V Õ H Ồ N G
Những bí mật của anh Đỗ Cúc
Chừng như không giữ được nhẫn nại
nữa, thầy Tri nghiêng đầu nhìn tôi rồi giơ hai tay lên trời:
- Sao trò ngu thế? Làm luận như trò
thì đi thi đỗ thế …chó nào được? Văn chương gì mà khô như bã mía thế?
Thấy thầy ngừng lại không nói tiếp,
hai tay vẫn giơ lên và cái đầu vẫn nghiêng, tôi ấp úng:
- Dạ!
Tiếng “Dạ” ngu si chỉ được tôi nói
khẽ hết sức cũng làm cho cả lớp bật cười lên. Tôi đưa mắt nhìn xuống lớp. Hai
hàng nữ sinh ngồi ở hai bàn đầu rúc rích cười làm tôi ngượng quá. Tôi cảm thấy
máu rần rần chạy lên hai tai. Thầy Tri cúi gần tôi ôn tồn giảng:
- Muốn cho bài luận hay thì mình
phải thêm thắt vào. Ai chẳng biết cây phượng trước trường trò rụng lá trơ cành?
Nhưng trong bài luận trò phải nói, chẳng hạn: “Cây phượng trước trường sum xê
lá xanh và hoa đỏ. Từng đàn chim đậu trên cành cất giọng hót véo von”
Tôi lại “dạ” và cả lớp lại “ồ” lên
cười.
- Có phải trò nghe chim hót véo von
không?
Tôi nặn óc để cố nhớ lại xem có lần
nào tôi nghe chim hót véo von không, nhưng tuyệt nhiên không nhớ. Hình như mỗi
lần ra chơi tôi chỉ nghe học trò la ồn ào mà thôi, mà bài luận thầy lại ra “Tả
cảnh sân trường vào giờ ra chơi”. Tôi nghĩ: Giá có con chim nào đậu ở trên cành
phượng - thực tế thì khó có thể vì cậy phượng bị lũ học trò trèo phá bẻ gãy
cành, tước rụi cả lá thế kia thì có chim nào thèm đến đậu - mà cho rằng có chức
năng chim nào đậu nhằm trên cành phượng mà muốn véo von hót thì lũ học trò nô
đùa cũng đủ cho nó sợ hãi mà bay đi. Nếu không bay thì thế nào nó cũng bị lũ
học trò tranh nhau lấy đá ném hoặc lấy ná cao su bắn. Lũ học trò cứ mươi đứa là
đã có vài đứa thủ ná cao su đi học. Chúng đến trường sớm rồi rủ nhau đi lang
thang ở dãy cây rậm gần nhà dây thép (1 ) để tìm bắn trái keo, bắn trái bàn,
bắn trái me. Hết mùa trái thì gặp gì chúng cũng bắn không gặp gì chúng cũng
bắn: bắn vào trụ đèn, bắn vào cổng nhà người ta, bắn vào lề đường. Khổ thân
tôi, tôi biết tìm đâu cho ra một tiếng chim “véo von” trên cây phượng “cành lá
sum sê” tưởng tượng này?
Tiếng thầy Tri giục:
- Sao? Trò trả lời đi.
- Thưa thầy … dạ.. con chim không có
hót ạ.
Cả lớp lại cười lên một lần nữa.
Thầy nhìn chằm chặp vào tôi, nhìn sát vào mặt tôi như tôi là con vật lạ. Tôi lo
lắng đứng đợi và tôi chợt có cảm tưởng rằng hai tai tôi đang dài ra, dài ra như
hai tai của con bò. Chợt thầy đứng dậy kéo cánh tay tôi lôi ra đứng trước cửa
lớp rồi chỉ ra trước mặt:
- Đó, trò thử nhìn ra bể đi. Rồi trò
tả cho tôi một câu xem trò có trông thấy gì không.
Chao ôi, thấy thì tôi thấy đủ thứ.
Nào là những rặng cây me, cây keo, cây bàng… nào là nhà ông Phó Sứ, ông Lục Lộ,
lại là sân ten-nít… Xa hơn là bãi cát, là biển, là núi, là trời.
- Thưa thầy con có phải tả mấy cây
keo và nhà ông Phó Sứ không ạ?
- Không cần. Trò chỉ tả biển thôi.
Tầm mắt tôi giã từ những hàng cây
xanh và dãy nhà ngói đỏ mà đóng hẹp lại ở mặt biển. Tôi nhìn thật kỹ, còn óc
thì loay hoay xếp chữ này cạnh chữ kia cho thành một câu. Cuối cùng tôi thưa:
- Biển nằm im lặng, màu xanh lợt hơn
màu xanh của núi.
Thầy nghe, bĩu môi ngẫm nghĩ rồi vừa
kéo tôi vào ra hiệu cho lại chỗ ngồi vừa nói:
- Thôi, cũng tạm được. Nhưng chưa
hay.
Thầy quay mặt nhìn xuống lớp, hỏi:
- Trò nào tả hay hơn?
Đỗ Cúc giơ tay, đứng dậy. Không đợi
thầy cho phép, anh đằng hắng giọng hai lần rồi nói:
- Xa xa những làn sóng biếc nhấp nhô
lượn trên bãi cát vàng. Tiếng gió rì rào thổi trên ngọn lá thùy dương như một
bản nhạc êm êm bất tuyệt.
Những anh lớn ngồi ở mấy bàn sau
xuýt xoa ầm lên như có ai dí lửa vào chân. Tiếng xuýt xoa chạy nhanh đến mấy
bàn đầu. Thấy thầy giáo mỉm cười, cả lớp thừa cơ để ồn ào lên ngay:
- Hay quá
- Hay quá thầy ạ.
- Văn sĩ đấy.
Tôi cũng nhận thấy anh Cúc tả hay
thật, nhưng tôi cứ băn khoăn là không biết anh tìm ở đâu ra được những cây thùy
dương mà tả vậy. Và thùy dương là cây quái gì? Ở bãi bể tôi chỉ thấy có mấy cây
keo xương xẩu và mấy bụi tre lá dày một cách thô tục mà thôi. Còn “bản nhạc êm
êm bất tuyệt” anh nghe ở đâu vậy?
