Saturday, February 7, 2015

1475. NGUYÊN MINH Chuyện kể cuối năm





NGUYÊN MINH
Chuyện kể cuối năm



Nguyên Minh – Vĩnh Phối ký họa



Đến tuổi này rồi – thất thập cổ lai hy, tôi mới nghiệm ra mọi sự đến với tôi trong cuộc đời này như một cái duyên tiền định. Có những ước mơ thời mới lớn cứ tưởng trôi đi như nước chảy qua cầu, cứ tưởng bị dập vùi, chôn lấp bởi thời cuộc như dâu biển nổi trôi. Làm báo. Viết văn. In ấn. Xuất bản. Phát hành. Hai mươi lăm năm. Im hơi lặng tiếng. Bạn bè thất tán muôn phương. Như một tình cờ đưa đẩy hay tôi tự hỏi có phải tình cờ hay một cái duyên định mệnh đã biến ước mơ đó thành sự thật.
Tập san Quán Văn ra đời từ năm 2011 đến nay 2014 đã được 27 số, qui tụ được nhiều cây bút từng nổi danh một thời và vẫn còn tiếp tục sự nghiệp văn chương trong nước cũng như ở hải ngoại và tiếp nhận những người viết trẻ vào cuộc chơi. Quán Văn như một sân chơi của những người cùng mê văn chương, xem đó như một không khí phải thở để sống, không phân biệt tuổi tác, giới tính, ranh giới địa lý. Mỗi lần in xong một số báo, Quán Văn lại tổ chức một buổi ra mắt và hợp lưu giữa Tập san với bạn đọc, tại một quán cà phê nào đó ở Sài Gòn. Những số đặc biệt về chủ đề nhà văn nhà thơ sống ở các tỉnh thành khác, chúng tôi lại kéo nhau về đó, khi thì năm mười anh em thường xuyên gắn bó, cộng tác với Tập san Quán Văn, cùng leo lên tàu hỏa, ra Phan Thiết, đến nhà Nguyễn Bắc Sơn trao báo tặng. Có lúc cao hứng gần đến 30 người gồm những người cầm bút và một số độc giả từng hâm mộ thơ văn của Nguyễn Đức Sơn đi cùng một chiếc xe lên tận Phương Bối Am, Lâm Đồng. Ngồi xếp bằng trên sàn gác gỗ trên thiền viện Đồi Sim, cùng ca hát, ngâm thơ, và chuyện trò với nhà thơ “quái chiêu” Nguyễn Đức Sơn.
Cuối năm, những cây viết cột trụ của Quán Văn như vợ chồng Trương Văn Dân đi Úc, Đoàn Văn Khánh bị đau chân vì té xe, Hoàng Kim Oanh vừa có tang cha, Nguyên Cẩn bận rộn công việc, chỉ có tôi và Nguyễn Sông Ba bay ra Huế để tổ chức buổi giới thiệu và giao luu Tập san Quán Văn số chủ đề Bửu Ý và văn học xứ Huế tại Nhà sách Phương Nam – Phú Xuân.
Vừa bước xuống phi trường Phú Bài, cái giá lạnh cùng mưa lất phất bay của những ngày cuối đông, mặc dầu tôi đã trang bị đầy đủ hành trang, đầu đội nón kết vải nỷ, quà của Nguyễn Sông Ba mới trao cho khi còn ở phi trường Tân Sơn Nhất. Cổ quấn chiếc phu-la dài màu nâu đan len của T. gởi tặng cách đây mấy năm trước. Tôi qua Mỹ. Tôi sang Pháp. Tôi về Huế. Chiếc phu-la này luôn choàng lấy cổ tôi. Như một hơi ấm. Như một bóng dáng tình xưa cận kề. Chiếc áo len ngắn tay ngày ở Mỹ cô em gái buộc tôi phải mặc giữ ấm tránh cảm lạnh, bây giờ tôi mới có dịp mặc lại. Như một tình anh em ruột thịt. Chân mang đôi giày mới mua do Nguyễn Sông Ba lựa chọn, để giữ ấm bàn chân. Vợ tôi còn lôi ra trong tủ chiếc áo khoác bằng da dầy cộm nhét vào túi xách, phòng cơn lạnh bất thường. Cũng như tôi, hành khách trên máy bay phút chốc như mập hẳn ra, bệ vệ bước lên xe buýt ra ga phi trường để về thành phố.
