Friday, March 15, 2013

124. THÍCH PHƯỚC AN Phạm Công Thiện, hiu hắt quê hương bến cỏ hồng



THÍCH PHƯỚC AN
Phạm Công Thiện,
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng



Ở đây, trên đồi cao vắng vẻ, vào mỗi chiều tôi vẫn thường ra đứng nhìn mặt trời khuất dần nơi các rặng núi phía xa, rồi chạnh lòng nhớ đến những người thân đã đến rồi ra đi không bao giờ về thăm lại ngọn đồi cao này. Tất nhiên, trong đó hình bóng của anh Phạm Công Thiện, một thanh niên tài hoa vừa mới từ giã Sài Gòn về đây suốt ngày tự nhốt mình trong một căn phòng đầy sách cùng những câu thơ mà anh đã từng sáng tác ở đây, vào những đêm dài heo hút hay những chiều buồn lê thê, lúc nào cũng sống lại đậm đà trong kí ức xa xôi của tôi:

Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bạt gió hai đường âm u.

Hay hai câu mà gần như những ai đã từng đọc thơ Phạm Công Thiện thì đều thuộc nằm lòng:

Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông

Nhà thơ Quách Tấn, người mà Phạm Công Thiện đã từng phát biểu là : “Một phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những thơ mộng của Phật giáo vào cuộc đời trầm lặng của mình”1. Một hôm có nói với tôi rằng, tại sao Phạm Công Thiện không viết là mưa sáng mà lại mưa chiều? Không về sớm mà lại về muộn và khi trở về lại ngọn đồi cao ấy không xảy ra vào thứ Hai, thứ Năm hoặc thứ Sáu mà lại xảy ra vào chiều thứ Bảy, tức là buổi chiều cuối tuần và điều quan trọng nữa, cây khế không phải đang trổ bông mà đã trổ hết bông.

Nghĩa là tất cả đều lê thê heo hút, tất cả đều vắng vẻ và dường như ta cũng còn nghe được cái tịch liêu trong hai câu thơ trên. Và rồi Quách Tấn còn nói thêm với tôi là, nếu ở thời hiện tại có cái gọi là thơ Thiền thì chắc chắn đó phải là hai câu thơ Thiền hay nhất ở thời hiện đại.

Phạm Công Thiện rời đồi cao chùa Hải Đức (Nha Trang) đến nay đã gần nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ với biết bao thăng trầm, nói theo ngôn ngữ của Phạm Công Thiện thì nửa thế kỷ đầy “tang hoang dâu biển” không chỉ dâu biển đối với quê hương đất nước và thế giới mà còn đối với riêng cá nhân Phạm Công Thiện nữa. Nhưng chỉ có cái duy nhất không thay đổi với anh, theo tôi đó là cái tịch liêu, cái hoang vắng trong đời sống cô độc của anh. Dù anh sống ở đâu, dưới hình thức nào thì cái hoang vắng, tịch liêu của những buổi chiều vàng vọt ấy vẫn cứ bám riết lấy cuộc đời anh như bài thơ có tên là Một buổi chiều nào đó ở California trong tập thơ Trên tất cả đỉnh cao là lặng im vừa được xuất bản tại Việt Nam. 
I.
Một gian phòng nhỏ một buổi chiều
Một người tựa cửa đứng buồn thiu
Một cô gái nhỏ băng qua phố
Một tiếng chim xa lọt xuống đèo

II.
Một gian phòng nhỏ một buổi chiều
Một người tựa cửa đứng đìu hiu
Một người lặng lẽ băng qua phố
Một kẻ xa buồn lén ngó theo

III.
Một gian phòng tối một buổi chiều
Không người tựa cửa đứng đìu hiu
Không ai bước nhẹ băng qua phố
Không tiếng bông khô rụng xuống đèo.

Bài thơ có ba đoạn, mỗi đoạn có bốn câu. Tám câu đầu ta thấy có tám chữ Một nghĩa là một buổi chiều và một gian phòng nhỏ, trong gian phòng nhỏ đó có “một người tựa cửa đứng buồn thiu”. Tác giả không cho biết là người đang tựa cửa đứng buồn thiu đó có thấy “một cô gái nhỏ băng qua phố” và có nghe “một tiếng chim xa lọt xuống đèo” hay không? Nhưng đến đoạn hai của bài thơ thì có khác đôi chút, vẫn có “một người lặng lẽ băng qua phố” nhưng không biết người đó là đàn ông hay đàn bà, thanh niên hay con gái, nhưng lần này thì bài thơ cho biết có “một kẻ xa buồn lén ngó theo”.

Nhưng đến bốn câu cuối của đoạn ba thì lại hoàn toàn khác, vẫn có “một gian phòng” nhưng đó là “gian phòng tối”. Trong gian phòng tối đó, tất nhiên “không có người đứng tựa cửa đìu hiu” và cũng không có người nào “bước nhẹ băng qua phố” và chẳng có bất cứ một “tiếng bông khô (nào) rụng xuống đèo” cả. Nghĩa là càng cuối bài thơ thì càng xa xôi heo hút càng tịch liêu vắng vẻ.