Nhưng khi anh Cúc đắc thắng ngồi
xuống thì quả tình tôi cảm thấy tương lai về văn chương của tôi mờ mịt một cách
tuyệt vọng. Sao tôi dốt thế kia? Và tôi thẹn thùng hết sức khi nghĩ đến câu tả
cảnh của tôi vừa rồi “biển nằm im… màu lợt hơn màu núi…”. Giá lúc nãy tôi đừng
nói ra câu ấy vẫn hơn. Thà chịu để cho thầy Tri cốc một cái vào đầu còn hơn đem
câu văn dở của mình ra để các bạn đem so sánh với câu hay của anh Cúc. Tôi đưa
mắt nhìn sang Đỗ Cúc.
Thành thật mà nói thì anh không có
vẻ gì thông minh xuất chúng cả. Trái lại thì có. Anh chậm chạp, chậm chạp đến
mức nặng nề. Anh cao hơn tôi một cái đầu. Đôi bàn tay to, dài ngoẵng vì tay áo
vừa chật vừa ngắn. Lúc bấy giờ chúng tôi đi học đều mặc áo bà ba ngắn, quần và
áo đồng màu, riêng anh Cúc thì lúc nào cũng mặc áo rằn quần trắng. Cổ áo không
phải thứ cổ kiềng như chúng tôi mà là cổ cao, giống như cổ áo dài. Trông anh
thành ra ngây ngô, nhất là với cái đầu tóc cắt đơ mi cua.
Đỗ Cúc học giỏi đủ các môn, nhưng
giỏi nhất là môn luận. Lắm lúc tôi thành thật đau khổ vì không tự giải thích
được nổi do đâu mà con người ấy lại ăn nói văn hoa được đến thế. Tả đêm trăng
thì anh có “hàng trăm hàng ngàn con rắn vàng bò lượn trên mặt nước”. Tả ngôi
chùa làng thì anh khéo xếp thế nào cho có một khóm trúc mọc ngay ở hông chùa để
anh viết: “Khóm trúc thêm tuôn giòng lệ cũ”. Có lần thầy ra: “Tả chị đầy tớ gái
nhà anh”. Chúng tôi mừng rằng Đỗ Cúc phen này hết đường mà văn hoa. Một chị đầy
tớ chớ đâu phải là một cô tiểu thư, một nàng công chúa? Nét mặt thế nào cũng
không đẹp, áo quần thì không thể sang, và cử chỉ lời nói chắc chắn là không thể
uyển chuyển, dịu dàng, ngon ngọt. Chúng tôi hí hửng đợi sự thất bại của anh. Ấy
thế mà hôm trả bài, Cúc vẫn đứng đầu với điểm 8 và thầy lại gọi anh lên đọc bài
của mình. Thì ra sau khi tả những nét xấu xí của chị, Cúc khéo đặt chuyện rằng
chị ấy chết chồng. Và để cảm thương cho nàng “tiết phụ” này, anh kết luận “Nàng
từ chiếc bóng song the, gạt thầm giọt lệ như chia mối sầu”. Lúc anh đọc đến đó,
tôi liếc nhanh sang thầy Tri thì thấy thầy gật gật đầu mỉm cười ra dáng thích
thú lắm. Hỡi ôi! tôi biết đào đâu cho ra những dòng văn chương êm đềm như thế
để làm vui lòng thầy Tri, để làm bằng lòng các vị giám khảo trong cuộc thi tiểu
học sắp tới? Tôi chán nản nhìn ra khung cửa sổ, nhìn mảnh trời xanh cao vút. Hy
vọng về văn chương đối với tôi xa quá, khó vươn tới như mảnh trời xanh sáng đẹp
kia.
Tôi cố bắt chước Đỗ Cúc nhưng không
biết nên bắt đầu như thế nào. Tôi lưu ý đến Đỗ Cúc, đến từng cử chỉ nhỏ nhặt
của anh, hóa ra tôi được biết nhiều chi tiết về anh, những chi tiết có lẽ không
dính dáng gì hết đến tài văn chương của anh. Ví dụ cái lọ mực được cột vòng một
sợi dây thép. Sợi ây uốn khoanh lò xo và tận cùng ở đầu bằng cái nút. Khi anh
mở nút mực, cái lò xo rún rẩy làm rung rinh cái nút, trông nhí nhảnh như những
đóa hoa ở mũ các ông kép hát bội. Tôi xấu hổ nhìn cái nút mực bằng giấy cuốn
tròn lại của tôi. Đó không biết là cái nút giả thứ mấy sau khi cái nút thật bị
lạc mất. Ví dụ cây bút chì anh cột bằng sợi dây nhợ dài dính vào nút áo. Khi
viết, sợi dây kéo lằng nhằng. Có lần thầy bất chợt kêu anh lên bảng. Anh vội
vàng không kịp bỏ bút vào túi áo khiến nó nhảy tung tăng theo bước chân của
anh. Tôi cũng bắt chước anh cột cái bút chì vào một sợi dây và tròng vào khuy
áo. Tôi bắt chước nhiều thứ nữa của anh, chẳng hạn lấy giấy cuộn xung quanh một
đoạn tre ngắn để làm cái bút mực, chẳng hạn lấy nhiều giấy bản bồi cứng để làm
cái bìa đóng ra ngoài mọi quyển sách, chẳng hạn sưu tầm những con tem thư để
dành trong một cái hộp. Nhưng về phương diện văn chương thì tuyện nhiên tôi vẫn
chẳng tiến bộ chút nào hết.
Nửa năm lớp Nhất tôi thay nhà trọ đến
ở chung với anh Nên cùng học lớp Nhất với tôi. Anh Nên có một người chị năm ấy
chừng 20 tuổi. Chị Cẩm - tên người chị của anh Nên - cả ngày cứ nằm trong phòng
đọc tiểu thuyết và đợi người phu trạm, cứ chừng một tuần ghé lại trao cho chị
một bức thư. Nhận được thư, chị vội vã vào phòng đóng kín cửa lại. Khi lũ em gõ
cửa mời ăn cơm, chị uể oải bước ra, xì mũi liên tiếp vào khăn mùi xoa và hai
mắt đỏ. Thấy nhiều lần như vậy, tôi hỏi u già.
U bảo:
- Cô Cẩm nhận thư của cậu Khang đấy.
