Sunday, January 11, 2015

1399. NGUYỄN XUÂN THIỆP Tản mạn bên tách cà phê










BÀI CA CÂY SỒI



Bắt chước thi hào nước Đức F. Hoelderlin, tôi muốn viết: Trên ngọn đồi kia có bóng cây sồi già. Trong vòm lá của nó, chim chóc thường về nghỉ cánh, ca hát vang lừng. Trên thân cây sần sùi, những chú sóc thường chạy chơi. Dưới gốc sồi mọc nhiều bông hoa, mùa xuân hoa tulip và daffodil nở đầy. Nơi đây, dưới bóng cây si này, tôi ước mơ một ngày kia đeo chiếc nhẫn cỏ vào ngón tay em…


   

Ngày xưa, hồi còn trong nước đọc truyện đọc văn tôi đã có lòng yêu cây sồi. Yêu thôi nhưng chưa thấy nó bao giờ. Phải tới khi qua Mỹ tôi mới nhìn thấy cây sồi thực. Ở Duncan, Oklahoma, trong nông trại của ông bà bảo trợ. Ở Parkwood, OK, trước ngôi nhà của anh con trai tên Bách thuê. Chung quanh gốc sồi mọc đầy những cây uất kim hương và thủy tiên vàng, thỉnh thoảng những chú sóc tung tăng chạy nhảy thật vui vẻ. Trước nhà anh con trai lớn là Tùng cũng có một cây sồi già, sớm chiều vang động tiếng chim. Có thể nói ở khắp nơi tại Dallas này đâu đâu cũng có bóng cây sồi. Nó sống cùng với kỷ niệm vui buồn của những đời người. Nó là hình ảnh mạnh mẽ của thần linh, không sợ cuồng phong, sương tuyết.
  
Nguyễn tôi yêu cây sồi và tìm thấy ở đó sự tin cậy, mùa xuân vĩnh cửu và niềm an nghỉ. Nhất là khi được nhìn thấy hình ảnh cây sồi khổng lồ, hình do nhiếp ảnh gia Edwin Wisherd chụp từ năm 1930 với lũ trẻ đùa chơi. Tuy vậy, tình yêu của Nguyễn đối với cây sồi (nói chung, không đặc biệt dành cho cây sồi nào) không thể  nào sánh với tình yêu của bà Val Theroux, 64 tuổi, ở Canada, dành cho cây sồi của nước Anh. Hơn 5 năm qua, mỗi năm bà vượt chặng đường dài 11 nghìn km đi thăm cây sồi người yêu của bà. Chia sẻ cảm xúc về cây sồi, bà Val cho biết: “Khi lần đầu tiên nhìn thấy cây sồi, tôi đã có một cảm giác gì đó rất đặc biệt. Tôi bắt đầu yêu từ đấy và kể từ khi trở lại Anh một năm sau đó, năm nào tôi cũng bay đi bay lại để thăm người yêu của mình”. Với bà Val, tất cả các cây đều có năng lượng giống như con người. Bà coi cây sồi đó như một con người, có thể khiến bà bị cuốn hút và nhớ nhung. “Đầu tiên, tôi coi cái cây như một thiếu niên nhưng tính cách của nó đã trưởng thành rất nhiều trong hơn 12 tháng qua”. Người phụ nữ kỳ lạ này còn thích được ở một mình bên cạnh cây sồi vào mỗi buổi sáng. Bà nói: “Tôi đến đây chỉ để ngắm nó. Nếu ở đây một tuần, tôi sẽ đến với nó tất cả các ngày và dành vài giờ trong ngày để chơi với nó”.
  
Họa sĩ Trịnh Cung của chúng ta cũng đặc biệt yêu những cây sồi tình cờ phát hiện thấy ở thành phố Arcadia, California, trong những ngày lang thang theo bóng mây trời. Ông nói những cây sồi ở đây mang dáng dấp con người một cách kỳ bí. Chúng đã gây ám ảnh và xúc cảm mạnh khiến ông đã vẽ và viết về chúng. Một trong những bức vẽ bằng chì than ấy, bức số 9, Trịnh Cung đã dành riêng tặng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng khi biết bạn mình đang lâm bệnh ngặt nghèo như một lời cầu nguyện tốt đẹp cho bạn. Và với “Huyền Thoại Cây Sồi Già và Người Đàn Ông Duy Nhất,” dùng hình thức của chuyện cổ tích, Trịnh Cung mô tả cây sồi như một biểu tượng của sự sinh tồn bất diệt, của tự do và yêu thương thủy chung dù trong bão tố, trong địa chấn hay trong khốn cùng. Với Nguyễn này, cây sồi là văn chương nghệ thuật, là tình yêu không nhạt phai. Dạo này, mỗi chiều từ phố về, Nguyễn đều nhìn thấy vầng trăng trên ngọn sồi già. Nó gợi cho mình biết bao cảm xúc thẩm mỹ và ý nghĩ nhân sinh . Như đêm nay…

đêm nay
trên đường về
anh lại nhìn thấy trăng lên
trên ngọn cây sồi
đầu ngõ
ôi. vầng trăng. thiền sư
và cây sồi
qua bao mùa gió dữ
bão tuyết
mưa sa
vẫn đứng
trầm tư. trong cõi người
như từ cổ sử
ôi. cây sồi của tôi


Nguyễn Xuân Thiệp