Friday, March 22, 2013

132. PHẠM CAO HOÀNG Nguyên Minh trong tình cảm bạn bè



Năm 1972, từ Tuy Hòa tôi được chuyển về dạy học ở Trạm Hành, Đơn Dương.

Tuy Hòa – Đơn Dương không có tuyến xe đò trực tiếp nên mỗi lần từ Tuy Hòa đi Đơn Dương tôi vào Phan Rang, đổi xe tại đó, sẵn dịp ở lại chơi với Nguyên Minh, Võ Tấn Khanh và anh em nhóm Ý Thức. Có dịp gần gũi với Nguyên Minh tôi mới hiểu vì sao anh tập hợp được khá đông đảo những người cầm bút luôn luôn hết lòng với anh. Anh hiền lành, tốt bụng, chơn chất, sống tử tế với bạn bè, có một niềm đam mê văn chương mãnh liệt. Đây là những yếu tố làm cho anh được mọi người yêu mến. Anh có lối nói chuyện hóm hỉnh, nên cuộc họp mặt nào có Nguyên Minh thì bữa đó không khí vui nhộn hẳn lên. Nhà anh nằm trên một con đường yên tĩnh với những hàng cây rợp bóng mát, có một căn gác trên lầu dành riêng cho bạn bè văn nghệ tứ xứ tạt vào và ở lại. Bước chân lang bạt của dân văn nghệ phần lớn là gốc miền trung mà có một chỗ để ghé lại như vậy quả là thú vị. Đi đâu thì đi, vào Nha Trang phải ghé anh Nguyễn Huy Hoàng, Thanh Hồ, Nguyễn Âu Hồng, vào Phan Rang phải ghé Nguyên Minh, Võ Tấn Khanh, vào Phan Rí phải ghé Huỳnh Hữu Võ, Tô Duy Thạch, vào Phan Thiết phải ghé Từ Thế Mộng.

Sau này, anh chuyển cơ sở Ý Thức vào Sài Gòn, ghé Phan Rang tôi không còn có dịp ở lại với anh ở căn nhà 11 Nguyễn Thái Học nhiều kỷ niệm. Phương tiện liên lạc duy nhất hồi đó là gửi thư qua đường bưu điện, còn gặp nhau thì không nhiều, vì mỗi người phải bận bịu với công việc của mình. Sau 1975, anh không có điều kiện tiếp tục thực hiện giấc mộng văn chương. Cả một quãng thời gian dài sau đó, Nguyên Minh cũng như nhiều anh em khác chỉ cố gắng chăm lo cuộc sống gia đình. Cơm còn chưa đủ ăn, áo còn chưa đủ mặc, lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện viết văn, làm báo. Anh ngừng viết, về lại Phan Rang làm ruộng, làm vườn gần 10 năm. Nghe anh kể chuyện hai vợ chồng hái rau tập tàng ra chợ bán để có tiền mua gạo, mua thức ăn cho con mà ứa nước mắt.

Gần đây, tôi thật bất ngờ khi nghe tin anh lại làm báo, lần này là đặc san QUÁN VĂN. Bất ngờ vì chuyện làm báo văn học ở thời buổi bây giờ là chuyện thua lỗ thấy rõ. Vậy mà anh lại làm. Vẫn là giấc mộng văn chương thúc đẩy anh phải làm một cái gì đó. Hôm gặp anh và các bạn QUÁN VĂN nhân dịp về Việt nam, tôi hỏi đùa, “Tình hình thua lỗ của QUÁN VĂN tới đâu rồi?”. Anh cười tươi rói, “ Không đến nỗi nào”. Anh nói vậy, chứ thật ra có thể không phải vậy. Tôi vẫn nghĩ đường dài nếu không có sự hỗ trợ của bạn bè và độc giả, QUÁN VĂN sẽ rất vất vả.

Tháng tư vừa rồi anh đến Mỹ dự một cuộc họp mặt của cựu học sinh trường Quốc Học Huế, tổ chức ở San Jose. Bạn bè văn nghệ nồng nhiệt đón chào anh. Dịp này anh có dịp gặp lại Trần Hoài Thư, một người bạn chí thân, một người có cùng cái nghiệp đam mê làm báo như anh. Tôi bàn với Trần Hoài Thư rủ Nguyên Minh về miền đông bắc Hoa Kỳ chơi. Anh sang New Jersey ở lại với vợ chồng Trần Hoài Thư mấy hôm, sau đó cùng nhau sang Virginia dự buổi họp mặt ở nhà tôi, chào đón người bạn quí từ Việt Nam sang. Tối 28.4.2012, anh em thân tình thuở nào đều đến đủ để gặp Nguyên Minh. Anh Đinh Cường, vợ chồng Hoài Ziang Duy, Nguyễn Minh Nữu ở gần chỗ tôi nên khi có việc chạy qua chạy lại cũng dễ dàng. Nhưng sự có mặt của vợ chồng Trần Hoài Thư và Trần Phù Thế thì không dễ dàng chút nào, vì họ ở xa. Từ chỗ Trần Hoài Thư đến chỗ tôi mất hơn bốn tiếng lái xe chạy trên đường cao tốc, tương đương với đoạn đường Sài Gòn – Đà Lạt, còn từ chỗ Trần Phù Thế, South Carolina, đến chỗ tôi thì xa gấp đôi, mất gần 8 tiếng lái xe. Các bạn đều không quản ngại đường xa, tề tựu về đây.  Điều này cho thấy Nguyên Minh lúc nào cũng được bạn bè yêu mến. Chưa kể, từ nơi Nguyên Minh đang rong chơi, California, đến chỗ tôi, Virginia, nếu lái xe phải mất khoảng 7 ngày 7 đêm, nếu đi máy bay mất khoảng 6 tiếng. Vậy mà cuối cùng anh em vẫn gặp được nhau trong một buổi hội ngộ kỳ diệu ở miền đông bắc nước Mỹ. Vui biết là chừng nào.

Tối hôm sau, vợ chồng Trần Hoài Thư và tôi đưa Nguyên Minh đến thăm anh Đinh Cường, chị Tuyết Nhung, và phòng tranh của người họa sĩ tài hoa này.


Đinh Cường – Nguyên Minh – Trần Hoài Thư
Góc basement nhà Họa sĩ Đinh Cường tối 29.4.2012


Nguyên Minh có dịp xem tận mắt những bức tranh quí giá, những tài liệu văn học mà anh Đinh Cường kỳ công sưu tầm, lưu giữ trong nhiều năm. Anh Đinh Cường và chị Tuyết Nhung đọc rất nhiều. Trong nhà, anh có gần đủ bộ các tạp chí văn học ở miền nam trước đây như VĂN, BÁCH KHOA, SÁNG TẠO…Nhiều người biết đến Đinh Cường như một con người của hội họa, nhưng không biết anh còn là một con người của văn học.

Mong Nguyên Minh sẽ có những phút giây thật vui, thật thoải mải để có thêm energy tiếp tục thực hiện QUÁN VĂN, tiếp tục thực hiện giấc mộng văn chương còn dang dở.

PHẠM CAO HOÀNG
Tháng 5. 2012