Dù ở California hay bất cứ nơi nào trên mặt đất này thì đời sống của con người cũng chẳng có gì thay đổi, cũng chỉ lặp đi lặp lại từng ấy chuyện. Trong tác phẩm Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất Phạm Công Thiện viết:

“…hai người gặp nhau, yêu thương nhau, sống chung với nhau rồi chết. Tất cả bài thơ của đời người đã được viết ra từ thế kỷ này đến thế kỷ khác. Rồi cũng có một căn nhà nào đó, rồi cũng có một gian phòng nào đó… Rồi cũng có một đoạn văn buồn hiu hắt của Céline “Rồi thì chúng ta sống ở đây, lại cô độc nữa. Tất cả đều quá chậm chạp, lê thê nặng nề, quá buồn… Rồi thì tôi sẽ già. Rồi thì sau đó sẽ xong, sẽ hết. Bao nhiêu đã người đã đi vào phòng tôi. Họ nói nhiều điều. Họ không nói gì đáng nói cho tôi cả. Rồi họ bỏ đi. Họ trở nên già nua, khốn khổ và chậm chạp, mỗi người trong góc bể chân trời nào đó nơi địa đầu thế giới”2.

Tôi nghĩ, Phạm Công Thiện khi viết câu trên có thể là viết cho chính mình mà cũng có thể cho tất cả những con người đã, đang và sẽ đến trên mặt đất buồn hiu này.

Những người đời thường của chúng ta mỗi khi cảm thấy cô độc vẫn thường trốn tránh nó bằng cách lao vào những cuộc vui hay tìm đến những nơi đông người để mong bớt đi phần nào nỗi cô độc nhưng với Phạm Công Thiện (hay tất cả những nghệ sĩ sáng tác chân chính khác) thì ngược lại càng ở giữa đám đông bao nhiêu thì nỗi cô độc của họ càng lớn mạnh bấy nhiêu. Đối với họ, cuộc đời lúc nào cũng giống như buổi chợ chiều:

Phố phường xe rầm rộ
Tôi đứng yên một chỗ
Lũ lượt đời cuộn trôi
Thoáng chốc thiên cổ rồi
(Chợ Chiều)

Trong tác phẩm Khơi mạch nguồn thơ thi sĩ Seamus Heaney (Nobel Văn chương năm 1995) Phạm Công Thiện viết:

“Một nhà thơ đúng nghĩa là kẻ có khả năng làm sống dậy cả một vũ trụ, cả một thế giới ba động chung quanh một của củ khoai tầm thường qua những luống khoai tây tầm thường, Seamus Heaney có thể làm bừng dậy bao nhiêu thế hệ đã trôi qua trên mặt đất, lòng kiên nhẫn sắt son của con người đối với đất đai làng mạc quê hương, tiếng động thổ ngơi, truyền thống thôn quê âm u, nhịp đẩy của đời sống, sức hút của cái chết, cả một triều sóng dậy của lịch sử kinh qua luống khoai bùn lầy”3.

Và trong một tác phẩm khác Phạm Công Thiện cũng viết:

“Thơ đúng nghĩa là thơ, đều không có ý nghĩa gì hết mà vẫn không vô nghĩa. Bài thơ không nói gì hết, vì mỗi bài thơ là một sự hiện diện linh thiêng, làm bùng vỡ lên một sự trống vắng bao la như “ núi vắng không thấy người” mỗi một nhịp thơ khai mở cả một thế giới bừng dậy, như một cái bông xương rồng bé nhỏ lất phất trong gió sa mạc”4.

Vậy là cũng giống như Seamus Heaney, chỉ có một củ khoai tây thì Phạm Công Thiện cũng vậy, chỉ có một cây khế trổ bông trên một ngọn đồi vắng vẻ trong một buổi chiều âm u nào đó của quê hương, vậy mà cái hoang vắng, cái tịch liêu của những buổi chiều xa xôi ấy vẫn đeo đuổi và ám ảnh anh trên khắp nẻo đường của thế giới như chính anh đã xác nhận:

“Nó buồn buồn nhớ lại những khu phố hoang liêu vào những buổi chiều vàng vọt trên khắp mặt đất mà nó bước qua”5. Hay hai câu thơ trong Ngày sinh của rắn cũng buồn hiu hắt như vậy:

Về đâu thương những con đường
Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa

Bởi thế cho nên, ta chẳng lấy gì làm lạ khi Phạm Công Thiện cho rằng, dù sống dưới hình thức nào thì anh vẫn nghĩ rằng suốt đời mình vẫn là một tu sĩ sống cô độc trong một tu viện: “Dù sao đi nữa, dù sống thế nào đi nữa, cả đời nó, nó vẫn chỉ là một tu sĩ, dù với bất cứ hình thức đổi thay nào, với bất cứ hoàn cảnh nào, nó vẫn là một ông thầy tu… Tu viện là cả vũ trụ này”6. Nhưng “những khu phố hoang liêu”, “những buổi chiều vàng vọt trên khắp mặt đất”, những “lê thê phố cũ”, những “nghe buồn hè xưa” thì đã tác động đến tâm hồn của Phạm Công Thiện như thế nào? Nghĩa là đưa anh vào ngõ cụt hay mở ra nhưng chân trời mênh mông cao rộng? Đây là lời giải đáp của chính Phạm Công Thiện:

“Năm tàn tháng tận, nhưng với lòng trong sạch, tính trong sáng, tâm thức bình lặng trên những đỉnh cao của đời sống linh hiện thì chẳng có gì tàn và chẳng có gì tận. Mỗi giây phút hiện tại là sự bừng vỡ cọ xát bắn lửa giữa hai thiên thu vĩnh cửu. Mỗi giây phút hiện tại là sự cọ xát mãnh liệt giữa vô số tỉ triệu ngàn năm trước và vô số tỉ triệu ngàn năm sau. Mỗi thoáng chốc mong manh của hiện tại như tơ trời mà vẫn đủ thu phối lại tất cả tuyệt đỉnh của quá khứ và của tương lai, rồi bừng nở thành cái bông bìm bìm trong đám rêu xanh”7.

