VĨNH BIỆT ĐINH CƯỜNG
Trần Hoài Thư
Chân dung Trần Hoài Thư
dinhcuong 2014
1.
ĐINH CƯỜNG VÀ THƯ QUÁN BẢN THẢO
Cuối
cùng, ai cũng đến cánh cửa đó. Nhưng mà, tôi cứ nghĩ là ĐC vẫn còn sống. Thơ
anh vẫn còn đấy, Cào lá ngoài sân đêm vẫn còn đấy. Tranh anh phác họa
vẫn còn đấy . Và trước mặt tôi, cái khung kính có bức tranh người nữ khỏa thân
mà anh tặng tôi vẫn nằm đấy. Với tôi, anh vẫn sống mãi trong tâm trí tôi.
Trước
khi anh qua đời, anh làm những bài thơ về kệ sách của anh. Hay là lời gởi gắm
cuối cùng của anh. Tôi hiểu, dù anh là họa sĩ, nhưng thật ra, anh yêu thơ như
anh yêu vẽ. Không biết anh đã hỏi tôi in khâu bao nhiêu bộ thơ miền Nam. Tôi nhớ
là nhiều lắm. Mỗi bộ 6 cuốn, mà không biết bao nhiêu bộ tôi đã gởi đến anh. Anh
bảo bạn bè ở VN thích. Hay tự nhiên trong tủ sách của anh thiếu một hai cuốn.
Hoặc những bộ Sáng Tạo, hay Lược đồ văn học VN. Tôi biết là anh muốn ủng
hộ TQBT nên mới order hết bộ sách này qua bộ sách nọ. Anh bảo anh rất thích cuốn
thơ “Cào Lá Ngoài Sân Đêm” do Thư Ấn Quán xuất bản. Nay sách hết rồi, THT có thể
in cho mình thêm 5, 10 tập được không? Tôi nói với anh là tôi rất vui. Được
một họa sĩ danh tiếng như anh “chịu” là một hạnh phúc lớn đối với tôi, khi mà kỹ
thuật in ấn của Thư Ấn Quán chỉ là kỹ thuật thủ công nghệ. In cho anh, mục đích
tặng anh, nhưng luôn luôn anh tặng quà hậu hĩnh trong bao thư. Anh là một mạnh
thường quân, dù anh sống cuộc đời đạm bạc hơn ai hết.
Vừa
rồi, trong lúc sưu tập bài vở để giới thiệu tạp chí Nghệ Thuật trên TQBT số tới,
tôi tìm được một bài viết của giáo sư Đỗ Long Vân về cuộc triển lãm tranh
anh tại Huế vào tháng 11-1966. Đây là bài viết mà anh rất “chịu”.
Tôi đã đánh máy, và layout. Hy vọng anh sẽ ngạc nhiên vì món quà văn chương mà
tạp chí TQBT dành cho anh để anh nhớ lại hơn 50 năm về trước. Vậy mà, làm sao
tôi có thể ngờ, là bài sẽ không bao giờ được anh đọc. Anh ĐC ơi. Anh có nghe những
tiếng gõ trên bàn phiếm. Anh có thể hiểu là lòng tôi như rạn vỡ ra, như nhịp
búa nhịp dao…
Dù
theo dự trù, bài sẽ được phổ biến trong dịp TQBT phát hành cuối tháng 12 như là
một món quà văn nghệ của TQBT, nhưng mà, giờ đây, anh ra đi rồi thì lấy
ai mà bồi hồi? Thôi thì đăng bây giờ. Ngậm ngùi post bài viết, như là nén hương
kính gởi đến hương hồn anh của chúng tôi, tạp chí TQBT. (THT)
2.
ĐI DỰ ĐÁM TANG ĐINH CƯỜNG
Chưa
bao giờ tôi gặp một vấn nạn như lần này. Tôi muốn xuống Virginia để dự
đám tang Đinh Cường vào ngày 13-1-2016, nhưng mà làm sao tôi có thể đi được.
Tôi không thể bỏ Y. với khay đồ ăn Mỹ còn nguyên vẹn. Tôi cũng không thể dùng
xe lửa vì thời khóa biểu rất bất tiện. Tôi cũng không thể dùng xe bus vì phải mất
ít nhất là 30 tiếng đồng hồ.
