Tuesday, January 1, 2013

88. PHẠM CAO HOÀNG Một bông hồng cho bạn tôi

Ảnh: Google image


Behind every great/successful man there stands a woman. Đằng sau một người đàn ông vĩ đại/thành công chắc chắn phải có bóng dáng của một người phụ nữ. Đằng sau Trần Hoài Thư là Nguyễn Ngọc Yến. Nếu không có Nguyễn Ngọc Yến, có lẽ Trần Hoài Thư khó mà thực hiện công trình TỦ SÁCH DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM 1954 – 1975.

Công việc đầy hy sinh và gian khổ của Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến trong hơn 10 năm qua nhằm sưu tầm và thực hiện TỦ SÁCH DI SẢN VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM 1954-1975  là có một không hai. Lái xe hàng ngàn dặm, nhiều lúc trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đến các thư viện Mỹ còn lưu trữ sách báo miền nam trước 1975, sao chụp lại, mang về nhà đánh máy, in thành tuyển tập, thành sách. Không phải chỉ in vài cuốn, mà là hàng trăm cuốn. Không phải chỉ vài trăm trang, mà là hàng chục ngàn trang. Lao tâm khổ trí, vất vả, mệt nhọc, tốn kém tiền bạc,  nhưng Nguyễn Ngọc Yến, người phụ nữ hiền hòa gốc Cần Thơ,  vẫn vui vẻ kiên trì hỗ trợ Trần Hoài Thư hoàn thành ước mơ của mình. Ít người biết rằng trong những lần lái xe đường dài trên xa lộ cao tốc để đi tìm di sản văn chương miền nam ấy, hai vợ chồng thay phiên nhau lái cho đỡ mệt, nhưng người lái nhiều hơn vẫn là Nguyễn Ngọc Yến. Và cũng đã có lần anh chị bị tai nạn trên đường đi, may mà không sao. 

Việc in một cuốn sách đối với một nhà in chuyên nghiệp là chuyện không khó khăn gì, vì họ có máy móc đầy đủ, có nhiều nhân công. Còn chuyện in sách di sản văn chương miền nam của Trần Hoài Thư thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hai vợ chồng. In ra, xếp theo thứ tự số trang, dùng keo dán gáy lại, loại keo rất nóng, sơ suất có thể bị phỏng. Rồi thì dán bìa, cắt xén, cho vào phong bì, ghi địa chỉ, ra bưu điện gửi tặng thân hữu và những người yêu sách. Tất cả những công việc ấy đều có bàn tay tuyệt vời của Nguyễn Ngọc Yến.

Riêng những cuốn năm bảy trăm trang như THƠ MIỀN NAM THỜI CHIẾN, VĂN MIỀN NAM THỜI CHIẾN dày quá, không thể dán gáy bằng keo, mà phải may bằng chỉ. Cầm cuốn THƠ MIỀN NAM THỜI CHIẾN trong tay, tôi thật bất ngờ, vì sách in đẹp không thua gì các nhà in chuyên nghiệp. Chuyện in và đóng sách bằng chỉ tôi đã từng làm nên tôi hiểu sự vất vả trong công việc này. Ngón tay của mình nhiều khi rỉ máu. Tôi hỏi Trần Hoài Thư đóng sách bằng chỉ cho tuyển tập gần một ngàn trang thì mất bao lâu mới đóng xong một cuốn. Anh cho biết khoảng hai hoặc ba ngày. Nhiều việc, nên vừa làm chuyện này chuyện kia cùng một lúc mới đủ thời gian. Ví dụ, máy in đang chạy, trong khi chờ đợi, ngồi đó đóng sách. Hoặc Trần Hoài Thư lái xe thì Nguyễn Ngọc Yến ngồi phía sau đóng sách, và ngược lại.

Nhờ những công trình của họ, người đọc đã có thể đọc lại những tác phẩm văn học lừng lẫy một thời của miền nam, và nhiều nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước có trong tay những tài liệu quí hiếm mà lâu nay không biết tìm đâu ra để tham khảo. Một số tác giả rất bất ngờ khi thấy tác phẩm của họ được in lại trong những tuyển tập này vì chính họ không còn trong tay những tác phẩm đó.

Luật sư Nguyễn Thế Toàn, chủ tiệm phở Xe Lửa trong khu thương mại Eden –nơi gặp gỡ của giới cầm bút người Việt vùng Hoa Thịnh Đốn, Maryland, Virginia- thường nói, “Ở hải ngoại này, trong những người có lòng với văn học miền nam 1954 - 1975, Trần Hoài Thư là số một. Có một không hai”. Tôi muốn thêm vào nhận xét của anh Toàn, “Nguyễn Ngọc Yến cũng là số một. Có một không hai”.

PHẠM CAO HOÀNG
Virginia 1.1.2012