TUYẾT
XƯA
& NGUYỄN PHAN THỊNH
Mais où sont les neiges
d’antan
(Villon)
Đâu rồi những áng tuyết
xưa… Tuyết
Xưa là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Phan Thịnh. Ôi, bạn giờ này đang ở
đâu? Sáng nay, 12 tháng 11. 2010, bưng ly trà nóng, nhìn tuyết phủ trắng thành
phố Amarillo ở bắc Texas, lại nhớ Tuyết
Xưa và nhớ tới bạn…Nhớ một lần, khi gợi lại những kỷ niệm với Nguyễn Phan
Thịnh, Nguyễn đã viết cho bạn: “Bạn Thịnh, nếu tình cờ đọc được hoặc nghe ai
nói tới bài viết này thì xin hãy ngừng công việc trong giây lát, rót đầy ly
rượu rồi uống một nửa còn một nửa tưới lên những ngọn cỏ quê nhà để gọi là
tưởng nhớ tới nhau và những ngày tháng cũ.” Hỡi ôi, nay bạn Thịnh không còn
nữa, lấy ai rót rượu tưới lên cỏ đây? Bạn ra đi đã ngoài ba năm. Ba năm trôi
qua, bài thơ Tuyết Xưa vẫn còn trong
trí nhớ của Nguyễn. Nó khá dài, có những đoạn chính như sau
xưa lắm rồi, điệu a-go-go trẻ trung
tíếng đàn guitar bập bùng suốt đêm
chúng ta nâng ly vang đỏ, bên ngọn lửa
đón mừng tuyết rơi trắng hiên
....
dễ đến chục năm rồi, em nói
tuyết rơi ở Lawton, Oklahoma, nhất
định
em sẽ chạy trên băng trong suốt và
té lăn cù, chân hất văng lên
Tuyết ở Amarillo, Texas
Đây
đúng là bức tranh hạnh phúc. Nhưng, trước hết, thiết tưởng cũng cần nói thêm về
Nguyễn Phan Thịnh, và xin cho kẻ này được dài dòng một chút nha, thưa quý vị.
Hồi ấy là những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước (ôi, mới đó mà đã hai
mươi mấy niên rồi ư -trách sao tóc anh chẳng bạc trắng còn em thì đuôi mắt đã
bắt đầu có dấu chân chim, chân gà). Vâng, thời gian ấy, Nguyễn vừa ở tù Cộng
Sản về trong một xã hội tranh tối tranh sáng (tối nhiều hơn sáng) với bao đổi
thay, mây chó. Ngày ngày, để kiếm miếng cơm manh áo, Nguyễn phải đạp xe đi dạy
học chui. Buổi sáng, thức dậy sớm, ra chỗ chợ gần bờ sông Thanh Đa mua nắm xôi
cúc (bánh khúc) của cô bé có tên là Hạnh, ở ngoài Bắc mới vào. Có nắm xôi nóng
trong túi, Nguyễn đạp xe lên quán cà phê vỉa hè ở đường Tự Đức của Hồ Hoàng Đài
-họa sĩ, chuyên vẽ tranh dán giấy collage. Ở đây, Nguyễn vừa ngồi chuyện trò
với mấy ông vẽ vời vừa ăn xôi cúc, uống cà phê. Xong, lên xe đạp vào khu Nguyễn
Tri Phương-Chợ Lớn dạy xuất đầu tiên trong ngày. Sau đó, lại tiếp tục tới điểm
dạy khác. Trưa, ăn cơm vỉa hè. Đêm về, có khi đói bụng, nhìn vầng trăng qua kẽ
lá, ngâm câu "cử đầu vọng minh nguyệt..." Cứ thế, cứ thế, ngày tháng
trôi qua như nước vẫn vỗ vào dưới chân Cầu Kinh. Hoàn toàn không thấy chút ánh
sáng nào của ngày mai.
