SÀI GÒN. NƠI TÔI ĐÃ
VUI CHƠI VÀ NHỎ LỆ
nguyễn xuân thiệp
Đó
là tên tuyển tập thơ, truyện ngắn và tạp bút của Nguyễn Quang Hiện Phố Văn xuất
bản trong tháng 6 này. Nguyễn và anh em sẽ cóđôi lời giới thiệu tác phẩm sau.
Bây giờ, trên trang văn hồi tưởng, người viết chỉ xin tạm mượn cụm từ rất gợi
hình và gây xúc động Sài Gòn. Nơi Tôi Đã
Vui Chơi Và Nhỏ Lệ để nói về những năm tháng đáng ghi nhớ của riêng mình
nơi thành phố ấy trước khi rời đi và mất hẳn dấu tích.
Sài
Gòn. Ôi tôi đã yêu thành phố ấy biết bao! Còn nhớ khi bắt đầu làm báo Phố Văn,
ngay ở số đầu tiên ra vào tháng 8 năm 2000, Nguyễn đã mời anh em viết mỗi người
một đoạn cho chủ đề “Sài Gòn. Đóa Quỳ Vàng Trong Trí Nhớ”. Nhiều người đã tham
gia –trong đó có Lâm Chương, Nguyễn Thị Thảo An, Hoàng Xuân Sơn, Lê Uyên… Rồi
sau đó, hầu như mỗi kỳ trong suốt 8 năm dưới tiêu đề “Yêu Mãi Sài Gòn” đều có
bài viết về nơi dấu yêu của mình và anh em. Tiếp nữa, trong nhiều bài tản mạn
hễ có dịp đều nhắc tới Sài Gòn: Em Có Tìm
Anh Trên Những Hàng Cây, Góc Phố Hẹn Hò & Hương Cây Kỷ Niệm, Đêm Nhớ Về Sài
Gòn… Gần đây khi nghe tin những cây xanh trước Nhà Hát Lớn Thành Phố bị đốn
hạ, mình đã viết bài tạp văn Khóc Những
Hàng Cây.
Ôi
Sài Gòn mãi mãi là nỗi nhớ không tên. Lần đầu tiên tôi đến Sài Gòn là vào năm
1957. Mới đó mà nửa thế kỷ đã trôi qua. Ngày ấy tóc mình còn xanh, vừa mới đỗ
Tú Tài, cùng với hai bạn là Phan Ngọc Lâm (hiện là luật sư ở Seattle) và Phan
Thanh Thư (chủ nhà in ở Maryland) leo lên xe lửa xuôi Nam. Hồi đó ở Huế chưa có
Đại học nên cả bọn phải vào Sài Gòn. Chuyến đi dài tới mươi ngày, ghé Bồng Sơn
Quy Nhơn, Quảng Ngãi rồi Nha Trang -mỗi nơi ở lại đôi ba ngày. Vào tới Sài Gòn,
không tên nào biết đường sá cả. Xuống xe lửa ở Ga trên đường Lê Lai gần Bùng
Binh, hỏi thăm tìm tới tiệm sách bên kia chợ Bến Thành mua một tấm bản đồ Sài
Gòn. Ôi, thật là dễ dàng -cứ theo bản đồ mà đi. Thì ra, nhà anh chị của Phan
Thanh Thư ở ngay phía bên kia, gần sát
Tour d’Ivoire, đầu đường Trần Hưng Đạo. Cả bọn kéo lên đó uống nước, nghỉ ngơi.
Một lát sau, Phan Thanh Tâm, em của Thư đưa mình về nhà chú thím Lữ ở xóm
Nguyễn Ngọc Sương ngay ngã tư Phú Nhuận. Còn Phan Ngọc Lâm thuê taxi về Cư Xá
Công Binh, nhà của người bà con xa.
Hồi
ấy, những ngày đầu tiên tới Sài Gòn thấy cái gì cũng lạ, cũng đẹp, cũng ngon.
Phố xá to lớn, sầm uất, người đông đúc, thân tình, cởi mở. Mê từ ly nước mía
Viễn Đông, kem Mai Hương, tô phở ở hẻm Pasteur, tiệm sách Khai Trí, con đường
Catinat, cà phê La Pagode… Nhiều lắm… Sáng nắng, chiều mưa, khuya tiếng nhạc từ
các phòng trà. Nơi Nguyễn ở trọ gần nhà bạn Hồ Đăng Tín nên bạn thường chở đi
trên chiếc vélo solex tới phòng trà Đức Quỳnh ở gần rạp Cao Thắng xem và nghe
Thanh Thúy hát. Nguyễn không mê Thanh Thúy nhưng thích nghe hát nên rồi cũng
trở thành fan của người đẹp. Ngoài phòng trà Đức Quỳnh, có dạo Nguyễn và Hồ
Đăng Tín có thêm Phan Thanh Thư nữa mỗi tối thường tới uống cà phê ở Café Ánh
gần rạp Cao Đồng Hưng cạnh chợ Thái Bình. Ở đây, vừa uống cà phê Nguyễn thường
ngồi kể chuyện cổ tích cho chị em Ánh nghe. Khi Café Ánh đóng cửa, cô em là
Hồng mở riêng một quán trước viện Pasteur khiến nhiều chàng sinh viên Vạn Hạnh
bu tới trong đó có nhà thơ Nguyễn Thanh Châu.
Những
ngày vui chơi ở Sài Gòn lúc còn là sinh viên Luật chỉ có bấy nhiêu. Thỉnh thoảng
có thêm đi bát phố, vào các tiệm sách đọc sách cọp, đi ciné. Tới khi đi dạy
học, có lương tiền thì những cuộc vui chơi được nâng cấp. Bây giờ cả bọn gồm
Phan Ngọc Lâm, Nguyễn Hùng Việt, Bùi Xuân Đính và kẻ này mỗi cuối tuần hay rủ
nhau đi bal hoặc đi nhảy ở vũ trường, thường là Arc-en-Ciel, Grand Monde,
Laiyung (Lệ Uyển), Mỹ Phụng… Tới lúc này người ta bắt đầu bày đặt trò yêu vũ nữ
và đi hút thuốc phiện, may mà sớm thoát mê hồn trận chứ nếu không đâu còn ngồi
làm ở báo ở Dallas như bây giờ.
Ôi,
một thời vui chơi ở Sài Gòn ngày xưa. Sài Gòn của tôi… Đêm qua tình cờ nghe
Thanh Lan hát lại Đêm Khuya Trên Đường
Catinat của Trần Văn Trạch… lòng càng nhớ càng thương da diết. Ôi, nhớ hắt hiu là nhớ chiều nay nhớ…(Đường
Chiều, Hồng Duyệt) Nhớ lại những con đường của một thời trẻ tuổi đã cùng với
người yêu đi dạo chơi, những chiếc lá me trên tóc, những bông sứ rụng trên bến
Bạch Đằng, những chiếc lá dầu quay tròn trong gió khi đi qua đường Duy Tân… Sài
Gòn nơi tôi đã vui chơi cũng là nơi tôi từng nhỏ lệ. Không nhỏ lệ khóc cho mối
tình nào mà nhỏ lệ vì sau 1975 đã mất đi một bầu trời với bao điều đẹp đẽ.
Không còn những sáng những chiều đầy tiếng cười trên hè phố, những đêm khuya
rộn ràng tiếng nhạc trong mùi hương dạ lý thoảng bay.
Ôi. Sài gòn
thành phố của tôi
sao tôi khóc lúc ra đi
phượng đỏ. một lời yêu dấu cũ
là lúc chia xa…
Nguyễn Xuân Thiệp
June
2015