Còn việc tự lái xe thì qua đỗi vất vả với tôi. Không những vất vả mà còn nguy hiểm. Mắt tôi quá kém để lái xe. Tôi bị căn bệnh buồn ngủ khi lái xe. Lái khoảng nửa tiếng là mắt như nhắm. Tôi đã có mấy lần suýt gây tai nạn vì cái bệnh này.
Nhưng
mà với một người mà Thư Quán Bản Thảo mang ơn, tôi không thể viện lý do này lý
do nọ để mà không đi. ĐC đã giúp chúng tôi rất nhiều mỗi khi chúng tôi cần.
Bìa sách. Tranh bìa TQBT. Hay những tài liệu văn chương. Và sáng tác bài
vở.
Anh
đã từ Virginia lên thăm Y. hai lần. Mệt mà vẫn theo bạn bè mà đi. Để rồi tới
nhà tôi, anh nằm trên sofa mà ngủ. Cái tình ấy làm sao mà tôi đáp đền cho hết.
Vì
vậy, cuối cùng tôi quyết định lái xe một mình xuống dự đám tang. Bằng mọi giá
phải đi. Y thì luôn luôn khuyến khích. Ngày nào khi thấy tôi Y. đều hỏi sao về
mau dữ ông. Tôi giải thich còn ba ngày nữa mới đi. Tội nghiệp. Trí nhớ thông
minh của Y. đã bắt đầu suy giảm.
Theo
dự trù tôi sẽ rời nhà lúc 1 giờ sáng ngày thứ tư 13-1-2016. Cứ lái một tiếng, rồi
tắp vào bên đường hay rest area mà nghỉ. Cứ từ từ trước sau gì cũng đến trước
giờ thăm viếng.
Thằng
con lo cho tôi. Xa quá mà ba. Con rất lo cho sức khỏe của ba.
Tôi
bảo: Bác ĐC đã giúp ba rất nhiều. Ba cần phải có mặt để tiễn đưa bác.
Vào
lúc 10 giờ sáng ngày thứ ba 12-1, tôi nhận một cú điện thọai của Đ. Đ. hỏi tôi
có dự trù đi xuống Virginia dự đám tang họa sĩ ĐC không. Tôi nói có. Và kể
chương trình của tôi đi. Đ. khuyên tôi đừng nên đi một mình. Đ. sẽ lái xe
giúp tôi.
Đấy.
Tôi nghĩ là hương linh ĐC đã đẩy đưa Đ. giúp tôi lúc mà tôi rất cần. Ở đây, tôi
không hé môi về ý định của mình với bất cứ một ai. Bởi lẽ tôi ngại phiền. Hơn nữa
chẳng có ai thân thiết với ĐC mà tôi được biết, nhờ họ là điều tôi không muốn
chút nào.
Vậy
mà, tự nhiên có một người ngỏ trước ý định trong lúc tôi không nói gì về việc
đi. Thật khó có thể tin nhưng là sự thật.
Cám
ơn Đ. đã giúp tôi được có mặt trong buổi tang lễ. Nhờ vậy mà tôi có thể thắp
cây nhang, và sờ lên nắp quan tài. Nhờ vậy mà tôi có thể nói lên lời chia buồn
với chị Tuyết Nhung, và các cháu. Nhờ vậy, mà sau ba năm bế quan tỏa cảng không
đi đâu, giờ tôi mới có thể gặp lại một số bạn bè thân mến. Tôi nghĩ lúc này,
cái chết của ĐC đã làm chúng tôi càng gần gũi hơn bao giờ. Bởi vì qua anh,
chúng tôi khi bắt tay nhau, dù quen đã lâu hay mới quen, chúng tôi nghĩ là
chúng tôi đều có một mẫu số chung: Đó là ĐC trong trái tim mình. Khi chúng tôi
bắt tay nhau hay ôm choàng lấy nhau, có nghĩa là chúng tôi đang chia buồn với
nhau. Bởi lẽ mỗi người chúng tôi đều mất đi một ĐC, và trái tim mỗi người đều
đẫm lệ.
Chúng
tôi chia buồn cùng nhau.Chúng tôi đã mất Đinh Cường thật, nhưng cũng nhờ ĐC mà trái tim chúng tôi càng
đầy thêm hơi ấm tình thân.
Trần Hoài Thư
New Jersey14.1.2016
Trần Hoài Thư - Đinh Cường
Ảnh PCH - Virginia, 22.10.2012