Sunday, February 1, 2015

1459. Tùy bút NGUYỄN XUÂN THIỆP Trà ca TRÀ TRÊN NHỮNG TRANG CỔ THƯ




t ù y  b ú t
nguyễn xuân thiệp

T R À   C A  
TRÀ TRÊN NHỮNG TRANG CỔ THƯ



Bình Trà. Tranh Casey Shannon


    

Đầu xuân, một bạn văn ở Los Angeles gởi cho gói trà. Trà mang nhãn hiệu Tuyết Sơn, mở ra thơm ngát. Lúc bấy giơ tuyết phủ trắng thành Oklahoma, nơi tôi ở. Chỉ trong một đêm, phong cảnh đã đổi khác, như trong truyện thần tiên của Hans Christian Andersen. Buổi sáng mở cửa nhìn ra vườn, ngạc nhiên đến sững sờ, vừa cảm động vừa hân hoan. Tuyết, lần đầu tiên nhìn thấy trong đời. Vội vàng vào bếp đun ấm nước. Tiếng nước reo như tiếng gió qua lũng thông vàng. Hương trà bốc lên trong tĩnh lặng sớm mai khi tuyết đã trắng mái nhà, cây cối, bờ rào và những con đường hiu quạnh. Một vài bóng quạ chập chờn, điểm những chấm đen thẫm, như trong tranh mộc bản. Nâng chung trà lên, nóng ấm trong lòng bàn tay. Uống vào một ngụm, nhìn ra tuyết bay, thấy mình là người hạnh phúc trên đời. Thì ra, hạnh phúc vẫn có đấy, dẫu hiếm hoi và nhỏ bé so với những nỗi khổ vô cùng tận của kiếp người. Vậy, bạn bè ơi, hãy tận hưởng những hạnh phúc phù du ấy đi, để hồn tan trong hương trà buổi sớm mai, nghĩ đến những điều tốt đẹp. Và nghĩ một chút về trà. 
     
Nói về trà, lúc này, ở  đây, e có hơi lạc điệu chăng? Giữa một xã hội gia tốc, người ta uống toàn coca cola và những thứ nước hóa học pha chế, hoặc cà phê vừa lạt vừa chua, trà hầu như không có chỗ đứng nào cả. Nhưng ở đâu đó, trong gia đình những người Việt ly hương, và gia đình người Hoa, người Nhật, và cả một số gia đình Mỹ, trà vẫn có mặt, như nó đã ở cùng nhân  loại hàng ngàn năm qua.


TRÀ TRÊN NHỮNG TRANG CỔ THƯ
   
Trà xuất hiện rất sớm trong lịch sử, khoảng đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Gốc gác của nó, theo như sử sách ghi lại, đâu ở vùng Hoa Nam. Nhưng mới đây, ông Nguyễn Mạnh gặp một vị lão nhân mở quán trà ở gần Hàn San Tự, được vị này cho biết theo kinh sách thì “trà không xuất xứ ở Trung Hoa, vì không tìm thấy cây trà thiên nhiên hay cây trà hoang ở châu thổ sông Hồng và sông Dương Tử. Quê hương của cây trà ở tận miền Nam. Mãi đến đời nhà Tùy, trà mới từ Đại Lý (Nam Chiếu xưa) và Việt Nam (Nam Việt xưa) nhập vào Trung Quốc. Đến đất văn hóa này, trà được chăm sóc tinh vi và rồi qua nhiều năm tháng, trà được đưa lên hàng nghệ thuật”.
  
Một nhà văn gần đây cũng viết: “Xứ Việt đã biết đến trà từ thời Đông Hán, nhưng trà đạo Việt thành hình với đời nhà Đường, theo các nhà sư Phật giáo vào Giao Châu. Sách Trà Kinh của Lục Vũ nhập đề rằng “trà là loài cây quý ở phương Nam”. Chứng tích trà đạo Việt còn lưu lại trên những bình bát trà gốm Việt Dao từ thời Bắc thuộc, hiển bày tột độ thời Phất giáo Lý, Trần. Đạo trà Việt cổ là đạo mà không đạo, đạo vô môn quan; không cửa vào, không lối ra. Về sau các văn nhân hiền giả thường mượn đó làm thú tiêu dao.
  
