Vũ
Trà My: Anh đến
với thơ từ lúc nào ? Đã có bài thơ nào của một ai đã từng làm anh yêu thích đến
tận lúc này ?
Phạm Cao Hoàng: Thời học Trung Học
Đệ Nhất Cấp ở trường Nguyễn Huệ, Tuy Hòa (1961 – 1965) tôi chơi thân với người
bạn cùng lớp tên Phạm Thành Long. Nhà Long ở La Hai (cách Tuy Hòa khoảng 50
km), và tôi thường theo Long đi xe lửa về La Hai chơi. Sân ga, tiếng còi tàu,
những toa tàu, tiếng máy xình xịch, tình bạn thuở học trò… tất cả gắn liền với
tuổi thơ tôi. Trong thời gian này tôi đọc được bài thơ VU VƠ của Tế Hanh. Những
ngày nghỉ học tôi hay tới/ Đón chuyến tàu đi đến những ga/ Tôi đứng bơ vơ xem
tiễn biệt/ Lòng buồn đau xót nỗi chia xa… Bài thơ gây ấn tượng mạnh nơi tôi đến nỗi,
hồi ấy, cứ mỗi lần đọc bài thơ này là tôi rơm rớm nước mắt. Từ đó tôi bắt đầu
yêu thi ca và nuôi mộng làm thi sĩ. Đến năm 1969 tôi chính thức có bài thơ đầu
tiên của mình: bài ĐI GIỮA CHIẾN TRANH. Đến bây giờ, đọc lại bài thơ VU VƠ của
Tế Hanh tôi vẫn còn giữ nguyên cảm xúc.
Vũ Trà My:Theo anh, khi làm
thơ và công bố rộng rãi cho tất cả độc giả, anh có nghĩ cảm hứng đó cần trau
chuốc hay chỉnh sửa như thế nào để cho mọi người yêu thơ cùng đọc, có thể hiểu
được, và có thể chia sẻ cảm xúc này không? Hay chỉ tôn trọng đúng cảm xúc của
mình trong phút cảm hứng bất chợt đó và đứa con tinh thần ra đời?
Phạm Cao Hoàng: Thật ra tôi chưa
bao giờ có ý định viết một bài thơ về một đề tài nào cả, mà thơ đến bất chợt từ
cảm xúc, rồi giữ lấy cảm xúc đó để phát triển. Tất nhiên, bao giờ cũng phải đọc
lại, sửa chữa thêm trước khi gửi đăng báo. Hồi đó tôi và nhiều bạn văn khác gửi
bài cho các báo không nằm trong ý định muốn công bố tác phẩm của mình, mà đơn
giản chỉ vì thích đăng báo. Gửi bài đi, chờ báo ra xem có bài mình không, nếu
có thì tự đọc, tự feel good. Cùng bài thơ đó nhưng đọc trên một tờ báo vẫn thấy
thích hơn là khi đọc trên bản thảo. Dần dần, có những chia xẻ của người đọc là
điều đến tự nhiên. Vậy thôi.
Vũ Trà My: Anh
nghĩ bây giờ nếu có một bài thơ mới .anh sẽ chia sẻ đứa con tinh thần của
mình theo tạng thơ bấy lâu nay, hay nên sửa đổi lại chút ít hoặc thay đổi hẳn
theo trào lưu bây giờ ? Như thơ cách tân dùng chử mới lạ ,thơ theo hậu hiện đại,
thơ trình diễn , thơ tân hình thức, thơ dùng chữ dung tục…etc....?
Phạm Cao Hoàng: Tôi theo dõi khá
thường xuyên những nỗ lực cách tân thơ của nhiều người viết trong và ngoài nước
trong mấy chục năm qua. Tuy nhiên, các trào lưu này hoàn toàn không ảnh hưởng
gì đến tôi. Đối với tôi, trước sao sau vậy. Tôi cho rằng hình thức nào cũng được
(Chẳng hạn như thơ có vần hay không vần…), miễn là chuyển tải được cảm xúc của
mình. Khi đọc những bài thơ thuộc vào loại kiệt tác của thi ca Việt Nam, chúng
ta cảm nhận bài thơ đó hay là vì nhiều yếu tố khác, chứ không phải vì hình thức
của bài thơ. Có những cảm xúc phù hợp với thơ vần hơn là thơ không vần, và ngược
lại. Chưa kể là năng khiếu bẩm sinh của từng tác giả có khác nhau: có người
chuyên viết thơ có vần điệu, nhưng có người thì không. Cao Thoại Châu có những
câu thơ xuất thần, đọc xong tôi còn bị ám ảnh nhiều ngày nhiều tháng, đều là
thơ vần:
Hãy
nghe Cao Thoại Châu dùng thơ vần diễn đạt nỗi buồn:
Tôi
về sầu trắng hai tay
Đi như quân tướng trong ngày bại vong
(Cao Thoại Châu, bài thơ TÔI VỀ SẦU TRẮNG HAI TAY, 2010)
Đi như quân tướng trong ngày bại vong
(Cao Thoại Châu, bài thơ TÔI VỀ SẦU TRẮNG HAI TAY, 2010)
Một
nỗi buồn khác:
Trăm cơn sầu đang đổi cơn say
Tôi đốt quán, em đừng buồn tôi nhé
Mở giùm tôi chai nào cay đắng nữa
Ly vỡ rồi cứ đổ xuống thân tôi
(Cao Thoại Châu, bài thơ QUÁN CỦA NGƯỜI TÊN V., 1996)
Sự
ngang tàng:
Ta chỉ bực mình mỗi lúc qua sông
Sợ sóng cuốn đi thì trái đất thành tuyệt tự
(Cao Thoại Châu, bài thơ VÔ ĐỊNH HÀNH, 2009)
Trong khi đó, NH. TAY NGÀN sở trường loại thơ
không vần với những bài thơ thuộc loại thần sầu. Có một bài
thơ của NH. TAY NGÀN mà một người bạn của tôi nói rằng mỗi khi đọc bài thơ này
bạn ấy thấy thơ chạy trong người rần rần: NỖI LIÊN ĐEN TỐI VÔ CÙNG.
Trong thi ca Việt Nam, đây là một trong những bài thơ không vần dài nhất
và hay nhất. Nếu NH. TAY NGÀN dùng hình thúc thơ vần thì đã không thể có
bài thơ này.
Vũ Trà My: Nếu để giới thiệu
ngắn gọn đúng nhất về tạng thơ của anh ..anh sẽ giới thiệu với độc giả bài thơ
nào của mình?
Phạm Cao Hoàng: Mời các bạn đọc bài NHỚ CÚC HOA (Viết năm 1974).
Vũ Trà My: Sau 1975 anh còn
sáng tác không? Và gần đây anh có in tập thơ nào không?
Phạm Cao Hoàng: Từ 1975 đến nay tôi
viết chưa tới 10 bài thơ. Tháng 5/2010 nhà xuất bản THƯ ẤN QUÁN của anh Trần
Hoài Thư có giúp in một tuyển tập thơ của tôi: MÂY
KHÓI QUÊ NHÀ. Phần lớn các bài trong tuyển tập thơ này đều viết trước
1975, số còn lại viết sau 1975.
Vũ
Trà My : Rất cám ơn nhà thơ
Phạm Cao Hoàng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
(Trích trong bài THƠ QUA MẮT NHÌN CỦA PHẠM THỊ
NGỌC LIÊN VÀ PHẠM CAO HOÀNG do Vũ Trà My thực hiện, tháng 12.2010).