- Thế sao nhận thư chị Cẩm lại khóc?
- Vì cậu Khang hiện ở bên Tàu. Xa
lắm.
Nhìn tôi ngẩn ngơ chưa hiểu, u hạ
giọng, nói nhỏ:
- Cậu Khang thương cô Cẩm, nhưng tía
cậu không chịu đi hỏi cô Cẩm cho cậu. Tía cậu bắt cậu về Tàu để cho hai bên xa
nhau. Tía cậu Khang là ông Bang Chín, hiệu Đồng Thạnh ở xế cửa nhà mình đấy.
Tôi gật đầu ra dáng hiểu và u già cũng thôi không nói nữa. Ngoài những lúc sụt
sùi khóc khi đọc thư - và khi viết thư trả lời, tất nhiên, chị Cẩm còn khóc khi
đọc tiểu thuyết nữa. Nhiều lần tôi thấy chị nước mắt ròng ròng ngồi trước một
trang sách mở. Tay chị luôn luôn vò một chiếc mùi soa nát nhàu. Tôi lý luận
rằng những quyển tiểu thuyết kia hẳn có liên hệ bà con gì với những bức thư gửi
đến và gửi đi của chị. Một hôm tôi cầm một quyển tiểu thuyết chị vô tình đặt ở bàn
học của tôi, mở ra xem. Đó là một tập gồm những đoản thiên tiểu thuyết bìa đã
gãy nhàu và mực in đã nhòe vì mồ hôi tay. Truyện đầu tiên nhan đề là “Thu sang
lá rụng người về bơ vơ”. Tôi tưởng chừng vừa nghe lại một giọng nhạc quen
thuộc. Giọng nào nhỉ? Con người thô lỗ văn chương là tôi, đâu có lý tôi đã được
hân hạnh có nhiều kỷ niệm về văn chương đến thế? Trong khi óc loay hoay tìm
kiếm, tôi lật vội để tìm tên của cái truyện thứ hai “Lệ ai tầm tã bến Giang
Châu”. Tôi lật tiếp. Những cái tên truyện vang lên du dương: “Em ơi! Hẹn nhau
mùa lá rụng…”, “Tóc xanh ai nỡ nhuộm mái sầu…”.. “Duyên em trao trọn về chàng”…
Bên cạnh những tên truyện êm đềm ấy, tên các tác giả cũng êm đềm chẳng kém.
Những là Lệ Thùy, Mộng Hoàng, Huyền Thao, Hoài Giang Thủy … y như những tiếng
nhạc đệm nhỏ, vang nhè nhẹ bên cạnh bản nhạc chính. Chợt tôi vùng la to lên:
“Đỗ Cúc!”. Phải rồi, cái giọng nhạc quen thuộc đó là giọng của người anh hùng
văn chương của lớp tôi, anh Đỗ Cúc vậy. Bên tai tôi như văng vẳng vang lên
giọng đọc của anh: “…Khóm trúc thêm tuôn giòng lệ cũ… nàng từ chiếc bóng song
the… Gạt thầm giọt lệ như chia mối sầu…”
Thế là từ đó tôi bắt đầu làm quen
với thứ văn chương loại Đỗ Cúc. Tôi đã tìm ra được bí mật của anh rồi. Cái
nguồn văn chương lâm ly của anh là những quyển tiểu thuyết đượm nhiều nước mắt
này. Tôi lật nhìn những bức tranh vẽ. Hầu hết là những hình thiếu nữ mắt mơ
màng, tóc chải theo lối kỹ nữ Trung Hoa, có cài trâm và xiêm y dài thườn thượt.
Các cô hoặc đứng tựa cành mai, cành liễu hoặc ngồi trước án thư, nhưng dù ở
cảnh nào người họa sĩ cũng không quên vẽ một mặt trăng vào đó. Những bức hình
này chắc đã an ủi chị Cẩm nhiều lắm vì dễ thường đã nhiều lần chị tưởng tượng
rằng chính đó là hình ảnh của chị, cô gái Trung Hoa đau khổ. Sao lại không? Yêu
một người Trung Hoa, người ấy hiện giờ ngồi nhớ chị tại xứ Trung Hoa, xứ Trung
Hoa với những địa danh đẹp như Tô Châu, Hàng Châu, Dương Tử.. thì chị đã, một
nửa là cô gái sầu mộng của Trung Hoa rồi còn gì nữa? Thật chị có đủ yếu tố để
đẫm mình vào những trang sử lâm ly này vậy.
Từ ngày biết được xuất xứ những câu
văn êm đềm của Đỗ Cúc, tôi nhìn anh bằng con mắt ít khâm phục hơn. Mỗi lần thầy
Tri gọi anh lên đọc một đoạn văn của anh mà thầy thích là tôi mường tượng thấy
tập tiểu thuyết của chị Cẩm với những chữ nhòe mực vì mồ hôi tay, với những
hình cô gái Trung Hoa. Nhưng Đỗ Cúc, anh dường như không bao giờ có thể tin
rằng bí mật của anh đã bị tôi khám phá ra rồi. Chứng cớ là mỗi lần thầy kêu anh
đọc bài luận, anh vẫn bước đi một cách dõng dạc, cố ý ngừng lại từng đoạn để
đợi nghe chúng tôi xuýt xoa khen. Chứng cứ nữa là anh đã dùng thứ văn chương ấy
để viết một bức thư tình, các bạn có thể tin được không?
Việc xảy ra như thế này:
Sáng hôm ấy trước giờ vào lớp, thằng
Tiến nhặt được một bức thư của ai đánh rơi ở gần bục thầy ngồi. Chúng tôi chạy
ùa lại xem. Thằng Chút ồn ào và quấy nhất lớp giật lấy bức thư vừa lo to:
- Để tao đọc cho tụi bây nghe.
Cả lớp nhao nhao lên: “Phải đó. Phải
đó. Để nó đọc”.Và Chút mặt hí hửng, dõng dạc đọc:
Gác vọng nguyệt, một ngày Mạnh Đông.
Kính thưa Quý nương
Tiếng thằng Hy ồn ào chận lại:
- Cha chả! Văn chương mùi mẫn thế!
- Mạnh Đông là cái thá gì thế bay?
Tao chẳng hiểu.
