NGUYỄN
VY KHANH
Hiện
tượng ấn phẩm xám
và
những người viết trẻ
thời
cuối của giai đoạn văn học
1954
- 1975
Nguyễn Vy Khanh
Những Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Duyên Anh,
Nhật Tiến, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, v.v. đã là những tác giả và hiện tượng
đáng kể của văn học miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, nhưng hai hiện tượng ấn
phẩm xám và những người viết trẻ theo thiển ý quan trọng và đáng kể không kém,
nếu muốn có cái nhìn nghiêm chỉnh về giai đoạn văn học này. Cả hai hiện tượng sống
động ở những năm cuối của thập niên 1960 đầu thập niên 70. Khi chiến tranh
chính thức chấm dứt ngày 30-4-1975, các nhà văn thơ trẻ chưa kịp phát triển,
thi thố hết tài năng đã phải vứt bỏ hết vì ngay bản thân đã còn phải tù tội, cải
tạo, đi chui, vả chết choc, thất tán. Tác phẩm, sách báo của người trẻ cùng
chung số phận của cả miền Nam bị kẻ cưỡng chiếm cấm đoán, thủ tiêu.
Hiện tượng thứ nhất văn chương xám qua các tạp
chí phần lớn in ronéo và không giấy phép cũng như nạp bản: tờ Hành Trình của
nhóm giáo sư Nguyễn Văn Trung (10-1964 đến 12-1965, tức ra được 9 số thì đình bản
vì bị bộ Tâm lý chiến ra lệnh tịch thu), Thái Độ (7-1966, các số sau khá hơn được
in ấn bản typo nhưng bị kiểm duyệt bôi đen hoặc loang lỗ những đoạn trống) do
Thế Uyên chủ động, Trình Bày (10-1966) của Diễm Châu. Cùng với ca nhạc phản chiến
của Trịnh Công Sơn, mảng văn học này đã gióng tiếng nói tiêu cực, phản diện,
ngược dòng,… cho văn nghệ miền Nam thời chiến tranh cao độ. Học sinh, sinh viên
cũng đã có những ấn phẩm thơ truyện và báo chí in ronéo, , nhiều người về sau
tiếp tục sinh hoạt văn nghệ chung, những “tác phẩm” đầu tay này thường hực lửa
hoặc tích cực năng nổ canh tân, làm mới thơ văn cũng như lý luận. Một số “nhà
xuất bản” như Đại Nam Văn Hiến của Thế Phong cũng in sách bằng máy ronéo, từ
thơ, truyện đến cả biên khảo, dù cá nhân người chủ trương có “hiện tượng” nhưng
dù gì thì nhờ phương pháp “xuất bản” này mà Cao Mỵ Nhân có tập Thơ Mỵ đầu tay
(1960), Hoàng Khởi Phong có tập Mặt Trời Lên (1967), riêng Thế Phong để lại nhiều
tập biên khảo và bút ký văn học đáng kể!
Ở thủ đô, nhà Trình Bày cho ra đời một số tác
phẩm “nóng” như truyện của Thế Nguyên (Hồi Chuông Tắt Lửa, …), truyện của Trần
Quang Long (Vực Thẳm Và Hy Vọng 1966, Bông Cúc Vàng 1967), truyện dịch của Diễm
Châu (Câu Chuyện Năm Mới, dịch A New Year’s Fairy Tale của V. Dudintsev, 1966),
… Ở Phan Rang, nhà Ý Thức in ba cuốn Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang, Ngọn Cỏ Ngậm
Ngùi và Những Vì Sao Vĩnh Biệt của Trần Hoài Thư, Cát Vàng của Lữ Quỳnh, …, những
“nhà” xuất bản Con Đuông, Sóng Việt ở Cần Thơ cũng in ronéo. Nhà Văn Mới ở Sài
Gòn in truyện, biên khảo cũng như Thi Vũ ở Paris in thơ với chừng một trăm bản
để tặng chứ không bán; “ấn bản cho thân hữu” mở một khuynh hướng thụt lùi đáng
ngại ngay từ thời đó chứ không riêng gì hiện nay ở hải ngoại cũng như trong nước!
Lữ Quỳnh in xong tập thơ, nhắn tin trên tạp chí Văn “Thơ Lữ Quỳnh đã in xong.
Các thân hữu liên lạc với tác giả ở KBC 4781 để nhận sách” (Văn 138, 1969).
