Đỗ Hồng Ngọc
Thư cho bé sơ sinh
Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em
Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen
Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
Em là gái là trai anh chẳng quan
tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến
Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút đó
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu
Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng, với hoang mang,
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận…
Con người…
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến
Anh đã không quên buộc étiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút đó
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu
Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng, với hoang mang,
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận…
Con người…
Đỗ Hồng Ngọc
Bệnh viện Từ Dũ, 1965
(Trích từ tập thơ THƯ CHO BÉ SƠ
SINH VÀ NHỮNG BÀI THƠ KHÁC)
TRÒ
CHUYỆN
VỚI BS ĐỖ HỒNG NGỌC
Hồng Vân thực hiện
Đỗ Hồng Ngọc - Đinh Cường vẽ
Tôi hẹn gặp bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vào một buổi
sáng giao mùa giữa hai năm cũ mới. Không khí thật đặc biệt, chút se lạnh dễ khiến
người ta vừa nao lòng nuối tiếc ngày cũ, việc cũ vừa hân hoan đón chào năm mới.
Anh xuất hiện, vẫn nụ cười an nhiên.
“Năm lại mới!”. Anh chào bằng một câu nghe
rất lạ tai nhưng tạo sự thích thú.
Đã “mới” sao còn “lại mới”?
– Bởi vì mới mà không mới! Nên nói là “lại” mới. Nó vẫn thế. Vẫn sáng trưa chiều tối.
Vẫn 24 giờ một ngày và một năm 365 ngày. Trái đất vẫn quay với tốc độ 30.000km
một giây! Tính ra, mỗi ngày ta bay vèo vèo trong vũ trụ quanh mặt trời khoảng
2,5 tỷ cây số! “Lại mới” cũng có nghĩa do ta bày đặt ra, đánh trống múa lân, bắn
pháo hoa… làm ầm ĩ lên cho vui chứ thật ra nó vẫn vậy. Vẫn trăng tròn rồi khuyết,
vẫn xuân hạ thu đông…
Nhưng
người ta thường nhắc đến và đề cao sự vô thường hơn, đúng không anh?
– Đó là một cách nói.
Vô thường cũng là thường đó thôi. Nhưng nhắc vô thường thì tốt hơn. Có người
coi vô thường là con quỷ dữ (Quỷ vô thường) có người coi vô thường là hoa (Đóa
hoa vô thường – Trịnh Công Sơn). Người biết lẽ vô thường thì sẽ bớt tham sân si
đi, nhờ đó mà họ biết sống hạnh phúc “ở đây và bây giờ” hơn. Dĩ nhiên không phải
sống “ở đây và bây giờ” kiểu hiện sinh thô thiển mà là với tuệ giác.
Anh
là một bác sĩ, thi sĩ, tác giả nhiều cuốn sách, rồi diễn giả nữa. Nay đã hưu rồi
thì anh giữ vai “nhà” gì nhiều nhất?
– Hưu lâu rồi chứ. Hơn
cả chục năm rồi chứ! “Nhà” gì nhiều nhất ư? Có lẽ là nhà thương và nhà chùa!
Tôi vẫn còn tham gia giảng dạy ở Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong bộ
môn Y đức và Khoa học hành vi. Ngoài ra, mỗi tuần bây giờ tôi đến chùa vài buổi
vì có mấy lớp học ở đó. Chúng tôi gặp nhau để thảo luận, phản biện… các vấn đề
Phật pháp và khoa học hiện đại, về đường lối tu tập của các pháp môn… Tôi nghĩ
nhà chùa giúp ta trí tuệ còn nhà thương giúp ta từ bi.
Anh từng
có một trận bệnh nặng gần 20 năm trước, trận ấy thậm chí “được” lên báo. Tôi nhắc
đến biến cố đó vì có nhiều độc giả lớn tuổi lấy những bài viết có liên quan của
anh để làm chỗ dựa tinh thần khi họ gặp cảnh bệnh tật. Trận tai biến ấy đã tác
động đến anh ra sao?