Hai chúng tôi chưa về nơi nhà người bạn đã mời lưu trú, lại le te mang xách lên taxi từ hãng VietJet đến Công ty Phương Nam. Chỉ cách một đoạn đường ngắn. Anh tài xế thật thà, không chạy đường vòng để đòi tiền khách. Chỉ sáu ngàn đồng. Tôi cười như cám ơn cảm tình đầu tiên người dân Huế đối với tôi, một kẻ trở về quê cha, nơi từng nuôi tôi ăn học, sau hằng nửa thế kỷ. Tôi đưa tờ giấy hai mươi ngàn, gật đầu như đồng ý không nhận lại tiền thối, như một món quà nhỏ tôi tặng anh.
Tìm một chiếc bàn cận kề cánh cửa kính để nhìn ra ngoài, dòng sông Hương lờ đờ nước chảy. Người bạn, dáng cao, gầy, mái tóc bạc phơ, khoác chiếc măng tô nâu sậm, lơ ngơ trong quầy sách, tìm đến. Nguyễn Sông Ba giới thiệu. Anh Phạm Tấn Hầu, người trông nom quán cà phê Gác Trịnh. Tôi còn dõi mắt để tìm trong gian nhà quá rộng, ngổn ngang những quầy sách kia ai là nhà thơ Viêm Tịnh, người mà tôi đã từng nghe Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn nhắc đến với một cảm tình sâu sắc. Lại nữa trong một lần ra mắt Quán Văn, Từ Hoài Tấn cũng giới thiệu người đang ngồi bên cạnh là Viêm Tịnh, từ Huế vào, đến tham dự. Dưới ánh đèn lờ mờ và đang bận rộn tôi không nhận ra anh. Nhưng anh lại nhận ra tôi. Uống ly cà phê cho ấm lòng, nói vài ba câu, nhắn với Viêm Tịnh là ngày mai Nguyễn Miên Thảo mới bay ra.
Về đến nhà Viêm Tịnh, đứng ở hành lang trên lầu, dưới kia là con sông đào, nước xanh rêu, bờ kè chồng chất những khuôn đá thẳng đứng, bên kia bờ sừng sững hàng cây đa cổ thụ. Và chiếc cầu Gia Hội. Tôi nhận ra nơi này thiếu một hình ảnh gì đó. Như hiểu được điều đó Viêm Tịnh nói nhỏ: Những chiếc đò ngày xưa nằm dọc hai bên bờ sông tấp nập làm lòng sông như hẹp lại và nước đục ngầu đã bốc đi xa mất rồi. Đúng với tên gọi: Đường Hàng Bè. Còn thiếu tiếng ai đó. Giữa đêm khuya khoắt. Giọng Huế ngọt ngào, mời gọi: “Anh ni! Ngủ đò hỉ?”
Sáng hôm sau, trời xứ Huế dứt cơn mưa nhưng cái lạnh vẫn còn. Tôi, Nguyễn Sông Ba cùng Nguyễn Miên Thảo và Viêm Tịnh dậy thật sớm, ngồi ở ghế tràng kỷ bằng gỗ quí có chạm trổ xà cừ óng ánh, bàn tính buổi ra mắt Tập san Quán Văn. Không như ở Sài Gòn, Qui Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết, Bảo Lộc, Đà Lạt, chúng tôi chỉ mời anh em cầm bút đã cộng tác gởi bài và bạn đọc qua thiệp mời gởi từ email, trang mạng điện tử, facebook, đến một quán xá nào đó, cùng uống café, trao đổi vài câu chuyện về văn chương chữ nghĩa. Như sinh hoạt hằng ngày, một nhóm bạn mỗi sáng tập trung ngồi uống cà phê nơi một quán nước nhất định, để nhìn thấy nhau, để nói những chuyện không đâu vào đâu, như một thói quen cần thiết trong đời sống. Quán Văn hằng tháng anh em chúng tôi cũng vậy. Thế thôi.
