Nhận định về bài thơ ĐÊM CUỐI NĂM VIẾT CHO MÁ của Nguyễn
Dương Quang, nhà phê bình văn học Đặng Tiến viết, “Tác giả ít được biết đến,
nhưng bài thơ hay quá, chất trí tuệ quyện vào tâm huyết ,hồn nhiên mà điêu
luyện. Tình cảm chìm chìm mà ý tứ lâng lâng. Trong sáng, sao mà u uất ?
Thơ đích thực là điều đơn giản kỳ diệu « có nói cũng không cùng » (
Đặng Tiến, giới thiệu tuyển tập " Thơ Miền Nam trong thời chiến ",
nhà xuất bản Thư Ấn Quán, 2006).
Vì sao Đặng Tiến gọi Nguyễn Dương Quang là “tác giả ít được
biết đến”?
Ít được biết đến vì những tác giả như Nguyễn Dương Quang
trước 1975 không có nhiều thơ đăng trên các báo, có thể là do anh viết ít, hoặc
viết nhưng không gửi đăng ở các báo.
Việc “ít được biết đến” không ảnh hưởng đến sự công nhận
của người đọc đối với tài năng của một tác giả. Ở một thời điểm nào đó, Nguyễn
Dương Quang “ít được biết đến”, nhưng sau khi tuyển tập thơ THƠ MIỀN NAM
TRONG THỜI CHIẾN do Thư Ấn Quán xuất bản vào năm 2006,
Nguyễn Dương Quang được nhiều người biết đến và bắt đầu nổi tiếng.
Tôi gặp Nguyễn Dương Quang lần đầu vào năm 1969.
“Một
đồng nghiệp của tôi, Thái Văn Thạnh, có nhà ở Duồng, sắp xếp cho tôi một chỗ ở
trong nhà anh. Trong căn nhà này, tình cờ tôi lại gặp một người cũng mê thơ, mê
nhạc: Nguyễn Dương Quang. Nguyễn Dương Quang, gốc Đà Lạt, là sĩ quan quân đội
đang đóng quân ở gần đó, và gia đình Thạnh cũng giúp anh có một chỗ ăn ở giống
như tôi để anh có nơi chốn đi về. Chúng tôi trở thành bạn và có nhiều kỷ niệm ở
Duồng. Nguyễn Dương Quang là mẫu người cương trực, thẳng thắn, nhanh nhẹn, tháo
vác, sống đàng hoàng, và đặc biệt, chơi với bạn rất tốt. Thời gian này, chiến
tranh vẫn khốc liệt, sống và chết nhiều khi chỉ cách nhau trong tích tắc.
Tâm trạng chung của chúng tôi là chán ghét chiến tranh, buồn bã vì
chiến tranh, và đau khổ vì chiến tranh. Từ Duồng, Nguyễn Dương Quang đã viết
bài thơ hay nhất của anh, được nhiều người yêu thích, và được giới phê bình văn
học đánh giá cao: ĐÊM CUỐI NĂM VIẾT CHO MÁ” (Phạm Cao
Hoàng, Duồng một thời biển mặn).
Sau
1975, cũng như nhiều sĩ quan
khác trong quân đội của “bên thua cuộc”, Nguyễn Dương Quang đi
“học tập cải tạo”. Mãn tù, anh về Đà Lạt làm vườn và chở xác cá (phần còn lại
sau khi làm mắm) từ Phan Rí về Đà Lạt bán lại cho người làm vườn. Mấy lần gặp
anh bên chiếc xe tải chở xác cá, trông anh thật lãng tử giang hồ. Sau những
chuyến xe chở xác cá, cái còn lại với Nguyễn Dương Quang vẫn là thơ, nhạc, và
bạn bè.
Nguyễn
Dương Quang chưa chính thức xuất bản tập thơ nào cho riêng anh nhưng anh đọc
rất nhiều thơ của các tác giả khác, sưu tầm những bài anh thích, và in thành
tuyển tập, trong đó phần lớn chi phí in ấn là do anh bỏ tiền túi. Đây là điểm
rất đặc biệt của Nguyễn Dương Quang.
Từ
1999 đến nay, Nguyễn Dương Quang đã sưu tầm và xuất bản 3 tuyển tập thơ của
nhiều tác giả.
1.
Tuyển tập thơ BIỄN CỦA MỘT THỜI (1999)
2.
Tuyển tập thơ SƯƠNG MÙ MỘT THUỞ (2000)
3.
Tuyển tập thơ MÂY KHÓI QUÊ NHÀ (2012)
Tuyển
tập thứ ba (MÂY KHÓI QUÊ NHÀ) bao gồm thơ 99 tác giả trong nước và hải ngoại.
Đây là những bài thơ nhớ về một nơi chốn cũ, một quê hương bỏ lại, hay một quê
nhà xa xôi.
Năm
2009, Thư Ấn Quán xuất bản tập thơ MÂY KHÓI QUÊ NHÀ của
tôi. Nguyễn Dương Quang thích cái tựa đề này và anh muốn sử dụng một lần nữa
làm tựa đề chung cho tuyển tập thơ anh vừa hoàn tất việc sưu tầm. Tôi không
thấy có gì trở ngại trong việc này. Do vậy, hiện nay có hai cuốn sách khác nhau
nhưng cùng một tựa đề MÂY KHÓI QUÊ NHÀ.
Tôi
quí trọng tài năng và tâm hồn thơ của bạn tôi, Nguyễn Dương Quang. Chưa biết
anh sẽ còn in bao nhiêu tuyển tập thơ nữa nhưng chắc chắn đã đến lúc anh cần in
tập thơ riêng của anh: ĐÊM ÔM ĐÀN UỐNG RƯỢU MỘT MÌNH.
PHẠM CAO HOÀNG
March
6, 2013