Saturday, January 17, 2015

1418. MANG VIỆN LONG Hồi ký NHƯ ÁNG MÂY TRÔI (Phần cuối) Với niềm vui còn lại


               




PHẦN CUỐI
Với niềm vui còn lại



Từ ngày tháng có duyên gặp được “Kinh Pháp Bảo Đàn” của Lục Tổ Huệ Năng, tôi dần cảm thấy giảm đi rất nhiều nỗi ưu phiền, khổ đau! Tôi cũng nhận ra lòng an bình, tỉnh táo, không còn nhiều âu lo, băn khoăn hay toan tính cho ngày mai mờ mịt phía trước nữa! Tôi sống cho từng ngày vui hiện tại với công việc. Tôi vui vẻ bước theo dòng nhân duyên đưa đẩy, làm tất cả mọi việc theo khả năng và trái tim mách bảo, nhưng không để tâm dính mắc vào việc gì!  Việc gì đến, cần làm, tôi vui làm. Làm xong, thì thôi! Không mong cầu, không đòi hỏi. Tôi tự chế ngự và giữ gìn tâm mình, tránh không để ngoại cảnh, ngoại duyên khuấy động, lung lạc như xưa! Lục Tổ đã dạy: “Tâm động chứ không phải phướn động!”… Ta bà là biển khổ hay niết bàn – cũng chính tại Tâm ta mà sinh! “Chẳng phải cha mẹ hay bà con nào hết, nhưng chính tâm niệm hướng về hành vi chánh thiện; làm cho mình cao thượng hơn” (Pháp cú 43 - phẩm Cittavago). Đồng thời, tôi cũng nhận ra rõ ràng, muốn được có “niềm an vui lớn”, thì phải biết từ bỏ “niềm vui nhỏ”! Mải mê chạy theo “niềm vui nhỏ” nhiều cám dỗ, cuối cùng rồi cũng sẽ dẫn đến hố thẳm của sự khổ đau và trầm luân!  Niềm vui lớn chính là phải nỗ lực sống mà “lục căn không chạy theo chiều thuận với lục trần” (mà ngược lại) để có niềm vui chân chính, dài lâu! Biết là một việc không dễ thực hiện, nhưng tự an ủi, phải thành tâm mà làm dần dần, như mỗi ngày thắp một que diêm vậy!…

Tôi kiên nhẫn giữ nghề “sửa khóa làm chìa”, tuy thu nhập thấp nhưng ổn định và phù hợp với khả năng, hoàn cảnh hiện tại của tôi. Tôi chăm chỉ viết truyện, viết các bài tạp bút, tiểu luận về mọi lãnh vực của đời sống mà tôi có cảm nhận sâu sắc, xoay quanh các vấn đề “Đạo Phật và Tôi”, “ Văn Học Nghệ Thuật và Tôi”, “Đời Sống và Tôi” cho tập tiểu luận - tạp bút đã lên đến trên một ngàn năm trăm trang. Tôi viết lúc vắng khách, một cách nhiệt tình, và sống vô tư mỗi ngày giữa bao bất hạnh còn đeo bám lấy tôi mà không than thở, không thất vọng! Tôi học được câu “Thúc liễm thân tâm, tam thời bất túc” từ những tháng năm sống ở chùa Phi Lai nên đã an nhiên đón nhận mọi nghịch duyên, coi việc ăn uống là phục dược, xem mọi khổ đau, bất hạnh như là một “nấc thang”, (hay để trả dần “món nợ” mà tôi đã “vay” từ nhiều kiếp trước); luôn tin rằng sẽ được đi dần đến chỗ an lành… Tôi tin và làm theo lời Đức Phật dạy, chư Tổ, chư vị chân tu thạc đức khuyến tấn, để hướng tâm mình được an lạc từng ngày ngay lúc nầy, và sống một cuộc đời có ích cho chính mình, cho người. 

Sau gần 20 năm không cầm lại cây bút, và sau 28 năm tôi mới có tập sách đầu tiên tiếp theo được xuất bản (sau năm 1975) nhờ duyên lành từ sự cảm thông và giúp đỡ của các bạn văn, bạn đọc, đã tạo điều kiện thuận lợi và luôn an ủi, khích lệ tôi tiếp tục trò chơi của mình! Nếu trước năm 1975 những gì tôi bày tỏ, chia sẻ, thường xoay quanh nỗi khổ đau của con người trong chiến tranh  – nhất là ở những miền quê xa, người già, trẻ em bất hạnh (…) để kêu gọi chấm dứt thù hận, sống cảm thông, chan hòa trong tình thương yêu – thì sau năm 1975, tôi vẫn tiếp tục quan tâm đến những cảnh đời cô độc, lạc lõng, nghèo khó “khi chiến tranh đã đi qua”! Triết lý sống gần gũi, thực tế, uyên ảo của Đạo Phật đã luôn là kim chỉ nam cho các trang viết của tôi, dầu dưới bất kỳ hình thức diễn đạt nào! 