Nhập gia phải tùy tục. Phải tìm nhà in để in Thiệp mời, bỏ vào bì thư. Viêm Tịnh và Nguyễn Miên Thảo lãnh phần đem đến đưa từng khách mời, dù trời đang mưa. Tôi mang cảm giác như mình đang đưa thiệp mời dự đám cưới. Khán phòng quá rộng không có vách ngăn, chúng tôi phải nhờ cô Tôn Nữ Trâm Anh trông nom Nhà sách Phương Nam – Phú Xuân thiết kế Pa-nô và in hamlet. Đứng trước pa-nô kích cỡ 3mx3m áp sát vào vách tường tôi mới nhận ra hàng chữ trên đầu: CÔNG TY VĂN HÓA PHƯƠNG NAM – QUÁN VĂN, giới thiệu và giao lưu… Như vậy từ đây, bên cạnh Quán Văn còn có Phương Nam góp sức, hỗ trợ. Tôi càng lo lắng, tìm đâu cho ra MC khi vắng mặt Đoàn Văn Khánh, Hoàng Kim Oanh để dẫn chương trình và thêm phần phụ diễn văn nghệ. Tôi vẫn lưỡng lự với đề nghị của Nguyễn Miên Thảo mời các chị cựu học sinh Đồng Khánh lo toàn bộ như họ đã từng đảm trách những lần giới thiệu sách của anh cũng tại nơi này. Tôi muốn có góp mặt những người trẻ trung, thế hệ nối tiếp. Và MC phải là một thiếu nữ của thế hệ đó. Mấy anh em khác đâm luống cuống trước yêu cầu hợp lý của chủ biên.
Như một cái duyên đưa đẩy. Buổi tối trời xứ Huế vẫn mưa lâm râm và giá rét, theo lời rủ rê của Nguyễn Miên Thảo, tôi, Nguyễn Sông Ba, Viêm Tịnh và Chơn - một người bạn khác mà sau đó trở thành tri kỷ với tôi, đến dự buổi tiệc nhỏ của một cô bạn trẻ. Dưới ánh đèn lờ mờ, những khuôn mặt quen thuộc cũng như lạ lẫm quanh tôi như một sợi dây nối lại ân tình. Trước mặt tôi, người con gái đó, dù vẫn có người chồng bên cạnh, vẫn hồn nhiên nói, cười. Giọng Huế nhỏ nhẹ, âm điệu trầm bổng. Tiếng cười rộn rã. Mái tóc ngắn ngang vai ngả theo. Khuôn mặt rạng rỡ. Tôi như bắt gặp bóng dáng ai đó. Của một thời tuổi trẻ. Đúng rồi. Người con gái vùng giới tuyến. Nhân vật bài thơ của Lữ Kiều. Người bạn gái của chúng tôi hơn nửa thế kỷ trước.
Theo yêu cầu của tôi, người thiếu nữ mang tên Thiều Anh đó cầm micro giới thiệu bài hát. Âm thanh vang lên. Lời nói rõ ràng từng tiếng. Giọng Huế ngọt ngào. Thiều Anh cất giọng hát. Du dương. Cái hồn thể hiện lên từng ánh mắt, nụ cười. Tôi nói nhỏ với Nguyễn Miên Thảo: “MC đó. Tìm đâu xa.” –“Ừ nhỉ. Sao mình không nghĩ tới.” Thiều Anh vui vẻ nhận lời. Tôi nở nụ cười, vui mừng.
