Friday, January 29, 2016

2082. HỒ ĐÌNH NGHIÊM Truyện ngắn NHANG TÀN THẮP KHUYA


Hồ Đình Nghiêm
NHANG TÀN THẮP KHUYA

Đêm thắp nhang ngoài trời mù sương
oil on canvas 24 x 30 in
dinhcuong



“em buồn còn chỗ thở than
anh buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya”.
Ca dao


Gia đình thằng Thà ngụ sát bên nhà ga, thành ra quen chân đến chơi với nó thường hằng mà chẳng cần vin vô lý do vu vơ như nhà thơ Tế Hanh: “Những ngày nghỉ học tôi hay tới, đón chuyến tàu đi đến những ga…”

Bà già thằng Thà lưng ong mông nở nên mắn đẻ, có lắm con. Bỏ đi mưu sinh phương xa tới ba bốn mạng, còn lại sáu mống chưa đủ điều kiện đành sớm tối vui vầy cùng song thân. Thà là tên cha sinh mạ đặt trên giấy tờ, ở nhà thì tất thảy đều gọi: Cu Hú. Ba phần âu yếm ba phần nựng nịu và bốn phần có hơi khó hiểu. Hỏi Thà tại răng? Có điển tích chi không? Chim cu chẳng hót thì gáy, sức mấy mà biết hú. Hắn nói: Sao hiểu được thâm ý của ba mạ, có thể lúc nhỏ tao khóc thét to tiếng hoặc khi sinh ra kịp có chiếc tàu vào sân ga cất lên hồi còi mê sảng hú gọi.

Câu trả lời của Thà vô tình làm lực đẩy cho lời bình loạn của thằng bạn rắn mắt. Tại sao đương sự đông anh chị em? Tại vì tàu hoả thường rậm rật chui đầu vào sân ga lúc nửa đêm, dựng đầu hai vị phụ huynh thoát khỏi cảnh ma đè và để tìm lại giấc mộng vàng họ phải trăn trở bày trò ra chơi, Hú nhà mình chào đời là do cái lao động toé khói vào canh khuya nọ. Thà chửi: Tổ cha mi.

Thằng ăn nói hồ đồ kia tên Hiên, mặt mày xem ra bặm trợn nhất bọn, dĩ nhiên sẽ muôn đời không lọt vào được mắt xanh của mấy chị em gái thoạt biến thoạt hiện nọ. Thường Đoan là em kế Thà, nghĩa là Đoan nhỏ thua tôi một tuổi. Diện mạo tôi không bặm trợn thêm thay lại ít ăn ít nói nên những ngày nghỉ học tôi hay tới nhà Thà luôn đón nhận ánh mắt đong nhiều thiện cảm của Đoan. Thằng hồ đồ kia lại dở thói bán trời không văn tự: Đồ cù lần, mi nghĩ mi cua được con Đoan sao? Đoan nghe, em nói nhỏ cho riêng tôi: Thiệt là Hiên đơi. Cấm anh nói lái. Cấm anh bầu ruồn.

Tôi không cua Đoan, tôi chưa thấy qua con cù lần nhưng rõ là thường trực vu vơ khi đạp xe qua những con đường, tự dưng do một lực đẩy nào chẳng rõ, nó xúi tôi chạy thẳng tới nhà Thà. Còi tàu hú và hoạt cảnh trước sân ga bao giờ cũng diễn y một cảnh sắc: Chộn rộn. Dạo đó đoàn tàu luôn quá tải, “ngàn đời không đủ sức đi mau”, người ngợm đa phần là con buôn với quang gánh đồ đoàn cồng kềnh nặng nhọc, nó xoá nhoà hình ảnh đưa tiễn buồn lòng kẻ ở người đi. Cái đớn đau của biệt ly lẻ tẻ phải chịu lép vế so với trăm phương nghìn kế mưu sinh đổ mồ hôi sôi nước mắt. Từ những người thiệt thà lui cui với nghề “nội trợ” ghi trong sổ gia đình thoắt cái họ lầm lì rời khỏi nhà để phóng đu lên tàu với danh xưng rất giang hồ rất gió bụi: Con buôn.

