NHẸ NHÀNG ĐINH CƯỜNG
Trần Doãn Nho
Trần
Doãn Nho - Đinh Cường
Virginia,
25.10. 2015
Với
tôi, Đinh Cường là hiện thân của một nhẹ nhàng rất hiếm. Vẽ, sống, chơi, cà
phê, rượu, bạn, họp mặt, tiếp khách…tất cả đều nhẹ. Nhẹ nhàng như những đường
nét thiếu nữ trong tranh anh: xanh, thơ, những sợi mơ bay, cánh tay, suối tóc,
nụ cười… Là một nghệ sĩ lớn, nhưng anh không ồn ào; ngược lại bình lặng, thân
thiện. Bản thân anh đã có cái gì rất bạn bè. Nên thế giới anh là thế giới đầy bạn
bè. Từ ngày quen biết anh ở Huế và có lúc được anh mời phụ trách một môn học tại
trường Mỹ Thuật Huế, cho đến sau này gặp lại nhau ở Washington DC, với tôi, lúc
nào anh cũng thế, thân thiện, vui vẻ và tế nhị. Trong những cuộc gặp gỡ bạn bè,
anh như hòa tan giữa mọi người. Với mọi người. Anh rất chung. Nếu có một cái gì
riêng không tìm thấy ở bất cứ đâu thì đó là tranh: tranh Đinh Cường.
Gặp
gỡ tháng 10
Cuối
tháng 10 vừa rồi, nhân có cuộc họp mặt Quốc Học- Đông Khánh tổ chức tại
Washington DC với nhiều cựu học sinh Quốc Học và Đồng Khánh tụ về, các anh
Trương Vũ, Phạm Cao Hoàng và Nguyễn Minh Nữu đã tổ chức một cuộc gặp gỡ anh chị
em văn nghệ sĩ tại nhà riêng anh Trương Vũ. Trong buổi họp mặt, có các anh Nguyễn
Văn Vinh (đài VOA), Phùng Nguyễn, Phạm Nhuận, Nguyên Minh, Lữ Kiều và Nguyễn Tường
Giang, các chị Đinh Từ Bích Thúy và Nguyễn Thị Thanh Bình và các anh chị Trương
Văn Dân và Elena Pucillo, anh chị Nguyễn Minh Nữu, anh chị Trương Vũ, anh chị Lữ
Quỳnh, anh chị Trần Doãn Nho, anh chị Phạm Cao Hoàng. Và Đinh Cường. Tôi có phần
sửng sốt vì khác với hôm tháng 4/2015, khi gặp nhau trong buổi ra mắt sách của
Đặng Thơ Thơ, lần này đầu anh cạo trọc. Mới nhìn, tôi cứ ngỡ là một vị thiền sư
nào. Dù đau, anh rất vui vẻ. Khuôn mặt vừa thiền vị vừa trẻ thơ. Anh cụng rượu
và trò chuyện vui vẻ. Có lẽ đây là lần gặp gỡ đông vui nhất và là lần gặp gỡ cuối
cùng của anh cũng như của Phùng Nguyễn với nhiều bạn bè như thế.
Cuộc
họp mặt đã để lại một ấn tượng mạnh trong anh:
Một bạn nào đó nói,
các buổi gặp gỡ khác
càng ngày càng ít
người thì ở Trương Vũ
càng ngày lại càng
đông. thật vậy. vẫn chiếc
bàn thật dài trải
khăn trắng đầy thức ăn
(…)
không khí ấm cúng.
như một salon littéraire
của những chiều cuối
tuần Virginia thơ mộng.
(Thơ Đinh Cường: Và
một buổi gặp gỡ đông vui trưa thứ bảy ở nhà Trương Vũ – 24/10/15)
Để
rồi sau đó:
Nửa khuya gió chạy
bên thềm
nửa khuya thức dậy
vẫn im dáng ngồi
bạn bè đâu hết rồi
sao
gặp nhau dăm bữa
đường nào nấy đi
(Thơ Đinh Cường: Nửa
khuya thức dậy thấy bạn đâu hết – 26/10/15)
Phòng
Đinh Cường
Sáng
25 tháng 10/2015, tôi và bà xã ghé thăm anh, sau khi nhờ Phạm Cao Hoàng gọi hẹn
trước. (Lúc này phải hẹn vì đôi khi anh quá mệt không thể tiếp khách). Anh vui
vẻ tiếp chúng tôi. Cái studio của anh nằm ở tầng hầm. Đây là nơi anh thù
tiếp không biết bao nhiêu bạn bè từ khắp nơi ghé thăm. Dù trông bình thường, mạnh
khỏe nhưng khi cùng tôi lên, xuống chiếc cầu thang nhỏ, anh bước từng bước một
khá vất vả. Thấy những bước chân bấp bênh của anh, tôi cảm thấy chột dạ.
Cái
studio không chỉ là phòng tranh mà còn là một phòng văn. Bên cạnh tranh
là sách. Bên cạnh tranh và sách là các kỷ vật. Tất cả lớn nhỏ, cũ, mới, vuông
tròn chen chúc cạnh nhau, lặng lẽ, ấm cúng, thân thiện. Một phòng đầy ắp kỷ niệm,
nơi mà ta có thể tìm thấy cả một kho dấu tích bạn bè, dấu tích văn chương và dấu
tích cuộc đời.
Một tấm tranh mới của ĐC trên giá vẽ
Khác
với những lần thăm trước, lần này, anh dẫn tôi đi quanh, chỉ cho tôi tranh, ảnh,
sách báo và vật kỷ niệm của nhiều văn, nghệ sĩ mà anh thu nhặt được trong cả cuộc
đời anh. Từ những chiếc tẩu thuốc, nhưng mẩu giấy với bút tích bạn, một vài câu
thơ ngẫu hứng của bạn bè, những tấm tranh phác thảo vội vàng, và sách, báo cũ,
mới, trong và ngoài nước, trước và sau 1975…Nhiều, rất nhiều. Sẵn máy ảnh trong
tay, tôi chụp vội vàng một số tấm. Tôi muốn viết về căn phòng đặc biệt này.
Trong thâm tâm, tôi có ý định sẽ trở lại thăm anh trong thời gian tới và nếu
anh khỏe, sẽ thực hiện một cuộc phỏng vấn để có thêm tài liệu và sự kiện để viết.
Không ngờ đây là lần gặp cuối. Tiếc biết bao!
Đinh Cường nhẹ. Nhưng phòng Đinh Cường, một gánh nặng cuộc chơi.
Tạp chí Sáng Tạo (Sài Gòn)
Phác thảo chân dung Đinh Cường
do Bùi Giáng vẽ
Chiếc kính của Bùi Giáng
Báo The Connection (số tháng 10/1997)
viết về ĐC: “Painter finds comfort in isolation”
Tranh Bửu Chỉ
Tạp chí Văn (Sài Gòn)
Tranh tĩnh vật Nguyễn Trọng Khôi
Bây giờ Đinh Cường đã ra
đi, trút sạch! Nhẹ nhàng anh. Nhẹ như anh đã từng.
Trong cuộc đời và với cuộc
đời.
Trần Doãn
Nho
(13/1/2016)