HUỲNH HỮU ỦY
Vẻ Ẩn Mật
Trong Hội Họa Đinh Cường
Bước vào
thập niên sáu mươi, hội họa Việt Nam bỗng dưng biến chuyển dữ dội, có tính đột
phá với một lực lượng trẻ, mạnh khỏe, hừng hực lửa sáng tạo. Họ ào ạt vận dụng
những tiếng nói mới, tất nhiên phải bắt liền mạch với nền nghệ thuật hiện đại
của thế giới, rồi chính từ đó đã manh nha một nét gì đó riêng biệt của hội họa
Việt Nam. Đinh Cường là một trong những khuôn mặt nồng nhiệt nổi bật ấy, phong
nhã và đầy sự mê đắm. Suốt gần bốn thập niên qua, anh xuất hiện với những dấu
hiệu riêng, dung chứa một vẻ bí mật rất riêng biệt. Một nhà phê bình văn học đã
đề nghị chúng ta khi đến với một tác giả nào thì cần phải có một tấm bảng đồ
chỉ dẫn và một quyển tự điển thuật ngữ riêng, cũng vậy, lần dò vào thế giới
Đinh Cường, chúng ta cần có những dấu mốc, những cột đường và sự định hướng khi
di động.
Đinh
Cường thích đi đến những điều bí mật đằng sau cây cọ và
những tảng màu. Cái ẩn mật hình như có một sức cuốn hút anh mãnh liệt. Quan sát
cách làm việc của anh, chúng ta dễ nhận ra điều ấy. Những nét và màu cứ chồng
chất lên nhau, bôi xóa, đào xới, lấp đầy, rồi lại mò mẫm đi tìm. Giữa những màu
trầm tối, nâu xanh, tím thẫm, chợt lóe lên một vệt đỏ ấm cúng, vệt đỏ ấy sẽ là
điểm quy chiếu để cân bằng và điều hòa. Đó chính là một con còng đỏ nhỏ tí xíu
lấp ló giữa một bờ biển mênh mông, nhỏ tí xíu nhưng lại đủ độ nồng nàn để phá
tan cái lạnh lẽo xanh thẫm trên toàn nền tranh. Hay cũng chính là cái chấm đỏ
ấy, sẽ là một con chim mỏ đỏ rất lạ, hay một chùm bông hoa đỏ giữa một vùng
hoang dại tràn đầy một màu xanh tối, với đá tảng, rêu phong và cây lá chen
chúc.
Nhìn anh
làm việc trước giá vẽ, nhiều lúc tôi có cảm giác anh cứ thả cho mình chìm mãi,
chìm mãi vào trong biển màu sâu thẳm, nhưng bao giờ cũng vậy, rồi anh sẽ bắt
được một điểm tựa để ngừng lại. Điểm tựa ấy không hẳn là một vệt màu mạnh và
ấm, mà đôi lúc lại chỉ là một tảng xanh sậm lạnh lẽo, hay một mảng màu nâu ngã
sang tím than. Lắm lúc, Đinh Cường dường như đã quên lãng hết cả cõi đời thực,
anh như chỉ còn muốn sống một thế giới khác, đắm chìm trong những giấc mơ hư
ảo, liên tục biến đổi, giữa những dấu vết dễ tan vỡ. Biến đổi trong cái không
biến đổi, và không biến đổi trong cái biến đổi. Chẳng qua cũng chỉ là di động
theo một qui luật vận hành tự nhiên. Tuy nhiên, chính trong cuộc vận hành ấy,
giữa những tác động qua lại, anh đã tỏa chiếu lên thế giới sự vật một cách nhìn
riêng của mình, hay đúng hơn, đó chính là cuộc đối thoại của một dấu ấn định
mệnh, giữa vì sao hổ cáp hay thiên ngưu với dãy thiên hà mênh mông bất tận.
Đinh Cường rượt đuổi những giấc mơ, và trên những nét và màu cứ mãi hoài di
động, anh bất chợt tỉnh táo và dừng lại nơi một cảnh trí rất thơ mộng, thanh
nhã, mà hình như luôn luôn u buồn và mù tối.
Về mặt kỹ
thuật, có thể nói Đinh Cường là một trong những họa sĩ mới đã vận dụng đến cao
độ những tình cờ bắt chợt được của các khối màu và hình thể. Giấc mơ và sự tình
cờ của màu sắc và đường nét đã chập chồng lên trên hội họa của Đinh Cường. Ở
đây chúng ta có thể nói là Cường rất tài hoa, phóng túng thả mình trôi nổi giữa
nhịp điệu chuyển động của vô thức, nhưng rồi anh cũng dừng lại đúng lúc và mang
tặng cho cuộc đời những bảng màu thực đẹp đẽ, phong phú, ảo hoặc đến độ kỳ
diệu.
Tôi nhớ
đến nhiều bức tranh rất đẹp của Đinh Cường, những bức tranh ấy hầu như đã mất
tích hoặc bị hủy phá vì cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn ác trước đây, nhưng
chắc là những người yêu mến và quan tâm đến hội họa Việt Nam và sự đóng góp của
Đinh Cường cũng còn nhớ đến, những Cầu Say, Đồng Nhập, Verdure, Con Chim
Mỏ Đỏ, Nghĩa Địa Voi, Trăng Qua Vùng Đất Lạ.