Nhóm Khai Phá ở Châu Đốc ra tạp chí và xuất bản tác phẩm của Ngô Nguyên Nghiễm
như Người Hành Giả Và Khúc Trường Ca Sinh Tử, Dấu Chân Gió Ngược, Ngọn Gió Hơi
Cuồng (chung với Lưu Nhữ Thụy), Lên Đồi Hùng Bát Trăng Vàng của Nguyễn Thành
Xuân, v.v.
Tạp chí Văn số 51 (1966) tuyển đăng một số
nhà thơ trẻ viết về tuổi trẻ, tình yêu và chiến tranh và giới thiệu rằng “Thơ
buồn nhưng không có giọng than van. Hình như tuổi trẻ Việt Nam đã tập chấp nhận,
đứng thẳng trước mọi hoàn cảnh …” (tr. 143). Trong số đó có thơ của
Lâm Chương, Thành Tôn, Chu Trầm Nguyên Minh, Nhữ Đình Toàn, … và một số khác mà
về sau người đọc không còn nghe nói đến.
“Đêm
bắt đầu yên tĩnh trên đồng cỏ xanh
Đêm
quấn quýt quanh những vòng thép gai hoen rỉ
Chiếc
xe đò vội vàng trở về thành phố
Anh
bồi hồi đón chuyến buýt cuối cùng
Hành
khách chật thản nhiên như tượng
Không
ai nói một lời”
(Nhữ
Đình Toàn, Trên Xe Ô Tô Buýt, Văn 51, tr. 145).
Cũng tạp chí Văn, số 187 (1-10-1971) với chủ
đề Khi Mùa Thu Tới làm một tuyển tập những cây bút trẻ, ban biên tập ghi là nỗ
lực giới thiệu sau cùng, trong số này có thơ của Hoàng Lộc, Yên Ngàn, Nguyễn
Văn Ngọc, Võ Chân Cửu, Khê Kinh Kha, … và văn của Nguyễn Mộng Giác, Hồ Minh
Dũng và Mường Mán.
Về truyện ngắn, tạp chí Văn số 197 (1-3-1972)
giới thiệu sáu người viết trẻ là Trần Hoài Thư (Bệnh Xá Cuối Năm), Mang Viên
Long, Mường Mán, Định Nguyên, Phan Cung Nghiệp, Phạm Quang Phước. Nhà văn đàn
anh Mai Thảo khi giới thiệu hiện tượng người viết trẻ truyện ngắn cho rằng họ
“làm sống lại thể truyện ngắn, đem lại cho truyện ngắn hơi thở, một kích thước
và những triển vọng mới sau một thời gian bị lu mờ trước ngọn triều tràn ngập của
thơ tự do và các tác phẩm truyện dài. (…) Chúng ta không chỉ nhìn thấy những
nhà văn trẻ sống và viết. Chúng ta còn nhìn thấy họ lên đường. Và mang theo thể
truyện ngắn vào một lên đường mới” (tr. 2). Thời Tập cũng làm một tuyển tập Nhà
văn trẻ (số 7, 6-1974), giới thiệu Nguyễn Mộng Giác, Trần Hoài Thư, Phạm Thiên
Thư, Cung Tích Biền, Ngụy Ngữ, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Đạt, Phù Hư, Nguyễn Mai,
Hoàng Ngọc Tuấn. Tạp chí Văn trở thành giai phẩm với luật mới số 007 về kiểm
duyệt, trong số áp chót (3-1975), Mai Thảo đã giới thiệu những triển vọng mới,
13 cây viết trẻ nhất của giai đoạn lần đầu xuất hiện, về sau phần lớn không thấy
tiếp tục ngoại trừ Phạm Ngũ Yên với truyện ngắn Bóng Mát. Mai Thảo là nhà văn lớp
đàn anh có công giới thiệu và khám phá nhiều tài năng mới. Họ lên đường, không
những trên tạp chí Văn và Thới tập mà cả trên các tạp chí khác như Bách Khoa,
Văn Học, Vấn Đề, Khởi Hành, Chủ Đề, Văn Chương, … nhưng chưa đủ thời gian để thẩm
định vai trò, giá trị, thì cả miền Nam chính trị cũng như văn học đã bị xóa bỏ
(*).