Phạm Công Thiện có dịch một bài thơ có nhan đề là Seuls Comprennent Les Fous (Chỉ những người điên mới hiểu được) của nhà thơ Pháp Pierre Emmanuel. Trong bài thơ Pierre Emmanuel cứ băn khoăn thắc mắc tự hỏi tại sao vĩnh cửu lại xanh màu lá cây? (Pourquoi Verte,l’éternite?) Dù thắc mắc như vậy, nhưng cuối cùng Pierre Emmanuel cũng tìm được câu trả lời cho chính mình:

“Kẻ nào chưa cảm thấy trong lòng mình ru khẽ lên những chiếc lá đầu mùa, thì không bao giờ biết được vĩnh cửu”. (Qui n’a senti en lui crier – Les premières feuilles des arbres – Ne sait rien de L’éternité.)

Vào một ngày cuối năm, nghĩa là lúc đất trời đang ở trong giây phút giao mùa, Phạm Công Thiện cũng chợt thấy lòng mình “ru khẽ lên những chiếc là đầu mùa”, anh bèn làm một chuyến hành hương trong tâm tưởng của mình về lại nơi chốn mà anh tin chắc là có “màu xanh vĩnh cửu”:

“Năm tàn tháng tận, những ngày cuối năm, trời lạnh se se và ánh nắng vùng thị tứ Los Angeles ràng rạng vàng tươi trong suốt như cách đây trên 2500 năm khi Người – Đến – Như –Thế (Tathàgata) đang ngồi một mình lặng lẽ trong phòng vùng thị tứ Vaisàli hay những thành phố khác như Sràvasti tuyệt đẹp ngày xưa của Ấn Độ, một thị tứ mà trước kia ra đi, đứng trên đỉnh đồi ngó lại, Đức Phật đã nói lời giã biệt đầy xúc động thầm kín: “Ồ, Vaisàli, đây là cuối cùng ta nhìn mi.”8

Hình ảnh ấy của Đức Phật đã để lại bài học gì cho chúng ta trong cuộc hành trình đi về lại nơi chốn vĩnh cửu? Phạm Công Thiện viết tiếp:

“Hình ảnh Đức Phật đứng trên đồi cao quay lại nhìn Vaisàli một lần cuối cùng giống như hình ảnh của một đời người. Mỗi cái nhìn là thiên thu vĩnh biệt, mỗi bước chân là trùng khơi vạn lí, mỗi giây phút trôi qua là tất cả thời gian và không gian biến mất” nhưng không hề gì vì Phạm Công Thiện cũng như tất cả những nghệ sĩ lớn trên mặt đất phù du này đều tin tưởng một cách mãnh liệt rằng, có một nơi chốn thiên thu vạn đại để những kẻ lữ hành chúng ta trở về :

“Hình ảnh của người đi và lân la đứng trên đồi nhìn lại cũng chính là hình ảnh bất hủ của thi sĩ Đức Rilke: “Dù mình có làm gì đi nữa trên cõi đời này thì mình vẫn có dáng dấp của kẻ lên đường.” Mặc dù tất cả ngày tháng đều kéo nhau đi mất, nhưng thi sĩ Nhật Basho: “Những ngày và những tháng đều là kẻ lữ hành của thiên thu, và những năm tháng trôi qua thì cũng thế”. Tất cả đều đi mất, nhưng không hẳn là đi mất biệt luôn, vì sự lên đường bỏ đi ở đây là đi về với Thiên Thu Vạn Đại, vì thế sự trôi chảy liên tục và sự giã biệt liên tiếp kia chỉ là sự trở về Nhất pháp giới Đại Tổng Tướng Pháp Môn Thể( Đại Thừa Khởi Tín Luận). Tiếng kêu của bầy ngựa vào thời Mã Minh Bồ Tát cách đây 2000 năm cũng là tiếng kêu của bầy ngựa ngày hôm nay trên những cánh đồng hoang khắp thế giới”9.

Đọc đoạn trên của Phạm Công Thiện khiến tôi lại liên tưởng đến câu sau đây của Trịnh Xuân Thuận, nhà thiên văn lỗi lạc của Việt Nam và thế giới đương đại:

“Chúng ta là sản phẩm của những hạt bụi trên các vì sao cũng là anh em muôn thưở với cỏ cây hoa lá. Với việc chúng ta thở, chúng ta có liên hệ với vạn vật trên thế gian. Khi một cơ thể chết đi và tan rã, những nguyên tử của cơ thể đó sẽ thoát ra môi trường và xâm nhập vào các cơ thể khác. Cơ thể chúng ta đang chứa một tỷ nguyên tử của cây Bồ Đề nơi Đức Phật đã thành đạo.”10.