Tranh của
Đinh Cường, dù vô thể hay có hình tượng, thì cũng luôn là những phát biểu riêng
biệt của anh: hình nét riêng, màu sắc riêng, rất đặc biệt là màu xanh lạnh vô
cùng thơ mộng của anh. Tôi chưa hiểu vì sao Đinh Cường lại có vẻ bị ám ảnh bởi
màu xanh ấy, nhưng nhìn chung có thể nói đó là một màu sắc đặc biệt của cả một
thời kỳ hội họa Việt Nam, cái màu xanh pha trộn của ánh trăng, lá cây xanh,
biển xanh, màu xanh nơi biên giới của sự sống và cái chết cùng tiếng ì ầm buồn
thảm đến độ hung bạo của một cuộc nội chiến triền miên. Cái màu xanh ấy cũng có
thể gặp ở một số họa sĩ tài năng đồng thời với Đinh Cường, như những Trịnh
Cung, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Hồ Hữu Thủ, không phải là toàn thể, nhưng nơi
một phần sắc màu của Cao Bá Minh và Nguyễn Phước. Cái màu xanh thăm thẳm ấy đến
với Đinh Cường 30 năm trước, và cho đến nay dường như vẫn còn là một ám ảnh đầy
bí mật không dứt ra được.
Đinh
Cường chọn lọc và yêu mến một số hình ảnh quen thuộc và gần gũi, những con chim
nhỏ, những bông hoa nhỏ, thiếu nữ gầy nhưmột cành lau sậy phất phơ bên bờ núi,
những chóp đỉnh nhà thờ giữa bầu trời xám, anh đã biến những hình ảnh ấy thành
ký hiệu của mình.
Rồi nhiều
lúc Đinh Cường đẩy những hình ảnh ấy biến thái trong những tiết điệu mới, thành
rất là lạ và rất Đinh Cường, như hình ảnh một thiếu nữ đang nhảy múa để đánh
thức những bông hoa trên một triền đồi, bên cạnh là một thiếu nữ khác ngồi trên
mình ngựa với chiếc đàn mandoline nhỏ trong tay, cái chuông đỏ buộc nơi cổ ngựa
cũng đang rung lên hòa vào cái rạo rực chung. Hay hình ảnh một người đàn ông
lang bạt, giữa một buổi chiều xanh xám, đang lắng nghe tiếng còi tàu dội về từ
một vách đá giữa vùng đồi núi Di Linh. Hình bóng người đàn ông ấy, đội mũ sụp,
ngậm ống vố, ngồi lặng lẽ nơi một góc nào đó của cuộc đời, làm tôi nhớ đến
những trang sách cực kỳ tài hoa của Nguyễn Tuân viết về những chuyến ra đi của
anh chàng đãng tử. Ra đi, trở về, lại nhớ đến những chuyến ra đi, và rồi lại
lên đường lang bạt kỳ hồ. Có lẽ hình ảnh ấy cũng có để lại dấu vết nơi Đinh
Cường, tôi đoán chừng như vậy.
Đinh
Cường đã sống thời tuổi trẻ của mình rất đẹp, thích đi qua những ga tàu, những
trạm xe chuyển bến, những thành phố, những thành phố rất mới và những thành phố
cổ kính, rồi thỉnh thoảng tá túc lại giữa những căn nhà bên đường chuyển dịch
một thời gian, một đôi ngày, vài ba tháng, dăm bảy năm. Tôi đã đến thăm nhiều
nơi anh lưu ngụ, nơi nào cũng vậy, dù ở một biệt thự sang trọng trên một dốc
đồi, hay nơi một túp lều nghèo nàn giữa một xóm nhỏ, đều luôn tỏa ra các cung
cách thanh nhã, quý phái của anh. Cái đẹp đối với một nghệ sĩ tạo hình là một
vấn đề thuộc lãnh vực thị giác, là cái đẹp của con mắt, là sắp đặt sự vật cho
hòa hợp, quân bình. Cho nên, ngay như cái thô kệch và xộc xệch thì cũng phải là
một thứ xộc xệch trong hòa điệu vững chắc. Nói tắt lại, trước tiên, nó phải là
cái đẹp hình thức, rồi từ đó mới dẫn vào chiều sâu của thế giới nội dung.
Những
người gần gũi Đinh Cường hầu như đều dễ dàng yêu mến và quý trọng cái chải
chuốt hình thức của anh. Từ thời còn rất trẻ, anh thích cung cách, dáng vẻ nghệ
thuật của Modigliani, André Breton, Max Ernst, Hans Arp, Paul Klee, Paul
Eluard; sinh hoạt của anh phải là đất Paris với khu Montmartre và nơi những căn
nhà anh ở tôi đã thấy thấp thoáng cái vẻ đẹp kiểu cách ấy một cách rất tự
nhiên, hòa hợp và rất thân mật.