- Quý nương là đứa nào vậy?
- Im! Im! Để nó đọc tiếp.
Cánh thư trước kính gửi Quý nương,
đến nay vẫn chưa có hồi âm, lòng vãn sinh thật muôn phần đòi đoạn. Ôi! một ngày
mong đợi coi bằng ba thu. Chùm hoa bên rèm cũng như nhớ nhung ai mà từng cánh
tả tơi theo gió”
Một tiếng “huýt” thét lên và thằng
Phin la theo:
- Úi dào! Hay quá! Ai viết mà hay
thế bay?
- Ai viết thế nhỉ? Đỗ Cúc hở?
Chợt tiếng một anh la lên “Thầy đến!
Thầy đến!”. Chúng tôi lật đật chạy ùa theo của sau, tháo ra sân. Sự điều tra
tác giả bức thư được tiến hành âm thầm. Tác giả không ký tên mình, không ghi
tên của người nhận thư, nhưng cứ so cái giọng văn trong thư thì anh em đều chắc
mười mươi là Đỗ Cúc. Ngoài Cúc ra, chúng tôi không đứa nào có thể sản xuất được
một phần năm bức thư văn hoa ấy. So nét bút thì cũng đúng là Đỗ Cúc. Anh có nét
chữ đều đặn, nét đậm, nét lợt phân minh, khuôn chữ dài và nằm nghiêng. Thằng Sự
nói giọng quả quyết.
- Chắc chắn là thằng Cúc. Lúc Chút
đọc thư nó cứ ngồi ỳ ra đó không chạy lên ồn ào với tụi mình.
- Thằng Cúc đứt đuôi đi rồi. Văn nó
chớ còn ai vào đây nữa.
- Nhưng còn quý nương là ai?
Mọi khuôn mặt trầm ngâm lại suy
nghĩ.
- Chẳng lẽ lại con Nga - thằng Đạo
nói. Con Nga đẹp quá, chắc Cúc chẳng dám đâu.
- Thế thì Minh Ngọc - thằng Gương
ngắt lời.
- Vô lý. Tao nghi là con Trâm.
- Trâm là con ông Án sát. Nó sợ tù
không dám rớ vào đâu.
- Thế thì chị Tám vậy.
Nghe đến tên chị Tám chúng tôi đều
cười ồ lên. Chị Tám là một chị bạn cũng lớn xác và cũng vụng về như Cúc vậy.
Chị đen và có cặp mắt lé. Không ai bảo ai mà chúng tôi cùng ngầm đồng ý rằng
quý nương của Cúc là chị Tám. Chúng tôi kể cũng khá ích kỷ. Dù trong ký ức
đoán, chúng tôi cũng không cho phép Cúc được động chạm đến những cô bạn xinh đẹp
của lớp chúng tôi như Trâm, Minh Ngọc, Nga.
Câu chuyện bức thư tình quả có làm
cho chúng tôi thích thú vì được chế giễu Cúc - len lén thôi vì chúng tôi sợ Cúc
đánh - nhưng không vì thế mà Cúc suy giảm tài văn chương. Những bài luận của
anh cứ tiếp tục được thầy khen. Anh cứ đều đặn lên đọc văn anh cho chúng tôi
nghe, những đoạn văn có đủ mây trôi lững lờ, trăng soi huyền ảo, có khóm trúc,
có hoa xưa, có chim có bướm. Và cuối năm, Cúc đỗ đầu ở kỳ thi tiểu học. Ngày lễ
xướng danh, ông Công Sứ trao tặng thủ khoa một cuốn tự điển Larousse nặng. Thủ
khoa Cúc cong lưng, cúi đầu, giơ hai tay lên đón nhận. Ông Công Sứ giơ tay bắt.
Anh túng lúng đưa hai tay ra nắm tay ông, khiến quyển tự điển rơi đánh “rầm”
xuống thềm. Chúng tôi bất giác cười rộ lên, nhưng vừa lúc ấy bắt gặp đôi mắt
lườm của thầy Tri, chúng tôi vội vàng vỗ tay thật mạnh theo lời thầy đã dặn
trước.
Đỗ tiểu học xong, chúng tôi phân tán
mỗi người một nơi. Lên trung học, văn tôi cũng không tiến bộ chút nào nhưng
được cái may là trong lớp không ai có tài như anh Cúc nên tôi đỡ bị khổ. Thế
rồi cuộc đời cứ lặng lẽ chuyển vần, tôi lớn lên, tôi đi làm, tôi cưới vợ. Vợ
tôi là một cô bạn gái cùng lớp nhất với tôi năm đó, cô Trâm con gái ông Án sát.
Chúng tôi ngẫu nhiên gặp lại nhau ở Huế và nhiều sự ngẫu nhiên khác tiếp theo,
cộng lại, đưa đến kết quả là chúng tôi cưới nhau. Ba năm sau, lại một ngẫu
nhiên nữa đến với tôi, đó là tôi gặp lại anh Đỗ Cúc. Lúc bấy giờ tôi được đổi
về làm việc ở thành phố Đà Nẵng. Một chiều thứ bảy rỗi rãi tôi thả bộ đi dọc
theo đại lộ Quang Trung. Một người đàn ông lùi lũi đi ngược chiều lại tôi.
Trông dáng đi quen quen và vẻ mặt thì không lạ. Tôi moi óc cố nhớ. Cuộc đời đã
đẩy tôi vào giữa nhiều khuôn mặt quá khiến tôi lẫn lộn khi bắt gặp một khuôn
mặt quen thuộc. Tôi đứng dừng lại để giúp cho trí nhớ dễ tập trung. Người đàn
ông ấy lại đi gần tôi, ngước nhìn lên, nhìn hơi lâu và dáng ngập ngừng như cũng
nhớ ra tôi. Óc tôi chợt như có một tia sáng lóe ra và miệng tôi vụt kêu lên
không kịp giữ lại:
- Đỗ Cúc !
Người đàn ông ấy đứng dừng ngay lại
và miệng cười.
- Anh Vinh, nếu tôi không lầm.
Cái giọng nói khàn khàn, cái cách
nói hoa hòe, đúng là Đỗ Cúc thật. Hai bàn tay siết chặt và tự nhiên tôi quay
ngược chiều trở lại, đi theo chiều của anh Cúc.