Thấy trúc lay mới biết được gió, hồn và bóng trà đạo Việt lồng lộng cái Đẹp của hình và sắc trong trà gốm Việt. Những bát trà ấy về sau truyền tâm ấn về biển Bắc xa, chuyển sinh lại trong nghi lễ trà đạo Nhật.
  
Và trong Trà Kinh của Lục Vũ đời Đường cũng có ghi: “Người phương Nam có cây qua lô giống như lá trà non mà nhụy đắng, giã nát ra pha trà mà uống thì suốt đêm không ngủ. Ở Giao Châu và Quảng Châu người ta rất quí thứ này, hễ có khách đến nhà thì trước hết bày ra đãi khách.” 
     
Vậy, có thể xem cây trà xuất xứ từ phương Nam nắng ắm của chúng ta. Nhưng thôi, cũng đừng nên tìm đến ngọn nguồn của nó làm gì, chén trà trong tay sớm mai sẽ nguội mất. Hãy hớp thêm một ngụm trà nóng nữa rồi thử tưởng tượng xem ở cái thời xa xưa cách đây hàng ngàn năm, người đầu tiên tìm ra ngọn lá trà bên con đường mòn lên non tuyết phủ hay xuống lũng sâu nắng rám da. Vò nát chiếc lá trong tay, thoảng mùi hương ngái, nếm thử thấy vị chát đắng quyện trên đầu lưỡi rồi tan dần, để lại dư vị ngọt ở cuống họng. Có chút ngây ngất, lâng lâng dễ chịu. Chà, được đây, thử hái về mấy nắm, đem phơi nấu uống. Từ đó, trà có mặt trong đời sống con người, thật nồng ấm và thân thiết. Con người đầu tiên tìm ra lá trà ấy đâu biết rằng y sẽ mở ra cả một nền văn minh và đạo học sau này.
     
Nhiều thế kỷ trôi qua, trà đã trở thành món uống ưa thích của dân chúng vùng thung lũng sông Dương Tử. Dần dần, cùng với Đạo Giáo và Phật Giáo nở rộ, ảnh hưởng trà lan rộng sang tới Nhật Bản, Việt Nam. Nước Nhật, do theo sát nền văn minh Trung Hoa, nên đã biết tới trà từ rất sớm. Theo Okakura Kakuzo thuật lại trong cuốn Trà Đạo  thì ở thế kỷ thứ 8, các vị vua đã đem trà thết các đoàn tăng lữ trong cung Nại Lương. Sang thế kỷ thứ 9 và những thế kỷ tiếp theo, trà mọc lên khắp nơi quanh vùng kinh đô Kyoto. Theo thời gian, trà nhập vào thi ca và trở thành một thứ đạo: Trà Đạo. Trà đi vào Việt Nam chắc cũng sớm như thế. Thi ca đời Lý của các vị thiền sư đã có nói tới trà. Đây, ta hãy đọc vài câu:
         
Đưa người xa nghìn dặm      
Cười tặng một bình trà...       
Áo rách đùm mây đun cháo sớm       
Bình xưa đựng nguyệt nấu trà khuya...
     
Người Âu Châu biết đến trà khá muộn, đâu vào thế kỷ thứ 16. Đó là nhờ các đoàn thám hiểm và thương nhân mang về. Hoà Lan, Pháp, Nga lần đầu tiên được thưởng thức chất nước vàng thơm ngát  của trà là vào thế kỷ 17. Nước Anh cũng vậy, họ thưởng thức trà và ca ngợi nó hết lời. Lúc đầu, chỉ có giới quý tộc mới  được uống trà vì giá trà rất mắc. Lâu dần, trà xâm nhập vào đời sống quần chúng, và sang đến thế kỷ 18, trà được bán trong các quán cà phê ở Luân Đôn. Tiệc trà buổi xế trưa, gọi là afternoon tea, đã trở thành một nghi thức không thể thiếu trong đời sống xã hội nước Anh.
     