Nhà nghèo, đông con, Đoan lanh lợi nhất đám nên được chỉ định làm kẻ đi buôn nhằm cải thiện cuộc sống toàn gia. Thằng cu Hú làm ra vẻ quyền huynh thế phụ: Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mạ biết ngày mô khun. Khun đồng nghĩa với khôn, giống như hun cũng một duột với hôn. Thương ai đó thì kiếm cách đè ra hun một miếng. Rồi đây Đoan sẽ sớm tối dãi dầu trên con tàu xuôi nam đưa đầu trần dong duỗi tấm thân lấm bụi, chẳng biết Đoan có hun ai hoặc ai sẽ hôn Đoan. Những nụ hôn chùng vụng giữa bóng tối vây bít toa tàu sẽ giúp Đoan sớm khôn lanh, sớm trưởng thành. Có mạ kiểm soát bên lưng thiệt là biết ngày nào khôn!

Tôi nói: Trước khi Đoan chính thức leo lên tàu lửa đi buôn e Đoan phải nên thử làm nháp một phen. Là răng? Em không hiểu. Anh nhờ Đoan đi bán giúp anh cái đồng hồ coi thử Đoan có mát tay không. Để khỏi lôi thôi tôi ra dắt xe rồi ngồi sẵn trên yên tỏ vẻ đợi chờ. Ngày mai tôi theo lớp học đi thực tế cả tháng để làm bài thi cuối năm. Đi khỏi thành phố để đến sinh hoạt ở vùng kinh tế mới mà địa danh nghe lạ như chốn sơn cùng thuỷ tận. Xa lắc xa lơ, xa ánh điện vàng vọt đọng vũng ở sân ga, tô lem luốc chút màu bẩn nơi vách nhà Đoan rường cột xiêu vẹo. Tôi đang cần tiền để mua nhu yếu phẩm mang theo trong cuộc hành hương. Và tôi cần một vuông bàn nơi quán vắng để thở chung cùng Đoan bầu dưỡng khí nhỏ hẹp. Tôi mời Đoan ăn một bữa thịnh soạn trước phút rời xa. So đũa trong khi chờ đợi và nhìn ngắm khuôn mặt em trước khi “ăn chay trường” nguyên tháng với nỗi nhớ khó tiêu hoá.

Tôi sẽ làm cán bộ thông tin văn hoá sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ vẽ những tấm tranh cổ động với kích cỡ thật lớn và tất thảy những thứ nghệ thuật tạo hình đó so ra không mấy sướng nếu hoán đổi làm một thằng người chạy xe ôm. Tôi chở em đi, thong thả. Thường Đoan mình hạc xương mai xem chừng không hạp bột mì nên tôi chẳng nhọc khi đèo em trên chiếc xe cà tàng ưa kiếm cớ trật cóc. Khi đạp xe qua cầu em rụt rè vòng tay quàng trước bụng tôi. Tôi ngó xuống những ngón tay thon, vì có một thứ gì bất khả hiện hữu đã khiến bàn tay ấy buông bỏ giấy bút xuống. Em đã khóc cho lần vĩnh biệt trường lớp và tuồng như hoa phượng ven sông đã rơi rụng ít nhiều. Bầu ruồn, chữ của em. Buồn mà vô phương tìm ra điều để nguôi ngoai. Em đang ôm tôi và tôi cám ơn thầm thứ dây mơ rễ má nọ. Được làm một cái phao, chuyện ấy nào dễ dàng. Vấn đề là mất bao lâu người ta tự mình bơi được qua con nước hung hiểm. Tôi đang trộm yêu Đoan, em là hình ảnh thơ mộng dành cho tôi bám víu.