Ấy
vậy mà 'có tin vui giữa giờ tuyệt vọng' đấy. Nguyễn được một anh bạn (nhà thơ
Xuân Bích hiện ở Oklahoma) giới thiệu cho vào dạy Trung Tâm Sinh Ngữ VocaTech
(đặt tại trường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Pasteur Sài Gòn) do Nghiêm Phú Phát
đứng đầu. Sở dĩ dạy được và được dạy nhờ không ai đòi hỏi lý lịch trích ngang
trích dọc gì cả. Tại đây, Nguyễn gặp Nguyễn Phan Thịnh trong tình anh em cùng
làm thơ. Từ đó, bắt đầu những ngày tháng sáng sủa hơn. Đúng vậy. Nguyễn có thêm
tiền. Nghĩa là sáng có thể ăn phở (với 5 lát thịt mỏng dính) và chiều thỉnh
thoảng uống chai bia nội. Và có thêm bạn. Trước hết là Nguyễn Phan Thịnh. Rồi
Rừng (họa sĩ-tức nhà văn Kinh Dương Vương). Kế đó, Hải Đường (dạy thêm, làm ở
công ty du lịch). Và Đỗ Long (giáo sư), Tuấn Vũ (nhà báo- không phải Tuấn Vũ
vua Nhạc Sến bây giờ). Phải kể thêm Trầm Hương, cô học trò đi học mang
backpack, một hôm ở lại lớp trễ để gặp riêng thầy và tự giới thiệu "I'm a
poet". Nguyễn Phan Thịnh sinh hoạt trong giới văn nghệ Sài Gòn lâu năm, có
hồi anh đăng thơ và văn thường xuyên trên tạp chí Văn Học trước 1975. Nguyễn
với Thịnh trở thành thân nhau. Thịnh vui tính, dí dỏm. Có những đêm mưa, cúp
điện, anh em kéo nhau xuống căn tin trường ngồi uống bia - có cả Rừng và cô học
trò Ánh Ngọc tham dự.
Trong
thời gian quen thân với Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn có những kỷ niệm khó quên. Đó
là những bữa ăn chung nhân dịp Tết hoặc mãn khóa tại nhà hàng có cây phượng đỏ
(quên tên) ở đường Lê Văn Duyệt gần trung tâm Sài Gòn. Những dịp này, Nguyễn
Phan Thịnh và Nguyễn tôi thường được mời lên đọc thơ. Đây là dịp để giải tỏa
những u uẩn dồn nén trong một xã hội bưng bít, bí thở. Và cũng là để gởi đến
anh em đôi ý nghĩ và tâm cảm của một đời chữ nghĩa bị đọa đày. Còn nhớ không
khí im lặng lúc đọc thơ, những đôi mắt ngước nhìn, và những nụ cười sáng rực. Cảm
động biết bao khi được nghe một anh người Huế lên hát Liên Khúc Mùa Hạ của một
thời vừa mới qua nhưng xa thật là xa. Nguyễn Phan Thịnh và kẻ này còn một dịp
được cùng nhau chén bác chén tôi, thơ và rượu tràn đầy. Ấy là hôm Nguyễn cùng
bà xã mở tiệc chia tay với bạn bè trước khi từ biệt những bông phương đỏ của
mùa hè và đất nước thân yêu. Bàn tiệc rắc đầy những cánh hoa cẩm chướng của
Nguyễn Quang Tuyến cho con mang từ Đà Lạt về tặng. Đây cũng là một hạnh phúc
hiếm hoi giữa thời khốn khó. Ôi, nỗi khổ đôi khi lên tiếng hát / bởi từ
lâu đời thiếu những niềm vui... (thơ NXT) Bạn bè hôm ấy đông và lịch sự. Có
Phùng Văn Hưởng từ Đà Lạt về hát Thiên Thai tặng, với tiếng đàn piano của Hồ
Đăng Tín. Thương thay, Phùng Văn Hưởng đã không còn nữa với chúng ta. Ôi, ung thư. ung thư màu tím. Có Nguyễn
Minh Diễm, nhà báo, cựu giám đốc Đài Á Châu Tự Do (ôi, Nguyễn Minh Diễm!)). Có
Đỗ Long. Và Nguyễn Phan Thịnh. Thịnh đọc thơ rồi tặng Nguyễn một bức tranh thật
đẹp của Rừng, mặt sau có đủ chữ ký của những người có mặt. Rồi chia tay. Để mấy
hôm sau Nguyễn ra phi trường, vừa kịp nhận bó hoa hồng của hai cô học trò
trường VocaTech là Diệp và Chương mang tới tặng, chưa kịp dứt lời từ biệt đã
lên máy bay rời nước.
