong tuyệt mỹ của thiên nhiên, bãi biển dài hơn 5 km này còn có màu cát như tên gọi: vàng sẫm và vô cùng thắm thiết. Do không có sông lớn hay dòng hải lưu nào chảy qua nên nước biển luôn xanh màu ngọc bích; nước màu ngọc này vỗ nhẹ lên bãi cát vàng thắm hình trăng liềm, tạo nên một cảnh quan kỳ diệu với sức quyến rũ đầy mê đắm …

Tương truyền rằng:

Thời Chúa Nguyễn mới mở cõi vào Đàng Trong, chưa mở được đường xuyên sơn qua Đèo Cả nên toàn bộ trâu bò (mà trâu là chính vì đất vỡ hoang cần sức mạnh của trâu hơn bò), nông cụ, hạt giống… đều vận chuyển bằng đường biển. Trâu được vận chuyển vào Nam trên các bè mảng dùng cả buồm lẫn chèo tay. Trong một chuyến hải hành, một phần do thiếu từng trải, một phần do vẻ đẹp mê hồn của bãi Cát Thắm nhìn từ biển thu hút, khiến tài công (các lái) lơ đễnh đã để bè mảng đâm vào đá ngầm. Lúc đầu đàn trâu chỉ có năm mười con, càng về sau số lượng trâu lâm nạn càng tăng, lên đến hàng chục con. Những con trâu to lớn, lưng đen trùi trũi bị “sóng vùi, gió dập”; những con trâu đứng cao hơn vẫn bị “dội nương tư bề”, thật đáng thương. (Đâu cần giải thích là những hòn đá, mỏm đá có hình dáng giống một đàn trâu đang dầm nước, phải không?).

Nhắc tới chuyện các đàn trâu lâm nạn thời mới mở cõi vào Đàng Trong, tôi chợt nhớ đến một ý văn của Lê Lạc Giao: Tổ tiên chúng tôi đã bước một bước dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau; để rồi chúng tôi từ Mũi Cà Mau bị đẩy ra biển, trôi dạt khắp năm châu. Sống nơi xứ người lòng chúng tôi vẫn đau đáu hướng về tổ quốc, đến khi nhận biết mình bị quê hương ruồng bỏ thì tóc đã bạc trắng [5].

Đâu phải chỉ có “trâu nằm ngoài biển, khá thương” khi những lưu dân theo Chúa Nguyễn mở cõi vào Nam tìm sự sống, mà những người bị vùi thây dưới đáy biển (cũng đi tìm sự sống – mấy thế kỷ sau), tất thảy đều đáng thương như nhau. Còn lại những kẻ sống sót bị quê hương ruồng bỏ, những “linh hồn đang vất vưởng lang thang trên quả địa cầu” [5], có được ai thương xót không?

Nguyễn Âu Hồng

______________
[1] Ghe Bàu (Prau tiếng Chăm) loại ghe nhọn hai đầu, bụng bầu phình ra. Trong bài này chúng tôi viết “ghe bầu” cho phù hợp với bụng bầu.

[2] Làng Bãi Giếng nằm phía bắc hướng mặt ra cửa biển Cổ Cò vào cảng Đầm Môn, cận đông bán đảo Hòn Gốm (Khải Lương) là nơi được ánh mặt trời rọi sáng đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương.

[3] Bến đò Cồn Cạn ngày nay thuộc làng Rớ – Hòn Khói huyện Ninh Hòa.

[4] Vè Các Lái: Một bài vè dài trên 200 câu như một cẩm nang đi biển, miêu tả hải trình từ Huế vào, và từ Gia Định ra; nêu đầy đủ các địa danh từ mũi đá ven biển đến núi non, hải đảo, đá ngầm, luồng lạch, phố thị, hải cảng… lưu ý những vùng hiểm nguy thường gây tai nạn. Tác giả bài viết ghi lại theo lời kể của ông Ba Ban ở Đầm Báy và ông Bảy Thành ở Bích Đầm, Hòn Lớn – Nha Trang.

[5] Trong Một Thời Điêu Linh, trang 54, tập truyện của Lê Lạc Giao, Triết Văn xuất bản – Hoa Kỳ 2013.