NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY 30/4
NGHĨ VỀ MỘT LINH HỒN TRÊN BIỂN
Tranh Trương Vũ
Acrylic trên bố, 20" x 24" - Thực hiện năm 2010
(Năm
2012, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình
phỏng vấn nhiều văn nghệ sĩ
về những suy nghĩ của họ đối với ngày 30.4.
phỏng vấn nhiều văn nghệ sĩ
về những suy nghĩ của họ đối với ngày 30.4.
Bài
viết này là phần trả lời của Trương Vũ.
PCH)
Nếu
chỉ đọc trên báo chí, nghe lời hô hào, hay nhìn khẩu hiệu trong các cuộc tuần
hành, quả thật chúng ta thường thấy xuất hiện những tên gọi như Quốc Hận, Tháng
Tư Đen, ngày Giải Phóng, hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân,... dành cho ngày 30 tháng
Tư 75. Thế nhưng, ý nghĩa thật sự của nó với mỗi người Việt phức tạp hơn nhiều.
Rất khó để tìm được một tên gọi chung. Cho mỗi người, ý nghĩa hay tâm trạng cá
nhân về ngày này cũng thay đổi theo thời gian. Ở trong nước, cùng là đảng viên
Cộng Sản, cùng phấn đấu chung trong chiến khu, cùng có chung một tâm trạng hồ hởi
vào 37 năm trước, nhưng tâm trạng ngày nay của một chị cán bộ mặc đồ đầm ngồi
trong chiếc xe hơi sang trọng với tài xế riêng chắc chắn phải khác với tâm trạng
một bộ đội về già, tay trắng, chiều chiều ra ngồi quán bia chửi Đảng. Ngoài nước
cũng thế, tâm trạng của những người mất cả tuối trẻ của họ trong chiến tranh,
trong các trại “cải tạo”, hay mất cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em trong
các chuyến vượt biên thảm khốc chắc chắn phải khác với tâm trạng của một số gia
đình đánh cá trước đây rất nghèo khổ. Ngày xưa, những gia đình này cả làng họ
không có lấy một y tá, ngày nay họ cật lực làm ăn trên đất Mỹ, nuôi con ăn học,
có gia đình có đến 3, 4 đứa con hành nghề bác sĩ. Thỉnh thoảng, họ về thăm làng
cũ, giúp xây nhà thương, trường học, xây lại mồ mả ông bà, xây lại nhà cửa của
cha mẹ thành những biệt thự sang trọng mà nhiều người sống chỉ nhìn thấy trong
mơ. Tôi không tin ngày 30 tháng Tư chiếm một vị trí đáng kể nào trong tâm tư,
tình cảm của họ.Nếu có, khó bảo nó mang ý nghĩa của một thảm kịch. Với những trẻ
em dưới 13 tuổi khi chiến tranh chấm dứt, có thể có ít nhiều dao động vào lúc
đó, nhưng sau 37 năm vật lộn với cuộc sống, bây giờ đang chuẩn bị cho những
ngày hưu trí không còn xa, 30 tháng 4 chắc chỉ còn là một dấu ấn mờ nhạt. Thành
phần này chiếm đa số của dân tộc.
Tâm
trạng của tôi vào những ngày đó của 37 năm xưa đơn giản chỉ là tâm trạng của một
anh nhà giáo thuộc diện quân nhân biệt phái, mang nhiều mơ ước cho tương lai
như bao con người bình thường khác. Bỗng dưng, thấy mình thuộc phe bại trận, và
bao ước mơ tan thành mây khói. Tệ hơn, khi nhìn quanh không thấy một cấp lớn
nào, quân sự hay dân sự. Cũng không thấy có bao nhiêu bạn bè cón lại. Những
ngày tiếp theo đó được nghe kể về cái chết của tướng Nguyễn Khoa Nam. Thêm cảm
giác hụt hẫng.Cho đến lúc đó, Vùng 4 vẫn là niềm hy vọng sau cùng, dù mỏng
manh, cho cả nước.Miền Nam có một triệu quân.Cho đến ngày 30 tháng Tư, 1975,
Vùng 4 gần như không có thiệt hại quân sự gì đáng kể.Dưới quyền tướng Nguyễn
Khoa Nam, chắc chắn phải có ít nhất một trăm ngàn quân.Ông không cho phép quân
nhân dưới quyền rời bỏ nhiệm sở.Thực tế như thế nào, chúng ta đã biết. Tôi cố
hình dung tâm trạng ông vào những ngày đó, và cái vắng lặng kinh hoàng ông cảm
nhận được. Tâm trạng của ông phải khác tôi nhiều lắm. Nỗi đau lớn gấp trăm ngàn
lần. Ý nghĩa của ngày đó đối với ông thật sự như thế nào khó ai biết, nhưng chắc
chắn nó không giống với bất cứ ai trong chúng ta.
