Monday, November 11, 2013

423. PHẠM VĂN NHÀN Truyện ngắn Tiếng leng keng của chiếc chuông đồng


PHẠM VĂN NHÀN
Tiếng leng keng của chiếc chuông đồng


Tặng Trần Hoài Thư

Anh ngồi xuống cầm một vỏ đạn trong nhiều vỏ đạn mà lũ nhỏ trong xóm đựng trong cái nón lát. Anh xem cẩn thận từng vỏ đạn, lật đít xem hạt nổ đã nổ chưa. Một đỗi, anh hỏi mấy đứa trẻ:
- Tụi mày nhặt ở đâu những thứ này?

Mấy đứa nhỏ như không muốn nói, nhìn nhau. Một đỗi, anh hù tụi nhỏ:
- Nếu đứa nào không nói thì tao báo công an hay mang đi chỗ khác. Tao không mua.

Đứa này nhìn đứa kia, anh dọa thêm:
- Không nói tao kêu công an tới bắt.

Tụi nhỏ sợ chỉ chỗ nhặt những vỏ đạn này. Anh cười:
- Tao nói như vậy thôi, chứ kêu công an làm gì. Nhưng có điều tụi mày đừng lên trên ngọn đồi đó nữa. Coi chừng có mìn chết uổng mạng đó.

Lũ trẻ le lưỡi như sợ. Nhưng rồi tụi nó nói:
- Nhưng nếu có nữa, bác mua không?
- Tụi mày bán những vỏ đạn này để làm gì?
- Chờ ông bán cà rem lên, tụi con mua ăn.

Anh cười với lũ nhỏ:
- Ừ tao mua cho. Nhưng lần sau có lên trên đó dẫn tao đi với. 

Mấy đứa nhỏ nghe anh nói, cùng cười và có vẻ gần với anh hơn. Có đứa còn hỏi: bác không gọi công an chứ? Anh kí đầu thằng bé. Trời về trưa, nắng như muốn đổ thêm lửa xuống cái làng khô cằn, nứt nẻ, chỉ có một lượng mưa ít ỏi trong mùa. Đất ruộng khô, những gốc rạ vàng trông thật buồn bã. Làng chẳng có một chút sinh khí nào. Lũ nhỏ ngoài những ngày tới trường học chữ nghĩa, ngày nghỉ cũng chẳng biết làm gì hơn là đi lùng, tìm kiếm, lục lạo những thứ mà không ai thèm để ý tới, như cái lon đồ hộp gỉ sắt, như sợi dây dù còn sót lại trong đất trên những ngọn đồi mà ngày xưa, khi còn chiến tranh, nơi đó là nơi đóng quân của lính.

Anh biết những ngọn đồi đó, quê anh mà chỗ nào anh chẳng biết, nhưng chẳng khi nào anh lên trên những ngọn đồi ấy. Anh muốn quên nó đi, quên tất cả, quên đi như ngày anh cùng với những người bạn vứt bỏ những gì mà anh cho là quen thuộc trên người khi tới Ba Ngòi.  Mười năm đi đó đi đây, những chiến trường lớn, nhỏ anh đều tham dự, nghĩ là sẽ không bao giờ còn sống dưới lằn đạn của đối phương để đến ngày phải trút bỏ trên người những thứ mà anh đã mặc mười năm. Nỗi nhục nhã ấy anh cũng không muốn nghĩ tới huống hồ lên trên những ngọn đồi mà có cái lô cốt cao nghệu kia. Sao người ta không đập phá nó đi, biến ngọn đồi thành một nơi có sức sống của cây xanh, hay cây mì, cây bắp. Hay người ta muốn để đó để cho người dân trong làng thấy hình ảnh của chiến tranh qua biểu tưởng cái lô cốt thời Tây để lại. Anh chịu!