Thi ca và văn xuôi trước tình cảnh cực đoan,
cùng khốn vẫn lớn dậy, vươn lên. Tình yêu, niềm tin và ngậm ngùi cay đắng, bất
lực. Phân chia tả hữu không cần thiết vì tiếng nói của họ là tiếng phản kháng,
tiếng dân kêu, tiếng nói tuổi trẻ không chỗ đứng, chỗ thở, … Người viết phần lớn
không lập thuyết cao siêu, nhưng họ tỏ ra sống những tấn nặng nề của oan khiên
lịch sử. Họ đã đứng thẳng trên trường văn thơ (cũng như xã hội), xác định cái
tôi, như những người trẻ, và cũng đã nằm xuống đổ máu cho tổ quốc hoặc phải lê
lết thân tàn phế trên khắp mọi vùng đất nước lo sống còn. Trẻ ở đây là nói đến
hiện tượng xuất hiện, và họ đã đem đến cho văn học lúc bấy giờ tinh thần làm mới,
tinh thần trẻ cần thiết cho một văn học và xã hội đang thoái hóa hoặc tự thỏa
mãn với những thành tựu của lớp văn nghệ đàn anh. Lớp đàn anh này trên các tạp
chí như Tin Sách, Bách Khoa, … đã nhìn những người viết trẻ như những người làm
văn nghệ rời rạc, lẻ loi, thiếu hợp tấu, mà ngay Nguyễn Mộng Giác, một cây viết
mới xuất hiện thời bấy giờ sớm nhập quỹ đạo Võ Phiến, cũng đã phê bình “lớp người
mới lâu lâu gióng lên một tiếng đàn chùng lẻ loi, không thành được một hợp tấu
khúc” (“Nghĩ Về Thơ, Truyện 1974”. Bách Khoa, Xuân Ất Mão 1975, tr. 27). Bi
quan chăng, nhưng chính Võ Phiến lúc bắt đầu cũng đã tự lập nhà xuất bản Bình
Minh ở Qui Nhơn để in hai tập truyện đầu tay, sau nhờ văn phong và công việc
đúng ngành thông tin, kiểm duyệt, nên nhập vào dòng chính ở thủ đô sớm!
Họ là những ai? Ở đây chúng tôi xin nhắc một
số người viết đã có tác phẩm xuất bản: Phạm Cao Hoàng (Đời Như Một Khúc Nhạc Buồn
1972, Tạ Ơn Những Giọt Sương 1974), Lữ Quỳnh (Sông Sương Mù, Cát Vàng 1972, Những
Cơn Mưa Mùa Đông 1974), Nguyễn Nho Nhượng (Tiếng Nói Giữa Hư Vô, 1972), Phan Nhự
Thức (Đốt Tuổi 1969), Nguyễn Bắc Sơn (Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi 1972), Dynh
Hoàng Sa (Vùng Trú Ẩn Hoang Đường 1968), Trịnh Bửu Hoài (Thơ Tình 1974), Nguyễn
Thanh Trịnh (Ví Dụ Ta Yêu Nhau 1974), Hoàng Khởi Phong (thêm Phục Hồi Quyền Chức
Làm Người 1972), Trần Vàng Sao (Khoảng Tối Sau Lưng 1965), Đông Trình (Khi Mùa
Mưa Bắt Đầu 1967, Lót Ổ Cho Đại Bác 1968, Rừng Dậy Men Mùa 1972), Lê Văn Thiện
(Một Cách Buồn Phiền 1969, Sao Không Như Ngày Xưa 1971), Mang Viên Long (Trên Đỉnh
Sa Mù, Mùa Thu Trống Trải, Có Những Mùa Trăng 1972, Như Giọt Sương, Nói Với Người
Yêu, Một Đời Mơ Ước), Tô Đình Sự (Vùng Trú Ngụ 1967), Hoàng Ngọc Tuấn (hàng chục
cuốn tiểu thuyết trước 1975, phần lớn cho thanh thiếu niên), Trần Hữu Lục (Cách
Một Giòng Sông 1969), Cung Tích Biền (Ai Tỉnh Ai Điên 1968, Hòa Bình Nàng Tình
Rỗng, 1968, Nỗi Buồn Thắp Sáng 1969, v.v..), …
Mường Mán năm 1974 ra hai cuốn truyện dài Lá
Tương Tư và Một Chút Mưa Thơm. Vũ Hữu Định (1942-1981) lúc bấy giờ chưa có tác
phẩm xuất bản, chỉ sau khi ông mất bạn hữu mới in được Còn Một Chút Gì Để Nhớ.
Cao Vị Khanh ra đến hải ngoại mới in tác phẩm đầu tay Lệ Từ Nét Ngang (2001)
cũng như Nguyễn Văn Ngọc in tập thơ đầu Chuyện Kể (2002) và Từ Thế Mộng sau Lời
Ca Cỏ Non, sẽ được Thư Quán Bản Thảo xuất bản Lẽo Đẽo Một Phương Quỳ (2002).
