PHẠM CÔNG THIỆN
CÁI TÂM LÀ GÌ?
Cái Tâm là cái gì? Chúng ta thường nói rằng mọi
sự đều do tâm tạo ra. Điều này lại càng chính xác hơn nữa, nếu chúng ta đừng
bao giờ đồng nhất và đồng hóa với cái bản ngã hay cái “tôi” nội tại của chính
mình. Hiểu được tâm là gì chính là điều khó khăn nhất trong những điều khó khăn
nhất của kiếp người. Cái lòng của mình hay cái lòng của người đời không phải là
chuyện dễ hiểu như chúng ta thường tưởng như vậy.
Đừng bao giờ tự nhận rằng mình tự hiểu cái lòng mình hay
hiểu được lòng người; có ý thức trọn vẹn như vậy thì mới có khả năng tạ ơn,
ngưỡng mộ, và tôn kính tất cả những gì khó khăn và khó hiểu nhất hiện nay. Mỗi
khi mình vừa tìm cái tâm thì tâm đã đi mất rồi. Tâm không phải là cái mà mình
có thể đạt tới được trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Điều bí mật lạ
thường là cái tâm không ở trong không gian mà vẫn bừng sáng liên tục.thời gian
và không ở
Điều đầu tiên cần hiểu về cái tâm là cái tâm không là một
cái gì cả mà tâm lại không là hư vô. Nói về bản chất hay về tính thể của cái
tâm là tạm dùng danh từ dễ hiểu để gọi một cái không hề giống như cái mình
tưởng nhận lầm lạc. Nói theo danh từ Phật Pháp thì tâm không có tự tính, vì
không có tự tính (vô tự tính) nên không có thực thể, không có hữu thể. Tâm là
Không Tính mà Không Tính lại chính là Tâm. Điều cuối cùng cần nhớ thường trực:
cái Tâm vốn là trống trải, trong veo, sáng ngời, vô ngại, thông đạt. Sự trống
rỗng ở đây không phải là không có gì cả mà lại biết được tất cả, sáng và sướng
đồng lúc.
Cái tâm thường tình của chúng ta:
Tâm thức thường ngày của chúng ta không bao giờ
được trọn vẹn trong sạch, không có lúc nào mình không thấy tham lam, không có
lúc nào mà không tham dục, không tham ái. Lúc nào mình cũng đeo níu, giữ chặt
một cái gì đó, lúc nào cũng rất dễ sân hận, bực tức, nổi giận; thường khi người
si tối tăm điên dại, lắm lúc ghen ghét đố kỵ với sự vinh quang thành công của
kẻ khác, ít khi mình vui sướng hồn nhiên trọn vẹn khi nhìn thấy sự hạnh phúc
sung sướng của người khác.
Chính cái tâm thức thường ngày và thường tình đã
đẩy xô mình rơi xuống đầu thai vào ba nẻo xấu: địa ngục, ngạ quỉ và súc vật.
Những cõi bị đầu thai này đều có thực nhãn tiền, không phải bày đặt ra để dọa
người đời. Tất nhiên sáu nẻo luân hồi đều do tâm tạo ra, như người nằm chiêm
bao nhìn thấy đủ ác mộng hoặc nhìn thấy cảnh đẹp trong mộng, khiến mình sợ hãi
hoặc sung sướng. Những sự việc, những cảnh sắc, những hình ảnh trong mộng không
có thực, mà mộng có thực.
Chiêm bao vẫn có thực, mặc dù những gì xảy ra
trong chiêm bao đều là những gì không thực sự xảy ra lúc tỉnh thức giống như sự
tưởng tượng có thực, mặc dù mình biết rằng những điều tưởng tượng đều không có
thực. Chỉ khi nào tâm thức mình đạt tới trạng thái trống trải, trống rỗng,
trong sạch, trong suốt, trong veo, sáng rực, sáng ngời, không có chướng ngại
(vô ngại) và biết được hết mọi sự, tức là vừa trong sáng, vừa trống rỗng, vừa
vô ngại vừa thông đạt tất cả mọi sự, đồng lúc với sự trống trải của tâm thức
rực sáng là cơn sung sướng cực độ (cực lạc) phát dậy liền.