Bây
giờ Nguyễn trở lại với những ý thơ của Nguyễn Phan Thịnh. Ấy, ấy... Có người sẽ
kêu lên: "Gớm cái ông này, cà kê dê ngỗng nãy giờ, tới đây mới chịu đi vào
đề. Chẳng trách suốt đời ông cứ lạc đề hoài!" Dạ thưa, e có vậy. Xin lỗi,
xin lỗi... Bây giờ nói về bài thơ Tuyết
Xưa của Nguyễn Phan Thịnh. Thật không ngờ bạn đã có lần sang Mỹ, mà lại ở
Lawton của Oklahoma là thị trấn Nguyễn có ghé tới hồi mới qua đây. Nó chỉ cách
Amarillo nơi tuyết đang rơi khoảng hai giờ lái xe.
Xưa lắm rồi, điệu a-go-go trẻ trung…Xin
thú thiệt, Nguyễn không hề biết điệu a-go-go là điệu quỷ quái gì mà nghe ra và
tưởng tượng đã có chiều rất phê. Xin hãy nghe lại trích đoạn lúc vào bài với
thêm hai đoạn nữa
xưa lắm rồi, điệu a-go-go trẻ trung
tíếng đàn guitar bập bùng suốt đêm
chúng ta nâng ly vang đỏ, bên ngọn lửa
đón mừng tuyết rơi trắng hiên
những cánh rừng lá phong khô đỏ
rơi dầy mặt đất dập dềnh, lúc chiều
chúng ta chạy ngập chân trong lá
dưới những cành trơ khô héo, vã mồ hôi
và dưới trời tím hoang dã
chúng ta lái xe lên sườn đồi
trong lúc những vì sao mọc
lạnh run bên nhau xem tuyết bay
xưa lắm rồi, bên cầu gỗ ở Indian Park
chúng ta rình xem đàn vịt trời
bỡ ngỡ quang quác dưới mưa tuyết
và em trên lưng ngựa cười lảnh lót
không thôi
Thú
thiệt (lại thú thiệt), Nguyễn đọc Tuyết
Xưa của Nguyễn Phan Thịnh mà cứ ngỡ như đọc những bài thơ tình của
Pasternak viết gởi Lara. Có phải không nào: đẹp biết bao những chiếc lá phong
và đôi bàn chân người thiếu nữ chạy ngập trong lá. Hả, em có bao giờ chạy như
thế chưa? Em có bằng lòng để anh nắm tay em chạy một vòng trên những vuông sân
ngập lá trước ngôi nhà ở đường Redwood xem có mê vui như vậy không. Mùa qua, trước nhà Nguyễn ở lá rụng nhiều quá. Hai
hàng cây phong (maple) và cây lê (pear) làm những cơn mưa lá tơi bời. Và lá
vàng, lá đỏ, lá nâu, lá tím đuổi nhau chạy dọc theo con phố White Swan. Chúng
chạy tung tăng như trẻ nhỏ, có vẻ như vừa chạy vừa reo cười, lại có đứa vấp té
rồi đứng lên, có đứa bay lượn như chim, những đứa khác tấp vào hàng rào hoặc lề
đường rồi nằm im thin thít, chờ ngày rã mục. Nhớ có lần Khái Hưng tả lá rụng và
thấy ở đó bài học vui của kiếp nhân sinh. Riêng Nguyễn, như đã nói ở trên, thấy
lá bay trên đường trước ngôi nhà mình ở trông tựa như trẻ con chạy rượt đuổi
nhau lúc tan trường, rất trong sáng và hồn nhiên, bởi chúng chưa bao giờ biết
tới đau khổ. Rõ ràng lá bay là một hạnh phúc.