Nhưng nếu các nhà khoa học đã phải miệt mài trong phòng thí nghiệm từ ngày này sang ngày khác, thậm chí từ năm này sang năm khác thì mới khám phá ra rằng “chúng ta là hạt bụi trên các vì sao” hay “chúng ta là anh em với cỏ cây hoa lá” và đặt biệt là “cơ thể của chúng ta đang chứa đựng khoảng một tỷ nguyên tử của cây Bồ Đề nơi Đức Phật đã thành đạo” thì với Phạm Công Thiện: “Thi sĩ cũng giống như một tu sĩ tự nhốt mình trong tu viện để nhóm lửa tâm thức, đốt cháy tập khí và cặn bã của ngôn ngữ loài người và giải thoát mở rộng khai thông tất cả những tinh lực khủng khiếp đọng lại trong âm thanh vũ trụ”11, và trong một đoạn khác anh lại viết: “Thi nhân chính là kẻ khẩn hoang, khai khẩn, phá hoang, lầm vỡ đất, tung bắn nước nguồn, tồn dưỡng tinh thần thổ ngơi, hậu trạch cho sự lưu trú thơ mộng của loài người trên mặt đất”12. Chính vì “tự nhốt mình trong tu viện” hay giống như người nông dân “khẩn hoang, khai hoang, vỡ đất, làm tung bắn nước nguồn” nên tất nhiên cũng chỉ có thiền sư và thi nhân mới nhận ra được cái thơ mộng tuyệt vời này, những thơ mộng mà ta có thể tin chắc là những kẻ đầu óc thực dụng của thời đại ngày nay không bao giờ có thể thấy được:

“Những người không biết chữ ở tận rừng rú hoang vu cũng phải đọc từng lá cây ngọn cỏ, từng dấu vết chân voi, từng vết mây dưới chân đèo, từng hơi gió thoảng qua trên suối vắng. Đọc không phải chỉ là đọc chữ, một người chỉ biết đọc chữ vẫn chỉ là người đọc chữ. Trong mỗi chữ tầm thường nhất vẫn phảng phất một âm thanh nào đó, và trong một âm thanh nhẹ nhàng nhất vẫn còn run rẩy một sự im lặng nào đó. Mỗi một chữ, một tiếng, một lời mở ra một thế giới đang thành hình và một thế giới đang sụp đổ”13.

Phạm Công Thiện còn có một bài thơ nữa mà theo tôi, vô cùng độc đáo, đó là bài Lên Đường. Hồi còn ở với anh tại Nha Trang cũng nhu Sài Gòn gần như ngày nào anh cũng say sưa nói với tôi về kinh Hoa Nghiêm (Avatamsaka), đặc biệt là Phẩm Nhập Pháp Giới (Gandavyùha) tức là phẩm dài nhất và quan trọng nhất của kinh Hoa Nghiêm. Phẩm này ghi lại cuộc hành trình đầy gian nan của Thiện Tài Đồng Tử (Sudhana) đi tham vấn từ vị đạo sư này đến vị đạo sư khác. Tất cả là năm mươi ba vị ở khắp tầng cảnh giới, mang đủ lốt của mọi chúng sanh.

Trước khi lên đường, Bồ Tát Văn Thù thầy của Thiện Tài Đồng Tử đã căn dặn học trò của mình rằng:
“Này Thiện Nam Tử! Nếu muốn thành tựu nhất thiết chủng trí (Sarvajnã-jnãna) thì phải quyết định cầu thiện tri thức. Này Thiện Nam Tử, cầu thiện tri thức thì chớ mỏi lười. Thấy thiện tri thức chớ có nhàm đủ. Thiện tri thức có dạy bảo điều chi thì phải tùy thuận. Nơi thiện xảo phương tiện của thiện tri thức chớ thấy lỗi lầm”14.

Vị Thiện Tri Thức mà Bồ Tát Văn Thù khuyến cáo Thiện Tại đến tham vấn đầu tiên là Tỳ kheo Đức Vân. Vị Tỳ Kheo này ở phương Nam cư trú trên núi Diệu Phong thuộc nước Thắng Lạc.

Tại sao lại khởi đầu đi đến Phương Nam mà không là các phương khác như Đông, Tây hay Bắc? 

Phạm Công Thiện đã nhiều lần nói rằng chữ Việt trong chữ Việt Nam có nghĩa là vượt về Phương Nam mà “Trong tất cả truyền thống đạo lý Đông phương, phương Nam luôn luôn có nghĩa là “chỗ hội tụ tập đại thành của đạo lý” (Lão Trang ở phương Nam, tư tưởng Bát Nhã cũng nằm ở phương Nam, trọn cả Nhập Pháp Giới Phẩm) của Hoa Nghiêm kinh đều nhấn mạnh Thiện Tài liên tiếp đi về phương Nam để học đạo”15.

