Đặng Tiến
Con dê chín mùi
- Con Dê
sơn dầu Bửu Chỉ
sơn dầu Bửu Chỉ
Miền thôn dã quê tôi thường nghe câu hát ru em âu yếm và lạ lùng :
Ru em buồn ngủ buồn nghê
Con tằm chín đỏ, con dê chín mùi (muồi)
Con tằm chín đỏ để lại mà nuôi,
Con dê chín mùi làm thịt em ăn.
Lời ru thân thuộc, ngọt ngào lẫn chút huyền bí lảng đảng giữa những giấc trưa quạnh vắng. Ý nghĩa của nó chờn vờn trong ánh nắng, gắn bó với bóng tre, đụn rơm, đọt xoài, lá mít. Câu hát dỗ dành giấc ngủ trẻ thơ, phất phơ một ít mộng mị người lớn, là thành phần một thực thể thôn trang. Nó hồi âm cuộc sống, thực tế và tâm linh. Tách rời khỏi môi trường “một buổi trưa không biết tự thời nào““[1] thì câu hát vô nghĩa, vô lý – trừ phi ta cố công phân tích từng hình ảnh thành biểu tượng, tách lìa ra khỏi trí tưởng đơn giản của nông thôn.
Giáo sư Bửu Cầm, tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, năm 1962, có đưa ra giả thuyết : đây là câu hát vọng lên từ thuyền đò :
Ru con buồn ngủ buồn nghê
Con này mới théc (ngủ) con tê dậy rồi
Lời ru chập chờn lênh đênh trên sông nước, và ngọn gió vô tình đã thổi lệch đường viền của những âm hao, tạo ra những con dê chín mùi.