Hằng ngày, ngồi ở hiên nhà, bên chiếc tủ gỗ nhỏ, tôi vừa trông nhà, giữ con, dạy con học thêm, vừa đón khách, làm bếp…, vừa viết. Lúc được chút thư thả là kéo chiếc ghế đẩu làm bàn, “vui chơi” với tập vở 100 trang (hay manh giấy khổ lớn) và cây bút nguyên tử! Khi khách đến, thì xếp bút vở lại, ngồi vào bàn khóa, cặm cụi làm, kiếm từng đồng bạc lẻ… Thời ấy, làm được một chìa khóa rất khổ, vì mẫu chìa thô, được đúc bằng đồng xù xì, không có mương rãnh rõ ràng, phải cưa dũa từng li từng tí, lại không có đủ các loại mẫu chìa cần dùng. Không có khoan máy, không dụng cụ hành nghề; tất cả đều làm bằng tay, sức lao động - tự tạo lấy dụng cụ (hay mẫu chìa chưa có đủ) để sử dụng… Móng ngón tay trỏ bàn tay trái của tôi luôn bị dũa mòn, sâu vào tận bên trong, không thể mọc ra được! Phần da đầu ngón tay mỏng gần chạm thịt, nhiều lúc bị chảy máu – là chuyện thường! Hai bàn tay thô ráp, xù xì, cầm lại cây viết rất khó! Nhưng tôi vẫn gắng “vui chơi” với cây bút bi, hằng mấy chục năm (bởi đâu còn gì để “vui chơi” nữa?). Đến gần cuối năm 2007, nhờ người bạn thông cảm, giúp cho ít tiền để sắm chiếc máy vi tính, nhưng tôi chia bớt tiền để thuê thợ mộc làm một chiếc tủ gỗ đựng sách  nên chỉ còn đủ tiền để mua lại…máy second – hand! Từ đó, tôi đã có thể tự viết bản thảo (hay ngồi gõ lại sau khi đã viết ở tập vở nháp nơi làm chìa khóa hằng ngày, đỡ tốn tiền nhờ dịch vụ đánh lại như xưa.). 

Suốt gần 15 năm, tôi cộng tác thường xuyên cho Vô Ưu, vừa viết bài, vừa góp phần xây dựng nội dung, và nhận phát hành cho tập san này nhưng tôi không hề nghĩ đến khoản hoa hồng hay nhuận bút (mà vẫn thường phải “bù lỗ” cho vài số báo còn lại sau mỗi kỳ vì cả thị trấn chỉ có 2 hiệu bán sách báo nho nhỏ, không tiêu thụ hết). Tôi vẫn nghĩ: “Hãy vui làm tất cả, theo khả năng, theo sự mách bảo của trái Tim, nhưng không để cho dính mắc gì cả!”. Nhờ sống và làm theo phương châm ấy của chư Tổ, chư vị Thiền sư …, tôi đã có được niềm vui và hy vọng trong mọi sinh hoạt, quan hệ thường nhật, nhiều lúc không đơn giản chút nào!

Từ năm 2003 cho đến hôm nay (những ngày gần cuối năm 2014), trong thời gian hơn mười năm, tôi đã xuất bản được mười bảy tác phẩm, gồm 13 tập truyện ngắn và 4 tập tiểu luận tạp bút (tổng cộng dày hơn một ngàn năm trăm trang); tổng số tác phẩm đã được xuất bản là 22 – với niềm đam mê như thưở ban đầu… Sở dĩ tôi đã có thể thực hiện được phần nào ước mơ đến với Thơ Văn từ thuở còn là cậu học sinh trung học, là nhờ vào những “duyên lành” của bạn văn, bạn đọc, đã sẵn lòng giúp đỡ, tạo điều kiện thuận tiện cho tôi xuất bản khi tác phẩm đã hoàn chỉnh bản thảo…

Viết xong phần 13, tạm kết thúc tập Hồi ký khởi viết vào ngày Mồng 1 tháng Ba – Canh Dần (14.4.2010), tôi bỏ đó – thỉnh thoảng mới có dịp đọc lại, chỉnh sửa thêm đôi chút vì trí nhớ lúc ghi vội có đôi chỗ chưa đầy đủ! Tôi làm vậy, là cũng để tự mình “sống lại” (và “nhìn lại”) những giờ phút, tháng ngày dong ruổi đã trôi qua đời mình…

Đọc lại lần này, phần 13 (ngoài vài phần trước đã được bổ túc), tôi chợt cảm thấy cần “nhuận sắc” thêm đôi điều về “cuộc hành trình còn lại” của tuổi 70, để hân hạnh được “trò chuyện” thêm cùng tất cả, cho vui – trước lúc chia tay. 