Và vị Thiện Tri Thức cuối cùng trong năm mươi ba vị Thiện Tri Thức mà Thiện Tài đến tham vấn là Bồ Tát Di Lặc. Trước khi Bồ Tát Di Lặc mở tháp Tỳ Lô trang nghiêm cho Thiện Tài chiêm ngưỡng thì Bồ Tát đã không ngớt ca tụng những đức tính tuyệt vời của Bồ Đề Tâm (Bodhicitta), vì chính Bồ Đề Tâm nghĩa là khát vọng giác ngộ nóng bỏng đã khiến Thiện Tài mới có đủ sức mạnh tâm linh để làm một cuộc hành trình vĩ đại gặp gỡ các đạo gia, triết gia, những ông thức giả và những bà thức giả.

Nhưng vì sao Đồ Đề Tâm lại quan trọng đến như vậy? Thay vì trả lời trực tiếp D. T. Suzuki đã nói lên tầm quan trọng của Nhập Pháp Giới Phẩm: “Ganda quả là một bản truyện kí của những nỗ lực tri thức và tâm linh xuất hiện quanh câu hỏi Hạnh của Bồ Tát là gì? Nghĩa là ý nghĩa của đời sống con người là gì? Sự trỗi dậy của Bồ Đề Tâm là chìa khóa mở vào bí ẩn muôn đời đó, chính đó là lí do vì sao Bồ Tát Di Lặc đã nói hết sức cặn kẽ và rộng rãi về Bồ Đề Tâm”16. Thế là có nghĩa là ngày nào chúng ta chưa phát Bồ Đề Tâm thì ngày đó chúng ta chưa tìm được ý nghĩa đích thực của đời sống.

Bài thơ được chia làm mười hai đoạn và một đoạn có bốn câu. Trong mười hai đoạn đó, đều được mở đầu bằng một câu duy nhất:
Chim Ca Lăng kêu sương

Chim ca lăng gọi cho đủ là chim Ca Lăng Tần Già, một loại chim huyền thoại từng sống trên đỉnh Hi Mã Lạp Sơn cao nhất thế giới nhưng đồng thời cũng là tên của một vị Bồ Tát nữa. Bồ Tát Di Lặc đã đem con chim huyền thoại này để ví dụ cho Thiện Tài thấy cái vĩ đại của Bồ Đề Tâm:

“Như chim Ca Lăng Tần Già (Kalavinka) dù chưa ra khỏi vỏ trứng, mà đã có khả năng ca hát tuyệt vời, tiếng hát của nó đã hơn hẳn tất cả đàn chim trên Hi Mã Lạp Sơn. Cũng vậy, khi Bồ Tát Ca Lăng Tần Già (Bodhisattva Kalavinka) bắt đầu công hạnh lúc đang ở giữa cõi luân hồi mà không lui sụt nên có khả năng làm tâm đại bi và Bồ Đề Tâm không hề bị thoái hóa vào tất cả thành tựu của Thanh Văn và Duyên Giác”17.

Trong số những đức tính Bồ Đề Tâm mà Bồ Tát Di Lặc đã ca ngợi với Thiện Tài, tôi nhớ Phạm Công Thiện thường nhắc tới những câu sau đây. Những câu mà theo tôi, rất phù hợp với tâm hồn gần như lúc nào cũng đều dậy lửa của anh:

“Bồ Đề Tâm như lưỡi cày vì dọn sạch ruộng Tâm của hết thảy chúng sanh”, “Bồ Đề Tâm như dao bén vì chặt đầu phiền não”, “Bồ Đề Tâm như cõi đất vì gìn giữ tất cả thế gian”, “ Bồ Đề Tâm như ngọn lửa vì đốt cháy tất cả hý luận”, “Bồ Đề Tâm như núi tuyết (Himalaya) và sản xuất đủ tất cả các cây thuốc trí tuệ”,“Bồ Đề Tâm như kim cương (Vajra) vì xuyên thủng hết thảy mọi thứ” và đặc biệt là câu: “Bồ Đề Tâm như hố thẳm vì có làm sụp đổ tất cả các ác pháp” mà tôi đã nhớ là trong một bài viết trên báo Tin Phật của Tổng Vụ Hoằng Pháp (trước năm 1975) anh đã nói rằng từ khi đọc được câu này trong kinh Hoa Nghiêm thì cảm thấy mình “như đang đi hỏng chân trên mặt đất”, và cũng vì đọc được câu này mà anh đã tung ra một loạt tác phẩm mang tên Hố Thẳm như Hố Thẳm Tư Tưởng hay Im Lặng Hố Thẳm chẳng hạn.

Không còn hồ nghi gì nữa, chính thứ ngôn ngữ kì lạ của Ganda đã cuốn hút mãnh liệt để Phạm Công Thiện viết nên bài thơ có tên là Lên Đường, cũng bằng thứ ngôn ngữ sấm sét như vậy. Thứ ngôn ngữ mà tôi tin chắc rằng, không chỉ thúc giục anh lên đường mà có lẽ tất cả chúng ta nữa. Ví dụ đoạn bốn trong bài thơ:

Chim Ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy đại dương
Lôi Bồ Đề Tâm dậy
Sấm sét nổ mười phương

Hay đoạn bảy:

Chim Ca Lăng kêu sương
Tôi sụp lạy vô thường
Lôi Bồ Đề Tâm dậy
Sấm chẻ đứt: Kim cương