Nhưng hôm nay, lũ trẻ lại đem đến cho anh những vỏ đạn đủ loại để bán. Chiến tranh qua, nhưng những vỏ đạn này đánh thức anh dậy trong tâm trí của một người muốn quên đi những nỗi đau trong tâm thức anh. Những người bạn của anh còn sống hôm nay, được gì, hay cũng lam lũ kiếm sống qua ngày bằng đủ mọi nghề như anh. Ngày tới thị trấn Ba Ngòi, bạn anh hỏi: tụi mình làm gì bây giờ. Anh trầm ngâm khi nhìn thấy những chiếc xe nhà binh một thời nằm đậu bên đường cùng với những thứ quân dụng khác, những con người thất thơ thất thểu, những bà vợ bế con ngồi bên lề đường mà tâm trí để ở đâu. Tiếc nuối ư, anh nghĩ là không. Vì họ không có gì để mà tiếc nuối. Anh nói với người bạn khi nhớ lại những câu thơ trong bài anh đã học trong bài học thuộc lòng khi học ở trường làng. Lâu quá, anh chỉ còn nhớ hai câu: Văn chương phú lục chẳng hay. Trở về làng cũ học cày cho xong. Vâng, anh đã nói với bạn anh như thế. Và làng cũ đã đón anh.

Làng cũ, anh bỏ đi từ lâu, nay trở về vẫn là cái làng với con trâu đi trước cái cày theo sau.

Học cày, dễ nhưng cuộc sống chung quanh của bà con còn khó khăn quá. Anh quyết định làm lại cái nghề của ông bà anh để lại, mà anh đã biết ít nhiều. Đó là nghề đúc đồng. Một thời nỗi tiếng trong làng xã. Những dự kiến trong tương lai để phục hồi lại cái nghề truyền thống này, nhưng nghĩ cho cùng, đồng đâu có đủ để anh thực hiện những dự án trong đầu. Cho nên, anh nghĩ, anh sẽ đúc lại những khuôn mẫu có sẳn của ông bà để lại, như chân đèn cổ đổng cho người dân dùng. Vật chất dù thiếu thốn, nhưng tâm linh của người dân thì không thiếu. Anh nghĩ như vậy, cho nên anh mới dựng lại cái chòi bên dưới bụi tre. Tấm phản được kê bên cạnh như chỗ ăn nằm của anh trong những giờ mệt mỏi. Hai ống thổi lửa. Cái lò than lúc nào cũng cháy âm ĩ, chờ đợi. Đúc đồng, anh đã nghĩ ra nhiều kiểu dáng rất nghệ thuật. Không như những khuôn đúc có sẳn của cha ông anh. Hẳn phải tạo ra những kiểu dáng hay hơn, đơn giản nhưng phải là đẹp và mang tính nghệ thuật. Nhưng, đồng, nguyên vật liệu khó tìm mua, khi anh vẫn còn nghèo quá. Anh xoay ra làm thợ rèn. Rèn dao, rựa, và lưởi hái cho bà con trong làng, nếu có ai cần đến. Và, những chuyến xe đạp về thành phố để thu mua những phế liệu cũng từ chiến tranh ( vì cuộc sống). Từ cái nhíp xe ô tô bị gẫy, từ một miếng thép bị hỏng, anh thu mua mang về để làm những vật dụng mà người dân cần đến. Cuộc sống rồi cũng đắp đổi qua ngày với hai ống thổi lửa ngày nào cũng phì phò, và những lần quai búa đập vào những thanh sắt, âm thanh của sắt ngày qua ngày như một cái gì đó quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống tẻ nhạt nơi anh đã sinh ra.