Nhớ lại buổi sáng hôm qua. Võ Quê trước giờ bay vào Sài Gòn cũng ghé đến thăm chúng tôi, cùng với mấy người bạn trẻ của đài TRT mang theo máy quay phim cồng kềnh, làm cuộc phỏng vấn ngắn về Quán Văn. Tôi không thể từ chối trước người con gái xinh đẹp, và duyên dáng, chỉ hỏi tôi một câu và tôi cũng chỉ trả lời một câu mà thôi. “Xin ông đánh giá những bài đăng trong Quán Văn?” Tôi gật đầu, trả lời dứt khoát: “Đó là những tác phẩm mang đầy tính NHÂN BẢN CAO”. Võ Quê cười vui. Minh Hiếu - tên cô phóng viên đó và tôi bắt tay nhau. Ấm áp. Hẹn nhau trong buổi giao lưu, tiếp tục quay phim, đưa tin.
Nhìn đồng hồ, đã 8 giờ nhưng trời vẫn âm u. Vẫn mưa. Vẫn lạnh. Đội thêm chiếc mũ nồi bằng len đan để giữ ấm cái đầu, cái tai, kéo nhau đến quán café bên cạnh tòa soạn báo Sông Hương. Tại đây tôi gặp và chuyện trò với Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Tấn Hầu, Nguyên Quân,… với những vui buồn của nghề làm báo văn học nghệ thuật. Nhất là đi tìm đọc giả trong thời báo mạng thịnh hành này. Tách café trước mắt tôi bốc khói, mùi thơm cuộn lên. Tôi mới nhận ra cái lạ, cái mới mà tôi chưa bao giờ thấy ở một quán café nào ở xứ lạnh của Việt Nam cũng như ở Mỹ, ở Pháp mà tôi đã từng đến. Tách café nhỏ nhắn bằng gốm màu nâu đặt trên cái lò cũng nhỏ xíu cũng bằng gốm bên trong đủ đặt một khuôn nến ánh lửa chập chờn. Một hình ảnh xa xôi nào đó nằm trong tâm trí tôi bỗng hiện về. Huế thời hơn năm mươi năm trước. Con đường phố hẹp. Những hàng cây làm nên những giai thoại, tạo những ấn tượng thơ mộng như hàng Me, hàng Đoát. Những người bán hàng rong, đến từng góc phố. Đặt gánh bún bò lên thềm hành lang nhà ai đó, mở cái nắp nồi nhôm ra, khói bốc lên nghi ngút, lúc nào cũng vậy, bởi vì nó được đặt trên một cái chậu đất trong đó là những than lửa hồng, mùi thơm phức của tép xã, lẫn mùi mắm ruốc, mùi cay của màn ớt cấy nhuyễn, mùi thịt bò, giò heo, móng heo. Tôi vẫn chờ đợi tiếng rao hàng, giọng Huế kéo dài trong những chiều rét lạnh mùa đông. Được ăn một tô bún giò hàng rong. Nhìn người đàn bà đầu đội cái nón lá, mặc chiếc áo dài, khoác thêm một chiếc áo len cũ kĩ, sậm màu. Hai tay cầm cái chậu đất nhỏ, màn tro trắng phủ mỏng lên mấy cục lửa than âm ỉ cháy, đưa vào lòng bụng, để tìm một hơi ấm. Những đêm rét lạnh và mưa dầm dề, trong một gian phòng nhỏ, dưới chiếc giường tre chúng tôi cũng sưởi ấm bằng cách để một cái chậu lửa than, phủ lên đó một lớp tro mỏng, nằm co ro mặc dù trùm khắp người một chiếc mền dày.
