Friday, April 15, 2016

2254. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Người còn đội mũ không?


Hồ Đình Nghiêm - Photo by PCH - Virginia, 13.1.2016



Tôi không mặn triết học. Tôi chẳng đủ duyên để đến gần kinh kệ. Tuy vậy thường khi đầu óc ngây ngô chợt hiện dấu hỏi: Cuộc đời này có bao la, hay ngó vậy mà không phải vậy?

Cứ tưởng tượng ra một con đường rộng, tả hữu hai bên cắm xuống những cột mốc chạy dài như bóng hình theo cuộc lữ. Nghỉ chân, ngó lui sau, còn đó những kỷ niệm hẳn mãi lung linh. Dẫu xa, gần. Dù cũ, mới, khi đã gọi là kỷ niệm thì nó khó bề phôi pha. Chỉ mờ ảo chút đỉnh và cứ đổ thừa do bởi khói sương. Chợt vẹt đôi phần thì hãy nghĩ về định luật thời gian. Tóc xanh nay đã bạc màu e cũng liên hệ tới chân đi tháng ngày vậy!

Tôi không thích nói chữ duyên phận, tôi ưa nghĩ về hình ảnh một quả xanh trên cành sớm mai ra vườn để nhìn nó đang chín tới. Rồi rục rã, rồi rụng xuống vườn khuya, mùi hương trái cây dằn vặt toả trong quạnh quẽ đêm sâu giấc điệp. Ngoài sự tuần hoàn, cái sự rơi êm nọ còn trao gửi thêm điều gì?

Tới một lúc nào đó, bất ngờ chúng ta đón nhận một sum vầy vừa bày biện. Con đường bắt gặp một chia cắt đoạn lìa tạo thành ngả tư. Và đèn xanh đèn vàng đèn đỏ không dưng hiện ra thế lời nhắc khéo về tai ương sẽ lộ hình sau bao dong duỗi.

Anh Đinh Cường mất, tôi băng qua dễ chừng cả triệu ngả tư để về thắp một nén nhang cho anh. Một nén nhang chẳng đủ ấm tay khum vái huống hồ vọng tưởng tới bao điều huyền hoặc khác! Một người có tiếng là đi nhiều, đi xa như anh, cuối cùng cũng mỏi chân “đời quá vội thôi ta về chọn đất” như lời thơ Phạm Nhuận ngày cũ. Chia tay anh, rời ra vĩnh viễn nhưng tôi lại được bắt tay, kề cận các anh chị chỉ nghe tên mà nay mới có cơ diện kiến. Gặp nhau trong khung cảnh chật chội tiếng thở than, chẳng vui, chẳng tròn tiếng cười, chẳng lấp đầy một thất thoát hao hụt. Và trong đông đủ mặt mày, vẫn có riêng cho tôi ấn tượng về một người-đội-mũ. Người mà trước đây anh Đinh Cường từng khắc hoạ trong bốn câu:

“Nơi đây tôi gặp người bạn luôn đội mũ
Nét mặt đăm chiêu mà tốt vô cùng
Có lẽ cũng từ một miền quê êm đềm lắm
Nuôi con người luôn sống bao dung…”


Người đội mũ - dinhcuong - Tháng 12.2014


Hãy cho tôi trở lại dấu hỏi ban đầu về nỗi hoài nghi hữu hạn hay vô hạn. Mặt anh Phạm Cao Hoàng đâu đến nỗi đăm chiêu. Giọng anh trầm, ấm để khi nghe tôi nhớ lại thuở học trò hồn nhiên sống với người anh ruột, Hồ Quốc Văn làm phó quận trưởng ở Tuy Hoà. Những chiều có chân mây tím về vây trên mảng khối đá dựng kiến trúc Chàm đối diện quận, có đoàn Cải lương nức tiếng từ Sài Gòn ra chiếm ngự lưu diễn, tiếng loa truyền gửi sang điệu xàng xê làm nhớ đất Thần kinh đến muốn khóc.