Thời
gian qua, bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu biến cố dồn dập đến trên thế giới, và
bao nhiêu sự thật phơi bày trên đất nước, tôi không còn nhìn về ngày 30 tháng 4
như xưa nữa. Bây giờ, với tôi, “30 tháng Tư, 1975” là ngày khởi đầu cho một sự
sụp đổ thê thảm, một hình thức khác của bại trận, của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt
Nam, tại Đông Âu, tại các nước Liên Xô cũ, và tại nhiều nơi khác trên thế giới.
Tôi
tin rằng nhiều người Việt khác cũng giống tôi, nhìn ý nghĩa của ngày 30 tháng
Tư 75 không còn giống xưa. Tâm trạng của họ vào những ngày này mỗi năm cũng dần
dần đổi khác. Ngày nay, những khẩu hiệu, những cờ quạt, những lời hô hào trên
máy vi âm, cùng với những suy nghĩ phát đi từ vị trí những người trong một cuộc
chiến đã chấm dứt lâu rồi, được nói ra cũng đã lâu rồi, có thể hay, có thể dở,
có thể đúng, có thể sai. Tuy nhiên, tất cả những cái đó khó thể phản ảnh những
suy nghĩ, những vui buồn, những lo âu, những phấn đấu thật sự của đại đa số dân
tộc ngày hôm nay. Tôi muốn nghĩ nhiều hơn đến những vấn nạn, những cuộc chiến mới,
không súng đạn nhưng đầy cam go đang xẩy ra và những gì sẽ xẩy tới cho dân tộc.
Ngày
nay, chủ nghĩa Cộng Sản đã đại bại, đã tiêu ma ngay cả trong lòng những cán bộ
mà cả tuổi trẻ họ đã sống chết cho lý tưởng Cộng Sản. Nhưng cái biến chứng phát
sinh từ sự đại bại đó rất nhiều và khó lường. Vấn nạn lớn nhất là lối cai trị
đi ngược hoàn toàn với sự tiến bộ và những xu hướng nhân bản của thời đại, vẫn
tiếp tục tồn tại. Một vấn nạn khác của dân tộc là chữ “Cộng Sản” vẫn tiếp tục
được dùng để sống dối trá với nhau.Trong nước, để vinh danh, xưng tụng, dạy dỗ,
hô hào.Ngoài nước, để chụp mũ, đập phá. Rất khó để bảo rằng dân tộc Việt Nam,
và đặc biệt giới trẻ Việt Nam, không có những khát vọng về dân chủ, tự do và
khát vọng được sống một đời có phẩm cách, như rất nhiều dân tộc khác trên hoàn
cầu. Giới trẻ Việt Nam ngày nay thực sự rất thông minh, có sức sống mãnh liệt,
và biết khá rõ đời sống những người trẻ như họ ở ngoài nước. Thế nhưng, những
bài học lạnh người về khả năng đàn áp của chính quyền, những kinh nghiệm sờ sờ
về hậu quả bi thảm của nói thật, sống thật, cũng như kinh nghiệm để cá nhân tồn
tại đã có từ thời thực dân và trải dài cho đến nay, đã khiên cả nước phát triển
rất cao một khả năng ít thầy ở những nơi nào khác trên thế giới. Đó là loại khả
năng chúng ta thấy hằng ngày trên các đường phố ở Sài Gòn hay Hà Nội, qua cách
chạy xe của mọi người. Khả năng “Lách”. Người có quyền hành, lách theo cách của
kẻ có quyền, kể cả nhân danh vô sản để sống như tư bản, để vẫn có thể vơ vét,
hưởng thụ tận cùng, và vẫn tiếp tục có quyền. Người dân thường, lách để tồn tại,
để có thu nhập cao hơn, để có cuộc sống tốt hơn mà không đụng chạm ai. Thế
nhưng, vẫn không nên xem thường những khát vọng của từng con người nhỏ bé cùng
với những nỗ lực dù rất khác nhau để làm đẹp đời sống. Cũng không nên coi nhẹ
những bất mãn rất bình thường của họ mà nếu nhìn ở từng người trông chẳng có
nghĩa lý gì.Khó ai dám nói là tất cả, vào một ngày nào đó, sẽ không cộng hưởng
với nhau để tạo nên một đổi thay vô cùng lớn.Dĩ nhiên, đừng hy vọng đi tìm một
đổi thay như ta muốn thấy ngay sau thời điểm 75. Con người ngày hôm nay, kể cả
con người Việt Nam, về hiểu biết, về khát vọng, khác xưa nhiều lắm. Thê giới
cũng đã hoàn toàn đổi thay và nhỏ đi.
