Friday, July 10, 2015

1832. NGUYỄN XUÂN THIỆP Tản mạn bên tách cà phê ĐỎ HOA VÔNG


ĐỎ HOA VÔNG

nguyễn xuân thiệp



Thật sự, bài viết dưới đây mang không khí thơ, bởi nó cũng lãng đãng, đầy âm vang và màu sắc. Nghĩ cho cùng cũng chỉ tại con người mình thôi. Vậy xin bạn thơ hãy đón nhận nó, như đón nhận những cánh hoa vông đỏ rực của lòng tôi cuốn bay theo gió…

    Hồi mới tới xứ này, lang thang ở những triền đồi Penasquitos hay những con đường vùng Huntington Library và Irvine ở Nam Cali, mắt tôi được nhìn thấy hoa vông đỏ nở rộ, rạo rực cả đất trời. Vẫn là những bông hoa hình bàn tay với những ngón nở xòe ra  màu đỏ rực. Đúng rồi, màu đỏ hoa vông của đất nước tôi đây, tuy không sâu sắc và giàu cảm thức bằng hoa đào, cũng gây ra xúc động bàng hoàng đau đớn. Bao giờ cũng thế, không hiểu tại đâu, hễ ngắm màu đỏ thẫm của hoa vông là lòng tôi lại xốn xang, nhức nhối, như có một vết thương nằm sâu trong hồn bỗng rớm máu trở lại.


Hoa vông Santa Ana
(Ảnh Nguyễn Thị Khánh Minh)


   Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy màu đỏ hoa vông là ở một cư xá quân đội, đường Sư Vạn Hạnh (không biết tôi có nhớ sai tên đường không, nhờ Hồ Hoàng Hạ hiện ở thành phố Chim Phượng trong vùng sa mạc nhắc giùm), ở phố núi bụi mù Pleiku, vào những ngày của tháng Ba năm 1974. Những ngày còn cháy lên trong tâm tưởng tôi, và bạn, cả em nữa, ngọn lửa hỗn mang, ảo ảo hồng hồng, của một cuộc chiến đang tới màn vĩ thanh. Những ngày ấy, giữa hai chuyến đi lên Eo Gió và đồi dã quỳ bên đỉnh ngọn Chu Prong, tôi ẩn cư tại nhà cô em trong cư xá.

   Buổi sáng, uống cà phê xong, nằm trên chiếc giưòng nhà binh có trải tấm poncho light, nhìn ra cửa sổ, thấy một cây vông chỉ còn mươi chiếc lá màu vàng mỏng manh. Sáng hôm sau, chỉ còn hai chiếc đong đưa đầu cành. Không, tôi không bị ám ảnh vì tác phẩm Chiếc Lá Cuối Cùng của nhà văn Mỹ kia đâu, mà là điều có thực ở những ngày mênh mang ấy. Lại sáng hôm sau nữa, không còn một chiếc lá nào trên cây. Nhưng, ô kìa, một đóa vông đỏ thắm hiện ra như một ảo tưởng của thời chợt khóc chợt cười. Một đóa vông đỏ dưới trời chiến tranh. Từ nốt nhạc dạo đầu ấy là cả rừng vông nở rộ trong nắng dội Pleiku. Và gió mùa thổi về. Tôi thấy lòng mình bỗng mở rộng, không giới hạn nữa. Tôi bắt đầu viết Tôi Cùng Gió Mùa trong khung cảnh này. Viết xong bài thơ, mới version thứ nhất, thì được tin bạn văn là Đỗ Thiều chết trên triền Bằng Lăng, trong một chuyến hành quân trực thăng vận. Anh bị bắn thủng ngực và hông, máu ướt đỏ tập bản thảo truyện ngắn Đêm Trong Vườn Đá Tảng, tác phẩm đầy những âm thanh cuồng nộ (sound and fury) mà đi đâu anh cũng mang theo.

   Màu đỏ hoa vông, từ điểm vào truyện ấy, đã mang không khí bi kịch. Nó không là màu của hạnh phúc nữa, mà là chia ly, đứt đoạn, những mảnh đời không bao giờ gặp lại nhau. Đầu tháng Tư 1975, tôi lại nhìn thấy màu đỏ hoa vông trên con đường đi tìm thân nhân thất lạc qua những rừng bông vải, trên những triền cát Phan Rang. Cây vông đó đứng trong vườn nhà của một người Chàm, cạnh chiếc xe bò đã gãy mất một bánh, và quanh vườn có rào bằng cây khô. Bước trên triền cát bỏng, tôi bỗng thấy trước mắt ngước nhìn, cây vông đỏ rực như một hồn oan chợt hiện. Như thế đó, chỉ mấy ngày sau là mất hết. Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, Sài Gòn...

   Trong tôi, màu đỏ hoa vông mãi mãi là một ám ảnh khốc liệt. Tại sao vẻ đẹp như thế lại nhuốm màu bi kịch. Hay có mùi hương trong cơn bão tố, vẻ lộng lẫy trong cái dẫy chết của chiều tà. Những bức Sunflowers của Van Gogh còn làm đớn đau tê dại trí óc con người. Dẫu thế nào, tôi không quên được màu của hoa vông. Và tôi gặp lại nó sau ngày đi tù về. Những bạn bè của tôi chuẩn bị ra đi không thấy có ngày quy cố hương. Đinh Cường, Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền trước. Tô Thùy Yên sau. Cuối cùng đến lượt tôi. Trong những ngày sống lây lất chờ đợi, chúng tôi thỉnh thoảng có gặp nhau bên chung trà hoặc ly rượu đắng đến tận cùng nỗi đắng. Thường thì ở nhà Tô Thùy Yên, nghĩa là đi sâu vào vùng Ngã Ba Cây Thị, Xóm Gà, Cầu Hang... Từ nhà tôi ở Thanh Đa, đạp xe qua Cầu Đỏ, qua ao sen, đi mãi mới tới nhà bạn. Và trên đường đi, vào khoảng tháng Ba tháng Tư, tôi gặp cây vông nở hoa màu đỏ sau một hàng rào gỗ bên đường, khi vừa đạp xe qua chiếc cầu xi-măng. Đỏ bầm như máu, đỏ điên mê ác mộng, ôi hoa. Từ màu đỏ ấy, tôi đi. Trời mưa những trưa có tiếng trẻ cười và lòng tôi đỏ ối. Nước mắt ơi, đừng rơi.

   Đến Mỹ, như đã nói ở đầu, lại gặp màu đỏ hoa vông ở vùng nắng rộng Nam Cali. Nhưng nỗi đau giờ đã lắng sâu vào bên trong, còn nỗi nhớ thì rất đầy. Tôi hát trong màu đỏ khi rời nơi đây để hẹn ngày trở lại. Thế mà xuân tàn, hè đã vào sâu, tôi vẫn chưa làm xong cái hẹn. Nếu những ngày hè này tôi không tới được thì người thơ ơi gọi dậy giùm tôi màu đỏ hoa vông và thổi về đây trong nắng, trước khi thu vàng buồn bã bắt đầu.


Nguyễn Xuân Thiệp