Friday, January 18, 2013

93. VÕ TẤN KHANH Truyện ngắn NGÔI NHÀ


      Trong ảnh: Võ Tấn Khanh



Thật ra thì Hưng cũng không phiền trách điều gì khi tôi xếp đặt chỗ ngủ cho mọi người và dành cho nó căn gác xép. Hưng là con trai, lại nhỏ nhất nên phải chịu khó nhiều nhất, mẹ tôi thường bảo vậy. Thế là căn phòng trên, bên phía phải bàn thờ đương nhiên thuộc về tôi. Tôi ngại vô cùng khi phải leo lên leo xuống cái cầu thang gỗ nhỏ xíu với căn gác sát mái nhà, lúc nào cũng có cảm tưởng mình sẽ gặp bất kỳ một rủi ro nào cho mỗi lần sơ hở. Hơn nữa, tính tôi vốn lười. Nằm trên đó, có khi cả đêm tôi phải nhịn khát, hay phải mệt nhọc lắm để đi xuống nhà dưới mỗi khi cần điều gì. Ngôi nhà ba tôi vừa làm xong, như một tính toán dài lâu, kết quả của cả một đời người. Sống cái nhà già cái mồ, ông vẫn bảo vậy, và dù khổ cực cách mấy ông vẫn tằn tiện chắt bóp để hoàn thành niềm mơ ước đó. Cũng được, tôi nghĩ, ông cũng đã già rồi. Mấy năm trước, khi mới hồi cư về, gia đình tôi vẫn chui rúc trong căn nhà cũ kỹ, có cả mấy chục năm, của ông bà ngoại để lại. Mái ngói âm dương trĩu xuống và vách không còn một lớp vữa nào ngoài cái màu hoen kỳ dị do những lớp ngày tháng chằng chịt phủ lên. Sống trong căn nhà đó, tôi đã có dịp thấm thía thế nào là nỗi túng thiếu cơ cực của một gia đình đông con, cùng những đe dọa thường xuyên của thiên tai, nhân nạn đang trùng trùng vây bũa. Mẹ tôi đã từng ôm Hưng ngồi khóc suốt đêm, ngày tôi còn nhỏ, vô vọng đón chờ cái tin bị bắt của ba tôi. Cũng như bọn tôi đã kinh hãi ngồi ôm nhau ở một góc sân, nhìn từng tốp người có súng xông vào nhà, vơ tất cả những gì trong đó, chất lại thành đống trước bàn thờ và nổi lửa lên đốt. Kết quả, sau những ngày đôn đáo, sợ hãi, mỏi mòn, ba tôi đã về đưa gia đình lánh nạn lên xóm trên, theo lệnh của những ông làng hồi đó. Tôi còn nhớ mãi nét mặt của mẹ tôi, đêm cuối cùng khi đồ đạc đã dọn xong. Trí nhớ ấu thơ ngày nay còn lại, với sự chỉ dẫn của tiềm thức mơ hồ, là những dòng nước mắt chảy ràn rụa trên khuôn mặt nhăn nheo, xương xẩu, vốn đã thiếu thốn và lo nghĩ quá nhiều của mẹ tôi. Một thứ đành tâm, nỗi nhẫn nhục chịu đựng, một ức chế không kiềm hãm được, trước cái uy nghi của mệnh số quá phũ phàng. Và mẹ vẫn lui cui xếp đặt, không nói một lời nào. Tôi và lũ em đã ngủ thiếp đi, trong cái ám ảnh không rời là mình đã mất đi một cái gì quý báu nhất. Tôi chắc mẹ tôi vẫn thức suốt đêm hôm đó, vì sáng hôm sau nhìn bà, tôi thấy hai mắt sưng húp lên và gò má lại hóp vào nhiều thêm nữa. Nhưng mọi việc rồi cũng xong. Phải xong và cuộc sống lại tiếp tục với những chịu đựng và phấn đấu của ba mẹ tôi, để cố gắng không bỏ rơi chúng tôi nửa chừng. Ngôi nhà cũ trống trơn, trơ gan giữa đám đất bỏ hoang đó, sau này được sửa sang lại đôi chút để chứa lại gia đình tôi buổi hồi cư. Cũng trong những ngày tháng mới thu dọn cho đời mình đó, tôi đã viết được những bài thơ đầu tiên, lãng mạn và đẹp như của tuổi hồn nhiên. Có một thứ gì khó diễn tả được âm ĩ trong tôi, và nung nấu, muồi chín để thúc đẩy tôi viết một cách rất dễ dàng. Những vụ hè, những ngày tết, những sum họp giỗ chạp, tất cả đều đẹp dưới mắt một đứa con trai mới khám phá được ở mình những dấu hiệu của sự trưởng thành. Tôi đã học, đã sống thật đầy đủ, đã dọn sẵn cho hồn mình những tháng năm đẹp nhất. Dĩ nhiên, kết quả đưa đến có khi ngoài những ước muốn của tôi hồi đó. Hành động nhiều lúc theo tình cảm và bản năng, cũng như ăn uống cùng sự chở che chia xẻ của mọi người. Sau này, khi đã sống trong ngôi nhà gạch mới, khang trang, tôi mới khám phá ra được tôi hồi đó.

