Tuesday, January 14, 2014

508. PHAN TẤN HẢI Huỳnh Hữu Ủy in sách mới: “Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa”



PHAN TẤN HẢI
Huỳnh Hữu Ủy in sách mới:
“Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa”


Có thể rằng bạn đã đi du lịch nhiều nơi tại Việt Nam, đã nhìn ngắm các hình ảnh, tranh tượng ở nhiều đình chùa và bảo tàng tại quê nhà, đã từng nhìn ngắm tranh dân gian, tranh Đông Hồ, tranh thờ, tranh Tết… nhưng không mấy ai phân biệt được những chi tiết dị biệt và do vậy cũng không mấy ai nhận ra các hướng đi hay các thử nghiệm của nghệ thuật qua các thời đại – thí dụ, tranh tượng về con rồng thời Lý, thời Trần, khác thế nào với hình ảnh con rồng thời Lê, thời Nguyễn…

Hay nếu đi ngược xa hơn, có thể bạn đã từng về hình ảnh con rồng thời Cha Rồng Mẹ Tiên trong huyền sử dân Việt…

Những dị biệt mỹ thuật đó y hệt như mê hồn trận. Làm sao dò ra được hướng đi của những tâm hồn nghệ sĩ trong dòng sống dân tộc Việt qua nghệ thuật?

Nhà biên khảo Huỳnh Hữu Ủy đã nỗ lực viết sách về dòng sống mỹ thuật đó, và đã trình bày cho chúng ta hiểu được, một phần lớn (với tôi, là phần rất lớn), qua tập biên khảo “Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa” mới xuất bản tuần trước – như thế, cuốn biên khảo dày 418 trang này đã có một vị trí rất mực độc đáo, không chỉ cho chúng ta phân biệt được các dòng tranh và tượng truyền thống tại VN qua các thời đại, nhưng cũng cho chúng ta dò tìm được những mảng hồn dân tộc Việt.

Đó là một kỳ tích của tác giả Huỳnh Hữu Ủy vậy. Nơi đây, sự thật là: bản thân tôi (một người vốn đã say mê tìm hiểu và đã đọc nhiều về văn học nghệ thuật) khi đọc cuốn này đã học thêm được về mỹ thuật truyền thống VN nhiều hơn là mình mong đợi.

Sự xuất hiện của họ Huỳnh không bất ngờ, vì ông đã có một số tác phẩm đã in trước đây. Trong đó, tác phẩm biên khảo tựa đề “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” (do VAALA xuất bản năm 2008) đã trở thành một kinh điển đối với nhiều người tìm hiểu về nghệ thuật VN – trong đó, các bài viết của Huỳnh Hữu Ủy tuy có một số nhận xét có thể dẫn tới tranh luận, nhưng các sử liệu ông đưa ra đã cho chúng ta một sợi chỉ đỏ để dò ra mối dây lịch sử của dòng chảy nghệ thuật hiện đại VN.

Những nghiên cứu của Huỳnh Hữu Ủy thực ra không thuần túy là sách vở. Nếu chúng ta đọc, chúng ta có thể nghĩ rằng tác giả họ Huỳnh là nhà nghiên cứu ưa bay bổng trên mây. Thực tế, ông còn là một nhà sưu tầm các tập brochure (vựng tập, hay tập tài liệu giới thiệu) hiếm về rất nhiều cuộc triển lãm từ trước 1975 tại VN.


Nhà biên khảo Huỳnh Hữu Ủy
Tranh sơn dầu của Lương Văn Tỷ (2011)

Phải say mê nghệ thuật lắm, mới sống và viết được như Huỳnh Hữu Ủy.

Tôi đã từng quan sát Huỳnh Hữu Ủy trong một số cuộc triển lãm tranh tại Quận Cam, nơi đó tất cả, hay hầu hết, các họa sĩ đều là bạn của ông, trong đó có những người ông thân thiết từ VN trước 1975. Những buổi tiếp tân khai mạc phòng tranh thường có rượu, có nhạc, có diễn văn… nhưng Huỳnh Hữu Ủy thường lặng lẽ đi tới đứng trước từng tấm tranh, nhìn lặng lẽ, khuôn mặt đăm chiêu và rực sáng. Như dường, khi đứng nhìn tranh hay nhìn tượng, Huỳnh Hữu Ủy đã biến thành đá tảng và rồi từ đá tảng biến trở lại thành người xem tranh. Như thế, họ Huỳnh như dường đứng nhập thiền trước các tấm tranh. Và rồi họ Huỳnh bước sang nhìn tấm tranh kế bên, cứ như thế. Tôi đã thấy như thế, nếu nhớ không nhầm là trong 2 cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Rừng; một cuộc triển lãm khi Rừng thử nghiệm họa pháp Bát Quái với các tảng màu đơn giản trắng, đen, đỏ… và vài năm sau, Rừng thử nghiệm họa pháp khác với tranh vẽ về phụ nữ cây lá đa sắc như rừng già…


Từ trái: Nhà biên khảo Huỳnh Hữu Ủy và họa sĩ Lương Văn Tỷ
trước tòa soạn Việt Báo trong tuần đầu năm. (Photo PTH)

Huỳnh Hữu Ủy lặng lẽ, nhưng rồi nhiều tháng sau, hay có khi cả năm sau, chúng ta bắt gặp một bài viết của Huỳnh Hữu Ủy phân tích tinh tế về những dòng tranh cả mới lẫn cũ, có khi ông cũng không nhắc gì tới họa sĩ ta hay tây… và rồi chúng ta lại nhớ mơ hồ rằng những giây phút trầm ngâm của họ Huỳnh trước các tảng màu sắc thực sự đã vang lên thành tiếng nói trong ông.