Tôi hỏi các bạn tìm mua cho tôi cặp tách café cùng chiếc lò nhỏ xíu này như một món quà kỷ niệm. Cuối cùng cô chủ quán theo đề nghị của anh em Tạp chí Sông Hương gói lại trong một tờ báo cũ tặng cả tôi và Nguyễn Sông Ba. Quán bắt đầu thưa dần. Chúng tôi kéo nhau đi ăn sáng. Tôi gợi ý, tìm một gánh rong, ngồi trên những chiếc đòn nhỏ, run rẩy quanh chiếc lò đầy than lửa hồng, ăn một tô bún bò nóng hổi còn bốc khói, hít mùi cay xé họng, muốn sậy lỗ mũi. Tìm đâu ra. Thôi đành vào một cái quán bình dân, vội vàng nuốt những con bún nhỏ sợi, lềnh bềnh vài miếng thịt bò, thịt heo, cợn lợn vài miếng chả vụn, lêu phêu vài cuộn rêu cua. Nhìn vẻ mặt thất vọng của tôi, Viêm Tịnh nói nhỏ: Tìm đâu ra khẩu vị ngày xưa. Của năm mười năm về trước. Mỗi thời đại món ăn đều biến chế khác đi.

Chỉ còn một đêm thôi, tại thành phố cô kính này, sáng mai là ngày mừng lễ Giáng sinh.
Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên trong đời về đêm Noel.
Thuở tôi 16, vừa mới biết rung động trái tim với một cô bé tuổi 13 đang chấp tay nguyện cầu trước thánh giá Chúa bị đóng đinh trong một ngôi nhà thờ cổ kính, quê tôi. Chúng tôi quen nhau chưa được bao lâu thì chia tay, mỗi người mỗi nơi. Phương trời cách biệt. Tôi bỏ nơi tôi đã sinh ra, phiêu bạt. Người con gái đó theo cha vừa được thăng chức và đổi vào công tác tại Sài Gòn. Sau đó, qua tin tức vài người bạn khác tôi mới biết nàng đã vào một tu viện, thành một Ma-Sơ.
Đi đâu rồi cũng về lại nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Ở tuổi 17, tôi ra Huế, quê nội tôi, học Quốc học. Vào Qui Nhơn học Sư phạm. Ra trường nhận sự vụ lệnh về Phan Rang, một thị xã nhỏ. Một mối tình thắm thiết giữa tôi và một nàng nữ sinh vừa mới chớm tuổi yêu đương, đang tạm trú nơi một ngôi chùa. Nàng ăn chay. Nghe kinh Phật. Trước khi chia tay hai đứa dắt nhau vào nhà thờ trong đêm Giáng sinh. Nhìn khuôn mặt thánh thiện, tôi sợ nàng sẽ chấp cánh bay xa.
Đêm giã từ. Một sự trùng hợp lạ kỳ. Trăng rằm trong đêm Giáng sinh. Tiếng nhạc buồn phát ra từ máy quay đĩa trong căn gác nhỏ của tôi đến hành lang, nơi người con gái đó đang tựa tay vào thành lan can, mắt nhìn lên bầu trời, trăng sáng vằng vặc chiếu xuống.
Tôi đứng bên cạnh nàng. Lặng yên. Rồi mối tình đó tan đi như một giấc mơ.
Sau này tôi lấy vợ, mỗi lần đến đêm Noel nào gia đình tôi cũng quây quần bên nhau. Một bữa tiệc nhỏ. Đám trẻ cười vui. Vợ tôi lục đục lo nấu nướng. Tiếng chuông nhà thờ từ xa vọng về. Ngồi bên cạnh, nhìn thấy tôi đang tư lự, nàng biết ngay tôi đang nghĩ gì, nhớ ai. Nàng cười nhẹ như chia sẻ một nỗi niềm. Tôi nắm tay nàng như tỏ một lời cám ơn.
Giờ này, tuổi đã trên bảy mươi, ngồi bên cạnh những người bạn văn mới, trong đêm Noel lạnh giá, nơi xứ Huế của một thời tôi đã sống, rất xa xưa, việc gì sẽ đến với tôi như một phép lạ. Tôi đang đón chờ.