- Lâu quá mới gặp lại anh - tôi nói.
Nhà anh ở đường nào?
- Cũng gần đây thôi. Đường Phan Đình
Phùng. Tiện thể mời anh ghé lại tệ xá chơi cho biết. Bây giờ anh đã vợ con
chưa?
- Đã
- Tôi cũng vậy. Mà chắc hơn anh ở
chỗ nhiều con. Sáu đứa. Nuôi con mệt ngất ngư.
Tôi lẻn đưa mắt sang anh. Áo quần
hơi cẩu thả. Chắc là vì anh nuôi mệt “ngất ngư” nên không có thì giờ săn sóc
cho mình. Tóc vẫn cúp đơ mi cua.
Đi qua hai phố thì tới nhà anh. Anh
tháo chốt cổng đợi tôi bước vào, liền đóng lại.
- Để mấy đứa khỏi chạy ra đường.
Anh nói một cách thản nhiên như
không cốt cho tôi nghe. Tôi cười thầm, ngầm nhủ: con người cẩn thận. Không hẹn
mà cái nút mực có đính lò xo và cây bút chì buộc dây của anh hiện ra trong óc
tôi. Hai đứa con nhỏ của anh ở trong cửa chạy xổ ra ôm lấy chân anh. Rồi hai
đứa khác nghe tiếng reo cũng chạy vụt ra. Lấp ló trong nhà là hai người con
lớn. Thật là trật tự, quy củ. Anh vui vẻ bảo:
- Mấy con chào chú đi.
- Lạy chú ạ
- Lạy chú ạ
Loáng một giây, anh đã đứng giữa bầy
con sáu đứa của anh. Người con lớn đã đứng cao bằng anh và giống anh như đúc.
Cũng vẻ mặt hơi nặng nề và, lạ chưa, cũng cái đầu cắt đơ mi cua. Tôi hỏi:
- Cháu lớn đã được mấy tuổi rồi?
- Mười tám.
- Hử? Mười tám tuổi?
Anh lúng túng giảng giải:
- Tôi đỗ tiểu học xong thì thầy tôi
bắt cưới vợ ngay. Thành ra đã có con lớn.
Tôi lật đật tìm một câu nói cho anh
đỡ ngượng vừa để xí xóa vẻ ngạc nhiên vụng về của tôi vừa rồi.
- Có con sớm được nhờ. Anh vậy mà
sung sướng.
Một người đàn bà ở dưới bếp đi lên.
Anh giới thiệu:
- Nhà tôi.
Chị Cúc trông già hơn anh nhiều mặc
dù anh cũng đã khá già. Thân mình chị to gấp đôi anh. Có đặc biệt là hai cổ tay
của chị đeo đầy vàng. Tôi nghĩ liền: Chắc chị này là con một ông Chánh tổng,
phó tổng gì đó, nhà giàu. Có vậy thì thầy anh mới bắt anh cưới vợ sớm.
Từ giã đoàn thê tử bề bộn của anh,
tôi đưa mắt nhìn gian phòng. Đồ đạc bày biện quá đầy đủ. Có cả xa lông đệm lò
xo, có cả ghế bàn mặt đá, sập gụ, tủ chè, tủ rượu. Những vật nhỏ anh đều sắp
đặt đủ đôi. Bên này cái lọ thì bên kia đối diện lại cũng phải là cái lọ, đối,
phúng, trướng dàn khắp mặt tường, đa số là những bức người ta đi khao ông cụ
thân sinh anh khi được vinh thăng cửu phẩm, bát phẩm. Một cái ná Thượng du và
một túi tên lạc loài giữa rừng câu đối. Sự hoang dã của non cao, sự tàn bạo của
chém giết không ăn nhịp với những dòng chữ nho hòa nhã ca tụng tài đức của chủ
nhân. Thấy tôi quan sát, anh nói:
- Tôi mới đặt mua cái tủ lạnh. Vài
bữa họ chở tới.
- Nhà anh có nhiều tiện nghi quá.
- Ồ! Có gì đâu
Anh nhũn nhặn mỉm cười. Nhũn nhặn
thật sự, vì tôi thấy mọi vật bày biện ở đây đều thở ra một cách mệt nhọc, cái
không khí sung túc no đủ.
Bắt đầu là anh. Anh trông béo ra,
đôi má phúng phính khiến đôi mắt càng nhỏ lại. Tới đây tôi thấy cần được giải
thích thêm về sự sung túc hiện tại của anh. Tôi hỏi:
- Gặp anh mừng quá quên hỏi điều
này: Bây giờ anh làm ở đâu?
Anh lại lúng túng, khiến tôi thấy
mình vụng về lần nữa. Cuối cùng anh nói:
- Vì tôi chỉ có bằng tiểu học nên
tôi phải dạy một lớp tiểu học ở cách đây mười cây số. Trước đây vài mươi năm,
bằng tiểu học có giá trị, bây giờ thì gần như vô nghĩa. Tiếc quá, thầy tôi lúc
bấy giờ không cho tôi học thêm.
Tôi an ủi anh:
- Làm sao mà các cụ ngờ được. Nhưng
anh như thế này là sung sướng lắm rồi.
Anh tươi nét mặt trở lại và đưa mắt
nhìn vào một góc phòng. Tôi đoán chắc anh đang tưởng tượng vài hôm nữa anh kê
tủ lạnh ở chỗ ấy. Ngồi nói chuyện với tôi mà hai tay anh không để yên. Hết
nghiêng đầu soi lên mặt bàn để tì gạt một vết bụi, đến sửa lại cái gạt tàn
thuốc đặt hơi lệch. Có lúc anh chợt đứng dậy vội vã khiến tôi giật mình, tưởng
chừng có đứa con nào suýt ngã, anh vội chạy đến đỡ. Nhưng không. Anh chỉ đi lại
chỗ tủ chè xếp lại mấy cành hoa giả mà một cơn gió nào đó đã xô lệch. Thật là
sự chi ly cẩn thận của Đỗ Cúc. Bỏ đi sự chi ly này thì không chắc anh còn là
anh nữa.
