NHỮNG CÁNH BƯỚM
Mùa
xuân năm 2008, Nguyễn cùng với gia đình và cháu gái Nguyệt Quỳnh đi chơi ở vườn
hoa Arboretum, cạnh hồ White Rock Lake ở Dallas. Đây là dịp vui mỗi năm mới có
một lần. Vườn Arboretum có tới mấy trăm ngàn bông tulip và thủy tiên vàng nở rộ.
Người đi chơi như trẩy hội, có ban nhạc kèn trống vang lừng. Cùng với tiếng nhạc
bay lên, những cánh bướm màu vàng cũng lượn vòng trên những vạt hoa. Nguyễn
trông thấy, vội nắm tay bé Nguyệt Quỳnh đuổi theo từ bờ cỏ này sang bờ cỏ khác.
Ôi vui quá là vui. Đoạn phim ngắn ấy, do mẹ của bé quay, lâu lâu lại được chiếu
lên cho cả nhà xem. Thỉnh thoảng trong những buổi sum họp gia đình bố mẹ bé lại
nhắc tới. Riêng Nguyễn, tự nhủ với mình: “Hãy luôn luôn để cho những cánh bướm
nhắc nhở chúng ta về ấu thời và những ngày tươi đẹp trong đời”.
Giờ
đây, trời lại vào xuân, và Nguyễn lại nhớ tới những cánh bướm. Mùa đông vừa
qua, nhân xem tờ phụ trương của báo Dallas Morning News, Nguyễn tình cờ đọc thấy
cái tựa đề hấp dẫn “Vine keeps butterflies happy in winter”. Quái lạ nhỉ, mùa
đông lạnh thế mà bướm cũng hạnh phúc nhởn nhơ được nhỉ, mà sở dĩ được thế là nhờ
những cái hoa trên thân cây nho. Bài báo viết: “Mùa đông và bướm thường không
đi song đôi với nhau trong trí nhiều người. Tuy nhiên, nhờ đem trồng những cây
nhiều hoa trong cảnh quan chúng ta nên làm thay đổi được thói quen của loài bướm,
khiến chúng có thể bay suốt bốn mùa trên những vùng đất của miền Bắc Texas này.”
Ở
trên, chúng ta có nói đến loại hoa của cây leo như cây nho. Hoa này có tên
passionflower (hoa đam mê), gồm có loài passionflower của bản địa, có tên
maypop và yellow passionflower, và loài lấy giống từ Brazil có tên blue crown
passionflower. Chính loại blue crown passionflower này đã rù quyến những cánh
bướm màu sặc sỡ của vùng vịnh có tên là Gulf fritillary về trong mùa đông nhờ
những vùng lá xanh tươi và hoa nhiều nhụy. Mặc dù bạn phải chờ tới mùa hè mới
thấy loài cây blue crown passionflower mọc đầy, nhưng giữa mùa đông tại vùng Bắc
Texas này thỉnh thoảng bạn cũng thấy một dải mầu xanh điểm hoa vàng nhạt quyến
rũ bướm về.
Người
Mỹ yêu hoa và chim chóc. Chẳng những thế, họ còn yêu bướm. Và có thể nói xứ đồng
cỏ Texas là thiên đường của loài bướm. Mùa đông, như đã thấy trên, người ta trồng
cây blue crown passionflower trong vườn để giữ bướm. Mùa xuân, dân Texas có cây
cỏ sữa xứ Mễ (Mexican milkweed) để dụ loài bướm chúa monarch bay về. Năm nay,
đàn bướm chúa trú đông từ Mễ Tây Cơ lại làm chuyến lãng du qua miền đất này.
Trên phụ trang Guide Daily của tờ Dallas Morning News ngày 12 tháng 3 vừa qua
đăng hình một con bướm chúa tuyệt đẹp. Nó đậu trên những chùm hoa trúc đào đỏ rực,
nổi bật trên những vùng lá xanh. Đôi cánh của bướm chúa màu hổ hoàng (ocre
jaune) thật rực rỡ, chung quanh viền đen. Ở hai đầu cánh là những đốm vàng đỏ.
Nguyễn xem kỹ và đếm từng chấm một. Ôi, sao những đốm màu này đều nhau thế, ở
hai bên đầu cánh. Có họa sĩ nào vẽ được một cánh bướm như thế không. Vườn hoa
Arboretum tới đây sẽ đầy bướm chúa. Bé Nguyệt Quỳnh lại có những giây phút tưng
bừng chạy theo những cánh bướm màu sặc sỡ. Nguyễn mong rằng tất cả các bé trên
thế gian này đều được vui như vậy. Và sẽ không có bé nào bị đói, bị lạnh hay đi
lang thang cù bơ cù bất.