Theo lời mời của Chơn, chúng tôi đèo nhau trên xe gắn máy, dù trời đang mưa lất phất và giá rét lạnh cóng, cũng đến nơi đã hẹn. Nhà hàng, phía trong chật kín cả người, chúng tôi đành phải ngồi ở sân ngoài, gió thổi nhẹ nhưng cũng đủ làm tôi run rẩy. Nguyễn Sông Ba cũng như Nguyễn Miên Thảo, Viêm Tịnh đều tỏ ý lo ngại cho sức khỏe của tôi, sợ tôi sẽ bị cảm lạnh, không thể ngồi lâu, kéo dài. Uống vừa xong một chai rượu van Bordeaux. Một vài món ăn đặc sản Huế. Rỉ rả một vài câu chuyện. Cũng xong một đêm Giáng sinh sao? Tôi gợi ý cả bọn kéo nhau về nhà Viêm Tịnh, mua thêm rượu, kêu thêm vài món ăn nhẹ, tìm vài ngọn nến trắng. Nhạc thì lên mạng. Những bản tình ca về Noel. Bỗng, một cú điện thoại với Chơn nhắn lại mời anh em Quán Văn đến dự buổi ăn khuya mừng Giáng sinh. Qua Chơn tôi chỉ biết chủ nhân là một độc giả rất tình cờ của Quán Văn. Một ông già, xấp xỉ tuổi với tôi.
Trời vẫn còn mưa, chúng tôi phải đi bộ một quãng đường ngắn, trong bóng tối lờ mờ mới vào đến nhà ông ta. Cả bốn người đều quen biết với ông ta. Họ chào nhau. Tay bắt mặt mừng. Riêng tôi, trong một tích tắc, như một động tác tự nhiên, hai tay tôi dang ra, những ngón tay cử động như cua bò. Cổ tôi ghẹo qua một bên. Mắt tôi sáng lên. Nụ cười rạng rỡ. Bốn người kia ngạc nhiên không biết tôi làm trò gì. Tôi chưa kịp tìm hiểu lý do tôi phản ứng như vậy. Người đàn ông ấy như nhận ra động tác của tôi phải làm người quen thân từ một thuở xa xưa nào đó. Đúng. Ông không thay đổi. Dáng người vẫn cao ráo. Và nhất là đôi mắt với cái nhìn xa xôi về một khoảng trời mơ hồ nào đó. Ngồi xuống cạnh bên nhau. Hai người bạn già, tình cờ gặp mặt lại nhau sau hơn 50 năm. Tôi cứ tưởng anh ta lưu lạc ở nước ngoài. Nhiều lần tôi dò la tin tức về anh nhưng mù tăm. Tôi cho mọi người biết về anh của một thời chúng tôi quen nhau, nói đúng hơn là tôi mê tiếng đàn vĩ cầm của anh thời năm 1962 ở trường Sư phạm Qui Nhơn. Tại đó, buổi trình diễn văn nghệ cuối năm, đã để lại trong lòng tôi, tiếng đàn ghi-ta điện và show nhảy Tuýt của Thanh Hải, tiếng đàn ghi-ta thùng và giọng hát của Trịnh Công Sơn, tiếng đàn vĩ cầm réo rắt đầy truyền cảm của Trương Quang Thanh. 
Bên bàn tiệc những món ăn được dọn lên. Mấy chai rượu vin Pháp rót đầy ly. Chưa ăn mà đã no. Rượu mới nhấp môi mà như đã ngà ngà say. Trương Quang Thanh nắm chặt tay tôi như cảm nhận người chủ biên Quán Văn té ra là một người cùng trường năm xưa. Anh cùng tôi nhắc đến tên một nhân vật nữ có giọng hát trầm buồn làm động lòng người nghe. Một thời Trịnh Công Sơn gợi ý nhưng nàng từ chối, không bỏ nghề dạy trẻ để theo nghiệp cầm ca. Giờ Trịnh Công Sơn đã chết. Còn người nữ kia ở tận bên kia địa cầu.