Nghĩ rằng, chuyện văn chương là “trò chơi” của riêng mình; mượn chữ nghĩa để chia sẻ vui buồn, ước mơ, khát vọng về cuộc thăng trầm đã nếm trải nơi cõi tạm – để mong cầu an vui, hạnh phúc cho chính mình và tất cả; nhưng đam mê này đã “đeo” theo tôi suốt đời, như cái “nghiệp” không thể “rời xa” - đôi khi cảm thấy rất nhiêu khê, và…rất khổ tâm! Ước mơ của tôi, trước hết, có vẻ “xa lạ” với những người thân quanh tôi, nên tôi đã lặng lẽ, một mình, dành trọn thời gian (và cả tiền bạc ít ỏi) cho việc sáng tác, biên tập, hoàn thiện các tác phẩm đã viết, rồi cố gắng xuất bản, cho vui! Tiếp theo, trong một hoàn cảnh đất nước đang có nhiều biến động, đổi thay – chuyện “vui chơi” như vậy, cũng không dễ dàng! Tôi nghĩ, khi tôi không còn có mặt ở cõi tạm nầy, chắc là chẳng có người thân, hay bè bạn nào được thư thả làm thay, lo thế cho tôi được (mà đành để cho những trang viết tâm huyết cặm cụi ghi lại qua bao năm rã mục như giấy vụn khi chưa kịp chia sẻ được với tất cả) – là một điều làm tôi rất ân hận. Bởi vậy, tôi đã nổ lực giới thiệu đều đặn mỗi năm 1 tác phẩm. Có năm hai, rồi ba tác phẩm được xuất bản, tuy với số lượng không nhiều. Có bạn ngạc nhiên hỏi vì sao tôi viết được nhiều, và xuất bản được nhiều vậy. Lý do: viết là một cách để không còn cảm thấy cô độc, một cách tốt nhất để “tiêu xài” khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại của đời người, và sau cùng, đem lại niềm vui, niềm an ủi cho mình, cho người; nên chăm chỉ viết mà chưa bao giờ cảm thấy nản khi Trái tim còn “đập bình thường”! Viết được, nên tôi cũng phải gắng “thắt lưng buộc bụng”, để mong được chia sẻ cùng tất cả (chứ nếu “xếp lại vào ngăn tủ” chưa biết đến bao giờ mới được “mở tủ ra”, thì buồn quá!). Chia sẻ được cùng quý bạn văn, bạn đọc, thì tôi mới cảm thấy “vui được hoàn toàn”! Và rất may mắn, tôi cũng đã được tất cả “nhiệt tình tiếp sức” mỗi khi có tác phẩm mới xuất bản…     

Những tháng năm còn lại ít ỏi của đời mình, tôi vẫn tiếp tục “trò chơi” đã chọn, với tấm lòng thành hiến dâng, và hy vọng cuộc sống sẽ mỗi ngày càng thêm tốt đẹp, có ý nghĩa hơn cho tất cả chúng ta, cho dầu Trái Tim bị hẹp động mạch chủ của tôi đã hẹp quá mức cho phép! Bác sĩ – tiến sĩ y khoa tim mạch Thân Trọng Minh (nhà thơ, nhà văn Lữ Kiều), người bạn văn đang theo dõi và chữa trị “nhân đạo” cho Trái Tim ốm đau của tôi đã nói vui: “Anh nên vui sống chung với lũ, trái tim anh vẫn còn… yêu rất khỏe!”. Vâng, tôi vẫn viết mỗi ngày, và vẫn Yêu Thương – mỗi ngày, thưa anh!… 

Yêu Thương người (và được người Yêu Thương), phải chăng là niềm Hạnh Phúc đích thực cho cuộc đời nơi cõi tạm của tất cả chúng ta?   
    
Rất mong được tất cả mở lòng tùy hỷ &và hỷ xả, nếu có điều chưa được hài lòng về những gì tôi đã “tâm sự” hôm nay!           
Trân trọng cám ơn… 

Quê nhà, tháng 4 năm 2010 - tháng 11 năm 2014
MANG VIÊN LONG