Ảnh: internet
Dấu binh lửa, nước non như cũ
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương
Phận trai: già ruổi chiến trường
Chàng siêu mái tóc điểm sương mới về (1)
(CHINH PHỤ NGÂM KHÚC)
Những năm gần đây, tôi gặp lại nhiều bạn bè cũ, những người mà vào tuổi thanh xuân có ít nhất một lần mơ ước được như tướng quân Ban Siêu của hai ngàn năm trước, một đời duổi rong trên lưng ngựa. Khi gặp lại, tóc của bạn bè tôi đã điểm sương hay bạc xóa. Không được lãng mạn như trong ngâm khúc Chinh Phụ, tóc họ đổi màu không vì già ruổi chiến trường mà chỉ vì ở trong tù năm tháng dài hơn ngoài đời.
Bạn bè tôi hầu hết đều có tuổi trẻ đầy ước mơ. Trong gần hai mươi năm qua, họ lại phải thu mình hoặc chịu đày đọa trong bẫy sập của thực tế. Thực tế thứ nhất là cái quân lực mà họ phục vụ không còn nữa. Thực tế thứ hai là dù quân lực đó không còn nữa và cuộc chiến đã chấm dứt, họ cũng vẫn phải sống trong lao tù. Thực tế thứ ba, làm cho đời sống lao tù của họ cay đắng hơn, nhục nhã hơn, là vì quân đội đó tan vỡ quá nhanh chóng, tan vỡ trong hỗn loạn, và gần như không có chống cự. Thực tế thứ tư là dù ở tuổi nào, con người cũng vẫn biết mơ ước, và thông thường, chỉ cảm thấy hạnh phúc khi những ước mơ có cơ thực hiện.
Ước mơ, hoang tưởng và giả dối là những cái hoàn toàn không giống nhau. Đời sống ở Mỹ hay ở những nước phương Tây nói chung lại dễ cho phép những cái rất khác nhau này được sống lẫn lộn. Do đó, trước cùng một sự kiện, con người có những phản ứng hoàn toàn khác biệt. Người lạnh lùng, người thích thú, người phẫn nộ, người chua chát, người giễu cợt v.v…
Tôi viết bài này cho những chinh phụ của hai mươi năm cũ mà dấu binh lửa vẫn còn. Đặc biệt, cho những người phải bắt đầu lại cuộc đời ở mái tóc chàng Siêu. Dù ít dù nhiều, họ đều có những ước mơ. Nhọc nhằn hơn cả là phải lựa chọn ước mơ nào để thực hiện cho kỳ được và ước mơ nào nên quên đi. Sự lựa chọn này nhọc nhằn cho bất cứ ai khác, không riêng gì họ.