Bây giờ, nhìn lại những vỏ đạn của những đứa trẻ trong làng nhặt được gồm đủ loại, nhỏ có, lớn có mà anh quyết phải quên đi những thứ trang bị cho một cuộc chiến mà mười năm anh tham dự. Anh nghĩ, cuộc chiến này không nên nhớ làm gì. Có nhớ chăng là nhớ đến những người bạn trong đời còn sống hay đã chết. Chết thì không nói làm gì. Nhắc lại như để nhớ. Còn những người bạn còn sống, như anh, gian khổ ngày này qua ngày khác trong cuộc sống phải làm để mưu sinh. Như anh, vẫn phải ngồi thổi ống lửa, vẫn phải quai búa, vẫn phải mài lại cái dao cắt chuối, cái liềm gặt lúa cho bà con mà kiếm sống. Bên cạnh đó sản phẩm đúc đồng của anh vẫn còn trong ý nghĩ, chưa thực hiện mà bao lần anh đã nói với người bạn dưới phố của anh, mỗi lần hắn đạp xe bán cà rem đến bán trong làng. Nhưng với anh công việc ngày qua ngày vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi bạn anh với chiếc xe đạp cà tàng vẫn đi đó đi đây với hai cái bình bán cà rem trên xe. Hắn bảo, công việc chẳng mệt nhọc gì, cứ cà tàng lắc chuông đi đến những ngôi làng xa bán cà rem cho lũ trẻ. Không ngờ, trên con đường kiếm sống của bạn anh đã trôi dạt trên chiếc xe đạp cà tàng đến tận làng anh ở. Hai người bạn gặp nhau, chuyện cũ chuyện mới râm ran cả ngày, anh quên thổi lửa, bạn anh quên lắc chuông đồng cho lũ trẻ đến mua cà rem, mà người bạn anh tâm sự tiếng chuông như reo vui cho những đứa trẻ trong làng và cũng reo vui cho chính hắn. Tiếng chuông ấy như tạo thêm sự kích thích chất nước bọt ứa ra từ miệng của những đứa trẻ. Như tiếng nhạc reo vui cho chính hắn đạp xe trên đường dài. Chất lạnh của kem và chất ngọt của đường làm mát những đôi mắt mở to, và đôi môi hồng thêm lên một chút. Anh thấy, cuộc sống của lũ trẻ có thêm chút vui hơn khi nghe tiếng chuông reo lên từ đầu làng.

Hắn bảo với anh, tao đạp xe bán cà rem thế mà thích lắm. Hôm nay tao đến làng này, ngày mai tao qua làng khác. Chứ đi một làng chắc gì bán được. Khi đạp xe, nhìn trời nhìn mây nhìn những đàn chim bay qua trên đầu tao, nhìn những đám mây trắng như bông tao tưởng tượng ra những hình thù ngộ nghĩnh, nào con chó con gà, cùng với những hình thù của những con người quái đản cái miệng mở to ra đớp thức ăn như miệng con cá mập đớp mồi, rồi tao cười vang trên đường đi. Tao hát nghêu ngao một mình. Tự Do ghê gớm. Không gian rộng thoải mái cho đôi chân của tao. Hắn cười rất vui khi nghĩ đến hai chữ tư do ghê gớm ấy. Nhưng, anh hỏi, trời mưa mầy bán không được thì sao, vợ con mấy đói. Hắn lại cười. Vẫn nụ cười thoải mái như ngày nào hai đứa ở bên nhau. Trời sanh voi sanh cỏ. Cái khổ, cái đói tụi mình đã gánh chịu nhiều rồi. Ngày ăn gạo sấy lá giang, uống nước suối. Ngày lang thang trong thành phố với những người bạn mới quen, hắn vẫn cười. Nụ cười của hắn như giải tỏa được tất cả: bán không được tao ăn với những đứa trẻ. Mầy chưa thấy, thích lắm, những con mắt mở to của chúng thật tội nghiệp khi tao cho tụi nó ăn thả dàn. Những con mắt mà tao tin là lũ nhà giàu dưới phố không bao giờ nhìn thấy được. Chỉ có tao thấy và tao cũng mở to đôi mắt của tao để cùng vui với những đứa trẻ ấy. Tội nghiệp lắm. Anh biết hắn nói thật. Cái lòng mở ra của hắn lúc nào cũng thế. Thật với bạn bè. Và, thật với những đứa trẻ con nghèo xơ nghèo xác.