Họ tập trung nhiều nhất ở miền Trung nhưng
cũng có ở miền Tây cũng như Đông Nam phần. Vùng Quảng Đà tụ được nhiều nhất,
như Luân Hoán, Hoàng Lộc, Đông Trình, Thái Tú Hạp, trong đó Nguyễn Nho Sa Mạc mệnh
yểu, mất khi mới 20 tuổi, thơ như oan trái vận vào cuộc đời:
Bằng
đôi tay ôm kín nỗi buồn
Ta
đi trong trời đất hoàng hôn
Mà
nghe sữa mẹ chan hòa chảy
Máu
ở buồn tim cũng loạn cuồng
…
Ôi
nửa cuộc đời ta đảo điên
Đêm
nằm ru giấc ngủ cô miên
Hai
mươi tuổi trong hồ suy tưởng
Ngửa
mặt nhìn trời đi ngã nghiêng (Sinh Nhật)
Huế có Bửu Ý, Trần Vàng Sao, Tiêu Dao, Hồ
Minh Dũng, Tần Hoài Dạ Vũ, … Qui Nhơn có Nguyễn Mộng Giác, Lương Trọng Minh.
Vùng Cao nguyên có Vũ Hữu Định, Nguyễn Minh Nữu, Phan Ni Tấn, … Phan Rang có thời
tụ tập Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Nguyên Minh, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Nguyễn Lệ
Uyên, Chu Trầm Nguyên Minh, … có tờ báo in ronéo Ý Thức và nhà xuất bản cùng
tên (nhóm Ý Thức còn có cả Võ Tấn Khanh, Ngụy Ngữ, Trần Hữu Lục, Trần Hữu Ngũ,
Châu Văn Thuận). Nhóm Khai Phá ở Châu Đốc có Trịnh Bữu Hoài, Ngô Nguyên Nghiễm,
Nguyễn Thành Xuân, Lưu Nhữ Thụy, … Cần Thơ có nhóm Sông Việt gồm Chu Tấn, Trần
Kiên Thảo, … và văn đoàn Về Nguồn (Kiều Diễm Phương, Lê Trúc Khanh, Lê Hà Uyên,
…). Ở Long Xuyên và Vĩnh Long có Cao Vị Khanh, Cao Huy Khanh, Nguyễn Cát Đông,
… Cao Huy Khanh là cây viết phê bình văn học sáng giá đầu tiên của miển Nam xử
dụng những phương pháp hiện đại, tác giả một loạt bài văn học sử trên tạp chí
Thời Tập (Bài đầu với “20 Năm Tiểu Thuyết Việt Nam Từ 1954 đến 1973”, Thời Tập
số 1, 14-12-1973), và nhiều bài về thi ca và các tác giả miền Nam: Bình Nguyên
Lộc, Ngọc Linh, Sơn Nam, …
Tâm sự của một nhân vật của Nguyễn Phương
Đông trong Căn Nhà viết thời 1972 do cơ sở Sóng Văn xuất bản ở hải ngoại năm
1997 với bút hiệu mới Nguyễn Sao Mai: “Đối với đời sống tôi không còn có nhiệt
tâm, mà những phỉnh phờ thì càng lúc càng gia tăng đến một mức độ phức tạp. Tôi
không nói tới chiến tranh. Cuộc chiến này cũng như một nhát dao chém trên vết
thương đã quá sức lở lói. Chiến tranh đã dai dẳng đến một mức độ khiến người ta
không còn nghĩ đến sự ngừng dứt” (tr. 59). Nhà thơ Cao Thoại Châu mơ một ngày
hòa bình:
Hát
với ta đi bầy chim mùa hạ
Từ
hải đảo về đậu bên cửa sổ
Làm
thức bình minh líu lo líu lo
Vòng
mắt nhung tròn xanh biếc
Hát
đi nghe bầy chim đáng yêu
Hát
đi nghe chân trời mỏi cánh
Những
hoàng hôn mây đuổi theo chim …
(Trong
Cõi Trời Mơ Ước, Nghệ Thuật, 25-4-1966).