Nhưng trên đường đi, kẻ lữ hành không chỉ gặp “sấm sét nổ mười phương” hay “sấm sét chẻ đứt: Kim cương” mà kẻ lữ hành còn bất ngờ gặp những bông hoa xinh xắn, dịu dàng nữa. Có thể đó là đóa hoa quỳnh:
Chim Ca Lăng kêu sương
Tôi sụp lạy thiên hương
Bồ Đề Tâm tăng trưởng
Bông quỳnh nở bất thường

Hoặc cây bông trang đang nở rộ :

Chim Ca Lăng kêu sương
Tôi sụp lạy vách tường
Bồ Đề Tâm qui ngưỡng
Bông trang nở đầu đường

Hai đóa bông quỳnh và bông trang thơ mộng này chắc chắc Phạm Công Thiện đã lên đường tìm kiếm từ lâu lắm rồi nhưng đến bây giờ anh mới gặp được chăng?

Mười lăm tỉ năm qua
Từ vạn triệu sơn hà
Bây giờ ta mới tới
Gặp lại em hôm qua

Phạm Công Thiện vốn nổi tiếng giỏi ngoại ngữ nhất là các ngôn ngữ Tây phương. Hồi mới mười sáu tuổi anh đã soạn Anh Ngữ Tinh Âm Từ Điển. Việc thông thạo các thư tiếng Tây phương, chắc chắn đã quyết định hướng đi cho anh. Ngoài hai tác phẩm Nguyễn Du,đại thi hào dân tộc và Một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử thì tất cả các tác phẩm còn lại đều viết về các triết gia, văn hào và thi hào trên thế giới. Vào những năm cuối đời, Phạm Công Thiện còn dịch và viết nhiều về tư tưởng Phật giáo Mật Tông Tây Tạng nữa.

Vậy, Phạm Công Thiện có tự nói gì về con đường sáng tác của chính mình? Tôi còn nhớ trong tác phẩm Ý Thức Bùng Vỡ anh đã biết một câu như thế này:

Phải đẩy sự ly hương đến cùng độ thì mới biết thế nào là nỗi nhớ quê hương. Vậy là chính anh đã tự nhận mình là kẻ đã “đẩy sự ly hương đến cùng độ”. Bây giờ ta thử xem anh đã thể hiện “nỗi nhớ quê hương” trong các tác phẩm của anh như thế nào?

Trước hết là quê hương theo nghĩa đen, nghĩa là nơi chôn nhau cắt rốn. Phạm Công Thiện vốn chào đời bên Mỹ Tho bên dòng sông Cửu Long. Đây là con sông hùng vĩ phát nguyên từ Tây Tạng trên đỉnh Hi Mã Lạp Sơn. Trong tập thơ Ngày Sinh Của Rắn anh đã nhắc đến con sông với đầy hãnh diện:

Cửu Long ca từ Tây TạngTuổi thơ anh cũng như bao trẻ thơ khác ở Mỹ Tho đã từng bơi lội trên dòng sông này. Sau này lớn lên đi khắp thế giới, mỗi khi có dịp ngồi nhớ lại tuổi thơ của mình, anh vẫn quả quyết rằng, khắp thế giới không có nơi nào thơ mộng hơn cảnh tượng này:

“Tuổi thơ tắm sông, ăn bần, khắp thế giới không có cảnh tượng nào thơ mộng hơn nữa. Nó ngồi học lại từng tên cây lá, từng bông hoa quê hương. Cuộc đời của nó được lớn lên giữa những đám dừa nước, bần, lau, sậy, lác, dứa, vẹt, cóc kèn, ô rô”18.

Cũng giống như bất cứ một người Việt Nam nào khi rời bỏ thôn quê sống ở thành thị đều luôn nhớ những con trâu trên những cánh đồng hay trên nương rẫy của một thời tuổi thơ đã xa xôi:
“Ôi! Những con quạ đậu trên lưng trâu, ơi tuổi thơ nào đã bay mất trên những con trâu già quê hương? Những con trâu Việt Nam, Những con trâu Việt Nam”19.

Nếu một người nào đó suốt đời chỉ quanh quẩn nơi các thành phố của quê hương rồi nhớ và kêu lên một cách tha thiết như vậy thì có lẽ không làm cho ta xúc động nhiều. Nhưng một người như Phạm Công Thiện hơn bốn mươi năm rời bỏ quê hương đất nước đã từng sống nơi những đô thị tân tiến và hiện đại nhất như Paris, London, NewYork, Washington hay Los Angeles… thì khi nhớ đến những con trâu già của tuổi thơ trên quê hương thì chắc chắn phải làm cho anh bồi hồi và xúc động hơn nhiều.

Và một điều vô cùng quan trọng hơn nữa là trong các tác phẩm của Phạm Công Thiện mà hầu hết đều viết về các triết gia, văn hào và thi hào trên khắp thế giới nhưng dường như lúc nào anh cũng để một vị trí đặc biệt cho các Thiền sư, nhà văn hay nhà thơ của quê hương đất nước.

