Đúng
bọi rồi, dừng chân ơm căn đi thôi.
Nếu
anh không ngại, tôi sẽ mời anh đến quán mộc tồn gần đây, quán lão Điền đó.
Điền
nào, Điền đô người Bắc phải không ?
Trong
mỗi câu của đoạn hội thoại trên đều có nói lái, một hình thức sử dụng ngôn ngữ
khá phổ biến, người quen dùng, nghe nói là hiểu ngay. Đơn giản như đang giỡn,
nói lái chỉ là cách hoán đổi phụ âm đầu của hai từ (đói bụng >đúng bọi ) ,
ai cũng thực hành được, chẳng những trong đời thường mà còn đưa vào tác phẩm văn
chương như là một biện pháp chơi chữ khá thú vị.
Nếu
chưa quen nói xin mời bạn nghe lái trước đã.
NÓI
LÁI TRONG ĐỜI THƯỜNG .
Có
thể nói ai cũng có lần nói lái ở trong đời, đôi lúc chỉ vô tình thôi. Nếu bạn
buột miệng nói “đi giữa trời nắng cực quá “ hoặc khi đèn điện không sáng mà bạn
nói “điện sao lu quá chừng” , người nghe sẽ cho là bạn nói tục, có oan cũng
đành chịu vì, dù bạn không cố ý nhưng nắng cực, điện lu nói lái nghe tục thật.
Tương tự như thế, hãy cẩn thận đừng nói dồn lại, dồn lên, đồn láo, đồn lầm…
Ngoài
những lúc vô tình như vậy, mọi người đều cố ý nói lái nhiều lắm. Từ nhỏ, ai
cũng biết nghịch ngợm trêu chọc bạn với những cái tên. Thái thì Thái dúi, Thái
giếng, Thọ thì Thọ lỗi, Điền thì Điền đô, Đức thì Đức cống … Còn những tên như
Thu, Tốn, Bắc … sẽ có rất nhiều cách gán ghép để nói lái lại nghe không thanh
nhã chút nào. Chưa kể những người có tên bắt đầu bằng chữ Đ, trẻ đến mấy cũng bị
gọi bằng Cụ ! Học giả Vương Hồng Sển, lớn tuổi còn dạy học, sinh viên có khi gọi
Thầy, có khi gọi Cụ để tỏ lòng kính trọng. Thầy dặn : Gọi tôi bằng họ Cụ Vương
hay bằng tên Cụ Sển đều được, nhưng với thầy Vi Huyền Đắc thì nhớ chỉ được gọi
là Cụ Vi.
Có
khi các văn nghệ sĩ nói lái tên mình để đặt bút danh. Thế Lữ tên thật là Nguyễn
Thứ Lễ, Lê Đức Vượng biến thành bút danh Vương Đức Lệ. Và, bạn có tin không,
văn hào VOLTAIRE của Pháp ( 1694-1778 ), tên thật là François Marie AROUET, lấy
tên thành phố quê hương là Airvault ( thuộc vùng Deux Sèvres ) nói lái là Vault
– Air để có bút danh Voltaire đó !
Tuổi
nhỏ nghịch ngợm trêu chọc nhau bằng những câu như “ Mi là cái đồ ức căn bồng sơ
chuối đỏ lọ cháy “ hoặc “ Ai đi đó ?” và trả lời “ O đi ……”
Có
khi nói lái chỉ để đùa chơi, không có hậu ý gì ( Ôm nhiều thì yếu, yêu nhiều
thì ốm , chà đồ nhôm chôm đồ nhà… ) nhưng cũng có lúc nói lái có ý nghĩa phê
phán chỉ trích ( đấu tranh thì tránh đâu , thủ tục đầu tiên là tiền đâu , Nguyễn
Y Vân , vẫn y nguyên, Vũ Như Cẩn , vẫn như cũ, Bùi Lan , bàn lui… ).
Có
thể nói lái bằng cách dùng cả chữ Hán rồi dịch ra. Mộc tồn là cây còn tức là
con cầy, vậy quán mộc tồn là quán thịt chó ! ( Nhiều nơi cũng gọi là Cờ tây, dễ
hiểu hơn ). Còn nói đại phong để chỉ lọ tương thì phải đi lòng vòng một chút :
đại phong là gió to, gió to thì chùa đổ, chùa đổ thì tượng lo, tượng lo là lọ
tương !
Cũng
có khi bịa ra những câu, có vẻ như câu đối, dùng từ Hán Việt, nghe rất kêu:
Giai
nhân tái đắc, giai nhân tử,
Anh
hùng khai đống, anh hùng tiêu.
Thật
ra chỉ để cài vô mấy chữ " tái đắc ", " khai đống ", nói
lái lại là hiểu liền!
Mấy
ông bạn nhậu thường hay nói : Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu. Chẳng cần quan tâm đến ý nghĩa cả câu, chỉ
tách riêng hai chữ cuối rồi giải thích: bôi thiểu > biểu thôi – ( biểu = bảo
) : Uống rượu gặp bạn hiền có Trời mới biểu thôi ! Nhắc đến mấy ông này phải
nói đến tài nói lái, nhất là mấy ông trong hội “hoàng gia”, nhậu món mực mấy
ông hỏi có mực ngò không, món lươn thì hỏi lươn sao không có rau dền, gọi dưa
leo thì dặn nhớ thái dọc đừng thái ngang, ăn món lẩu thì đòi phải đun bằng cồn
lỏng, tốt nhất là cồn nhập từ bên Lào ! Lúc uống trà thì dặn đừng lấy trà Thái
đức.
Có
kiểu nói lái tưng tửng, có mà không, không mà có, ai hiểu thì cười, không hiểu
cũng chẳng sao. Con gái thời nay thích nhất những chàng trai có chỗ đứng./
Đừng nói tui hay đánh vợ. Tui có đánh thiệt đâu, chẳng qua là đánh mẹo
thôi ! / Tui không làm ăn chi nữa, chỉ sống nhờ lương thôi. / Nếu không
biết làm sương cho sáo thì cứ thử lấy tóc mà may...
Một
ứng dụng độc đáo là dùng nói lái như một thứ mật mã , chỉ người nói người nghe
hiểu với nhau. “ Lôi thi lừng đì lói ní lữa nĩ , lụi tị lỏ nhỉ lô vi lìa kì “ .
Nói kiểu này, người ta dùng quy ước chọn một từ và thêm dấu thanh - sắc huyền hỏi
ngã …- đặt trước từ muốn nói và nói lái lại; trường hợp này từ được chọn là li
và thêm dấu thành lí, lì, lỉ lĩ, lị ... . Vậy giải mã câu trên là : (Lôi thi)
li thôi ( lừng đì) lì đừng lí nói lĩ nữa lị tụi lỉ nhỏ li vô lì kìa = Thôi đừng
nói nữa, tụi nhỏ vô kìa.