Friday, August 16, 2013

316. CAO THOẠI CHÂU Tạp bút TIẾNG CÒI XE LỬA THỜI THƠ ẤU


CAO THOẠI CHÂU
Tiếng còi xe lửa thời thơ ấu



Hồi đêm mơ thấy một đoàn xe lửa chạy phăng phăng rú còi liên tục, thức dậy lòng bâng khuâng khôn tả vì khác với xe đó chỉ là phương tiện giao thông thực dụng, xe lửa có một cái gì đó giống như chở xác thân người chở được cả tâm trạng, chính xác là chở được cả một mảnh đời!

Hỏa xa, xe lửa hay xe hỏa là cách gọi một phương tiện chuyên chở mà tôi chỉ có 2 lần được ngồi trên đó ở 2 tâm trạng không giống nhau. Tuy vậy tiếng còi xe lửa là một thứ âm thanh độc đáo có khi ma quái tôi được nghe nhiều trong những năm thơ ấu do nhà tôi cách đường xe lửa vào ga Bến Thành của Sài Gòn không xa. Đêm đêm vẫn nghe tiếng xình xịch trên đường sắt và rồi những hồi còi rú lên mà nghe hoài tôi biết được quy tắc của nó, khi về ga cuối cùng và khi khởi hành ra đi có khác nhau. Phần mình, bên cái khác có tính cơ học ấy của người tài xế, tôi nhận ra chuyến nào chở những cuộc chia ly nhiều thì âm hưởng của còi nghe ủ dột hơn, chuyến nào tàu mang về bến những đoàn tụ nhiều hơn thì nghe là thấy hồi còi như reo vui, mừng rỡ. Hồi ấy tôi nói với bạn bè cảm nhận này và bị chúng nó chửi cho nên thân là đồ lãng mạn giàu trí tưởng tượng!

Thức dậy sớm và không hiểu sao gà sáng nay gáy râm ran trong ngõ hẻm nhà tôi, nó như tranh lấy khoảng thời gian mà con người còn ngủ chưa thể vừa ngủ vừa mở miệng. Nghe gà gáy và liên tưởng tiếng còi xe lửa lòng cũng nôn nao.

Cuối năm 1954, khi người chủ cho bác tôi thuê nhà đòi nhà lại vì gia đình bác tôi đã rời Hà Nội ra Hải Phòng để vào Nam, không chờ được tin tức gia đình nữa tôi một mình đáp xe lửa ra Hải Phòng, thật ra cũng không có ai hẹn hò đợi tôi ngoài đó. Chỉ là đi như một chiếc lá giữa dòng, nước trôi thì lá đi, vậy thôi.

Rời Hà Nội khoảng 9 giờ tối trong cái lạnh cuối năm đã có phần gay gắt, đêm ấy tôi được ngủ trên xe lửa. Trải mấy tờ báo xuống sàn cùng với vài người khác, ngủ. Tuổi còn ham ăn ham ngủ nhưng cảm giác lắc lư chao qua chao lại khi nằm sàn là một cảm giác khó quên, nó như nhắc nhở chuyện tôi đi mà chưa biết đi như thế nào, một tương lai chập chờn không háo hức mà cũng không nhiều băn khoăn. Một dòng nước tự chảy cuốn chiếc lá lờ đờ đi theo! Tiếng còi đêm ấy hú lên nhiều lần, có lúc trẻ trung thon gọn, có lúc phì phà mệt nhọc nhưng có lẽ do trên tàu rất nhiều người trong tâm trạng rời bỏ quê hương nên con tàu có vẻ ì ạch và tiếng còi buồn bã hơn. Tàu tới Hải Phòng khi thành phố còn vàng vọt trong ánh đèn, khách bước xuống ga lô nhô và khẽ nhốn nháo giữa những người đến và người ra đón có một chút hoang mang lo sợ. Ra khỏi ga tôi còn nghe một hồi còi thật dài mà sau này mới thấy hồi còi ấy dài suốt đời mình khi ẩn khi hiện...

Hơn một năm sau, những học sinh di cư không gia đình chúng tôi được tập trung sống trong một khu trại bằng nhà bạt trên nền Khám lớn cũ nằm cạnh dinh Gia Long, sau thành ĐH Văn Khoa và bây giờ là thư viện quốc gia. Khu có nhiều lều, một số giáo viên có nhiệm vụ trông coi chúng tôi, họ có gia đình và được ở riêng một lều, còn đám chúng tôi được dành cho những lều còn lại. Đi hết một cái sân lam nham do nhà tù phá đi mà chưa san lấp bằng phẳng, là những ống nước dài có hàng chục chiếc vòi làm chỗ tắm giặt. Một tối tôi lượm được cái đồng hồ của ai đó bỏ quên, đem nộp cho ban quản trại và được khen là...học sinh lương hữu! Nhờ đó tôi có mặt trong trại hè toàn quốc tại Đà Lạt.

Xe lửa Sài Gòn – Đà Lạt đi ngả Phan Thiết, Tour Chàm và leo dốc mà đi lên. Đêm ấy tôi không ngủ vì cảnh lạ lùng, rờn rợn bóng rừng đêm và cũng bởi cảm giác e ngại lỡ tàu tuột bánh xuống vực sâu. Cói rú liên hồi dù đó là con đường độc đạo chỉ dành cho xe lửa, dường như nó rú còi nhiều là để xua tan nỗi lo sợ nào đó về một tai nạn nếu xảy ra sẽ rất rùng rợn. Đoán được lý do vì sao tàu rú còi nhiều tôi cũng sợ và cứ tự nhủ không lẽ đời mình ngắn ngủi thế sao. Không ngờ cái câu này lại có tác dụng trấn an tôi khá hiệu quả.

1955- 2013, trời đất, đã 58 năm rồi mà những tiếng còi vào các đêm ấy, vào những năm sau đấy như vẫn còn nguyên âm sắc của nó là những tiếng còi có linh hồn. Từng ấy năm qua biết bao nhà ga nhưng ga xe lửa thì không, nhớ lại tôi nhận ra mình không có những chuyến đi dài, đời bị cắt ra làm nhiều mảnh vụn với những chuyến xe đò tủn mủn báo cho biết toàn những thứ tủn mủn thôi! Nhiều vụn vỡ, tủn mụn cộng lại có ra một đường dài? Hình như còi xe lửa hiện đại lí nhí không âm hưởng và lãng mạn như tiếng còi đã gieo vào lòng thời thơ ấu?

Cao Thoại Châu
17.8.2013


 3 1 6