Friday, December 5, 2014

1288. LỮ QUỲNH Những kỷ niệm về một thời Ý Thức





   LỮ QUỲNH
NHỮNG KỶ NIỆM
VỀ MỘT THỜI Ý THỨC

(Nhân hội thảo về Văn Học Miền Nam 1954- 1975)



Lữ Quỳnh



Năm mươi năm kể từ ngày mà Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Trần Hữu Ngũ, Hoài Linh ở tuổi mười bảy, mười tám ngồi lại với nhau bàn chuyện văn nghệ, chuyện làm báo. Ngày mà những tác phẩm của  Camus, của Sartre bắt đầu nhập vào miền Nam. Ngày mà tôi còn nhớ, cuốn Ý Thức Mới trong Văn Nghệ và Triết Học của Phạm Công Thiện được lớp trẻ đón đọc nồng nhiệt.

Ngẫm lại mỗi thế hệ có nếp sống, nếp nghĩ khác nhau. Quan niệm về tình yêu mỗi thời mỗi khác. Thú đọc, chơi sách cũng vậy.

Nhớ những buổi chiều mùa hạ ở Huế, như đã hẹn nhau, tôi và Lữ Kiều đạp xe vào thôn Vân Dương. Từ ngôi nhà của bạn có dây leo bờ tường, có vườn hoa hồng xinh xắn, số 66 Lê Lợi, chúng tôi qua Ðập Ðá lộng gió, rẽ phải theo con đường làng nhỏ hẹp dọc bờ sông. Cuối đường, băng qua vài đồng ruộng vừa gặt xong, chỉ còn trơ chân rạ vàng úa, đến nhà Trần Hữu Ngũ. Ðôi khi chúng tôi phải chờ bạn từ đồng xa đi về.

Bộ bàn ghế đặt ngay chái hiên nhà đầu tiên đi vào, là nơi ba chúng tôi ngồi bàn chuyện đặt tên cho tờ báo, tờ “tạp chí” với nội dung thơ văn, tham luận, cả mục  sinh hoạt văn học trong nước! Sau nhiều buổi chiều đi về như thế, tờ báo đước chọn tên GIÓ MAI ( tiền thân của tạp chí Ý THỨC sau này ).

Gió Mai viết tay, đánh máy. Bìa nghiêm túc, đẹp mắt. Ðóng xén cẩn thận. Ra định kỳ 2 tháng, tuy phổ biến hạn hẹp, nhưng tờ báo được chuyền tay nhiều người. Ðược góp ý, được khích lệ. Thời gian không lâu sau, Gió Mai thêm sự cộng  tác của Nguyên Minh, Châu Văn Thuận, Hồ Thủy Giũ, Nguyễn Mậu Hưng, Hồ Thanh Ngạn…

Tiếp theo nhiều biến cố lịch sử, chiến tranh,trong đó có sự dấn thân của bạn bè. Mỗi người theo một phía, có chọn lựa và không có chọn lựa. Nhưng nợ văn chương vẫn đeo bám anh em nhóm Gió Mai. Có những dịp họp mặt hiếm hoi, anh em thường trao đổi nhau về sáng tác. Cho đến năm 1969, khi Lữ Kiều từ Phú Quốc; Lữ Quỳnh, Châu Văn Thuận từ Qui Nhơn; Hồ Thủy Giũ từ rừng núi Thường Ðức Quảng Nam; Nguyên Minh, Trần Hữu Ngũ ở Phan Rang có cuộc tụ hội bàn chuyện làm báo. Tờ Gió Mai được đổi tên: Tạp chí Ý Thức. Và,  tòa soạn theo chân người viết. Ấn loát do Nguyên Minh và Trần Hữu Ngũ. Tuy in ronéo, tờ báo được trình bày rất đẹp và phổ biến khá rộng rãi. Nhóm chủ trương lúc này thêm các bạn Lê Ký Thương, Ðỗ Nghê (Ðỗ Hồng Ngọc ), Trần Hoài Thư, Võ Tấn Khanh.

Cùng thời điểm này tập truyện ngắn, tác phẩm đầu tay  của Trần Hoài Thư, Nỗi Bơ Vơ Của Bầy Ngựa Hoang, được Ý Thức ấn hành. Một công trình không phải không khó khăn.

