Saturday, January 24, 2015

1435. TRƯƠNG VĂN DÂN Thiên đường và địa ngục





Trương Văn Dân
Thiên đường và địa ngục



...Chủ nhật chúng tôi chỉ muốn nằm nhà bên nhau. Quỹ thời gian sống còn được bao lâu? Nhưng bè bạn lại đến chơi. Sao anh lắm bạn thế nhỉ? Anh hiếu khách, nên bạn bè thường đến chơi chuyện trò rôm rả. Ông nào cũng hăng, từ tranh luận đến tranh cãi đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện kinh tế, xã hội, môi trường, từ chuyện hôm nay đến chuyện cả ngàn năm sau.

Hai khách hôm nay,  một là anh vợ, họa sĩ Lâm, một là em rể, thương gia Hưng. Anh vợ em rể, nhưng xưng hô mày tao thoải mái. Họ là bạn thân từ hồi trung học. Hình như  anh Hưng vừa đi chơi golf về, trên đường về  tiện ghé chở anh Lâm và họ tranh luận điều gì đó trên đường đi chưa đã, nên ghé đây cãi tiếp.

Anh thích những buổi tranh luận như thế, thường kiên nhẫn lắng nghe, đôi khi chen vào…  

Tôi đứng dậy pha cà phê, anh ngả mình trên ghế nghe các bạn đang mải câu chuyện, thỉnh thoảng liếc sang như thể anh là trọng tài
- Kinh tế phát triển. Tao thấy bây giờ đời sống tốt hơn xưa nhiều,  Hưng ngồi vắt chân chữ ngũ,  nhấp nhấp ly  cà phê…
- Chưa chắc đâu, Lâm thủng thỉnh,  hồi trước, gần nhà tao có ông công chức quèn đi làm, vợ ở nhà trông con, nội trợ, vậy mà họ vẫn sống, ba đứa con đều con tốt nghiệp đại học, thành đạt cả. Bây giờ  cuộc sống tăng lên, nhưng mấy ai đã làm được thế? Chồng là  kỹ sư, vợ là nhà giáo, cả hai đều đi làm, nuôi một đứa con còn thấy chật vật. Không ai dám bỏ việc.
- Cái giá của tăng trưởng là phải thế. Đời sống cao hơn, nhiều vật chất hơn, nhiều tiện nghi hơn. Phải xài tủ lạnh, máy lạnh, máy DVD, karaoke, computer, internet,… Mấy cái tiện nghi của thời đại thông tin này, bộ bỏ qua không xài à? Muốn thụ hưởng, phải có tiền. Muốn có tiền phải đi làm, chồng đi làm không đủ, vợ cũng đi làm. Con cái hả? Cho đi học trường quốc tế. Có tiền là xong tuốt.  Chẳng lẽ hàng xóm hưởng thụ mấy cái tiện nghi đó, còn mình thì nhắm mắt à ? Thời buổi cạnh tranh mà !.
- Đồng ý,  nhưng tại sao lại phải cạnh tranh? Chẳng lẽ không có lối sống nào khác sao? Ai cũng làm việc quần quật với nhịp độ kinh khủng để sản xuất ra cái mobile phone đủ model,  mà tiện ích có khi người dùng cũng chưa biết xài hết.  Rồi đến lượt người khác cũng phải  đầu tắt mặt tối mới có thể mua nổi mobile hiện đại đó.   Đây là cách sống dựa vào vật chất.   
- Mày hoài cổ.  Cứ hay phê phán đời sống mới.   Có thấy đầu tư nước ngoài vào nhiều  hơn không?
- Thấy chứ.   Đầu tư nhà máy ở Việt nam là…bèo.  ,  chỉ cần mang dây chuyền cũ,  công nghệ lạc hậu cũ,  không biết bán cho ai,  qua Việt Nam hợp tác liên doanh là làm giàu đủ rồi,  định giá công nghệ cũ cao,  công nhân rẻ,  quảng bá thương hiệu, .  .   Không giàu to à?
- Họ có đóng thuế cho ta mà!
- Thuế? Lâm cười lớn.   Thất thoát lớn ông bạn ơi.   Không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khai giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài cao hơn giá mua thực tế để tăng chi phí,  dẫn đến thua lỗ để khỏi phải nộp thuế thu nhập doan nghiệp.   Nhiều doanh nghiệp khai lỗ mấy năm liền để tránh thuế nhưng liện tục  mở rộng quy mô sản xuất. 
- Chắc cũng có chuyện này, nhưng nghĩ cho cùng,  chẳng lẽ chúng ta ngồi im nhìn Việt Nam nghèo đói mãi? Cũng phải tạo công ăn việc làm cho người dân chứ.  Tao nghĩ là muốn hiện đại  để bắt kịp  Singapore,  Hàn Quốc,   Đài Loan chúng ta cần phải  dựa vào nước ngoài và viện trợ quốc tế.   Dĩ nhiên phải trả một cái giá nào đó.   Không ai cho không cái gì. 
- Việc làm hả? Hiện đại hóa để bắt kịp người ta hả? Muốn thế phải khởi đầu từ công nghệ mới, năng suất hơn, giá thành rẻ hơn, chứ không phải từ công nghệ lạc hậu. Đó là lợi thế của thằng đi sau, mày hiểu không? Đó là chưa nói đến môi trường, công nghệ lạc hậu sản xuất bột ngọt, men bánh mì,… thải ra môi trường cả đống chất độc hại. Giải quyết nước thải ở mấy quốc gia đó, có mà đẩy giá thành sản phẩm lên đến tuyệt đỉnh. Thôi mang qua Việt Nam sản xuất cho thoải mái, luật môi trường còn lỏng lẻo, viên chức nhà nước cũng lỏng lẻo luôn…Không sướng à? Còn ô nhiễm môi trường, đâu cần đến thế hệ sau mới thấy. Tôm cá chết đầy sông, trồng trọt cái gì thì thua cái đó, nuôi heo nuôi gà cũng thua luôn, mày không thấy à? Vậy đâu là mục tiêu của phát triển ? Để con người hạnh phúc hơn hay để họ bị lệ thuộc nhiều hơn ?
- Mầy cũng  có  lý, nhưng không thể phủ nhận giá trị tăng trưởng. Những năm vừa rồi, thu nhập bình quân đầu người đã tăng nhiều lần
- Đừng vận dụng quá khứ đói khổ, so sánh với những năm tháng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc để nhấn mạnh đến thành tựu chứ ông bạn.  Đồng ý là  mặt bằng có tăng, nhưng cũng phải xét đến các khía cạnh khác nữa.Vì nếu không trừ những thiệt hại đối với nông, ngư, môi trường, số tiền phải chi trả cho bệnh viện để chăm sóc các vấn đề nảy sinh như sức khỏe, thì chưa đủ. Tao sợ rằng chúng ta tăng trưởng theo mẫu hình : đổ tiền ra đầu tư, sản xuất vô độ, huỷ hoại môi trường. Trên mặt báo  không thiếu những câu chuyện cầu không ai đi, cảng không ai đến, sân bay không ai dùng, hàng đống biệt thự sang trọng bỏ không.  Đừng có hù tao, GDP tăng trưởng 7-8% , thu nhập đầu người một hai ngàn đô la. Tăng trưởng và phát triển khác nhau xa…
- Khác chỗ nào?