Nhưng này, bạn, ta châm thêm bình trà nữa, và trong khi chờ đợi, hãy nghe đoạn văn sau đây: “Trong tiếng khay chén va chạm nhau lách cách, trong những tiếng áo quần sột soạt dịu dàng của các bà các cô khoản đãi khách, trong những câu chuyện thông thường về kem về đường và bánh ngọt, hương trà tỏa lên  thơm ngát mùi vị Đông Phương.” Bạn đồng ý không - trà từ trong bản chất không vô duyên như các thứ soft drink, không hợm mình như rượu, không đậm chất đam mê như cà phê, trái lại trà lắng đọng và trầm tư, tỏa ngát thơ, nên được các triết gia, văn gia Anh nồng nhiệt ca ngợi. Trà đến Mỹ là muộn nhất, qua hải cảng Boston, và tìm được một vùng đất mới.
     
Trở lại nơi từ đó trà được đưa vào nước Mỹ là đất Trung Hoa. Hãy nghe Okakuro Kakuzo viết trong Trà Đạo: “Các môn đồ Đạo gia coi trà là một vị trọng yếu trong môn thuốc trường sinh bất lão, còn các tăng đồ Phật Giáo thì thường dùng trà chống lại cơn buồn ngủ trong những giờ ngồi trầm tư mặc tưởng dài đằng đẵng.”
     
Sách cũng nói rằng Đức Bồ Đề Đạt Ma cũng dâng trà cúng Phật mỗi đêm trong giờ ngồi Thiền:
         
Ngồi lại đây quanh nồi trà thơm  
Như người xưa ngồi trong động đá
Đức Đạt Ma cùng với chúng tăng
Dâng trà hoa trước giờ Thiền tọa.
                                              
(thơ NXT)
     
Các thi gia đều nói đến trà, Trà Thi nở rộ trong đời Đường. Lục Vũ (đã nhắc ở trên), khoảng thế kỷ thứ 8, viết cả một cuốn Trà Kinh. Hãy nghe ông tả một lá trà “những nếp nhăn nheo như chiếc ủng da của những kỵ binh Thát Đát, quăn như cái yếm của bò mộng, tỏa ra như hơi sương từ khe suối bốc lên, lấp lánh như mặt hồ vờn gió Tây, và sau hết, vừa ẩm vừa mềm như thứ đất tốt mưa vừa tưới dội.” Này bạn, nâng chung trà lên đi, vừa hớp vài ngụm vừa nghe Lỗ Đồng, một thi nhân đời Đường, diễn tả hương vị trà: ”Chén thứ nhất, dấp ướt môi và cổ họng; chén thứ hai, phá tan nỗi cô quạnh của ta; chén thứ ba thấm vào trong ruột khô khan của ta và kiếm ra được năm ngàn cuốn biểu ý văn tự kỳ dị; chén thứ tư làm cho ta giâm giấp mồ hôi, bao nhiêu những điều tà ác ở trên đời đều tiết ra khỏi lỗ chân lông ta. Uống đến chén thứ năm, lòng thấy lâng lâng thanh tịnh; chén thứ sáu chiêu vời ta tới cõi bất tử. Chén thứ bảy, a, nhưng ta không thể nhấp hơn được nữa! Ta chỉ thấy luồng gió lạnh thổi phồng cánh tay áo ta lên thôi. Bồng Lai Sơn ở đâu? Thôi hãy để cho ta cưỡi ngọn gió mát này bay đi đến đó cho xong.”
     
Bạn ơi, Lỗ Đồng tả như thế nghe có thi vị không? Chúng ta đã uống tới chén thứ mấy rồi nhỉ? Chẳng nhớ nữa. Nhưng bạn cảm thấy trong người mình, hồn mình như thế nào? Tôi thì như rời khỏi mặt đất và thấy mọi sự như qua một màn sương hư ảo. Cuộc đời này coi vậy mà nhẹ không. Nhưng ta tiếp nối câu chuyện nhé.
     