Qua năm 1970, một quyết định quá bất ngờ do Nguyên Minh đề xướng với nhóm chủ trương: tạp chí Ý Thức xin giấy phép ấn hành ở Sài Gòn. Mỗi tháng 2 số ( bán nguyệt san). Dược sĩ Nguyễn Thị Yến, một bạn thân, đứng tên chủ nhiệm. Thế là số báo ra mắt ngày 01-10-1970 dưới tiêu đề Bán Nguyệt San Văn Học Nghệ Thuật Ý Thức với truyện ngắn Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ, Nguyên Minh; Truyện dài Từ Kế Tường; Kịch Lữ Kiều; Ðọc sách: Quê Người của Dương Nghiễm Mậu; Xuôi dòng: Beethoven; Xã luận: Từ Chiến Khu về Hà Nội của Châu Văn Thuận. Nhà tổng phát hành Ðồng Nai nhận phát hành 7000 số. Nhóm chủ trương lúc này mở rộng, thêm: Ngụy Ngữ, Nguyễn Mộng Giác, Lê Văn Ngăn, Trần Hữu Lục.

Bên cạnh Bán Nguyệt San Ý Thức, cơ sở còn thành lập nhà xuất bản Ý Thức và nhà phát hành Hàm Thụ. Nhà xuất bản bao gồm nhiều tủ sách cho từng bộ môn như tủ sách Văn học Nghệ thuật, Dịch thuật, Tuổi thơ…Trong mấy năm đầu của thập kỷ 70, Nhà xuất bản Ý Thức đã lần lược ấn hành nhiều tác phẩm của Ðỗ Nghê, Lê Ký Thương, Trần Hoài Thư, Lữ Quỳnh, Nguyên Minh, Nàng Lai. Nhiều bản dịch văn học và lịch sử của Trần Quang Huề, Nguyên Thạnh, Minh Quân, Lê Ký Thương…Tất cả sách mới in và tạp chí Ý Thức từ số 7 trở đi do nhà phát hành Hàm Thụ đảm trách (Ý Thức 6 số đầu vẫn do nhà tổng phát hành Ðồng Nai).

Vì những thành viên trụ cột công tác ở khắp nơi, không thể hội tụ để tập trung  chăm sóc tờ tạp chí, nên Bán nguyệt san Ý Thức qua năm thứ hai có phần chệch hướng, không còn là tờ báo vốn có tiếng dấn thân tích cực, chống lại thứ văn nghệ salon, viễn mơ tràn ngập lúc bấy giờ. Thư ký tòa soạn và trị sự không kham nổi bài vở và điều hành nhân sự, tờ Bán nguyệt san Ý Thức số 24 phát hành xong thì đình bản.  (sau hơn hai năm góp mặt với các tạp chí văn học ở Thủ đô ).

Bây giờ giữa năm 2008 này nhìn lại, nhóm chủ trương tạp chí Ý Thức đã phiêu bạt khắp nơi, thật khó để hình dung ra một buổi họp mặt như ngày nào! Nhưng, không như Nguyễn Mộng Giác nghĩ “40 năm qua, từ những thanh niên hăm hở đi tìm một giải pháp cho thời thế và cho văn chương, họ đã bắt đầu trở thành những ông già chậm rãi, mỏi mệt, cuộc vui hằng ngày không phải là những hăm hở mở đường phá núi, mà là ngồi lặng yên bên chồng sách cũ”(*). Họ, tuy tuổi tác có cao, sức khỏe không còn như ngày nào, nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau, vẫn trao đổi chuyện văn chương, vẫn viết lách, in ấn: một Trần Hoài Thư ở New Jersey miệt mài với Thư Quán Bản Thảo, ra sức bảo vệ “di sản văn hóa miền Nam” bằng nhiều tuyển tập đáng nể; Một Nguyên Minh sáng tác đều đặn, dồi dào hơn thời làm thư ký tòa soạn; Một Ðỗ Hồng Ngọc xuất bản  tác phẩm đều đặn hàng năm; Một Lữ Kiều lúc nào cũng ấp ủ nội dung về một tờ tạp chí.

Các bạn đang ở Sài Gòn còn bị hạn chế nhiều mặt, nhưng biết đâu, trong và ngoài nước, một ngày không xa, tên tạp chí Ý Thức lại xuất hiện, cùng Ban biên tập mở rộng thêm một lần nữa.

Lữ Quỳnh
California, August 2008
Edit lại December 4- 2014
(*) Tựa Tập truyện Cát Vàng