– Nhà văn Nodar
Dumbadze trong cuốn Quy luật của muôn đời nói mỗi người trong đời nên bệnh nặng
một lần cho biết! Nhờ trận bệnh nặng đó, ta phát hiện ra nhiều điều thú vị lắm!
Ta thấy nắng vàng đẹp hơn, lá xanh đẹp hơn, người người đẹp hơn và cả ta nữa,
ta cũng… đẹp hơn, sáng ra, rộng ra…! Chính vì thế mà ông Duy Ma Cật đã giả bệnh
để có một buổi thuyết pháp vi diệu cho các vương tôn công tử xứ Tỳ-da-ly cách
đây hơn 2.500 năm! Chỉ có trải nghiệm một cơn bệnh nặng gần với cái chết như vậy
người ta mới giật mình tỉnh giấc… Nam Kha, còn không thì người ta vẫn cứ tham
sân si bất tận! Cho nên ngay khi qua cơn bệnh nặng đó, tôi đã có một bài thơ viết
ngay trong bệnh viện: Xin cám ơn, cám ơn.
Tuổi
già thường bệnh đau, cô đơn, tủi thân. Trong khi đó anh thường có những quyển
sách vừa như chào đón vừa như thách thức tuổi già (Gió heo may đã về, Già ơi
chào bạn…). Tuổi già trong những cuốn sách của anh quả là “già nhiều kiểu”. Sắp
tới, nghe nói anh lại ra sách mới về tuổi già?
– Chào đón thì đúng
hơn chớ không dám thách thức đâu! Việc gì phải thách thức? Ta đâu có “chống” tuổi
già được. Nó đến vì nó phải đến. Sanh bệnh lão tử. Đã có sanh thì đương nhiên
có bệnh, có lão, và có tử. “Vượt thoát sanh tử” chỉ là một cách nói, rằng đã hiểu
được quy luật của muôn đời đó nên ta sẽ ung dung tự tại hơn là quằn quại khổ
đau. Vấn đề là sự chọn lựa. Ta vẫn thường nghe trẻ con hát bài đồng dao Thiên
đàng địa ngục hai bên…
Đúng, tôi đang có dự định
viết tiếp vài cuốn sách về tuổi già nữa. Bởi vì có trải nghiệm, có thể nghiệm,
có chiêm nghiệm… thì mới chia sẻ được. Tôi không viết bằng kiến thức y học, tôi
viết bằng kinh nghiệm cá nhân, dĩ nhiên vẫn có những kiến thức y học, khoa học
về bảo vệ và nâng cao sức khỏe tuổi già trong đó… Chẳng hạn sẽ xoáy vào định
nghĩa sức khỏe của người già: nó khác với sức khỏe nói chung. Ở người già, do
các chức năng của cơ thể đều đã phần nào… rệu rã, quá “date”, nên vấn đề chủ yếu
là sức khỏe tâm thần, người già biết tránh “cô đơn, tủi thân” chẳng hạn thì sẽ
có nếp sống hạnh phúc hơn. Rồi từ tháp nhu cầu của Maslow ứng dụng cho người
già, ta biết sẽ phải làm gì giúp họ. Dự kiến của tôi năm nay là sẽ in cuốn: Một tuổi già hạnh phúc
và một tùy bút… Về thu xếp
lại…!
Về thu xếp lại ư? Sao nghe giống giống Trịnh Công Sơn?
– Chớ còn gì nữa! Về thu xếp lại/ Ngày trong nếp ngày/
Vội vàng thêm những lúc yêu người…(Trịnh Công Sơn). Tới tuổi nào
đó, tự nhiên ta thấy cần phải thu xếp lại là vừa. Nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị
viết: Biết đủ dầu không
chi cũng đủ/ Nên lui đã có dịp thì lui!, và Thuở ra sân khấu không làm rộn/ Lúc
vãng vai tuồng bớt hổ ngươi!. Bớt hổ ngươi thôi, bớt là đã vui rồi,
vì lỡ ra sân khấu thì người ta ai cũng hay làm rộn ít nhiều! Còn vội vàng thêm
những lúc yêu người thì dĩ nhiên rồi phải không, “quỹ thời gian” còn có bao
nhiêu đâu nên phải vội vàng thôi!