Nhìn xuống đồng hồ thấy đã trễ giờ
cơm, tôi đứng dậy xin cáo từ anh. Tôi cho anh biết địa chỉ của tôi và anh hẹn
chủ nhật sau sẽ dến thăm. Sáu tiếng “lạy chú ạ” vang lên, lẫn lộn, tiễn tôi ra
cổng. Anh tươi cười giữa khúc “nhạc” quen thuộc ấy, vẻ hãnh diện, chừng như
bằng lòng về sự sản xuất phong phú của mình. Anh nói:
- Nuôi con đông mệt ngất ngư thật,
nhưng nhiều lúc cũng vui.
Lúc vui đó chắc là lúc này đây. Bước
ra khỏi cổng, tôi tiện tay đóng cửa lại và móc chốt dùm anh. Tôi nói:
- Để lũ nhỏ khỏi chạy ra đường.
Anh thú vị siết chặt tay tôi qua
song cửa và đôi mắt cười híp lại.
Tối hôm ấy ăn cơm xong, tôi bảo vợ
tôi:
- Chiều nay anh vừa gặp một sự ngạc
nhiên. Đố em đoán xem sự ngạc nhiên gì.
Vợ tôi vờ suy nghĩ rồi hỏi ngay:
- Ngạc nhiên gì vậy?
- Anh gặp Đỗ Cúc
- Đỗ Cúc là cái gì?
- Em không nhớ Đỗ Cúc sao? Đỗ Cúc là
người bạn học hồi lớp nhất với chúng mình đó.
Vợ tôi nhíu mày suy nghĩ. Tôi giúp
nàng mau nhớ ra bằng cách giảng giải rõ thêm:
- Đỗ Cúc là người bạn làm luận hay ở
lớp mình đó, anh bạn áo rằn, anh bạn…
Vợ tôi “à” lên một tiếng to, ngắt
đứt câu nói của tôi:
- À, em nhớ ra rồi, cái anh học trò
dở hơi đó phải không?
Dở hơi? Sợ vợ tôi lầm với một người
nào khác, tôi lại nhẫn nại giảng giải nữa:
- Cái anh mà thầy Tri hay bắt đọc
văn cho chúng mình nghe đấy. “Khóm trúc thêm tuôn giòng lệ cũ” và “Nàng từ
chiếc bóng song the, gạt thầm giọt lệ như chia…”
- Biết rồi, em biết rồi mà. Thì cái
anh chàng dở hơi đấy chớ còn ai vào nữa. Cái anh chàng mỗi lần đi lên bảng là
hai tay đong đưa như đàn bà đi chợ ấy, em còn lạ gì.
Thì ra mỗi người nhìn anh Cúc với
một con mắt khác, nhận ở anh Cúc một nét đặc biệt khác. Vợ tôi lưu ý đến đôi
tay đong đưa của anh.
- Thế anh ta bây giờ ra thế nào ?
- Oai lắm. Những sáu đứa con. Và xem
chừng giàu.
- Anh gặp anh ta ở đâu?
- Ngay giữa phố, anh có ghé lại cho
biết nhà và anh ta hứa chủ nhật tuần sau đến thăm chúng mình.
Tôi kể lại những điều nghe thấy buổi
chiều ở nhà anh Cúc. Nhân chuyện anh Cúc, chúng tôi nhẩn nha nhắc lại những kỷ
niệm vui vẻ ngày cùng học ở trường Sông Cầu. Vợ tôi nhảy từ chị bạn này sang
chị bạn kia, từ thầy giáo sang bác cai trường, từ cầu Thị Thạc sang phố lầu chú
Chấn Thạnh. Tôi đuổi theo ý nghĩ của vợ tôi một cách mệt nhọc. Nàng đúng là con
chim non nhí nhảnh như đã nhiều lần tôi phê bình. Nhưng lần này sở dĩ tôi không
muốn đuổi theo ý nghĩ của vợ tôi là vì tôi còn đang vấn vương với anh bạn Cúc
mà tôi vừa gặp. Khi những cảnh dĩ vãng đã chuyển hết rồi, con chim nhỏ là vợ
tôi đã đứng yên, tôi đột ngột hỏi:
- Em còn nhớ bức thư tình của anh Đỗ
Cúc mà thằng Chút đã đọc to trong lớp không?
- Có nhớ
- Không biết anh ta viết bức thư ấy
định gửi cho ai. Lúc bấy giờ bọn anh cố khám phá mà chịu không đoán ra được ai.
Anh ta khôn, chỉ viết “Thưa quý nương” thì đố ai mà biết được.
Vợ tôi ngồi ngẫm nghĩ giây lâu rồi
bỗng phá ra cười. Tôi hỏi:
- Em cười gì vậy?
- Đố anh biết Đỗ Cúc viết cho ai?
- Đã bảo rằng bọn anh chịu, đoán
không ra. Bọn anh nghĩ là anh ta viết cho chị Tám.
- Lầm. Anh ta viết cho em đấy.
Tôi ngạc nhiên:
- Thật sao?
- Em đâu có nói đùa?
- Thế anh ta không sợ ba em à?
- Nào em có biết. Hôm thầy Tri giao
cho anh ta phát vở luận, em vắng mặt. Anh ta giữ vở em lại. Hôm sau anh ta trả
vở cho em kèm theo một phong bì. Anh ta bảo: “Chị Nhạn ở lớp nhì nhờ đưa giùm
phong thư cho chị”. Nhạn là bạn của em nên em nhận. Về đến nhà mở ra mới biết
là thư của anh ta. Thư bắt đầu bằng “Thưa quý nương”. Em đọc mà chẳng hiểu gì
hết. Em chỉ nhớ mấy câu hay hay…
- Ồ! Đỗ Cúc thì viết hay phải biết -
Tôi ngắt lời - Em còn nhớ mấy câu hay ấy chứ?
- Lâu quá, có hơi quên. Hình như là
“đài gương soi đến dấu bèo”… và... “những khi trăng soi bóng lẻ gió rít đầu
cành…” hay là cái quỷ quái gì đó. Em sợ quá về đưa ngay cho ba xem.
- Chết Đỗ Cúc mất rồi!
- Ba đọc xong, xé đi, rồi bảo em từ
giờ anh ta có đưa giấy tờ gì thì vất trả lại. Nếu anh ta không nghe thì lên
mách thầy giáo.
- Em có mách lần nào chưa?