Nói đến địa phương để tạm phân biệt, tìm hiểu,
nhưng khó xếp vì các nhà văn thơ trẻ ngoại trừ “học sinh/sinh viên” Nguyễn Tât
Nhiên, phần lớn thuộc hai giới quân đội và giáo chức – cũng như các nhà văn lớp
trước, nên thường di chuyển công vụ hoặc theo bước quân hành, đó là trường hợp
của Luân Hoán, Y Uyên, Doãn Dân, Hoàng Khởi Phong, … bên lính tráng và Trần Hữu
Lục, Cao Vị Khanh, Nguyễn Trung Hối, v.v. bên “gõ đầu trẻ”. Nói chung, các nhà
văn thơ đều xuất hiện trên các báo và tạp chí ở thủ đô, và xuất bản tác phẩm
cũng ở thủ đô ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt rất là ngoại lệ của một vài các
nhóm kể trên. Y Uyên chết trận ở Phan Thiết khi trong tay đã có sự vụ lệnh đổi
về Sài Gòn, Doãn Dân mất trong hầm chỉ huy ở Quảng Trị là hai trong số những
cây bút có nhiều triển vọng. Y Uyên tác giả các tập truyện Tượng Đá Sườn Non
1966, Quê Nhà 1967 và truyện dài Ngựa Tía 1967, … Doãn Dân tác giả hai tập truyện
dài Chỗ Của Huệ 1968 và Tiếng Gọi Thầm 1972, nhưng văn tài của ông là ở truyện
ngắn đăng trên Chỉ Đạo, Tân Phong và Bách Khoa chưa được xuất bản.
Sau 1975, những Mường Mán, Trần Vàng Sao, Trần
Duy Phiên, Đông Trình, Ngụy Ngữ, Cung Tích Biền, … theo phe chiến thắng, lần lượt
trước sau rơi vào thất vọng ê chề, có người buông bút, có người trở về làm “nghệ
thuật vị nghệ thuật”. Thế Nguyên bị bỏ rơi, chết trong nghèo đói! Tiêu Dao Bảo
Cự trở nên đối lập.
Sau thời Cởi trói và nhất là những năm gần đây,
một số đã sinh hoạt văn nghệ trở lại: Cao Thoại Châu xuất bản Bản Thảo Một Đời
1991, Nguyễn Bắc Sơn ra Đời Như Một Nhà Thơ Đông Phương 1995, Ngô Nguyên Nghiễm
cũng vậy, Huy Tưởng xuất bản nhiều tập thơ (Hỏi Đường Cùng Mây Trắng, v.v.) và
đưa ra cách tân thơ lục bát thành một loại hài cú 14 âm tiết, Trần hữu Lục thì
biên soạn nhiều sách về Huế, Nguyễn Tôn Nhan soạn Từ Điển Văn Học Cổ Điển Trung
Quốc và Từ Điển Thành Ngữ Trung Quốc 1999, v.v. Riêng Trần Duy Phiên và
Cung Tích Biền được thân hữu ở hải ngoại in cho hai tập truyện Thằng Bắt Quỷ
(1993) và Kiến Và Người, Trần Vàng Sao cũng được bạn ưu ái xuất bản tập Bài Thơ
Của Một Người Yêu Nước Mình (Tân Thư, 1994). Thị Trấn Khô của Ngy Hữu được xuất
bản sau khi mất.
Về phần những người đi tù cải tạo sống sót trở
về, kẻ thì lây lất trong cái nghèo đói chung của miền Nam, trí thức văn nghệ sĩ
dĩ nhiên cái khốn cùng nó cũng thê thảm hơn! Gượng dậy gặp gỡ bạn hữu thì kẻ
còn người mất, kẻ trong người ngoài nước; nói chung tang thương đã lắm và chưa
hẳn đã hết!
NGUYỄN VY KHANH
(Trích “Văn Học Việt Nam Thế Kỷ 20, một số hiện tượng và thể loại”
Nguyễn Vy Khanh, Đại Nam xb tháng 1-2004, trg. 63)
Nguồn: http://luanhoan.net/
ĐÔI
DÒNG VỀ NGUYỄN VY KHANH
Sinh năm 1951 tại Quảng Bình.
Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Việt Hán
Sài Gòn 1974,
Cử nhân giáo-khoa 1973 và Cao học
Triết Tây 1975,
Master of Library Sciences,
Montréal, Canada 1978.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
Khung Cửa (Thơ, Tác giả xb, Sài Gòn,
1972)
Ngô Đình Diệm Và Nổ Lực Hoà Bình
Dang Dở (dịch, Xuân Thu, tái bản 1989)
Lỗ Tấn Và Truyện Xưa Viết Lại (Xuân
Thu, 1997)
Bốn Mươi Năm Văn Học Chiến Tranh
1957-1997 (Đại Nam, 1997; tái bản 2000)
Văn Học Và Thời Gian (Văn Nghệ,
2000)
Văn Học Việt Nam Thế Kỷ 20, Một Số
Hiện Tượng Và Thể Loại (Đại Nam 2004)
Nguồn: http://vanchuongviet.org/