Bây
giờ, xin trở lại với vài câu hỏi khác của Nguyễn Thị Thanh Bình.
Về
mấy câu nói của các ông lãnh tụ như Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, tôi đề nghị chúng ta
không nên phí thì giờ bàn cãi.Mấy ông lãnh tụ của đảng Cộng Sản, hay xuất thân
từ đảng Cộng Sản, phần đông có khả năng lớn về hài kịch. Ở Nga, ông Putin trổ
tài ở trân, cỡi ngựa, đấu kiếm, vật lộn,... Ở Việt Nam, ông chủ tịch nước đi
qua Cuba nói cho dân Cuba biết “Việt Nam và Cuba thay phiên nhau canh giữ hòa
bình thế giới, Việt Nam ngủ, Cuba thức...”. Tài hài kịch của họ biểu lộ rõ ngay
cả khi họ cố đóng vai “đào thương” trong bi kịch, như cảnh đấm ngực nhận lỗi của
ông “Trần Dân Tiên” sau Cải Cách Ruộng Đất chẳng hạn.
Về
câu hỏi “người cầm bút phải làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của
dân tộc?” tôi xin mượn chuyện Nhật Bản để góp ý. Cuộc bại trận ê chề nhất trong
lịch sử của Nhật Bản xẩy ra vào 1945. Sau đó, nước Nhật có nhiều nhà văn được
thế giới biết tiếng và nể trọng, đáng kể nhất là Yasunari Kawabata (giải Nobel
văn chương 1968), Yukio Mishima (tác giả tiểu thuyết Kim Các Tự), và Kenzaburo
Oe (giải Nobel văn chương 1994).Cả ba có quan niệm xây dựng tác phẩm khác nhau.Ở
ngoài đời, họ biểu lộ nhận thức về chính trị, xã hội cũng hoàn toàn khác
nhau.Mishima và Oe khác nhau như nước với lửa. Thế nhưng, tác phẩm của họ đều lớn,
làm lớn sự nghiệp riêng của họ, làm văn học Nhật Bản lớn hơn, và làm dân tộc Nhật
lớn hơn. Nhưng, không thấy ai đề ra hay hô hào trách nhiệm băng bó vết thương
chung của dân tộc. Kenzaburo Oe còn ngược lại, đâm xoáy vào những vết thương
kinh hoàng mà người Nhật muốn quên, những vết thương mà nước Nhật gây ra cho thế
giới, mà quân đội Nhật đã gây ra cho chính dân họ. Tôi nghĩ, khi xây dựng tác
phẩm, nhà văn cứ sống hết lòng, sống thật với mình, nghĩ sao cũng được. Không
có gì sai khi người đọc cãm được chất thép trong một bài thơ hay. Nhưng, hô hào
hay chủ trương “trong thơ phải có thép”, hay trao truyền một trách nhiệm lịch sử
cho nhà văn lại là chuyện rất khác.Chuyện này, các ông Hồ Chí Minh và Tố Hữu giỏi
lắm.Và, đại họa cho văn học và cho cả dân tộc cũng phát sinh từ đó.
Trương Vũ
Maryland,
tháng 5, 2012