- Chưa. Lần sau anh đưa một cái thư
nữa, cũng bảo là của chị Nhạn nhờ đưa, nhưng em nghe lời ba, ném lại. Cái thư
lọt vào kẽ bục bàn thầy. Anh ta lật đật cúi xuống moi lấy nhưng không được. Sàn
gạch hoa thì trơn mà em vất mạnh nên không ngờ cái thư chạy qua mãi phía bên
kia bục. Anh ấy hì hục đẩy bục đi, nhưng bục nặng không xê dịch được. Đôi tai
và mặt anh ta đỏ như lên, bộ điệu lúng túng trông cũng tội. Vừa lúc ấy các anh
ồn ào đến nên Cúc lật đật đi xuống chỗ ngồi. Và thế là anh Tiếp bắt được cái
thư và anh Chút mới đọc oang oang giữa lớp.
- Tội nghiệp cho Đỗ Cúc - tôi chép
miệng
- Nhưng may cho em. Hôm làm bài luận
“Tả nỗi buồn khi xa nhà ra tỉnh trọ học” em nhớ câu văn của Đỗ Cúc trong thư
nên viết ngay vào bài: “… những khi trăng soi bóng lẻ, gió rít đầu cành…”, thầy
Tri khen, cho 8 điểm. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần chót em được 8 điểm
luận.
Hai chúng tôi cười to vì sự thành
công bất ngờ về văn chương này.
- Lúc nãy anh bảo rằng chủ nhật anh
ấy đến thăm chúng mình?
- Ừ
- Anh ấy đã biết rằng anh có vợ rồi?
- Biết rồi, chính anh nói. Anh còn
cho biết rõ ràng vợ anh là cô Trâm xinh tươi cùng học lớp nhất ngày xưa.
Vợ tôi không tỏ ra quan tâm đến lời
nói nịnh của tôi mà vẫn điềm nhiên hỏi:
- Anh ta có ngạc nhiên không ?
- Hình như cũng… có hơi ngạc nhiên.
Vợ tôi nheo mắt nhìn ra sân một hồi
rồi quay sang tôi:
- Em chắc chủ nhật này anh ấy không
đến đâu.
- Vô lý. Việc gì mà không đến? Tôi
vội vã hỏi lại.
- Em chắc anh ấy ngượng.
- Có gì mà ngượng. Chuyện trẻ con
mà. Bây giờ ai nấy cũng đều lớn cả rồi, mà anh ấy có những sáu đứa con. Em cứ
chuẩn bị nhà cửa cho đẹp đẽ hơn một chút nữa đi, để chủ nhật chúng ta đón anh
ấy. Nhà anh ta giàu lắm, em nhớ cho, chớ không nghèo như chúng mình đâu.
Ngày chủ nhật đến, tôi không dám đi
đâu hết. Trái với thường lệ, tôi dậy sớm và ăn điểm tâm vội vàng như những ngày
đi làm. Tôi mặc áo quần cẩn thận và ra ngồi ở phòng khách đợi. Tôi biết tính
Cúc siêng năng, chu đáo, nên tôi cho rằng anh ta sẽ đến sớm lắm. Nhưng 9 giờ..
rồi 10 giờ. Có tiếng bánh xe ô tô rít lên, rẽ vào con đường xóm tôi, nhưng xe
chạy thẳng. Có tiếng phanh xe xích lô lách cách, nhưng xe đậu ở nhà đối diện.
11 giờ… 12 giờ. Vợ tôi thỉnh thoảng ở nhà ngang đi lên, bảo tôi:
- Đó, em nói có sai đâu.
Tôi chịu không biết nên trả lời thế
nào cho phải.
Buổi chiều, tôi không ra ngồi ở
phòng khách nữa, nhưng tôi vẫn không dám đi đâu xa. Tôi chỉ lảng vảng hoặc ở
nhà ngang hoặc nằm ở phòng đọc sách. Mỗi một tiếng giày sạo sạo ở cổng, tiếng
còi ô tô, tiếng xe gắn máy nổ đều làm tôi lắng tai ngóng chờ.
Khi điện đường bật sáng, khi tiếng
đũa bát vang lên ở phòng ăn, tôi biết rằng tôi không còn hy vọng đón anh Đỗ Cúc
nữa. Quả anh không đến thật như lời vợ tôi đã đoán. Tôi uể oải đứng dậy thay áo
thì chợt có tiếng chuông reo ở cổng và tiếp theo, tiếng con Nu sửa ầm lên, anh
Cúc đến. Không những anh đến một mình đủ để trái với dự đoán của vợ tôi - mà có
cả chị Cúc và một đoàn sáu người con . Hôm nay anh mặc bộ tuýt xo vàng và thắt
cà vạt. Những nếp gấp lộn xộn nhất hằn lên áo, và hai vai xệ xuống. Đôi tay và
lưng cứ ngọ ngoạy trong chiếc áo hơi rộng. Nhìn anh không có vẻ thoải mái, tôi
có cảm tưởng rằng chiếc áo đấy xa lạ với anh. Với một chút son ở đôi môi và mái
tóc chải ngăn nắp, chị Cúc trông được mắt hơn bữa đầu tôi gặp. Tuy vậy, đôi
chân mày nhổ chừa lại còn quá nhỏ khiến mắt chị thành ra to thêm.
Tôi vừa ra đón thì anh chị đã vội vã
chào trước:
- Chào bác ạ - Chào bác ạ. Hôm nay
chúng tôi đến hầu thăm hai bác.
Mấy đứa con, như sáu cái máy, phụ
họa theo:
- Lạy bác ạ, lạy bác ạ.
Tôi lúng túng khi nhận tiếng xưng hô
lễ mễ. “Bác”, tiếng gọi mới già nua làm sao! Vì thành thật mà nói thì nhìn lại
anh Cúc, tôi cứ tưởng chừng tôi xa anh không quá 5-7 năm, nhất là nhìn cái đầu
tóc đờ mi cua, tôi thấy anh không khác mấy với những ngày đi học. Thế mà thay
vì tiếng “anh” nhẹ nhàng đơn sơ, anh đã gọi tôi bằng “bác”. Chắc là do anh chịu
ảnh hưởng của vợ anh thôi. Chắc là đứng bên cạnh người đàn bà bệ vệ ấy, anh bị
bắt buộc thấy mình già đi, đứng đắn lại, chớ hôm một mình gặp tôi giữa phố anh
vẫn gọi là “anh”
Khi vợ tôi ở nhà ngang bước lên thì
một loạt những tiếng “chào bác, lạy bác”, lại hòa tấu một lần nữa. Vợ tôi tỏ ra
lúng túng gấp đôi tôi vì sự trịnh trọng mà gia đình anh Cúc đã dành cho mình.