Đọc
đoạn thơ trên của Nguyễn Phan Thịnh, Nguyễn còn thấy một hình ảnh tuyệt đẹp
nữa, là ly rượu vang đỏ. Nguyễn Phan Thịnh, trong một đêm tuyết phủ đầy hiên,
được cùng người yêu uống vang đỏ kề bên ngọn lửa. Ôi, phê quá đỗi là phê. Sướng
cực kỳ, hết ý. Lại xin thành thật khai báo: Nguyễn cũng từng được uống vang đỏ
với người này, người nọ … Riêng việc
uống vang đỏ với người yêu nhìn tuyết rơi thì chưa bao giờ. Nhớ lần đầu tiên
thấy tuyết rơi ở thành phố Midwest City -cũng ở Oklhoma, gần Lawton lắm, bạn
Thịnh ạ- Nguyễn uống trà Tuyết Sơn do bạn văn gởi từ Los sang cho. Uống xong ly
trà ấm nóng thấy như có mùi hoa sen trong hơi thở và nghe như gió reo qua lũng
thông vàng, ôi hạnh phúc. Còn uống rượu đỏ nhìn tuyết rơi ngoài trời đêm thì
chỉ có ở Dallas này. Nhưng uống một mình và nghĩ tới người tú nữ về từ viễn phố.
Buồn lắm nhưng sướng. Ô hay, ăn nói loạn ngôn! Buồn mà sướng ư, cha nội! Ờ,
Nguyễn cũng cực yêu tiếng đàn guitar bập bùng (gọi là tiếng đàn thùng). Này Lê Uyên,
còn nhớ tiếng đàn của Lộc ngày ấy không,
trên ngọn đồi thông ở đâu đó gần thành phố Đà Lạt?
Còn
nhiều hình ảnh nữa trong thơ của bạn Nguyễn Phan Thịnh (như chiếc cầu gỗ, và
đàn vịt trời vừa bay vừa kêu quang quác dưới trời mưa tuyết -những hình ảnh yêu
dấu mà Nguyễn đã có lần nói tới. Và mối tình trong điệu a-go-go thật đẹp của
Nguyễn Phan Thịnh. Một cuộc tình vui -phải rồi, tình vui trong phút giây thôi! (Nguyễn Đình Toàn)- nhưng rồi cũng
tới lúc chia tay. Nguyễn Phan Thịnh trở về lại đất nước, trở về với những đặt
định êm đềm và tai ách (vợ con, áo cơm, xã hội, chính quyền?). Ôi, đâu rồi nhữa áng tuyết xưa!
vâng, tuyết rơi, tuyết tan
tuyết khuất bên kia trời, như tôi
những tình cờ ấm lạnh, những hạnh ngộ
chia lìa
những kỷ niệm, những lãng quên thời
xuân
Nguyễn
không có được một cuộc tình vui trong tuyết như Nguyễn Phan Thịnh. Với Nguyễn,
chỉ có những cơn mưa phùn, như mưa ở xứ sương mù Đà Lạt, mưa trên Phố Cổ ngày nào…
Và người trong thơ, có phải Lara? Đây là màn vỹ thanh của thiên bi kịch có
tuyết rơi. Kathleen,, nhớ không ngày ấy khi chuyện tình của cô còn trong sum
họp, cô chạy chơi ngoài tuyết trắng với các con, đắp tượng thằng người tuyết và
ném tuyết tung lên vỡ trong tiếng cười hạnh phúc. Thế rồi, cái đoản khúc (clip)
ấy khép lại. Giờ chia tay tới, đổ vỡ xảy ra theo tiếng gõ cửa của định mệnh.
Bây giờ là một khúc đoạn khác: cô ngồi trong căn phòng đóng kín cửa ở thành phố
ấy, mắt luôn luôn có ngấn lệ, nhìn tuyết bay phủ trắng mái nhà, sân cỏ và con
đường trước nhà. Tuyết rơi, ơi hỡi tuyết rơi, như lệ rơi ngày ấy. Tuyết xưa…
Nguyễn Xuân Thiệp