Nguyễn Xuân Thiệp
Tản mạn bên tách cà phê
Quỳnh Giao ơi và Diễm ơi
sinh nhật anh
vào một ngày tháng bảy
trong vườn. sói. và thơ
… tháng 7 còn có sinh nhật của Nguyễn Xuân Hoàng và Đinh Cường. Tưởng là tháng 7 vui nhưng trong niềm vui đã ươm sẵn mầm mống của nỗi buồn: bạn Nguyễn Xuân Hoàng đang trên con dốc tử sinh (từ của Ngô Thế Vinh). Trong hình chụp thấy Hoàng gầy yếu mà xót xa.Những ngày này còn có tin Hoàng nằm suốt, không bước chân ra khỏi phòng.Tháng bảy buồn còn vì sự ra đi của hai người trong chỗ tình thân: ca sỹ Quỳnh Giao và nhà văn/nhà báo Nguyễn Minh Diễm. Hai người ra đi cùng một ngày của tháng 7 này: ngày 23 tháng 7. 2014. Hôm nay, sau khi hai người bạn không còn nữa, mình ngồi nhớ lại những đoạn đời đã qua cùng những nỗi bi hoan của kiếp sống này.
Với Quỳnh Giao mình chỉ quen biết lúc đã sang Mỹ. Ngày xưa, trước 1975, ngồi làm việc trong Đài Quân Đội Sài Gòn thỉnh thoảng thấy Quỳnh Giao đi ngang qua (nàng vào hát trong một chương trình của Đài). Mình có cảm tình với Quỳnh Giao là qua dáng người rất thơ và tiếng hát sang trọng, quý phái của nàng. Thêm điều nữa: cũng như Hà Thanh, Quỳnh Giao là người Huế, sinh ở Vỹ Dạ nơi có Vương Phủ của kẻ này.Thế nhưng, như mây trời trôi đi nắng không bến đỗ, phải đợi khi sang tới Mỹ mới quen biết Quỳnh Giao. Cũng không nhớ là khởi đầu từ đâu nữa. Có lẽ từ mình làm báo Phố Văn và gặp ở nhà Nguyễn Mộng Giác hay gặp khi đi nghe một chương trình nào đó có Quỳnh Giao hát. Hồi viết báo Phố Văn, cách đây đã mươi năm rồi, trong mục Tản Mạn Nguyễn đã viết về ngôi nhà thờ con gà Đà Lạt, nhân đó nhắc tới một cuộn phim đã xem thời còn trẻ là cuốn Les Dimanches de Ville d’ Avray (Những Chủ Nhật ở Ville d’Avray). Trong phim này có cảnh anh chàng Pierre vì thương và chìu ý cô bé mồ côi Cybèle, đêm Giáng Sinh đã trèo lên đỉnh tháp nhà thờ cao vút lấy con gà bằng sắt xuống cho cô bé. Trong bài viết của Nguyễn có một chi tiết sai: Nguyễn nói Pierre là một anh chàng thất nghiệp lang thang. Quỳnh Giao đọc được bài này, liền viết thư cho Nguyễn, nói: Anh chàng Pierre là cựu sĩ quan không quân chiến đấu ở chiến trường Đông Dương. Trong một phi vụ gặp nạn, đã tìm cách đáp xuống một khu làng, và trong hoảng loạn đã lỡ giết chết một bé gái. Từ đó Pierre bị ám ảnh bởi cảnh hãi hùng xảy ra, rơi vào trạng thái tâm thần chấn động và mất một phần trí nhớ (chứng amnesia). Giải ngũ trở về, gặp bé gái Cybèle mồ côi mẹ bị cha bỏ vào ký túc xá rồi quên luôn. Pierre tự xưng là cha của Cybèle, mỗi chủ nhật tới lãnh bé ra đi chơi.