Một lát, có đứa mạnh dạn hỏi anh:
- Bác mua hết những vỏ đạn này bao nhiêu tiền. Có đủ cho tụi cháu ăn cà rem không?

Anh cười trấn an:
- Đủ, nhưng tụi mày phải hứa là không lên trên ngọn đồi ấy nữa. Có hứa thì tao mới mua đủ cho tụi mày ăn mỗi đứa hai cây. Hứa đi.

Những đứa trẻ trố mắt hỏi lại: hai cây cà rem. Anh ừ. Nhìn thấy những con mắt vui rộ lên như người bạn bán cà rem anh đã nói. Nhưng rồi, mấy đứa nhỏ hỏi lại:
- Sao tụi cháu không được lên đó nữa, hả bác?

Anh nhìn đống than trong lò còn âm ỉ, chỉ chờ hai ống thổi lửa thổi lên là phực cháy; như những trái lựu đạn hay trái mìn nào đó nằm dưới lớp đất mấy mươi năm nay, chỉ chực chờ ai đụng tới là phát nổ. Anh nhớ lại tháng trước cái chết của thầy giáo Nhẫn cuối xóm. Anh không trả lời mấy đứa trẻ nhưng anh hỏi:
- Tụi mày còn nhớ cái chết của thầy giáo của tụi mày không?
- Thầy Nhẫn!
- Ừ.
- Thầy chết vì bị mìn phải không bác?
- Không. Vì lựu đạn.
-Tụi cháu không hiểu lựu đạn.

Anh cầm vỏ đạn lên đưa cho lũ trẻ xem và chỉ cho chúng nó thấy hạt bổ phía dưới đít của vỏ đạn. Đấy, nó nổ chết người đấy. Lựu đạn tròn và lớn hơn, to bằng nắm tay cái hạt nổ này nhiều lắm. Tóm lại là thứ nào cũng rất nguy hiểm.

Mấy đứa trẻ ngồi trước mặt anh  nét mặt sợ rõ rệt. Anh bảo: hứa với tao đừng lên trên đồi đấy nữa chứ? Tụi nhỏ nói: hứa, nhưng cháu thích ăn cà rem. Ừ, tao sẽ cho ăn.

Cái chết của thầy giáo Nhẫn để lại cho cả làng nỗi thương tâm vô bờ bến. Chiến tranh đã đi qua bao nhiêu năm, hơn hai mươi năm rồi mà những vật gây chết người đó vẫn còn hiện hữu đâu đây. Từ bụi chuối, hàng cau. Từ con mương dẫn nước. Nơi nào cũng có thể có những thứ nguy hiểm ấy, và cũng có thể nổ bất cứ lúc nào. Buổi sáng, thầy ra vườn đào thêm vài ba cái lỗ để trồng thêm những cây chuối con mà thầy đã tách ra từ cây chuối mẹ. Loại chuối già hương này vừa thơm vừa ngon. Nào ngờ đào tới lỗ chuối thứ ba thì một tiếng nổ vang lên, thầy ngã xuống, ngực thầy đầy những miểng đạn. Người nhà nghe tiếng nổ chạy ra, thầy đã chết bên miệng lỗ chuối mới đào. Chiến tranh đã qua đi hơn hai mươi năm mà bom mìn, lựu đạn vẫn còn. Làm sao lấy hết những thứ quỷ quái ấy ra khỏi những mảnh đất trên quê hương một thời đã nhận biết bao nhiêu đau khổ cùng cái đau của người dân quê. Thầy mất, thế mà lũ trẻ vẫn đi lùng lục những nơi mà ngày xưa là một chiến trường. Sự nguy hiểm như lúc nào cũng chực chờ. Anh cấm tụi nhỏ, anh nói: tụi mày muốn ăn cà rem, tơi đây tao mua cho ăn. Đừng bao giờ tới những chỗ ấy nữa. Chết uổng mạng.