Mới vừa đây, tôi được đọc trên tạp chí Thế  Kỷ 21 một bài văn rất thú của Nguyễn Mạnh nói về trà. Đây tất nhiên không phải là cổ thư rồi nhưng đượm rất nhiều hương xưa. Để tôi thuật sơ bạn nghe nhé để chén trà ta uống càng thêm nồng đượm. Đây là buổi uống trà tại một trà gia ở Tô Châu, Trung Quốc. Tác giả Nguyễn Mạnh cùng vợ đến Tô Châu mùa xuân 1995. Nhân dịp rỗi rảnh, ông lên thăm chùa Hàn San và xem văn bia khắc bài Phong Kiều Dạ Bạc  của Trương Kế đời Đường. Dịp này, cô hướng dẫn viên du lịch giới thiệu với tác giả tiệm trà của một người Việt Nam tên Hoàng. Đây là đường đi tới quán trà, theo như lời tác giả thuật lại, đọc bạn nghe chơi: “Hôm nay đổi trời, không khí lạnh căm, ngoài đường lất phất mưa xuân cuối mùa. Suốt dọc đường, có những ruộng hoa cúc vàng mênh mông, bát ngát. Hỏi ra thì biết nơi đây trồng hoa để làm trà cúc và rượu hoàng hoa. Nhìn hoa, tôi chợt nhớ tới câu đối “ buổi sớm lên núi Sáng thấy cụm hoa vàng nhớ cụ Hoàng Hoa” năm xưa đọc trong trường thiên Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ, mà muốn se lòng.*
     
Văn học Việt Nam không thiếu gì những trang, những đoạn, những câu nói về trà, ca tụng trà. Ở trên, tôi đã trích dẫn mấy câu thơ của các thiền sư đời Lý. Nguyễn Trãi khi về lại Côn Sơn thường lên lấy nước đầu khe núi về nấu trà. Mừng được sống sót sau chiến tranh, người thấy mình bây giờ như gió đầu cành, mây đầu núi:
         
Quê hương chinh chiến đã qua   
Tấm thân còn vẹn những là mừng thay
Giờ thời lên chốn gió mây
Nước khe gối đá trà say ngủ vùi.
     
Thật là thanh thản. Sau thảm kịch với cảnh núi xương sông máu, giờ đây Người đã thấy được lẽ Đạo trong hương bốc lên như từ lẽ vô thường của trời đất. Đọc Kiều, chúng ta cũng được Nguyễn Du đưa vào những buổi uống trà nhàn nhã: “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”, câu này thì ai cũng thuộc nằm lòng. Đó là lúc Kim Kiều vừa bước vào tình sử của hai người. “Trà chuyên nước nhất, hương dồn khói đôi” là câu thơ trong Cung Oán của Ôn Như Hầu mà lúc đọc tôi không chú ý lắm cho tới khi được một người bạn của thời đi dạy học ở Mỹ Tho nhắc lại cho nghe. Người bạn đó nay không còn nữa: anh vượt biên và chết giữa biển đông. Chén trà tưởng nhớ sáng nay thoảng vị ngậm ngùi.
     
Nhà văn Mai Thảo mất như vậy là đã được mấy năm rồi đấy nhỉ. Để tưởng nhớ người của một thời, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài sau đây của Mai Thảo trong đó có nói một chút tới trà:
         
Đi vắng từ xa trở lại nhà
Bộ đồ cũ mặc, ấm trà pha
Tựa lưng vào vách tường thân thuộc
Trong cõi riêng buồn thấy lại ta.
     
Cũng là ung dung đấy, nhưng sao cô đơn, vắng lặng quá. Cách đây hơn thế kỷ, Nguyễn Tuân cũng đã viết những trang rất hay về trà. Có thể nói trên từng trang của Vang Bóng Một Thời đều có mùi trà. Bạn có nhớ câu chuyện lão hành khất đã tiêu hết gia sản vào ấm trà nên phải đi ăn xin. Một hôm trên đường hành khất, lão ghé vào nhà một phú hộ, gặp lúc gia chủ cùng mấy người nữa đang dùng trà. Lão bèn ngồi nép bên góc cột chờ đợi để xin được uống trà. Chủ nhà ngạc nhiên lắm, nhưng cũng chiều ý lão. Lão bèn lấy trong túi cói ra bộ ấm chén, trịnh trọng đun nước pha cho mình một ấm trà. Uống xong, lão đứng dậy nhăn mặt,  nói trong nhà có mùi trấu nên lão lấy làm ấm ức. Nghe nói, gia chủ tức giận coi lại gói trà thì quả nhiên có mấy mảnh trấu trong đó. Chuyện có vẻ hoang đường nhưng kỳ thú, phải không bạn?


Nguyễn Xuân Thiệp

Kỳ tới:

TRÀ TRONG ĐỜI SỐNG DÂN TỘC
TRÀ TRONG ĐỜI TÔI, ĐỜI BẠN