Tất cả đều có sẵn trong tâm thức chúng ta:
Nếu chúng ta biết cách điều động hướng dẫn trí
tưởng tượng của chúng ta, chúng ta sẽ giựt mình nhận ngay rằng sức mạnh kinh
hồn của trí tưởng tượng linh hoạt trong mọi bình diện đời sống, những điều lớn
lao nhất trong đời đều có sẵn trong chúng ta. Chính sức mạnh của trí tưởng
tượng có khả năng vô biên sáng tạo ra những cái cụ thể mà chúng ta thường gọi
là thực tại và thực tế. Tất cả những điều chúng ta tưởng tượng mỗi ngày chính
là điều xô đẩy mình (lúc chết) đầu thai vào những cõi tối tăm xấu ác bi thảm.
Biết tưởng tượng ra điều cao đẹp thì được sống cõi cao đẹp.
Chuyển hóa tâm thức cũng là một cách tích cực
xoay chuyển trí tưởng tượng mình vào trên đỉnh núi, mở rộng tầm nhìn của mình
vọng thẳng lên bầu trời bao la mênh mông, quán tưởng, và quán tượng vô số chư
Phật và chư Đại Bồ Tát đang vân tập như mây ngũ sắc đầy trời. Tất cả đều có sẵn
trong tâm thức của chúng ta, chỉ khi nào tâm được trống trải, trống rỗng, sáng
ngời, sáng rực thực sự, lúc ấy niềm cực lạc xuất hiện trọn vẹn đồng lúc với sự
thông đạt vô ngại của Không Tính.
Phải làm gì để đạt tới được sự xoay chuyển trọn
vẹn của tâm thức quay trở về lại Phật Tính?
Bước đầu tiên là phải qui y Tam Bảo. Khi đã qui
y Tam Bảo thì không bao giờ trở lại qui y thế gian và qui y thế tục, không bao
giờ có thể qui y tà ma hay quỉ thần ngoại đạo, dù có phải chịu tử hình hay bị
phá hủy thân mạng cũng dứt khoát không bao giờ từ bỏ Tam Bảo (Phật, Pháp,
Tăng), nhất cử nhất động, mỗi một cử chỉ và mỗi một hơi thở đều xoay hướng tạ
ơn, ngưỡng mộ, và tôn kính Phật, Pháp, Tăng. Một lúc nào đó, hơi thở sẽ trở nên
thơm ngát như bông sen.
Tam Bảo chính là tâm thức của chúng ta:
Mỗi lúc tâm thức mình bất ngờ được chuyển hóa
toàn diện, được lọc sạch trong sáng rực ngời, lúc ấy Phật, Pháp và Tăng không
còn là cái gì ở bên ngoài mình, không còn cách biệt với mình: Tam Bảo trở thành
bản thân và bản thức của chính mình. Qui y Tam Bảo, tri ơn, ngưỡng mộ, tôn kính
Phật, Pháp và Tăng: đó là tri ơn, ngưỡng mộ, tôn kính “bản lai diện mục” của
mình. Mình thờ phụng, quì lạy liên tục, cúng dường, sám hối, thỉnh cầu sự hiện
diện thường xuyên của tất cả những gì cao quí nhất.
Đời người chỉ có ý nghĩa thực sự mỗi khi mình
được thường trực sống thở ngay vào bên trong lòng bông sen thơm trắng, lúc
thành Phật thì chính mình sẽ ngồi trên cái bông sen tinh khiết ấy. Phật tử đúng
nghĩa phải là người qui y Tam Bảo và không bao giờ qui y tám pháp của thế gian,
Phật tử đúng nghĩa xa lìa dứt khoát tám điều dao động bản thân một cách dữ dội
nhất, gọi là tám cơn gíó chướng:
1) Vui sướng khi được khen ngợi ca tụng.
2) Đau đớn khi bị mắng chửi.
3) Vui sướng khi được lợi lộc tài sản.
4) Đau khổ khi mất lợi lộc tài sản.
5) Vui sướng khi được nổi tiếng, khi được thành công.
