Thursday, June 13, 2013

242. TRƯƠNG VĂN DÂN Paris, ngày trở lại




Trong ảnh: Elena & Trương Văn Dân



Elena nói, khi viếng thăm Tháp Eiffel nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison đã viết vào sổ vàng lưu niệm những lời lẽ thật trân trọng “Xin gửi tới Ngài Gustave Eiffel, Công Trình Sư dũng cảm đã xây dựng nên mô hình khổng lồ và kỳ diệu của công nghệ hiện đại, lòng kính trọng và sự ngưỡng mộ cao nhất của tôi”. Sự trân trọng đó hoàn toàn xứng đáng với một con người không chỉ tạo ra một Tháp Eiffel huyền thoại, mà còn là đồng tác giả của Tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ, và là tác giả của hàng chục công trình sắt thép khổng lồ nổi tiếng khác trên khắp thế giới, trong đó có cầu Long Biên ở Hà nội, cầu Tràng Tiền ở Huế và Nhà Bưu Điện Sai Gòn.
Gustave Eiffel đã kiêu hãnh lấy tên mình để đặt cho ngọn tháp, nhưng về sau ân hận vì chứng kiến đám đông nườm nượp kéo đến chiêm ngưỡng tháp Eiffel. Ông đã phải thốt lên: "Tôi phát ghen, vì nó còn nổi tiếng hơn tôi!": huyền thoại đó đã cản trở công chúng biết đến ông như một kỹ sư và nhà nghiên cứu tài ba.
Lịch sử kể rằng, việc xây dựng Tháp lúc đầu bị công chúng phản đối dữ dội, bị coi là chướng mắt, kỳ quái, phá hỏng vẻ đẹp truyền thống cổ kính của Paris. Một trong những người phản đối mạnh nhất là nhà văn Guy de Maupassant. Ông này tuyên bố sẽ thường xuyên leo lên Tháp Eiffel để ăn trưa, làm mọi người sửng sốt. Khi được hỏi tại sao, Maupassant trả lời: "Vì đó là chỗ tốt nhất để không nhìn thấy nó". Thế nhưng giờ đây thì người Pháp rất tự hào vì nó: "Đến Paris mà chưa đến Tháp Eiffel thì cũng như chưa đến!".