Khi anh chị Cúc đã ngồi yên ở ghế và
lũ con xếp một hàng ngay ngắn ở đi văng thì cuộc đàm thoại xã giao bắt đầu. Chị
Cúc nói trước:
- Cái phòng khách của hai bác chắc
một bề 4 thước một bề 7 thước.
Vợ tôi trả lời, giọng không quả
quyết lắm:
- Vâng, hình như thế ạ.
- Bác nên cho xây thêm một tấm “đan”
ở đằng trước cho mát. Tấm “đan” chạy dài suốt cả mặt tiền.
- Vâng ạ. Xây thêm được một tấm
“đan” thì mát hơn nhiều.
Chị Cúc nhìn một lượt phòng khách
của tôi rồi giơ một ngón tay - đến đây tôi mới kịp để ý rằng bàn tay chị đeo
đến ba, bốn chiếc nhẫn mà chiếc nào mặt cũng to, cũng đồ sộ - chỉ vào một góc
phòng.
- Bác cho đắp hai cái trụ chỗ này.
Đặt hai chậu hoa thược dược hay hoa cúc vào đấy thì đẹp.
- Vâng ạ - Vợ tôi khẽ gật đầu tuân
lệnh.
- Chẳng tốn bao nhiêu đâu.
- Vâng ạ.
- Mà trông đẹp ra.
- Vâng.
- Vậy để hôm nào em đưa đến giới
thiệu cho bác một người thợ nề quen. Anh ta làm việc cẩn thận mà tính công lại
rẻ.
- Vâng ạ. Cám ơn … bác.
Đã đến lúc tôi phải giải nguy cho vợ
tôi. Con chim non cứ “vâng ạ, vâng ạ”, chịu nhận mọi sự xây cất trong khi nhà
này là nhà thuê. Tôi đằng hắng to:
- Xin mời hai.. bác xơi nước.
Dù cố gắng nói thật to, thế mà tiếng
“bác” như cũng ngượng ngùng, chỉ vang lên nhè nhẹ yếu ớt. Vợ tôi lại chỗ tủ ăn
lấy sáu trái cam phân phát cho sáu người con anh Cúc. Tôi mời:
- Các cháu ăn cam đi.
Rồi quay sang anh Cúc:
- Cháu lớn học đến lớp mấy rồi?
- Dạ thưa bác, cháu “hược” ở lớp đệ
tam.
Chị Cúc tiếp lời:
- Thưa bác, cháu lớn thế mà “hược”
kém lắm ạ, “thiềng” ra ba cháu cứ tối tối kèm cho cháu.
Theo cái đà ấy, câu chuyện xã giao
kéo dài một cách nhọc mệt vì chúng tôi cứ sợ nói nhằm vào những tiếng mà vợ chồng
anh kiêng. Đầu đề câu chuyện thì quanh quẩn ở việc sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ
đạc, chơi huê chơi hụi, tăng lương, tăng thưởng ngạch trật. Trong khi nói
chuyện, vợ anh Cúc cứ chăm chăm nhìn vợ tôi, còn anh Cúc hết nhìn xuống sàn nhà
lại nhìn lên tường. Ý chừng anh không thể chịu được tại sao tôi lại không treo
những bức trướng liễn, câu đối, hoành phi lên bốn bức tường như ở nhà anh vậy.
Có một lúc vợ tôi quên mất phép xưng hô trịnh trọng, quay sang hỏi:
- À, anh Cúc, tôi nghe anh Vinh nói
anh bây giờ giàu lắm.
Cúc nặng nề nhìn sang phía vợ tôi,
chậm chạp nói:
- Thưa bác, bác trai bảo vậy thôi
chứ tôi làm ăn cũng chỉ gọi là mát mặt.
Cách nói, lối nhìn của Cúc thật khác
xa với điều vợ tôi đã dự đoán và tôi đã ngầm biểu đồng tình. Anh có ngượng gì
đâu? Hình như người ngồi trước mặt anh không phải là người mà anh đã hai lần
cặm cụi viết hai bức thư nồng nàn ái mộ. Nhìn anh giây lâu rồi nhìn sang vợ
anh, tôi chợt nghĩ rằng anh dã được rập khuôn theo mẫu người mà tiếp xúc, tùy
theo từng giai đoạn của cuộc đời. Anh dường như lúc nào cũng đã tự quên mình,
tự xóa mình đi. Những áng văn chương lâm ly hồi đi học là ảnh hưởng của những
quyển tiểu thuyết đương thời. Lớn lên đi làm, anh chịu ảnh hưởng của thầy anh,
cũng rộn ràng những chức tước, phẩm hàm, hoành phi câu đối. Khi lập gia đình
thì anh là hình ảnh được thu nhỏ lại của vợ anh : cũng chăm lo nhà cửa, bỏ vốn
gây lời và kiêng kỵ những tên húy của tổ tiên. Không có một anh Đỗ Cúc thật ở
chỗ nào hết, mà đó chỉ là tiếng vang trung thành của những tiếng động ngẫu
nhiên ở đâu đây.
Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi nằm
nghĩ vẫn vơ về cuộc đời của anh Cúc với những bí mật nhỏ của nó. Những bí mật
ấy tình cờ mà tôi khám phá ra được hết: nguồn văn chương lâm ly của anh và bức
thư tình không may mắn. Nhưng còn một bí mật cuối cùng nữa do nghề nghiệp của
anh bắt tôi suy nghĩ. Đó là: không biết khi dạy học trò, anh có bắt chúng du
dương theo loại “Khóm trúc thêm tuôn dòng lệ cũ.. Nàng từ chiếc bóng song
the..” như anh, hai mươi năm trước không?
VÕ HỒNG
Nguồn: VIỆTNAM THƯ QUÁN
1 4 8