Ví dụ trong tác phẩm rất quan trọng là Im Lặng Hố Thẳm (có thể là quan trọng hơn cả ý thức mới trong văn nghệ va triết học), Phạm Công Thiện đã mở đầu bằng hình ảnh của một Thiền sư đứng chót vót không chỉ với tư tưởng Việt Nam mà còn cả tư tưởng của nhân loại nữa:

“Thiền sư Không Lộ thời Lý của quê hương một lần kia cô đơn bước lên tận một đỉnh núi chót vót và sực kêu lên một tiếng bơ vơ làm lạnh cả bầu trời xanh lơ đầy mây trắng. Dưới kia là hố thẳm hoang sơ, hố thẳm của quê hương, niềm câm lặng của hố thẳm bỗng vọng lên Tính và Việt: Triết lý Việt Nam ra đời, vỗ cánh bay lên như phượng hoàng để rồi mười năm sau làm rồng bay vút trời nhân loại…

Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. Tiếng nói ấy, tiếng kêu trầm thống ấy làm lạnh buốt cả bầu trời và xoáy vòng cuộn xuống hố thẳm, xuống niềm im lặng của hố thẳm mà người xưa gọi là: “uyên mặc”20.

Phạm Công Thiện vốn rất say mê Vương Duy một đại thi hào vào thời đại nhà Đường của Trung Quốc, đặc biết nhất là hai câu:
Nhất sinh kỷ hử thương tâm sự
Bất hướng không môn hà xứ tiêu
(Ở đời bao chuyện thương tâm
Không về cửa Phật biết làm sao khuây?)

Mà mặc dù Phạm Công Thiện đã tự trả lời hai câu trên của Vương Duy: “Mặc dù tự hỏi như vậy, nhưng Vương Duy cũng thừa hiểu rằng Không Môn nằm ngay giữa lòng thương tâm sự”. Nhưng quan trọng nhất trong toàn thể thi nghiệp của Vương Duy theo Phạm Công Thiện vẫn là bài thơ Lộc Trại: “Chỉ có hai chục chữ thôi mà Vương Duy đã linh hiện sự bình yên bao la nhất trên tất cả những đỉnh cao của thi ca nhân loại:
Không sơn bất kiến nhân
Đản văn nhân ngữ hưởng
Phản ảnh nhập thâm lâm
Phục chiếu thanh đài thượng

(Đỉnh núi trống vắng, không thấy người mà chỉ có nghe tiếng xa đồng vọng, ánh nắng xế chiều đi vào rừng sâu, chiếu rọi trở lại trên vùng rêu xanh).

Theo Phạm Công Thiện bài thơ này đã được nhiều thi sĩ nổi tiếng trên khắp thế giới như Gary Snyder, Keneth Rexroth hay Burton Watson dịch sang tiếng Anh nhưng quan trọng nhất theo anh vẫn là nhà thơ Mễ Tây Cơ Octavio Paz người đoạt giải văn chương Nobel vào năm 1990 dịch ra tiếng Tây Ban Nha và Octavio Paz còn “cho rằng bài thơ trên của Vương Duy chiếu hiện lên thế giới Tây phương tịnh độ của Đức Phật A Di Đà”21. Từ nhận xét trên của Octavio Paz, Phạm Công Thiện viết một câu vô cùng quan trọng sau đây:

“Nhận xét trên của thi sĩ Octavio Paz đáng được chúng ta trầm tư, nếu chúng ta đủ sức mạnh tâm linh để lời nhận xét của Octavio Paz trở về mấy câu kín đáo sau đây của đời Trần ở quê hương, mấy câu bằng chữ Nôm đơn sơ mà đủ nuôi nguyên khí để nuôi dưỡng mấy ngàn năm hiện thức tuyệt đỉnh của dân tộc: Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn hỏi đến Tây Phương, Di Đà là tính sáng soi,mựa phải nhọc tìm Cực Lạc”22.

Mặc dù tác phẩm Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc hơn bốn trăm trang, nhưng theo tôi chỉ một đoạn ngắn sau đây của Phạm Công Thiện cũng đủ nói lên hết tất cả sự vĩ đại của Nguyễn Du đối với các thi hào của toàn thể nhân loại:

“Chỉ cần một cơn gió nhẹ thở và thổi qua rặng Vi lô bên bờ Ái Nhĩ Lan bé nhỏ cũng đủ thay đổi trọn vẹn không khí thi ca Anh Cát Lợi. Chỉ sáu chữ của Nguyễn Du cũng đủ làm xuất hiện một buổi chiều trong những buổi chiều hoang vu nhất của Việt Nam:
Vi lô san sát hơi may…

Nguyễn Du đã lắng nghe hơi may, Yeats đã lắng nghe hơi gió và Seamus Heaney cũng đã lắng nghe được hơi thở nào của thiên địa lúc hồi tưởng lại những nơi chốn linh hiện của truyền thống quê hương”23. Đây có phải là lòng tự tôn về dân tộc của mình rồi phóng đại hay cường điệu lên không? Chắc chắn là không. Với Phạm Công Thiện tổ tiên hay quê cha đất tổ luôn luôn là một cái gì vô cùng thiêng liêng trong tâm hồn của anh:

“Con người chỉ biết nghe khi con người nghe được tiếng nói thì thầm của tổ tiên mình đồng vọng từ bao nhiêu ngàn năm từ suối nguồn núi cao cho đến cơn gió vèo qua rặng lau sậy dưới bãi biển chiều hôm nay. Chiều hôm nay là tất cả buổi chiều trên mặt đất”24.