Rồi
còn “cuồng phong cánh
mỏi…” nữa chứ?
– Ừ phải. Cái cảm nhận
cuồng phong cánh mỏi là rõ ràng nhất, lực bất tòng tâm là rõ ràng nhất, mặc dù
ngày nay có nhiều quảng cáo vô tội vạ về thuốc nọ kia nhưng phần lớn là
nguy hại…
nguy hại…
Sách
viết cho người, còn với riêng mình, anh sắp xếp “kế hoạch già” như thế nào để vẫn
“trẻ lạ lùng”?
– Còn lâu mới “trẻ lạ
lùng”! “Già lạ lùng” thì có. Biết mình già và vui với cái già đó của mình, quan
sát nó, ngắm nghía nó mỗi ngày cũng thấy ra nhiều điều thú vị. Tôi nghiệm rằng
đời người có những cột mốc. Cứ mỗi 15 năm, ta vượt một cái mốc nào đó: 15 tuổi,
dậy thì, lòng như nắng mới
thêu (Trịnh Công Sơn); 30 tuổi, tam
thập nhi lập, có sự nghiệp; 45 tuổi, vững vàng, chín muồi; 60 tuổi,
nghe chút gió heo may; 75 là tuổi về
thu xếp lại… và sau đó… là 90! Chuyện kể một ông già 75 cưới cô gái
chân dài 20, nhà báo phỏng vấn hỏi bí quyết, ông trả lời, có gì đâu, tôi chỉ
nói tôi đã 95!
Làm
sao để có một tuổi già hạnh phúc?
– Tuổi già có 3 cái
thiếu, nếu làm đầy được thì sẽ dễ có hạnh phúc: thiếu bạn (rơi rụng dần, xa xôi
dần), thiếu ăn (do kiêng cữ thái quá!) và thiếu vận động (ngồi một chỗ)! Tuổi
già cũng có 3 cái cần: Chọn ưu tiên, tối ưu hóa và bù đắp. Chọn ưu tiên là chọn
cái gì thích hợp nhất cho mình ở lứa tuổi này, đồng thời biết từ bỏ, đừng ham
ôm đồm quá; rồi rèn tập cho ngày càng thuần thục (tối ưu hóa), và sau cùng, tìm
kiếm những gì khác phù hợp để bù đắp cho bớt đi những khoảng trống, dễ gây cô
đơn và buồn chán!
Tuổi
trẻ nhìn tới phía trước, trong khi đó, người già hoài niệm. Kỷ niệm nào anh nhớ
đến ngay lúc này, thời khắc của giao mùa, giữa hai năm cũ mới?
– Ngay lúc này ư? Tôi
chỉ nhớ nơi chiếc quán thân quen ta đang ngồi đây, nhắp ngụm cà phê sớm và
ngoài kia, bên khung cửa sổ, là những chiếc lá vàng đong đưa trước gió bên cạnh
những chiếc lá xanh non thấp thoáng dưới bóng cổng thành cổ của khu cư xá và những
câu thơ riêng viết cho một người bạn nhỏ kịp chuyến tàu về quê… ăn Tết!
Năm lại
mới, xuân lại đến. Người ta thấy sự chuyển mình mới mẻ của đất trời, của lòng
người. Anh chiêm nghiệm những gì?
– Những niềm hy vọng. Những lá vàng. Những
mầm xanh. Và thấy một vòng bất tận của Như Lai: Xuân, hạ, thu, đông rồi lại…
xuân!
Trân trọng cảm ơn anh. Chúc anh một năm mới
bình an!
HỒNG
VÂN