Thursday, February 26, 2015

1540. ĐỖ XUÂN TÊ Nhân đọc một bài viết của Trần Hoài Thư về một tạp chí cũ





Đỗ Xuân Tê
Nhân đọc một bài viết
của Trần Hoài Thư về một tạp chí cũ



Bìa 56 cuốn tạp chí Vấn Đề trước 1975
(Ảnh lấy từ Blog Trần Hoài Thư)



Tạp chí cũ ở đây là tờ VẤN ĐỀ, một “nguyệt san kinh tế chính trị xã hội văn học nghệ thuật” có tuổi thọ chưa đầy 5 năm nhưng đã có những đóng góp đáng kể vào sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975.

Đáng chú ý là nhóm chủ trương  gồm các cây viết tên tuổi mang dấu ấn của văn chương Sáng Tạo, từ Vũ Khắc Khoan đến Mai Thảo, từ Thanh Tâm Tuyền đến Duy Thanh. Thành viên cộng tác không hẳn là các văn nhân thi sĩ mà còn qui tụ được nhiều trí thức, khoa bảng hàng đầu của Sài Gòn, trong đó có cả các cựu bộ trưởng, khoa trưởng đại học, cố vấn chính phủ, lãnh đạo tôn giáo v.v…

Bên cạnh những cây đa cây đề của văn chương miền nam, trên tạp chí này ta cũng thấy có nhiều cây viết trẻ đầy triển vọng, và từ 1970 trở đi bài vở trên Vấn Đề phần lớn là của các cây bút trẻ  mà sau này họ đều thành danh, nhiều người vẫn còn sáng tác khi ra hải ngoại và sinh hoạt trong tư cách chủ biên các blogs, các tạp chí văn chương, trong đó  tôi thấy cần phải ghi nhận công lao của Trần Hoài Thư trong việc sưu tầm, in ấn và phổ biến những tác phẩm của dòng văn học miền nam giai đoạn 1954-1975. Trần Hoài Thư quả là một người có lòng với chữ nghĩa, có tâm với sinh hoạt văn chương.

Tôi càng bâng khuâng khi Lữ Quỳnh gọi anh là người ngồi khâu di sản với mái tóc bạc trắng. Trong một dịp tình cờ tôi đã trao đổi với Phạm Cao Hoàng những suy nghĩ về Trần Hoài  Thư để càng khâm phục sức bền của một người có ý chí thép trong chiến đấu cũng như gian nan trên văn đàn và số phận.


Nhà văn Trần Hoài Thư
New Jersey  2014


Hình như càng lớn tuổi Trần Hoài Thư lại có tâm trạng hoài cổ. Bao năm cúi đầu bận bịu chỉ vì sáng tác, ngưng viết có lẽ với anh là ngừng thở, hay nói cách khác nếu suy từ quãng đời gian nan bảy mươi năm của anh, viết là một phương tiện giải cứu/hàn gắn đời anh.

Giờ đây,Trần Hoài Thư mới có dịp quay đầu nhìn lại, không hẳn nhìn lại chính mình, đời mình vì thực sự chẳng có gì quan trọng với một số phận chắng còn gì để mất, nhưng nhìn lại để trân trọng những gì anh đã viết, bằng mồ hôi pha máu và nước mắt những gì anh đã trải nghiệm bằng chính mạng sống của mình.

Trần Hoài Thư trong cuộc sống ngoài đời là một người kém may mắn, nhưng diệu kỳ thay trong sự nghiệp cầm bút số phận luôn mỉm cười với anh. Tôi cũng như nhiều độc giả đánh giá cao  việc làm của Trần Hoài Thư khi anh vừa biên tập và cho in nguyên một số đặc biệt về chủ đề Văn học miền Nam 20 năm, rất công phu tiếp theo cuộc hội thảo chuyên đề này mới đây tại Quận Cam. Xin bạn đọc tim đọc số 63 của Thư Quán Bản Thảo (tháng 2-2015) để có một bản in trên giấy trong tủ sách cá nhân như hoài niệm trân trọng một giai đoạn sinh hoạt văn học nghệ thuật mà vì thời thể đã bị vùi dập, chối bỏ, lãng quên suốt bốn thập niên, nhưng nay thì đã mãi mãi nằm trong văn học sử.




Tiện đây cũng xin giới thiệu tập truyện mới in của Trần Hoài Thư gồm 7 truyện đã đăng trên tạp chí Vấn Đề với nội dung không phải để nhận diện khuôn mặt của chiến tranh (như Y Uyên đã mô tả và trả giá bằng cái chết của chính mình) mà để cảm nhận được cái nghịch lý của một cuộc chiến nồi da xáo thịt giữa những người con cùng dòng máu, cùng một quê hương.





Đỗ Xuân Tê
Cali, ngày đầu xuân 2015