Phạm Công Thiện đã viết như vậy vào một buổi chiều nơi tận địa đầu thế giới nghĩa là khi “ đã đẩy sự ly hương đến cùng độ” nói theo cách nói của anh.

Còn một quê hương nữa mà ta không thể nào không đề cập ở đây, đó là quê hương tâm linh. Như mọi tâm hồn lớn khác, Phạm Công Thiện cũng suốt đời đi tìm kiếm một quê hương tâm linh của chính đời mình, và quê hương tâm linh mà anh đã lựa chọn đó chính là Phật giáo. Vì sao lại là Phật giáo? Trong tác phẩm Im Lặng Hố Thẳm, nơi chương đầu có tên là Phá hủy biện chứng pháp Phạm Công Thiện đã nói lên sự vĩ đại của Phật giáo khi để Phật giáo đối mặt với tư tưởng Tây phương cũng như đạo lí Đông phương như thế này:

“Triết lý và văn minh Tây phương khởi đầu và chấm dứt nơi của cái chết Jesus và Socrate. Triết lý và văn minh Đông phương khởi đầu và chấm dứt nơi ngoài thành cửa Đông, lúc Khổng Tử đứng tiều tụy và tự nói rằng mình giống như “con chó mất chủ”, lúc Lão Tử cỡi trâu bỏ đi về phía Tây. Phật không khởi đầu và không chấm dứt mà mở rộng phương trời cho khởi đầu thành khởi đầu và chấm dứt thành chấm dứt”25.

Bởi vậy Phạm Công Thiện cho rằng, Phật giáo chẳng những điều động “trọn vẹn cả tính mệnh Đông phương, mãnh liệt nhất là tính mệnh của Việt Nam đặc biệt là từ thời Lý cho đến hôm nay” mà Phật giáo còn “đứng nơi đỉnh của vũ trụ, đương thời và đồng thời với sự bắt đầu của vũ trụ”.

Trong lời tựa cho tác phẩm Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên Phạm Công Thiện Viết một câu mà đọc lên tôi có cảm tưởng là anh đã viết cho chính anh sau hơn nửa đời người lang bạt khắp thế giới:

“Trong ý nghĩa khác, có người đột nhiên mới hiểu tại sao Novalis gọi triết lý là nỗi nhớ đất mẹ, là cơn đau hoài hương”26.

Cách đây gần đúng nửa thế kỷ, Phạm Công Thiện leo lên đồi cao chùa Hải Đức (Nha Trang). Đây là ngôi chùa mà anh đã bắt đầu cho cuộc lên đường tìn kiếm một quê hương vĩnh cửu cho chính đời mình và cũng chính tại nơi đây anh đã từng trải qua những giấc mơ tuyệt đẹp:
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông

Người em nào còn đứng bên cửa? Có phải đó là một chốn quê mà anh đã vô tình đánh mất trên những nẻo đường lênh đênh?
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng

Và sau này dù anh đã rời bỏ đồi cao nhưng những giấc mơ tuyệt đẹp ấy vẫn cứ nuôi dưỡng tinh thần cho cuộc đời của anh:

“Nhưng đại dương có phải là một thực tại? Không, đại dương là một giấc mộng. Thiền là một giấc mộng đặt trên một giấc mộng”.

Và phải chăng cái mà Novalis (hay Phạm Công Thiện) gọi là Đất Mẹ là cơn đau hoài hương ấy chắc còn đẹp bằng hay hơn cả một giấc mộng đặt trên giấc mộng như một lần Phạm Công Thiện đã phát biểu như vậy trong một bài tùy bút cũng đẹp chẳng khác gì một giấc mộng có tên là Con Bướm Băng Qua Đại Dương.

THÍCH PHƯỚC AN
2011. 
 
­­­­­­­­­­­­­­­­
2. Trang 36, NXB Trần Thi tại Mỹ 1998
3. trang 61-62,Xuất bản tại Mỹ năm 1996
4. Triết lý Việt Nam về sự vượt biên, Tr. 215, Xuất bản tại Mỹ năm 1995.
5. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu… trang 96
6. Sdd tr. 216
7. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu, Tr. 7.
8. Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng, tr. 164 NXB Phương Đông TPHCM 2009
9. Sđd. tr. 166
10. Đối Thoại Giữa Khoa Học Và Phật Giáo của Mathieu Ricard và Trịnh Xuân Thuận, B. s Hồ Hữu Huân dịch,Tr. 67. NXB Phương Đông TPHCM năm 2009.
11. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu…Tr. 71
12. Khơi Mạch Nguồn Thơ, Tr. 64
13. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu…Tr70 & 71.
14. H. T Trí Tịnh dịch
15. Triết Lí Việt Nam Về Sự Vượt Biên, Tr. 41 – 42.
16. Thiền Luận, quyển Hạ,Trang 270-271, Tuệ Sỹ dịch NXB An Tiêm, Sài Gòn 1970
17. Sđd tr 202.
18. Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu, tr. 298
19. Sđd tr. 25
20. tr 9-10 NXB An Tiêm, Sài Gòn 1967.
21. Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên, tr. 216
22. Sđd, Tr. 216.
23. Khơi Mạch Nguồn Thơ…tr 15. 
24. Sđd Tr. 12
25. Sđd Tr 25.
26. Sđd Tr. 8


  1 2 4