Trở
về với những cánh bướm trong đời. Hồi làm phát thanh ở Đà Lạt, có lúc Nguyễn và
Châu Trị (tức Phan Thế Hùng- ôi, Hùng đã
không còn nữa!) thuê phòng ở cuối đường
Hoàng Diệu. Đêm, trời mưa, bướm từ bên ngoài bay qua cửa sổ vào phòng tìm hơi ấm
của ánh đèn. Trời, đẹp ơi là đẹp. Những cánh bướm bằng bàn tay đậu trên tường,
tạo thành một bức họa trang trí chưa nơi nào có. Đặc biệt, Nguyễn còn nhớ một
cánh bướm màu nhung tím, điểm những chấm vàng và đỏ chói lọi. Nó là hình ảnh của
ai thế nhỉ? Sophia Loren trong Orchidée Noire chăng. Hay Juliette Greco khi đứng
hát ở Café Tabou đầy khói thuốc và nhạc Jazz trong khu Saint Germain. Hoặc giả
đó là người về từ viễn phố? Không biết là ai nữa nhưng cánh bướm màu nhung tím
thời trẻ ấy đã mang lại cho Nguyễn biết bao cảm xúc. Những năm đi tù ở Hoàng
Liên Sơn ngoài Bắc, Nguyễn lại gặp những cánh bướm như thế nhưng nó bay vào cõi
oan khốc với đá xanh va đất tù pha màu máu. Hồi ở trại Z30C Hàm Tân, Nguyễn và
các bạn trong những buổi chiều mùa xuân đứng cuốc đất ven rừng lại thấy từng
đàn, từng đàn bướm đủ màu từ rừng xa bay về. Chúng như trôi dưới nắng chiều. Có
con còn chậm bước, bay tới đậu trên đầu cán cuốc khiến Nguyễn nhớ tới bài thơ Haiku của một nhà thơ Nhật Bản
(hình như là Basho?). Con bướm trong bài thơ đậu trên đầu gậy và theo thiền sư
vào cõi không màu an nhiên tĩnh tại. Tới đây, có nên nhắc tới cánh bướm của
Trang Chu không nhỉ? Thật sự, Nguyễn không biết làm người vui hay làm bướm vui.
Nhưng nhìn bướm bay thì vui thiệt. Và Nguyễn chợt nhớ tới một chi tiết lý thú
trong Trăm Trăm Năm Cô Đơn (One hundred Years of Solitude) của Gariel Garcia
Marquez: Một nhân vật nữ trong truyện hiện thân của nhan sắc nùng diễm khiến ai
nhìn cũng mê (hiểu theo nghĩa đen) đến nỗi khi nàng tắm (chắc là vây màn tắm
ngoài trời) bướm từng đàn đủ màu sặc sỡ bay về đặu quanh nàng, tạo thành một bức
tranh tuyệt tác.
Tới
đây, Nguyễn nhớ lại một truyện ngắn và một giấc mơ. Một đêm, người chồng trong
truyện (hình như là Bóng Người Trong Sương Mù của Nhất Linh) đang lái tàu qua vùng
đồi núi bỗng nhìn thấy một bóng người áo trắng bay lượn trước tàu. Hoảng hốt,
người lái tàu cho tàu từ từ ngừng bánh thì thấy trên tấm kiếng một cánh bướm
màu trắng nằm chết. Tiếp theo, tin tức cho biết cây cầu trước mặt đoàn tàu đã bị
gãy xuống sông. Cũng trong đêm đó, bà vợ của người lái tàu hấp hối và qua đời
trong ngôi nhà của hai người. Đó là chuyện về cánh bướm hóa thân từ linh hồn của
người chết. Sau đây là giấc mơ của Nguyễn,
có lẽ là giấc mơ an bình qua bao nhiêu lớp sóng đời vùi dập. Nguyễn mơ thấy
mình đi chơi ở một công viên có cơ man là bướm bay về. Vui thật là vui, Nguyễn
chìm giữa biển đầy những cánh bướm, nhìn sang bên, thấy bóng một nữ lang áo trắng
đang lau những cây cọ dính đầy sơn màu và rũ cười. Là ai vậy nhỉ?...
Xin
được dùng giấc mơ về những cánh bướm để kết thúc bài tạp văn hoang tưởng này.
Nguyễn
Xuân Thiệp