Tôi chở em vào chợ trời. Lựa nơi vắng người tôi dừng xe rồi cởi cái đồng hồ đeo tay ra. Seiko 5, ô tô ma lắc, không người lái, hai cửa sổ và mười hai trụ đèn. Tôi ngó nó lần sau cùng, kim giây chuyển động nhưng với tôi, nó đang chết ở thời khắc 11 giờ 45 phút. Đoan đeo nó vào cổ tay: Chờ em một tháng có được không? Em đi buôn, đợi có tiền em sẽ mua nó. Một kỷ niệm có với anh. Bán nó vào tay người khác sao em thấy tiếc quá. Tôi rất muốn hun Đoan, ở bên má cũng được, nhưng thấy khó khăn. Cũng như tôi đang nghèo túng, làm sao giữ những đồ vật có giá trị khỏi thất thoát, đừng để chúng phải đội nón ra đi? Đoan à, một tháng thì quá lâu trong khi chúng ta đang cầm cự từng ngày. Kệ nó đi mà, kỷ niệm đâu có giúp ai thôi đói. Và bán tống bán tháo một vật thể, biết đâu 11 giờ 45 phút sáng hôm nay rồi sẽ đi vào kỷ niệm giữa hai đứa. Anh sẽ cất giữ nó mỗi khi hồi ức về tháng ngày gần Đoan. Nghe anh nói em cũng muốn thanh ương. Đoan chấm câu.

Có rất nhiều tiền dằn trong túi, bây giờ gió sẽ không tài nào thổi tôi bay được, tôi đâm ra quan trọng hẳn: Đoan có toàn quyền định đoạt một quán ăn, nói lên địa chỉ anh sẽ thồ Đoan tới kéo ghế. Chúng tôi lấm lét đi lòn lách sâu trong chợ. Trai khôn tìm vợ chợ đông. Ai đó từng nói thế. Họ cũng ngôn rằng: Gái hơn hai trai hơn một. Vào chợ, người con gái thua tôi một tuổi chỉ ưa lạm dụng cái xô bồ kia đễ dễ bề trộn lẫn vào, khó có ai phát hiện. Chỉ đơn giản thế. Hơn bao giờ hết Đoan hoàn toàn chẳng muốn gieo cho ai kia một lượng định: Chúng là bồ bịch của nhau, tình tứ ra phết! Hai cái ghế nhựa nhỏ nhắn dành cho chúng tôi, ngồi kề bên nhau trước một gánh bún và hương hoa từ cơ thể Đoan đã giết đi mùi thơm từ nồi nước nhiều gạch cua mãi toả lan trước đó. Đoan trao cho tôi một tấm ảnh đen trắng, nhỏ nhít, vuông vắn như thể bóc ra từ cuốn hồ sơ học bạ. Em nói: Một tháng đi thực tế đầy thiếu thốn, liệu nó giúp anh được chút chi không. Cũng biết đâu chừng khi trở về em được quà là tấm chân dung anh vẽ tặng. Và rồi chúng tôi chia tay, đầy ắp những viễn ảnh êm đẹp.

Con buôn, đó là tầng lớp mà mọi sinh hoạt của họ tuyệt đối không lệ thuộc vào một thời khoá biểu nhất định nào cả. Chính điều này vô tình đã kéo Đoan rời xa tôi. Thưa vắng những hạnh ngộ cho tới lúc tôi ra trường, cầm tờ giấy quyết định bổ nhiệm đi làm cán bộ thông tin văn hoá ở vùng xa chó ăn đá gà ăn muối. Tôi bán chiếc xe đạp, tài sản cuối cùng để đánh dấu thời khắc đoạn tuyệt kiếp sinh viên, để chia tay phố phường. Xe đạp hầu như chỉ dùng để chở người tình đi hóng gió vớ vẩn, muốn làm gã hành nghề chạy xe ôm ít ra anh phải sắm nổi một chiếc xe gắn máy.