Đang ngồi với những đứa trẻ trong làng. Những vỏ đạn mà chúng tìm được trên ngọn đồi không đủ để cho anh thực hiện một ý nghĩ là tạo dáng cho một công trình nghệ thuật đúc bằng đồng. Anh cho tất cả vào cái bao vải nhỏ, để dành. Trời như càng đổ lửa xuống cái làng quê nhỏ bé của anh. Nắng chói chang bên ngoài. Chỉ có chút bóng mát dưới bóng tre, thì lũ trẻ nghe tiếng chuông len keng từ bên ngoài đường. Lũ trẻ reo vui: tiếng chuông cà rem bác ơi. Anh đứng dậy, đi ra khỏi cái lò rèn, nhìn về con hương lộ. Người bạn thấy anh, giơ tay vẫy chào. Anh ngoắt tay cho người bạn vào. Và lũ trẻ la lên: cà rem! cà rem! Chúng vui một cách lạ lùng. Người bạn anh dựng xe, cười. Lạ, cũng vẫn nụ cười ấy, vui trên những giọt mồ hôi mà hắn đạp xe. Hắn nói:
- Ông cũng ăn cà rem à?
- Mày tưởng tao là gì mà không biết ăn cà rem của mày. Hôm nay tao mua cho lũ trẻ cùng ăn.
- Mua hết nhé, tao khỏi qua làng khác. Hắn vừa nói vừa cười.

Anh nói với lũ trẻ: mỗi đứa ăn hai cây. Có đứa nói: it quá bác ơi, ba cây đi. Anh bảo: còn lần sau nữa. Người bạn anh hỏi:
- Có gì mà vui thế. Cho tao góp vui với.

Anh kể, và đem ra cho người bạn thấy những vỏ đạn mà lũ trẻ kiếm được trên ngọn đồi có cái lô cốt và những vòng kẽm gai gỉ kia. Người bạn nhìn những vỏ đạn, cũng như anh, lật đít những vỏ đạn xem rôi nói: tụi bây đừng đi lượm vỏ đạn nữa, nguy hiểm lắm, chết bỏ mạng đó mấy con. Nếu thích ăn cà rem, tao cho. Nhưng phải chờ tới ba ngày sau, tao mới quay trở lại cái làng này. Có đứa hỏi:
- Sao lâu vậy bác?
- Tao phải qua những làng khác để bán chứ?
- Bác cho tụi cháu ăn mà có lấy tiền không?
- Có chứ, nhưng rẽ hơn. Lấy vốn.
- Tụi cháu đâu có tiền.

Có thằng nói: như vậy tụi cháu phải đi kiếm vỏ đạn để bán cho bác này rồi. Lũ trẻ chỉ anh. Anh kí đầu một đứa. Không đi nữa, để tao mua cho ăn.

Cà rem, cái món ăn hấp dẫn của bọn trẻ con. Có lẽ không chỉ cho đám trẻ con thành phố, mà còn hấp dẫn cho những lũ trẻ con thôn quê nữa. Anh nhìn người bạn ngày nào và nói: tội cho lũ trẻ ở đây. Cái tiếng kêu leng keng của cái chuông đồng của ông đã kích thích hạch nước miếng thèm ăn của bọn chúng rồi. Có điều, tôi với ông làm sao để cho tụi trẻ trong làng tôi đừng đi nhặt ba cái thứ giết người mà chiến tranh để lại. Chết tội lắm như thầy giáo Nhẫn trong làng tôi. Người bạn trầm ngâm. Ừ nhỉ, có lẽ tiếng kêu leng keng của chiếc chuông đồng của tôi, giúp ông làm được việc này. Không vô ích đâu./.

Phạm Văn Nhàn
Amarillo 2009


4 2 3