Phòng của tôi ở sát mé vườn trầu, kề với hai cây bưởi thật lớn. Tôi bị bắt buộc phải xếp đặt cho đàng hoàng, vì ở sát phòng khách và bàn thờ. Sách vở thứ lớp, và buổi sáng trước khi đi làm, phải nhìn một lượt xem có gì trái mắt hay không, ngay cả cái ăng ten radio cũng pải hạ thấp xuống, nghĩa là mọi thu xếp dù nhỏ nhặt đến đâu cũng phải đàng hoàng. Dì tôi chắc sẽ cằn nhằn suốt buổi, nếu bà vào quét dọn và nhận thấy một chút cẩu thả nơi tôi. Hôm đầu tiên mới dọn xong, em gái tôi dưới phố về, đứng chống tay ngắm nghía căn phòng và chép miệng. Được lắm. Triệu chứng sắp lấy vợ đây. Điệu này phải báo tin mừng cho cô ấy mới được. Dĩ nhiên là nó hài lòng vì khỏi phải mất nhiều công cho mỗi bận về, như những lần còn ở trong nhà cũ.

Có một điều là trong khoảng thời gian này tôi sống hết sức khó khăn, nếu không nói là không cảm thấy một chút thích thú nào mỗi khi bước vào căn phòng hay nằm nghỉ trên chiếc giường ngay ngắn. Tôi thưa ở nhà hơn, và ngày trước mỗi khi đi xa nôn nóng về nhà bao nhiêu, thì bây giờ ở nhà, tôi lại mong có dịp để đi. Thật là mệt nhọc quá chừng với cái tâm trạng lúc nào cũng rỗng tuếch, hay đầu óc trống trơn không một chút gì trong đó, tôi nghĩ thế. Cầm một quyển sách trên tay, tôi tự nhiên cảm thấy mình khó lòng nuốt trôi nững trang sách nhằng nhịt chữ, và mỗi khi ngồi vào bàn viết lại cảm thấy ngao ngán, ê chề. Cái gì đã rữa sạch hết trong tôi những vốn liếng đã chắt chiu và nuôi dưỡng bấy lâu, khi tôi bắt đầu thở cái không khí mới mẻ đó. Tình cảm không chai đá, nhưng tự nhiên không một triệu chứng nào có thể vun bén để có thể bắt mồi. Bạn bè mỗi bận về chơi, vẫn ngồi uống trà ngoài hiên với tôi, và tuy không nói ra, tôi cũng biết chắc họ thấy chỗ ngồi của mình cũng xa lạ hẳn. Tôi đâm ra gắt gỏng với mọi người.