TQT – NM trên 50 năm gặp lại -  Ảnh: Nguyễn Hữu


Đồng hồ điểm 12 giờ, Trương Quang Thanh cầm chiếc đàn violon cũ đã từng theo ông suốt cả cuộc đời, như tôi đã vừa làm dáng điệu, chiếc cằm kẹp vào cuối thân cây đàn, tay trái đưa dài ra trước, mấy ngón tay cử động như cua bò, vuốt trên sợi dây đàn, tay phải cầm chiếc cần như một cây roi ốm tong, dài thượt lướt nhẹ, khi lên khi xuống, lúc ngắn lúc dài, âm thanh lúc trầm lúc bổng. Đôi mắt người đàn ông già cội đang say sưa kéo đàn, lúc nhắm lúc mở, về khoảng không gian xa xôi nào đó. Như để tặng tôi một thời Qui Nhơn. Biển Nhớ. Tiếng đàn du dương này, sao, bỗng dưng đưa tôi vào một khoảng không gian khác, một khoảng thời gian khác, và nhất là, hình ảnh của một người chơi đàn khác. Chập chờn trong tâm trí tôi hiện ra khuôn mặt một cậu bé tuổi mới 13 tuổi, bên kia cửa sổ ngôi nhà đối diện, đang kéo cây đàn kỳ lạ mà lớn lên tôi mới biết đó là violon. Năm 1954, người bạn láng giềng từ ngoài Bắc mới di cư vào. Tôi chỉ nghe được vài ba lần, cũng bài “Chiếc lá cuối cùng” rồi từ biệt. Tôi chỉ kịp biết tên người bạn đó là Thám. Cậu ta chỉ đến thị xã bé nhỏ của tôi chưa đầy một tháng vào kỳ nghỉ hè thăm người chú ruột. Thời gian đó đủ để hai đứa tôi chơi thân nhau. Tôi phục tài đàn vĩ cầm của Thám. Những lần Thám đàn cho tôi nghe, đều đưa tâm hồn tôi đến những vùng trời xa lạ, ở đó có suối reo, có chim hót. Sau này, lớn lên có dịp vào tận Cần Thơ, tôi tìm đến địa chỉ nhà Thám. Cây đàn vĩ cầm còn đặt trên bàn thờ còn chủ nhân đã thành người chết trận. Thời chiến mà.


Buổi giới thiệu và giao lưu Quán Văn 27 chủ đề Bửu Ý và văn học xứ Huế tổ chức tại Trung tâm văn hóa Phương Nam diễn ra hoành tráng. Đông đủ những khuôn mặt bạn bè, anh em, và những người hoạt động văn hóa cố đô đến tham dự. Tôi cảm động vô cùng. Tôi chỉ nói được: Thời còn học Quốc học, tại xứ Huế này tôi có tham gia vào nhóm Gió Mai, tập tễnh làm văn chương. Lớn lên vào Sài Gòn, Gió Mai mở rộng, trưởng thành làm nên tạp chí Ý Thức, tập họp những cây viết xứ thân từ Huế và các tỉnh miền Trung, sau này họ đã thành danh, kể cả trong nước và hải ngoại. Bấy giờ, tôi là người đầu tàu. Bây giờ, sau hơn bốn mươi năm tôi trở về Huế, dù tuổi đã trên bảy mươi, tôi vẫn là người đầu tàu của Quán Văn. Trong buổi đến thăm và trò chuyện với Bửu Ý, cầm cuốn Quán Văn có in chân dung và tên mình ngay trang bìa, anh cảm động nói khẽ: “Làm sao mình có thể nghĩ thời buổi này có những người bỏ công bỏ sức bỏ tiền ra làm tập san thuần túy văn học, mà đã đến con số 27”. Tôi chỉ biết cười. Nguyễn Sông Ba lại nói thêm: Mỗi năm làm 10 số. Dự kiến đến con số 100 đó anh. Bửu Ý nắm chặt lấy tay tôi như truyền một hơi ấm cầu mong phước lành mang đến cho tôi để tiếp tục đi trọn con đường lý tưởng đó.

