Thursday, October 29, 2015

2092. TRẦN HOÀI THƯ Đi tìm niềm vui


Trần Hoài Thư
Đi tìm niềm vui


CÀO LÁ NGOÀI SÂN ĐÊM
Thơ Đinh Cường
NXB THƯ ẤN QUÁN
Hoa Kỳ - Tháng 1.2014


Tặng anh Đinh Cường


Thế là tập thơ + họa Cào Lá Ngoài Sân Đêm của Đinh Cường đã hoàn tất. Anh Đinh Cường đã nhận từ tay Nguyệt Mai, ở nhà Phạm Cao Hoàng tại Virginia. Qua lá thư gởi cho tôi, anh tỏ vẽ bối rối vì anh em đã bỏ ra nhiều công sức. Giấy láng glossy hai mặt,  tựa tập thơ in bằng nhũ kim. Bìa trong nhũ kim bạc. Bìa bọc ngoài nhũ kim vàng. Tôi trả lời anh, các máy in của tôi vui lắm. Từ lâu chúng ngủ im, nay chúng đang ca hát. Và người tôi cần phải cám ơn là anh. Bởi vì anh đã cho tôi một cái job rất thơm.

Vâng. Thường thường người ta nghĩ job thơm là job nhiều tiền, lương bổng hậu và khỏe tâm trí. Tôi cũng vì job quá thơm nên IBM đã lịch sự cho về nhà nghỉ xả hơi. Tôi bye bye IBM về nhà mua máy móc, viết program, và nghĩ hết sáng kiến này đến sáng kiến nọ hầu thực hiện giấc mơ của mình là xuất bản tác phẩm của mình, khỏi cần nhờ đến nhà in. Tôi qua mặt máy hảng binding machine như GBC chẳng hạn. Bởi cái máy binding của tôi, được chế bằng cái chảo điện vậy mà bây giờ tôi vẫn còn dùng, trong khi các máy được mua từ Ebay, made in US, in Germany, in China lần lượt bị hư hay bỏ quên… Cũng nhờ sự đam mê này mà một mình và chỉ một mình tôi trên quả dất này, làm được một tạp chí biếu tặng cho những người xứng đáng, sống đến năm thứ 13. Và tiếp tục sống mạnh sống khỏe.

Job thơm của tôi là vậy. Khi mình làm minh không biết mệt. Khi mình hòan thành thì không phải trả cho chủ để nhận tiền công, mà là niềm vui mình nhận từ chính mình.


Niềm vui ấy không phải là từ mồ hôi – thường quá. Công việc nào lại không đổ ra mồ hôi. Tôi trồng một cây anh đào, mồ hôi đổ ra, nhưng tôi chán thấy mẹ. Vậy mà, khi tôi làm xong một cuốn sách, ngắm nghía nó, lòng cứ lâng lâng…

Job thơm như khi tôi đánh máy những trang sưu tập mà tôi vừa tìm trên tạp chí Tư Tưởng. Đánh máy dĩ nhiên là mệt. Mắt lão của tôi quá yếu, hai ngón tay gõ chậm. Vậy mà vui và cứ muốn đánh hoài. Vì khi đánh máy, tôi có thể thưởng ngọan một cách kỳ diệu những ý tưởng qua từng chữ, từng giòng một cách trọn vẹn.

Cũng như tập thơ Cào Lá Ngoài Sân Đêm. Tôi tự biết tác giả là ông họa sĩ nên hơi chùn khi nhận đề nghị của Nguyệt Mai và Phạm Cao Hoàng muốn dành cho anh một món quà  Tết đặc biệt. Chùn là phải. Kinh nghiệm là nên tránh in những sách về tranh. Chữ thì dễ. Chỉ đen và trắng. Nhưng tranh thì khác. Ông họa sĩ dùng sơn mài, bột vẽ, hay sơn dầu. Còn máy in màu thì dùng bột toner bốn màu B C M Y. Muốn tranh in ra cho hợp với nhãn quan của ông họa sĩ hay làm mát mắt người đọc thì phải xài lọai máy in đắt tiền, phải mua thứ color laser cartridge thượng hảo hạng. Còn với tôi, ba cái máy cũ vất đi chẳng ai thèm lượm, thì làm sao mà có thể làm vừa lòng một người họa sĩ tài danh như Đinh Cường.

Nhưng với ai thì tôi không bao giờ dám nhận, chứ với Đinh Cường thì tôi phải nhận. Bởi vì Đinh Cường là nhà thơ. Tôi cũng là nhà thơ. Phạm Cao Hoàng cũng là nhà thơ. Chúng tôi có cùng một mẫu số chung. Là cái đẹp trước hết phải là cái đẹp của tâm hồn. Đó là tình bạn. Đó là tình yêu mến văn chương.

Đó cũng là lý do tại sao tạp chí Thư Quán Bản Thảo ngày càng vững mạnh dù nó chỉ được biếu tặng và không có lấy một trang quảng cáo.

Xin đừng nghĩ có tiền mà mua tiên cũng được đâu.

Trần Hoài Thư
2014
(trich từ Tản mạn văn chương sắp xuất bản)


Trần Thị Nguyệt Mai gửi món quà văn nghệ đặc biệt - Tập thơ Cào lá ngoài sân đêm
của Thư Ấn Quán cho Đinh Cường
Virginia, January 18, 2014