Wednesday, February 17, 2016

2015. TRƯƠNG VŨ Lời mở cho tập truyện Hướng Dương Giấu Mặt của Tôn Nữ Thu Dung


TRƯƠNG VŨ
Lời mở cho tập truyện
Hướng Dương Giấu Mặt
của Tôn Nữ Thu Dung





Tôn Nữ Thu Dung là một trong những học trò trẻ nhất của tôi ở Việt Nam, đúng ra là học trò bé bỏng nhất, em vào đại học năm cuối cùng tôi dạy và làm việc ở đó. Bốn mươi năm đã trôi qua, có nhiều lần gặp lại, tuổi tác tiếp tục tăng lên, tuy nhiên mỗi lẫn nghĩ đến Thu Dung, hình ảnh tôi nhớ đến luôn là hình ảnh một cô học trò bé bỏng năm nào. Bé bỏng, không phải chỉ vì cái dáng dấp nhỏ bé, xinh xắn, đầy nhiệt tình khi xông xáo vào những sinh hoạt của trường học. Chính cái cách biểu lộ sự đam mê rất hồn nhiên về văn học, nghệ thuật của Thu Dung tạo cho tôi ấn tượng đó. Sau này, đọc những bài vở của Thu Dung, theo dõi những công trình, những sinh hoạt của em về văn học và cả về xã hội, tôi thấy gợi lại nhiều hình ảnh đã nằm yên đâu đó trong ký ức về một khoảng đời rất đẹp tôi sống trên quê hương. Trong hầu hết những sáng tác đó, tôi luôn thấy hình bóng của tác giả, với những biểu lộ vui buồn rất thật và quen thuộc, dù viết về một hồi tưởng, về một câu chuyện thật, hay hoàn toàn hư cấu. Tạp chí mạng Tương Tri mà Thu Dung sáng lập và điều hành, đều đặn và sinh động, với bài vở chọn lựa trên tiêu chuấn chất lượng, biểu lộ rõ niềm đam mê và cá tính của em, một cá tính mạnh nhưng rất hài hỏa và giàu tình cảm.

Cách đây khoảng một năm, khi về California dự một hội thảo văn học, tôi có nhiều dịp gặp lại Thu Dung và một số học trò cũ. Trong một buổi ăn tối với các em, khi nói về chuyện viết lách của Thu Dung, tôi có nói những lời này: "Thu Dung, em không thể cứ trẻ thơ mãi, em phải lờn lên". Tôi nói thật với lòng mình. Tuy nhiên, về lại Maryland, một thời gian sau đó tôi chợt nghĩ lại điều mình nói, rồi nghĩ lại về chính mình. Thế hệ của tôi, tuổi trẻ già hơi sớm. Bước vào đại học là bắt đầu học đại về những ý thức mới, những trào lưu văn học nghệ thuật đương đại trên toàn cầu, những khủng hoảng tâm tư về chính trị, về xã hội, về tôn giáo,... Vã, dĩ nhiên, luôn tranh cãi và khắc khoải về chiến tranh, về cái biên cương của sống chết, rất hẹp, rất thật và rất gần với mình. Hình ảnh quen thuộc của thế hệ là hình ảnh những nhóc con mười bảy, mười tám, ngồi quản cà phê, hít một hơi thuốc lá, phà khói lên trần rồi trầm tư và thấy mình rất lớn. Hầu hết đánh mất cái hồn nhiên của mình. Cho dù, cũng có đọc Antoine de Saint-Exupéry viết Le Petit Prince cho đứa trẻ thơ trong một người lớn, hay xem những bức tranh của Marc Chagall vẽ những tình nhân hồn nhiên bay bổng lên không trung. Cho dù, cũng có ngưỡng mộ những công trình đó, ấn tượng để lại trong tâm tư thường vẫn ít sâu đậm.

Bây giờ, đọc lại những sáng tác của Thu Dung, tôi thấy hài hòa với mình và với tác giả hơn, thấy nó gần gũi với đời sống hơn, đặc biệt, khi chứng kiến nhiều cái điên loạn đang xảy ra trong thể kỷ này, những điên loạn phát sinh từ sự coi thường cái sống của người khác. Dầu sao, về chuyện văn chương, tôi đã từng viết ra trong một tiểu luận cách đây 20 năm: "... khi nghĩ đến văn học nghệ thuật, chúng ta buộc phải nghĩ đến những giá trị lớn, những mức đến xa và không nên tự hài lòng với một so sánh nào đó." Tôi tin Tôn Nữ Thu Dung cũng nghĩ như vậy.

Cần nói thêm, trên hành trình văn học của mình, Thu Dung có một bạn đường rất tốt: một trẻ thơ trong người lớn. Rất thánh thiện và hồn nhiên đến với cuộc đời.


Trương Vũ
Maryland, tháng 12 năm 2015