Saturday, June 7, 2014

800. Thơ ĐINH CƯỜNG Đọc Linda Lê nhớ Nguyễn Xuân Hoàng


ĐINH CƯỜNG
Đọc Linda Lê nhớ Nguyễn Xuân Hoàng
 

Sắp tới Father’s Day. thử đọc lại truyện
của Linda Lê. tiểu thuyết bộ ba
viết về cái chết của cha. với cơn
điên rồ hệ quả sau cùng đối với
người nữ kể chuyện Les trois Parques
trong đó tôi đọc được hai tập dịch
thật hay Voix – Tiếng nói, Nguyễn Đăng
Thường dịch, Đinh Linh giới thiệu,
Nguyễn Xuân Hoàng viết lời bạt [1]

Linda Lê có mái tóc dài, trán cao, đôi mắt to,
môi gợi cảm, nhưng toàn thể khuôn mặt toát ra
một sự lạnh lẽo hoài nghi
Thế giới Linda Lê là thế giới độc thoại
cách viết như thôi miên kỳ diệu và quái đản

nhưng bắt gặp ở đó là lòng thương cha tột cùng
khi ông bố bị bỏ rơi lại Việt Nam. không còn
dịp nhìn lại cô con gái. khi đã trở thành một
nhà văn trẻ xuất sắc nhất của văn chương
đương đại Pháp. tác giả của tám cuốn tiểu thuyết ,
hai tập truyện ngắn và một tập tiểu luận…

vẫn trưa vẽ mệt vào nằm trên chiếc sofa
quen thuộc. đọc lại vài trang trong Tiếng nói
vài trang trong Thư chết [2]
những đoạn viết về cha đầy nghệ thuật, ngôn từ
ngang ngửa Thomas Bernhard hay Stig Dagerman [3]

gọi là Thư chết bởi thư gởi tới người quá cố,
cũng chính vì thế mà không bao giờ đến được tay người nhận,
dù cho từ ngòi bút của Linda Lê đã chảy ra
thứ mực nhuốm màu day dứt, tiếc nuối, dù cho từ đáy tim
đứa con lưu lạc ấy đã nhỏ ra những giọt nước mắt khô cằn
thay cho một lời tạ lỗi muộn màng [4]

hai tập sách dịch mỏng chừng trăm trang
mà bắt gặp ở đó sự tài hoa hiếm có của một nhà văn
với tôi nghệ thuật phải là vậy. là câu thần chú nghiêm khắc [5]

Virginia, June 7, 2014 
Đinh Cường

[1] Linda Lê – Tiếng nói ( Voix – nhà xb Christian Bourgois 1998 ) Nguyễn Đăng Thường dịch - Văn xuất bản 2005
[2] Linda Lê – Thư chết ( Lettre Morte – nhà xb Christian Bourgois 1999 ) Bùi Thu Thủy dịch - nhà xb Văn Học 2014
[3] Baptiste Liger, tạp chí Lire
[4] trích lời giới thiệu bìa sau Thư chết
[5] trong câu trả lỏi phỏng vấn Linda Lê do Catherine Argand thực hiện cho báo Lire, số tháng 4 -1999

Linda Lê sinh ngày 3 tháng 7 năm 1963 tại ĐàLạt, 6 tuổi về SàiGòn, 14 tuổi bốn chị em cùng mẹ qua Pháp “bỏ mặc” ông bố là một kỹ sư ở lại Việt Nam. Ông mất năm 1995 khôngcó dịp nhìn lại cô con gái.


 
Linda Lê

Bìa Tiếng nói


 
Bìa Thư chết


Bửu Ý- Linda Lê
Huế 2013 (tư liệu DC)


 
Nguyễn Xuân Hoàng, để nhớ Đàlạt 70
đinhcường, Starbucks June 7, 2014