6) Đau khổ vì bị thất bại hay vô danh.
7) Vui sướng khi được tiện nghi thoải mái.
8) Đau đớn khi bị mất tiện nghi.
2) Đau đớn khi bị mắng chửi.
3) Vui sướng khi được lợi lộc tài sản.
4) Đau khổ khi mất lợi lộc tài sản.
5) Vui sướng khi được nổi tiếng, khi được thành công.
6) Đau khổ vì bị thất bại hay vô danh.
7) Vui sướng khi được tiện nghi thoải mái.
8) Đau đớn khi bị mất tiện nghi.
Nói gọn lại: danh thơm, tiếng xấu, được mất,
khen, chê, sướng, khổ. Dù tu hành trọn đời cho đến 95 tuổi, lúc chết lại bất
ngờ bị một trong tám cơn gió chướng này thổi đến làm dao động tâm thức, lúc ấy,
vừa chết liền đọa ngay địa ngục, vì đã đánh mất Bồ Đề Tâm.
Do đó, điều quan trọng vô cùng, mỗi khi vừa qui
Tam Bảo, phải dứt khoát vững vàng, kiên định, bất lay chuyển trước tám ngọn gió
đời và phát nguyện thể hiện Bồ Đề Tâm.
Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có Phật, Pháp, và
Tăng:
Nhà đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã dịch “Bồ Đề
Tâm” là “lòng Bồ Đề”, chữ “lòng” đã nói lên tất cả dị biệt siêu việt của tiếng
nói quê hương. Đạo Phật không xuất thế và cũng không nhập thế: Đạo Phật vẫn
liên tục chuyển thế trong từng giây phút trôi qua trên mặt đất và trong cả toàn
thể vũ trụ với hàng trăm tỷ thiên hà bao la.
Bồ Đề Tâm là gì? Lòng Bồ Đề là tấm lòng sắt son
quyết kiệt chứng nhập Giác Ngộ viên mãn vì lợi ích mênh mọng sâu rộng cho tất
cả chúng sinh.
Bồ Đề là bỏ mình cho người khác.
Bỏ mình cho tất cả mọi kẻ khác và cho tất cả
sinh vật khác một cách sáng suốt, trong sạch, trống trải, rực ngời, khỏe mạnh.
Điều này không phải chỉ nằm trong ý nguyện hay đại nguyện thôi mà lại được thực
hiện trọn vẹn ngay trong từng bước chân của bực Bồ Tát trên con đường thu nhiếp
lại cứu cánh tối hậu: mỗi bước chân đã là lộ trình trọn vẹn, chỗ đi tới đã lập
tức được thực hiện trong từng bước chân, vì chứng nhập rằng không có đến và
không có đi, mà Bồ Tát Hạnh có nghĩa là vẫn đi hoài, vì lợi ích sâu rộng cho
chúng sinh.
Khi nào còn Bồ Đề Tâm thì còn Bồ Tát và còn
Phật, Pháp và Tăng. Tam Bảo sẽ bị tiêu diệt trên mặt đất này nếu tất cả mọi
người đều quên mất Bồ Đề Tâm. Lúc sáu bảy tỉ người đều quên mất Bồ Đề Tâm, lúc
ấy chỉ còn một người duy nhất thể hiện chứng nhập Bồ Đề Tâm thì Phật, Pháp và
Tăng vẫn còn xuất hiện để cứu thoát nhân loại. Bồ Đề Tâm hay lòng Bồ Đề là lòng
phát hiện Giác Ngộ viên mãn vì lợi ích phi thường cho tất cả sinh vật của tất
cả vũ trụ. Theo nghĩa bình thường, Bồ Đề Tâm được thể hiện nơi lòng từ bi sâu
rộng bao la. Theo nghĩa phi thưòng, Bồ Đề Tâm được thực hiện qua sự chứng nhập
Không Tính: tất cả đều không có tự tính, tất cả đều trống trải, rực sáng, vô
ngại, cực lạc.
Phạm Công Thiện
Nguồn: Thư Viện Sáng Tạo
Nguồn: Thư Viện Sáng Tạo
1 1 4