Tôi lên sân ga sắp hàng mua chiếc vé lẻ đi nhậm chức ở nhiệm sở mới lạ. Lại nhớ nhà thơ Tế Hanh: “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt, lòng buồn đau xót nỗi chia xa”. Còi tàu không cất tiếng, giữa cả ngàn âm thanh manh động vây bọc trước nhà ga lắm kẻ chen lấn tôi nghe mơ hồ có tiếng ai réo gọi tên tôi. Quay đầu láo liên một hồi tôi mới ngó ra một bàn tay dong cao vung vẫy sau chiếc xe bán bánh mì đặt ở góc khuất. Không còn nhận ra em hả. Út Hương đây. Đứa con gái ốm nhom tự giới thiệu. Chiếc nón bài thơ bạc màu được tháo gỡ, một khuôn mặt rám nắng và sự cực nhọc đã hà hiếp tới tuổi tác một cách lộ liễu. Sớm già như một thân cây mọn cắm trong ly khô cạn nước. Anh có ghé nhà nhưng không một ai có mặt. Nhà đó họ sắp lấy rồi, giải toả để nâng cấp nhà ga. Anh Thà bây chừ ra răng? Nghe nói anh làm công nhân đường sắt ở Đà Nẵng, em chỉ biết chừng nớ thôi. Chị Đoan thì theo chồng sống ngoài Vinh, anh nhớ anh Hiên không? Hiên đơi, là chồng chị đó.

Tôi moi bao thuốc nhăn nhàu, rút một điếu, hút cho đỡ lạt miệng. Ai cấm một con cù lần đứng phì phà ra đám mây mỏng trôi vào hư không. Thường Đoan Thường Đoan, cù lần biết tụng chú tiếng được tiếng mất. Rứa còn em, em làm chi ở đây? Em mưu sinh, ba em làm thợ mộc chế biến cho em xe bán bánh mì. Em trụ ở chỗ ni để trông chừng tới hồi mô thì họ phá tan căn nhà cũ. Anh mua giúp em ổ mì thịt. Ừ, anh đi mần ăn xa, có ổ bánh mì em làm quà đưa tiễn cũng đỡ tủi thân. Tôi ngó cái tô nước đen lỏng bỏng trôi lững lờ đôi ba hòn thịt dính mỡ, rồi xì dầu, rồi tương ớt, rồi chan rồi dộng vào đường xẻ dọc gần rách toạc ổ bánh cứng. Chỗ quen biết với nhau, em làm cho anh ổ đặc biệt hí? Răng là đặc biệt? Thì bỏ thêm cho anh lát dưa leo với một trái ớt hiểm.

Tôi trả tiền cho Hương, em út của Thà của Đoan. Thôi, anh đi hí, nghe chi không, còi tàu như xé nát tim anh. Cái anh ni, sến vừa vừa a. Em có người yêu chưa Hương? Cái anh ni, cứ nói tầm bậy tầm bạ chi mô. Tôi đi về cánh cổng soát vé, cắn nhai khúc bánh mì mặn hơn cả một đại dương thu bé lẫn trốn bên trong. Trái ớt hiểm cay tới độ phải chảy nước mắt. Tôi thấy thương thân, ngàn đời tôi không đủ sức đi mau, đã lỡ hụt những chuyến tàu mãi lạnh lùng trôi. Thường Đoan, em thiệt là không biết thanh ương.


Hồ Đình Nghiêm
Montréal, 29.1.2016

THẦY TRÒ CAO ĐẲNG MỸ THUẬT 
TẬP TRUNG TRƯỚC CHUYẾN ĐI THỰC TẾ (HUẾ, 1977)
Hàng trên: Đinh Cường ngồi giữa (đội nón béret đen), 
Hồ Đình Nghiêm ở bìa phải (đội mũ trắng).