Giã từ xứ Huế.
Ngồi trên máy bay, nhìn qua khung cửa sổ nhỏ nhắn, dưới kia đồi núi, ruộng đồng, con sông, những cây cầu, nhà cửa san sát từng ô vuông, từ từ xa cách rồi mất hút. Máy bay lên cao, lên cao. Qua từng đám mây màu xám. Thoát lên. Trên cao là bầu trời một màu xanh nhạt. Lơ lửng bên dưới toàn là như một cái thảm bao la, từng cuộn mây trắng dày đặc kết lại với nhau. Tình cảm anh em ở Huế đã dành cho tôi cũng dày đặc và trong sáng như thế.
Chơn nhất định lái xe chở tôi và Nguyễn Sông Ba, có thêm Viêm Tịnh, Nguyễn Miên Thảo cùng tiễn đưa, từ thành phố Huế đến phi trường Phú Bài. Hẹn nhau một chuyến nữa về Huế. Cứ hẹn còn chuyện gì đến sẽ đến. Cứ trôi theo dòng đời.
Trước khi rời Huế, Viêm Tịnh chở tôi đến chào từ biệt Vĩnh Phối. Thật ra tôi chưa quen anh, chỉ biết qua những người bạn khác, hơn nữa anh là người hỏi mua 4 cuốn Quán Văn đã làm tôi cảm động. Tôi muốn xem tranh của anh, tiếc rằng chỉ còn 15 phút phải lên đường. Ngồi uống với nhau một tách trà nóng. Anh lại gợi ý tôi ngồi yên để anh vẽ ký họa. Cái gì đã làm tôi và anh thông cảm nhau, gần gũi nhau, xem như là hai người bạn đã từng thân nhau. Một nhà văn. Một họa sĩ. Nói chung là những tâm hồn văn nghệ sĩ cùng đồng điệu. Huống hồ gì những người cùng đi chung một con đường “làm văn chương” dù khuynh hướng có khác nhau nhưng vẫn tìm đến nhau, tôn trọng nhau.


Tôi muốn kết thúc “Chuyện kể cuối năm” này, để chuẩn bị mừng một năm mới sắp đến, qua một giấc mơ mà tôi vừa chợp mắt trên chuyến máy bay từ Huế về lại Sài Gòn này.
Trong cái nắng chói chang, nơi đồng hoang cỏ cháy, lại có một tượng đài bằng đá thạch sừng sững trên một ngọn đồi thoai thoải sỏi cát, một người lính đầu đội cái nón sắt cầm cây súng M16, cạnh một người lính đầu đội nón tai bèo cầm cây súng AK. Hai cây súng đều chỉa lên trời. Hai khuôn mặt đối diện nhau. Từng đôi mắt của họ, từng đôi môi, người dày, kẻ thì mỏng và rộng. Sao tôi thấy quá quen thuộc. Tôi đã từng được nằm trong vòng tay của họ, thuở nhỏ. Phải rồi. Anh Thương. Anh Phú. Hai người anh em ruột thịt của tôi. Hai chiến tuyến. Bức tượng lớn hơn hết, phủ lên hai bức tượng kia là khuôn mặt một người đàn bà, hai tay đang chụp lên đầu hai người kia. Và, đặc biệt là đôi mắt cùng đôi môi bà đang nở một nụ cười rạng rỡ, như được thỏa nguyện lòng mong ước về nỗi hận thù của thế hệ các con cháu mình vừa xóa tan. Tôi gọi thầm hai tiếng: Mẹ ơi!


Nguyên Minh
2015