Sunday, May 8, 2016

2302. PHẠM CAO HOÀNG Trở lại New Jersey


Ảnh PCH – New Jersey, May 7.2016



Phạm Văn Nhàn ở Texas điện thoại cho tôi: “Thứ bảy tới, 7 tháng 5, Phạm Quang Tân, Trần Bang Thạch, Lê Cần Thơ và tôi sẽ qua New Jersey thăm vợ chồng Trân Hoài Thư. Nghe đâu chị Yến yếu lắm. Ông sắp xếp qua New Jersey thăm chị Yến sẵn dịp anh em mình gặp nhau luôn. Mấy mươi năm rồi chưa gặp nhau”.

Từ hôm Trần Hoài Thư sang Virginia tiễn đưa anh Đinh Cường đến nay cũng đã hơn 4 tháng. Chúng tôi có bàn với nhau sẽ cùng sang thăm chị Yến nhưng chưa kịp đi thì bữa nay Phạm Văn Nhàn rủ. Một công hai chuyện, thực hiện chuyến đi vào cuối tuần này quả là cần thiết nhưng lại nhằm vào ngày Mother’s Day nên số người tham dự không thể đông đủ như đã dự định, và chúng tôi quyết định đi nhưng phải quay về ngay trong đêm để kịp sáng hôm sau tham gia các sinh hoạt của gia đình nhân ngày Mother’s Day. Một giờ chiều, bốn người chúng tôi  (Thanh Bình, Lãm Thúy, Cúc Hoa, Phạm Cao Hoàng)  khởi hành. Lãm Thúy, người lái xe đường trường  giỏi,  cầm lái trong chuyến đi này.  Có dịp đi xa cùng với Thanh Bình và Lãm Thúy là điều chúng tôi rất vui vì đây là những người bạn rất mực tài hoa và tốt bụng.

Gần 6 giờ chiều, chúng tôi đến New Jersey. Khi đến nơi, ngoài nhóm bạn 4 người từ Texas đến, chúng tôi bất ngờ gặp ba nhóm nữa cũng đến thăm vợ chồng Trần Hoài Thư; gồm luật sư Cù Huy Hà Vũ và luật sư Dương Hà từ Chicago, anh Hoàng Long và chị Hạ Uyên từ Boston  và vợ chồng anh Nguyễn Quang Khánh từ Pennsylvania . Cùng trong một ngày, không hẹn trước mà 5 nhóm bạn từ 5 tiểu bang  xa xôi – người thì đi máy bay, người thì lái xe đường trường – tụ hội về đây thăm Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến. 

Còn gì vui hơn!

Việc đầu tiên là vào nursing home ngay để thăm chị Yến. Chị ở trong một căn phòng được ngăn làm đôi bằng một bức màn, phía trong dành cho chị, phía ngoài đành cho một cụ bà người Mỹ trắng. Không còn nữa những ngày cùng Trần Hoài Thư xuôi ngược rong ruổi vào các thư viện Mỹ tìm kiếm các tác phẩm văn học miền nam 1954-1975. Đã hơn 3 năm rồi chị  nằm một chỗ, chỉ còn bàn tay phải là cử động được. Chị bật khóc khi nhìn thấy chúng tôi. Cả Thanh Bình, Lãm Thúy và Cúc Hoa đều đến ôm lấy chị. Chị vẫn còn tỉnh táo, nhớ rõ tên từng người. Ở đây, dịch vụ chăm sóc được thực hiện 24/24. Ngày cũng như đêm, bất cứ lúc nào, cần gì, chị chỉ cần bấm chuông là y tá đến ngay. Mỗi ngày Trần Hoài Thư vào thăm chi hai hoặc ba lần, giúp chị ăn uống và một số công việc. Thật ra, nursing home có đầy đủ các bữa ăn cho chị nhưng chị không quen với thức ăn Mỹ nên Trần Hoài Thư phải làm thức ăn Việt Nam mang vào. Đời là bể khổ, điều này chắc chắn là quá đúng đối với chị. Một thời chiến tranh chồng gian nan ngoài mặt trận. Một thời hòa bình chồng phải nhọc nhằn tù tội. Những ngày Trần Hoài Thư đi bán cà rem ở Cần Thơ. Rồi vượt biên  suýt mất mạng vì hải tặc Thái Lan. Mấy chục năm vất vả nơi xứ lạ quê người, đời chưa yên vui thì bây giờ nằm đó cùng với nỗi buồn bất tận. Biết bao lần tôi tự hỏi tại sao có những người ở hiền nhưng không gặp lành, và chị Yến nằm trong số đó.

Rời nursing home, chúng tôi về nhà Trần Hoài Thư dùng bữa ăn tối dã chiến với thức ăn do Thanh Bình, Lãm Thúy và Cúc Hoa mang từ Virginia sang.  Phạm Văn Nhàn nói với tôi anh rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh các cô vui vẻ xào nấu thức ăn trong bếp và mang ra phục vụ cho mọi người. Chúng tôi cụng ly chúc mừng một tình bạn lâu dài và bền vững gần 50 năm kể từ thời ở Khu 6 Qui Nhơn. Chúng tôi có dịp hàn huyên với anh Trần Bang Thạch – trong nhóm chủ trương tạp chí Thư Quán Bản Thảo giai đoạn đầu và các anh Phạm Quang Tân, Lê Cần Thơ – những người chủ trương tạp chí Văn Hóa Việt Nam, một tạp chí đã có mặt ở Texas 19 năm qua. Gác nỗi buồn một bên, Trần Hoài Thư kể lại cho mọi người nghe thời mới quen chị Yến. Chị có cảm tình với anh qua một truyện ngắn của anh đăng trên tạp chí Văn rồi qua sự giúp đỡ của tòa soạn tạp chí này, chị liên lạc được với anh, quen nhau, yêu nhau, chia sẻ với nhau giấc mộng văn chương, rồi se tơ kết tóc sống với nhau cho đến bây giờ. Anh say sưa nói về những công trình anh và chị Yến đã thực hiện được trong tủ sách di sản văn chương miền nam và tạp chí Thư Quán Bản Thảo. Rất nhiều người ở hải ngoại cũng như trong nước yêu mến Trần Hoài Thư và Nguyễn Ngọc Yến vì công lao của anh chị trong việc sưu tầm, in ấn và phổ biến các tác phẩm văn học miền nam 1954-1975.

Câu chuyện có thể kéo dài đến hết đêm nay vẫn chưa dứt nhưng đã đến giờ chúng tôi phải chia tay để trở về Virginia. Rời New Jersey lúc 10 giờ đêm trong cái lạnh se se của thành phố Plainfield, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại hình ảnh chị Yến trong nursing home chiều nay. Trên đường về chúng tôi cảm thấy rất vui vì đã thực hiện được một chuyến đi đáng nhớ trong điều kiện thời gian  gấp gáp và eo hẹp. Xe chạy suốt đêm, câu chuyện trên đường xa vẫn giòn giã, và đến 3 giờ sáng thì về đến nơi. Thời tiết hôm nay thật đẹp. Những người đi chung chuyến xe với tôi cùng những người bạn mà chúng tôi gặp lại ở New Jersey cũng đều thật đẹp.

Phạm Cao Hoàng
Virginia, May 8, 2016 


Phía trước Ashbrook Nursing Home (New Jersey) - Ảnh NQK, May 7, 2016
Từ trái: Trần Bang Thạch   Cúc Hoa   Thanh Bình   Trần Hoài Thư   Lãm Thúy   Phạm Văn nhàn   Phạm Cao Hoàng   Lê Cần Thơ   Phạm Quang Tân