Monday, June 29, 2015

1809. NGUYỄN XUÂN THIỆP Tản mạn bên tách cà phê CHÉN TRÀ TƯỜNG VI




CHÉN TRÀ TƯỜNG VI

nguyễn xuân thiệp



em hái bông tường vi
trong vườn cây đợi nắng
thoảng hương trà vũ di
từ một câu thơ cổ
nxt

29 tháng 6. 2015. Kỷ niệm 16 năm ngày Lê Uyên Phương từ giã bạn bè ra đi. Hôm nay, nhớ bạn ngồi lật lại những trang viết cũ lòng bồi hồi xúc động.




    Còn nhớ, một lần trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do, tôi có nói đại ý rằng trà và tường vi sẽ sống mãi với nhân loại. Điều này chắc chẳng có gì sai, và tôi đã nói lên cũng bởi lòng yêu trà và hoa tường vi đấy thôi.

   Và... Một buổi chiều, tưởng tượng ngồi ở ngôi nhà ngói đỏ nhìn ra biển khơi, uống chén trà hương ngát do nữ chủ nhân khoản đãi, có phải tôi đã nghĩ tới một sự kết hợp đầy nghệ thuật của trà và hương hoa tường vi, để thành một tên gọi là trà tường vi. Chung quanh tôi, trong căn phòng lãng mạn đó, có đàn piano, có những bình hoa – và cố nhiên, rất nhiều hoa tường vi… Những bức tranh treo trên tường. ánh hoàng hôn còn sót lại khoảnh khắc rực lên trên chiếc bàn gỗ nâu, rồi tắt trong màu vàng của những nhánh hường. Bỗng nhiên, trong một thoáng ngắn ngủi, dường như tôi chợt nghĩ đến Lê Uyên Phương vừa mới ra đi. Nói là trong một thoáng ngắn ngủi, bởi lúc đó lòng tôi có thể là chưa tịnh - nó như mặt biển ngoài kia dậy những triền sóng tím xanh. Những cảm xúc đến với tôi, cùng với những hình ảnh sáng ngời, lộng lẫy trước mắt - tuy có thật đó mà chỉ e mau biến thành những ảo ảnh phù du.

   Trên là những ghi nhận trong buổi chiều ngày 5 tháng 7. 1999.

   Bây giờ, ngồi ở đây, khi nắng sớm mai reo vui trên những cây hải đào mới nở hoa mùa hè ngoài kia, tôi mới có dịp nghĩ đến bạn, một cách tròn đầy hơn. Với tôi, Lê Uyên Phương và trà với hương hoa tường vi là rất đỗi thân thuộc. Chúng tôi biết nhau đã từ lâu lắm. Thời gian trải dài theo chiều dài của lịch sử đầy biến động vừa qua. Từ cái thời Mây Cao Nguyên, lúc Lê Uyên còn mang tên Cẩm Thúy, hát trên đài phát thanh Đà Lạt, trong chương trình Tiếng Nói Quân Đội do tôi phụ trách. Hát ở quán sách Nhân Văn của tôi và các bạn, trên con dốc dãy phố Duy Tân, đêm ấy có Trịnh Công Sơn, Bửu ý, Đinh Cường và dường như cả Thế Uyên. Đêm ‘Hát Thơ Và Đọc Thơ’ ở quán Lục Huyền Cầm, có Thái Tú Hạp, Lê Văn Ngăn, Hoàng Khởi Phong - Huy Tưởng kẹt ở Nha Trang, không lên kịp để đọc bài Máu Biếc Xanh Và Ngực Tối của anh và nói chuyện về thơ. Thời gian ấy, những ngày xanh xưa ấy là những ngày của trà tường vi mà tôi đã ghi lại trong bài tạp bút Trà Ca đăng ở báo Văn ngày nọ:

... Trong những kỷ niệm về trà tôi còn nhớ được, có những buổi uống trà với Lê Uyên Phương ở quán Lục Huyền Cầm của anh trên Đà Lạt. Trà tường vi. Chẳng là nhà anh có trồng nhiều khóm tường vi nở rộ hoa, anh hái cho vào bình trà để mời bạn quý. Trà tường vi có hương thơm thoang thoảng, uống trong buổi sớm mai nắng lên làm tan sương giá, cũng thú lắm chứ, bạn. Hồi ấy, khoảng năm 1972, chiến tranh tới hồi khốc liệt, nhưng thành phố Đà Lạt vẫn yên tĩnh; tin tức chiến sự chỉ được nghe trên đài phát thanh và đọc thấy trên trang báo. Lê Uyên Phương vừa phổ nhạc xong bài thơ Tôi Muốn Yêu Tôi Muốn Tin Cuộc Đời của tôi và trình diễn thành công ở Viện Đại Học Đà Lạt. Anh cũng bắt tay vào việc soạn nhạc cho những bài thơ về sử của tôi trong tập Sử Ca, Trôi Trên Dòng Bách Việt. Tất cả được đâu chín bài, tới đoạn An Dương Vương mất nước, cùng con gái là Mỵ Châu ruổi ngựa, dừng chân trên đèo Mộ Gịa, chung quanh bóng chiều đỏ quạch bắt đầu tan trên biển sóng xa. Hiện tôi chỉ còn giữ được năm bài nhạc của Phương. Phương đã cho hát thử và thấy được. Chúng tôi vừa uống trà tường vi với nhau vừa bàn tới chuyện đưa Sử Ca lên sân khấu, với một ban hợp xướng lớn và người đọc thơ dẫn chuyện. Hai mươi lăm năm rồi ba mươi năm trôi qua... Những chén trà tường vi của chúng tôi ngày ấy và những trang sử ca vẫn còn hương dư cho tới giờ...

    Vâng. Đúng thế, Lê Uyên Phương ạ. Vẫn còn hương dư, cho dù những đổ vỡ, tàn phai quanh đời. Cũng như âm nhạc của anh vậy. Tôi vẫn nghĩ, một thứ âm nhạc - dẫu là tình ca - mang dấu tích thời đại như tình ca của Lê Uyên Phương, không thể nào bị lãng quên. Trong những âm thanh rã rời ấy, có hơi thở của một đời sống hiện thực, có ái ân cháy bỏng làn da nồng mùi nhục cảm, có hiện sinh với khói thuốc và hương cà phê nâu, có chia ly rỏ máu ở sân ga, phi trường, có vẻ phù du của những đóa quỳ vàng như trong tranh Van Gogh, có cái chết mang vẻ xanh xao của một làn da, và có cả chiến tranh ở những ngọn đồi xa đêm đêm dội về... Đã hết rồi thời của những tình ca tiền chiến kiểu người em sầu mộng, hay những tình khúc học trò có hoa phượng đỏ chở đầy giỏ xe, với áo lụa vàng, màu mực tím, chiều mùa thu lá rụng trong công viên gió vun thành đống, và những chia xa trong hoàng hôn... Tình ca Lê Uyên Phương không hề là một thứ lãng mạn êm ái, ve vuốt tình cảm con người. Nó là một loài hoa, chẳng phải là để đem tin vui, mà là điềm báo của tai ương. Nó để lại vết cháy trong hồn người. Không dễ gì nó chết khô như lá vàng. Mai đây, khi thời đại lưu vong này trôi qua, tôi tin rằng nhạc của Lê Uyên Phương vẫn còn được hát lên ở những quán cà phê, những vỉa hè tụ họp của tuổi trẻ, ở những liên hoan trên các sân trường đại học... Hay trong căn phòng ảo nào đó giữa bạn bè.

    Kể từ những chén trà tường vi ngày ấy, bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu... Gặp lại Lê Uyên Phương mùa hè 1996 ở Mỹ, thấy anh vẫn không có gì thay đổi. Anh nói với tôi về một thời đã qua, những ngày còn trên đất nước, mong ngóng, chờ đợi, tìm đường ra đi. Anh kể cho tôi nghe chuyện một cây đàn nào đó của anh, cũng phôi pha, trôi giạt, nghe đâu sang tới Đức, Ý, Thụy Điển. Anh đưa tôi về ngôi nhà của anh ở Long Beach, cho xem cái studio với những máy móc hiện đại của riêng anh. Anh cũng nói tới quán cà phê LUP của anh ở Quận Cam ngày nọ và những đổ vỡ của một mối tình đã có một ouverture thật đẹp và tưởng sẽ dài lâu. Bây giờ tôi đã hiểu - không, không có gì dài lâu. Mọi cái rồi sẽ qua đi, Phương ạ. Còn lại gì, âm vang tiếng hát anh, khi tiếng hát ấy tỏa ra từ một cõi đời hư ảo của những quán cà phê buồn. Một đêm nào như đêm xưa, những chuyến trực thăng tải thương từ chiến trường về, dưới cơn mưa. Một đêm nào như đêm qua, em gục đầu lên vai tôi trong tiếng hát của một người ca sỹ... Một đêm nào như đêm nay sẽ về có tiếng đàn thùng bập bùng như ánh lửa trên đồi gió những ngày đã xa...

    Và trà tường vi của chúng ta... sẽ ở mãi cùng người, và âm nhạc của anh...


Hoa tường vi - Ảnh Nguyễn Thị Khánh Minh