Tuy Hoà, rồi Đà Lạt. Lạ lùng gì những nơi chốn anh Phạm Cao Hoàng từng ăn nằm và tôi từng lưu lạc dẫm chân qua. Vì vậy, tiên khởi giữa người luôn đội mũ và tôi khi đứng bên nhau, vô tình đã thu ngắn những cột mốc có trên đường dài. Quả đất này có nhỏ bé không? Nào ai hay!

Chữ viết đẹp, phóng khoáng, mạnh mẽ. Phạm Cao Hoàng điềm đạm, anh phát biểu chừng mực, tế nhị tỏ bày lòng hiếu khách phương xa. Là mẫu người luôn gieo cho kẻ gặp mặt thứ cảm nhận ngang hàng với sự yên ổn tuyệt đối, rằng kẻ đó phải đánh rơi phút ngại ngùng ban đầu, không “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Hãy theo chân tôi về miền “Đất còn thơm mãi mùi hương”. Hãy “Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt”. Sẽ không mấy ai từ chối lời đề nghị kia bởi “tốt vô cùng” là lời giới thiệu chưa hẳn vẹn toàn cho người thu cất một tấm lòng đầy tính nhân văn như anh. Thơ văn người ấy trải ra duy chỉ xưng tụng về cái đẹp vĩnh hằng: Tình yêu thương con người. Lòng thành nẩy mầm và hoàn thiện trong chân chất, dung dị. Anh viết chuyện thật và thơ anh chưa hề gợn đục chút ngoa ngôn, đầy cảm động.

Anh Đinh Cường nhận xét: “Có lẽ cũng từ một miền quê êm đềm lắm”. Cũng đúng, nhưng cho tôi được bổ sung thêm, một trong những yếu tố tác thành nên cảnh giới nhân hậu kia ấy là do bởi anh có bên mình một người vợ hiền dịu và họ đã dìu nhau sắt son đi qua bao vấn nạn giăng bủa. Không đúng sao? Một đoá hoa thơm khoe sắc chẳng phải lệ thuộc tới sự tưới nước chuyên cần?

Chúng tôi được chị và cô con gái rộng lòng nấu phở gà cho ăn giữa đêm có tuyết đổ. Bánh tráng nướng dòn xúc hến xào và ngon vô cùng thứ tình cảm nồng ấm chợt về giữa đêm trở trời trên xứ lạ. Chiếc ghế tôi ngồi đã có biết bao người viết văn, thi, hoạ, nhạc từng bồi hồi tựa lưng… Anh Đinh Cường từng nói với tôi: “Không phải như người ta hay nói áo thụng vái nhau, mà chính chiếc áo thụng đôi khi lại che được chúng ta qua một cơn mưa. Tình người và tình bè bạn ở chân trời góc biển”. Đành vậy, đã là hương mùi khi toả lan, sự khác biệt tuỳ vào khứu giác của từng cá nhân. Cho tôi nói tiếng thơm thảo cũng bị rầy rà sao?

Nhiều người đã ngợi ca, anh Nguyễn Xuân Thiệp thâu tóm lại để đúc kết: “… tâm hồn anh đầy nhân hậu, bao dung và độ lượng… Không có sự ganh ghét, thù hận hay ra vẻ trí thức triết lý với đời… Đọc thơ Phạm Cao Hoàng ta tìm được niềm an ủi trong tình yêu, gia đình, bè bạn, quê hương đất nước và cuộc sống chung quanh mình”.

Ôi, quen biết anh Phạm Cao Hoàng cũng nên xem đó là một cột mốc lớn cắm xuống giữa “đại lộ hoàng hôn”. Cám ơn anh. Hẹn có khi lại được sang chuyện trò cùng anh. Thăm chị, người đã từng vấp phải hoạn nạn như tôi, kẻ viết xuống những dòng này sau khi hắn vừa “tập đi” xong bài học therapy vụng về như con trẻ.

Hồ Đình Nghiêm
15 tháng Tư. Hai ngàn 16.


Nguyễn Mạnh Hùng  Tùng  Nguyệt Mai  Hồ Đình Nghiêm  Thanh Bình  Duyên  Trương Vũ
Photo by PCH  -  Vienna (VA) - 13.1.2016