MANG VIÊN LONG
Những vở kịch đời
được đưa vào trang viết của Lữ Kiều
Vào thập niên 60 -70 của thế kỷ trước, những người viết trẻ đi vào văn học thường vẫn chọn thơ hay truyện làm thể loại sáng tác chính, bởi hai lãnh vực nầy ít đòi hỏi “kỹ thuật” chuyên môn, dễ phổ biến hơn là viết kịch. Tuy vậy, cây bút Lữ Kiều đã sớm chọn cho mình con đường gian khó bằng vở kịch đầu tiên là “Bọn Họ Bốn Người” (1964), và “Kẻ Phá Cầu” tiếp theo viết vào năm 1969; được giới thiệu ngay trên tạp chí Ý Thức số 01 vào năm 1970 (ngày 01 tháng 10 năm 1970).
Thời điểm ấy, Kẻ Phá Cầu là “vở bi kịch” đầu tiên đã đề cập đến “một màn/một cảnh” của biến cố Mậu Thân 1968 một cách sâu sắc, trung thực, hàm súc bao điều mà hầu hết giới trẻ đang trăn trở! Có thể nói đây là “vở kịch” tiêu biểu của muôn ngàn vở kịch đã và đang “diễn ra” trong cuộc chiến bi thảm. lặng thầm và khốc liệt, mà tất cả đang phải gánh chịu!
Thái độ phản kháng cuộc chiến tương tàn dai dẳng ngày càng hủy hoại đất nước, con người, và niềm khát khao yêu thương, hòa bình cao độ của những người trí thức trẻ Miền Nam mà tác giả là một người đại diện; đã tạo được nhiều ấn tượng sâu đậm, mới mẻ, một thời lôi cuốn người đọc hết sức quan tâm; qua cách “dựng kịch” tưởng rất đơn giản, mà vô cùng vi tế, sâu khuất, gợi cảm, và gần gũi với đời sống… Niềm mơ ước đến sự yên bình hạnh phúc cho đời sống muôn nhà, đến Hòa bình cho đất nước, đã luôn là mạch nguồn “làm tươi mát” nỗi bi tráng của bao thảm cảnh bao trùm quanh thôn làng, phố thị, mà chỉ “một màn/một cảnh” của một đêm “phá cầu” đã được tác giả ghi lại thật sôi động: “Miên ạ, một mai, khi hòa bình, đời sống sẽ khác. Chúng ta sẽ gặp lại những người thân, sẽ trở về làng cũ, chị sẽ đưa Miên đi…” - “ Chị vẫn bền lòng hy vọng ư? Dù sao, chúng ta cũng không được già cỗi để chờ ngày hòa bình trở lại (…)”