Mấy hôm nay trời mưa to gió lớn. Tôi nằm vặn nhỏ chiếc radio ở đầu giường trong một trạng thái biếng lười rỗng tuếch. Tôi nghĩ mông lung và chẳng ra đầu đuôi chuyện gì. Trí nhớ luôn luôn bị dẫn dắt vào những chốn nơi nào xa lạ và kỷ niệm cứ khơi động chập chờn không thứ lớp. Tôi vẫn không làm gì được sao? Tôi bực dọc đứng dậy đi ra ngoài. Đèn trên gác còn sáng. Hình như Hưng đã ngủ quên. Tôi mò mẫn đến cầu thang và leo lên. Tiếng mưa nghe rõ dần và khi đã ngồi xuống chiếc ghế nhỏ về phía đầu hồi trên, tôi nghe rõ cả tiếng gió bên ngoài. Trong giây phút đó, tôi chợt nghe một chút gì len lén trong tôi, âm ĩ, y hệt như cảm giác đã có hồi còn ở trong căn nhà lụp xụp lúc trước. Tôi tê người đi trong một vài giây, và im lặng, sững sờ. Tôi len lén áp tai vào cửa sổ, đón nhận một lúc nhiều âm thanh khác nhau, và phân biệt rõ ràng. Tiếng lách cách nơi mặt ván cửa sổ, tiếng lộp bộp trên mái nhà, tiếng rì rào trên lá, ngay cả từng đợt rít của từng cơn gió nhẹ thổi qua. Tất cả đều được đón nhận trong tôi, bằng một niềm cảm khoái tuyệt vời, vượt lên cả thời gian và mọi diễn biến, đổi thay. Tôi nhớ đến một tác giả, ghi lại cảm giác của y khi nghe tiếng mưa rừng. Nếu một người đã mất mẹ mười năm, một hôm bỗng nghe tiếng mẹ gọi mình, thì cảm giác của hắn khi nghe tiếng gọi của đất trời cũng y như thế. Tôi vẫn ngồi yên không động đậy, và thêm vào đó một chút lo sợ, vẩn vơ. Không làm sao ghi nhận hết mọi tâm trạng lúc này, tôi với tay lên chiếc phảng Hưng đang nằm, kéo nhè nhẹ tấm chăn, trải xuống sàn gác và nằm im. Quê hương của tôi đó. Một sinh vật không thể sống thiếu đất trời, không khí. Căn nhà cùng niềm mơ ước tuổi thơ chợt sống dậy mãnh liệt trong tôi. Hơi đất bên ngoài bốc lên, đưa vào cùng với mùi ngai ngái của lá cây, tiếng réo rắt của côn trùng, càng lúc càng dìm tôi vào cơn mê sảng khoái. Tôi đã gặp, nói như kiểu mấy người đi tu tầm đạo. Và cùng lúc đó, bao nhiêu tội lỗi, đắng cay, nhục nhằn, đều được gội sạch hết, trong tôi. Tôi chợt nhớ đến lá thư của người bạn ban chiều và muốn viết trả lời hắn ngay lúc đó. Trong thư hắn cho biết đã thuyên chuyển về một đơn vị mới ở thành phố, làm việc trong ngôi nhà mấy tầng, nhưng cảm thấy xa lạ và không tìm được một chút gì mới mẻ cho đời sống. Bọn ta thiếu ánh sáng và không khí thì phải, hắn bảo thế. Bây giờ tôi chợt hiểu, bởi chính tôi cũng đã như hắn, đã đánh mất quê hương của chính mình, quê hương được vun xới bằng những vốn liếng thơ dại ngây ngất của buổi đầu đời. Mỗi kẻ đều có một nơi chốn để trở về. Hãy trở lại với những tình tự tha thiết đó đang ngày đêm réo gọi. Tôi chồm lên và thức Hưng dậy, mở tung cánh cửa sổ nhìn ra ngoài trời. Hình như Hưng cũng cùng một tâm trạng như tôi. Cả hai anh em ngồi thu mình, im lặng nhìn ra khuôn cửa sổ. Mưa buồn thiệt – Ừ buồn. Tôi đáp lời Hưng lơ đãng.

Bây giờ tôi mới biết tôi nhận được tôi, cùng lúc với sự thức tỉnh đánh tan cái u mê dày đặc đã chiếm gần hết một quãng thời gian dài. Tôi nằm lại xuống sàn gác và ngủ thiếp đi trong tận cùng nỗi ngây ngất thơ dại đó./.

VÕ TẤN KHANH
(Tạp chí Ý THỨC số 16, Sài Gòn, Thang 6.1971)





 9 3