Những gì Huỳnh Hữu Ủy viết đều có sức mạnh như thế, như các dây ngòi nổ để cháy ngún cả năm hay cả nhiều năm sau mới vang lên thành tiếng.

Trong tác phẩm biên khảo “Mỹ Thuật Việt Nam Ngày Xưa” gồm nhiều bài viết, nhiều tranh ảnh. Mỗi bài viết là một công trình nghiên cứu công phu.

Đó không phải là loại bài viết có tính khẩn cấp để làm đầy các trang nhật báo và rồi 24 giờ sau là bị quên lãng. Huỳnh Hữu Ủy chưa từng viết dễ dãi; đối với ông, mỗi bài viết là những trầm ngâm, là những lặng lẽ nhiều tuần, nhiều tháng.

Như bài “Hành Trình của Con Rồng Qua Văn Hóa và Mỹ Thuật Việt Nam” ở trang 19-53, Huỳnh Hữu Ủy dẫn từ hình tượng sơ thời, “…từ con cá sấu Việt cổ, con Khú Mường, con Cù dân gian Việt đến con Rồng truyềnt hống, thì con đường biến hóa đã trải qua hàng ngàn năm. Khởi từ con cá sấu nguyên mẫu của vật tổ Rồng, bố Rồng, vua Rồng Lạc, con Rồng đã chuyển hóa để trở thành hình tượng Rồng tượng trưng quyền uy tối thượng của vua chúa các thời đại phong kiến, bên cạnh con Rồng dân gian của đình chùa miếu vũ và trong sinh hoạt thường ngày của nhân dân…”(trang 36).

Những nghiên cứu này của Huỳnh Hữu Ủy cũng có thể dẫn độc giả tới những bất ngờ khác. Thí dụ, tôi bất ngờ có thêm một kiến thức mới: lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức phù điêu có ghi chú “H.112. Quan viên cợt nhã các thiếu nữ đang tắm trần nơi ao sen mùa hè. Đền Đệ Tam, Nam Hà, thế kỷ XVII. Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.” (trang 252)

Hình gì nơi phù điêu này? Đó là hình 3 thiếu nữ đang tắm truồng – trong đó 2 cô đang xõa tóc dài và rửa tóc nơi ao sen, thiếu nữ thứ ba (gọi lịch sự là tắm trần) đang cầm lá sen lớn che “nơi nhạy cảm” vì bên cạnh cô là một người đàn ông mặc trang phục nhà quan đưa tay níu kéo cô này… Không ngờ ông bà mình làm nghệ thuật rất mực gợi tình như thế. Thay vì lấy 2 tay bụm lại khoảng đen nhạy cảm trên cơ thể trắng muốt, thiếu nữ trong mỹ thuật của ông bà mình đã cầm lá sen che lại… Phải chăng đây cũng là biểu tượng dân tộc?

Và nhiều, nhiều nữa. Mỗi bài viết của Huỳnh Hữu Ủy là trình bày những cái nhìn lặng lẽ nhưng hóm hỉnh, tuy ít lời nhưng gợi ra nhiều suy nghĩ…

Nơi Lời Đầu Sách, Huỳnh Hữu Ủy viết, trích:

“…Mỹ thuật Việt Nam sẽ dễ nhận ra được ngay qua các chặng đường, từ thời sơ sử, thời đồ đá, thời kim khí, rất đặc sắc với mỹ thuật Đông Sơn. Rồi sau đêm dài tăm tối dày đặc của thời Bắc thuộc, nước nhà rạng rỡ bước vào kỷ nguyên độc lập với mỹ thuật Lý-Trần. Bước đi tiếp của mỹ thuật những triều đại phong kiến là mỹ thuật Lê-Nguyễn. Rồi bước qua thời mỹ thuật hiện đại, là một bước nhảy vọt gần như cắt đứt hẳn với nghệ thuật truyền thống, để chuyển qua một nền nghệ thuật hoàn toàn mới với sự tiếp thu kỹ thuật và cách nhìn từ phương Tây, với sự hình thành của Trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội từ năm 1924…”(hết trích)

Tác phẩm biên khảo này cần thiết cho tất cả những người quan tâm về mỹ thuật Việt Nam.

Phan Tấn Hải
Nguồn: Sáng Tạo 



Sách dày 416 trang  Giá 25 dollars
Nhà xuất bản VĂN MỚI, California - 2013
Trình bày: Nguyễn Đồng & Nguyễn Thị Hợp
Đánh máy: Huỳnh Mỹ Nhung 

Đây là cuốn sách thuộc loại quí hiếm được viết bởi một tác giả nổi tiếng  là người nghiêm túc trong nghiên cứu, chính xác trong ngôn ngữ. Blog Phạm Cao Hoàng trân trọng giới thiệu và rất mong bạn đọc quan tâm đến những công trình như thế này nhằm bảo tồn văn hóa Việt Nam.

Các bạn có thể order sách tại:

NHÀ XUẤT BẢN VĂN MỚI
P.O. Box 287
Gardena, 90248

Điện thoại: (310)366-6867
Fax: (310)366-6967


5 0 8