Đinh
Cường bước đi giữa cuộc đời một cách rất tài hoa, và trên hết mọi chuyện, có lẽ
bản năng sáng tạo là sức đẩy nội tại dữ dội, đã thôi thúc và không ngừng đặt
anh trước giá vẽ từng mỗi giây phút. Bức rức và bó tay thúc thủ nhiều năm sau
l975, nhưng khi thời thế có mở cửa đôi chút, anh đã nắm ngay thời cơ để phát
biểu tiếng nói của mình. Tôi còn nhớ khá rõ không khí một phòng tranh bỏ túi
của anh ở phòng mạch một người bạn bác sĩ vào khoảng năm 1983. Tôi cũng có một
chút kỷ niệm nhỏ với phòng tranh này, vì đến trễ vài phút, tôi đã mua hụt một
bức tranh khổ nhỏ mà tôi rất thích, bức Tôi vẫn còn tiếp tục mơ mộng.
Người mua tấm tranh này là một khuôn mặt trí thức đặc biệt của Sàigòn, là một
nhà văn, nhà báo, giáo sư đại học, và trên hết mọi chuyện, là một con người
chiến đấu cho lẽ phải và quyền làm người suốt mấy chục năm qua, vì vậy việc ông
chọn mua bức tranh ấy cũng là một dấu hiệu đáng chú ý.
Cảm hứng
từ tác phẩm điêu khắc "Je continue à rêver" của một nhà
điêu khắc trẻ Tiệp Khắc. Đinh Cường đã dựng nên không khí của bức tranh, trên
những mảng màu bôi bác tình cờ, anh phát hiện và nhìn thấy chân dung của mình.
Anh chấm phá thêm một số đường nét để vẽ nên bóng dáng của người họa sĩ đang
tiến công vào cái đẹp. Dùng chữ "tiến công" là hơi cường điệu, cho có
vẻ mạnh mẽ và năng nổ, thực sự ra đấy là một hình ảnh khá nhẹ nhàng và rất thơ
mộng: người họa sĩ mang trên lưng mình một bảng màu và những cây cọ mà từng mỗi
cây cọ giống như là một mũi tên và palette vẽ giống như cái túi xắc của người
thợ săn. Rất rõ ràng đó chính là một tuyên ngôn của Đinh Cường, mặc dù lặng lẽ
nhưng cũng đã gây nên những làn sóng ngầm, giữa một thời kỳ đất nước đang phải
đặt trong tay một chế độ toàn tri gay gắt. Ở phòng triển lãm này, mua hụt
bức "Tôi vẫn còn tiếp tục mơ mộng" nhung cũng còn một chút
may là mua được một bức khác cũng khá đẹp, là bức "Đánh thức đồi
hoa". Tôi nói là may, bởi vì một người nào đó đã chọn mua bức này, nhưng
sau lại đổi ý, mua tấm khác, và tôi đã tức thời chớp ngay bức đó.
Trở lại
với hình ảnh người đàn ông ngồi bên ga tàu vắng lặng cạnh một vách núi năm nào,
gần đây, tôi hết sức cảm xúc gặp lại bóng dáng ấy nơi một cảnh ngộ khác. Nơi
bức tranh Đinh Cường gọi là Vong thân, cũng là dáng vẻ ấy nhưng trầm buồn
hơn, gã đàn ông ngồi lặng lẽ như tượng, nổi bật trên nền tranh xanh màu ngọc
lục bảo; một đường chân trời cắt nghiêng, và màu trời xanh sậm hơn. Trên nền
tranh, một con chim nhỏ đậu mong manh, như nhấn thêm một nét mô tả vào cảnh đời
của một lãng tử mãi hoài lưu lạc. Dưới nhãn giới xã hội học, bức tranh này hẳn
cũng có thể nói nhiều điều về một lớp người lưu lạc trên đất khách mà cuộc đổi
dời lịch sử đã xô đẩy vào những bến bờ mới thực hết sức lạ lùng.
Đinh
Cường đã sống một thời tuổi trẻ thực đầy thi vị và phong phú, và đã làm việc
thực hết sức dữ dội. Số lượng tranh anh để lại rải rác khắp nơi rất là lớn, lên
đến cả hàng ngàn tấm. Họa sĩ Việt Nam, dường như chỉ có Bùi Xuân Phái và Đinh
Cường là có sức làm việc như thế mà thôi. Hiện nay, trước ngưỡng cửa của tuổi
sáu mươi, trong cuộc sống lưu vong đầy áp lực và nứt rạn trên một đất nước xa
lạ, anh vẫn gìn giữ phong cách của bao nhiêu năm tháng trước. Vẫn vui đùa với
cọ vẽ, nồng nàn với đời sống, vẫn tiếp tục sử dụng những ký hiệu của mình, vẫn
đặc biệt nhất với cách nhìn xanh thẫm vào những nỗi bí mật huyển hoặc. Và trên
những bước chân chuyển dịch mới, vẫn giữ được ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng
mình cho một cuộc sống lang bạt với đất trời và cái đẹp.
California,
XII. 1996
HUỲNH
HỮU ỦY
(Mấy Nẻo Đường Của Nghệ Thuật Và
Chữ Nghĩa, VĂN NGHỆ, 1999)
1 1 9