Ca sĩ Quỳnh Giao (1946 - 2014) |
Trí nhớ và sự hiểu biết của Quỳnh Giao thật tuyệt vời. Từ đó, tình bạn với Quỳnh Giao ngày càng sâu đậm. Gặp dịp Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí ở Dallas mở Festival Văn Hóa, Nguyễn thay mặt anh em mời một số đông văn nghệ sĩ quen biết tới tham dự. Thử nhớ lại xem, này nhé, có Trần Mộng Tú, Phạm Xuân Đài, Phan Xuân Sinh, Lậm Chương, Nguyễn Trọng Khôi. Nguyễn Ước, Trần Doãn Nho, Trần Trung Đạo, Ngu Yên & Ngọc Phụng và Nguyên Thảo, Hoàng Xuân Sơn, Hải Phương & Queen, Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm, vợ chồng Triều Hoa Đại, Trần Nghi Hoàng và Hoàng Thị Bích Ti, nhà thơ Trần Thị Hà Thân… Dịp này, Quỳnh Giao đi cùng Lê Uyên và Nguyễn Đình Toàn tới. Đó là vào tháng 10 năm 2005. Ngồi ăn bún bò trong quán Tây Đô, Quỳnh Giao nói vui với mọi người: mới đó mà mình đã gần sáu bó. Nghe ai cũng ngạc nhiên vì Quỳnh Giao trông còn trẻ quá.Trong buổi văn nghệ, Quỳnh Giao hát và độc tấu dương cầm. Hình ảnh Quỳnh Giao nổi bật trên sân khấu.Cả mình và Ninh Hạ Nguyễn Đức Tâm được dịp nói tiếng Huế với Quỳnh Giao. Vui thiệt là vui.
Quỳnh Giao và Trần Mộng Tú ở Festival Văn Hóa Dallas 2005 |
Nhưng hỡi ơi ngày vui ngắn chẳng tày gang (xin lỗi phải dùng tới sáo ngữ mới thấy thấm thía). Kể từ buổi đó không có dịp gặp lại Quỳnh Giao nữa, chỉ thỉnh thoảng gọi điện thăm và gởi tặng sách báo, CD cho nhau. Rồi như sét đánh giữa trời quang mây tạnh, tin buồn tới với bạn bè anh em, trong đó có Đinh Cường, Hải Phương, Nguyễn Trọng Khôi và kẻ này cùng nhiều người nữa: Quỳnh Giao ra đi vào sáng sớm ngày 23 tháng 7. 2014. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta mất đi hai ca sĩ tiêu biểu của bầu trời xứ Huế: Hà Thanh và Quỳnh Giao. Mấy hôm nay, trong ánh nắng rực rỡ của mùa hè mà lòng mình cứ chùng xuống. Thỉnh thoảng nhớ tới bạn, đi tìm lại các CD có giọng hát Quỳnh Giao và lục tìm trên lưới những âm thanh và hình ảnh gợi lại một vùng đất vùng trời. Trong số những ca khúc Quỳnh Giao hát, mình đặc biệt yêu thích hai bài: Hình Ảnh Một Buổi Chiều và Hoàng Hạc Lâu. Ôi, vàng tung cánh hạc bay bay khuất / Trắng một màu mây vạn vạn đời… Xin chia tay cánh hạc vàng của nền âm nhạc Việt Nam.
Quỳnh Giao trên sân khấu Festival Văn Hóa Dallas 2005 |
Với Nguyễn Minh Diễm, giáo sư triết học, cái tình đậm đà hơn với một bề dày thời gian gần 50 năm. Quen nhau ngày ấy ở Đà Lạt, cùng sống những tháng năm nồng mùi Sir Walter Raleigh, đế Ngô Như Khương, và cà phê chị Yến, những không gian đầy ắp tiếng cười và mộng tưởng. Hồi đó bọn này gồm có Nguyễn Minh Diễm, Nguyễn Quang Tuyến, Trương Toàn, Phạm Kế Viêm và Nguyễn cùng dạy trường Văn Học của Chử Bá Anh. Chơi thân thiệt thân có Diễm, Tuyến, Thái Lãng và kẻ này. Sáng cà phê thuốc lá chiều rượu đế với chân gà cánh gà hầm thuốc bắc. Đời như rứa là vui quá chừng. Nhưng huyễn mộng nhất là chuyện mở quán sách và nhà in Nhân Văn. Khởi đầu cũng là bên ly cà phê và chén rượu. Buổi cuối cùng đi tới quyết định là lúc ngồi ở Nhà Thủy Tạ trên Hồ Xuân Hương. Đó là thời điểm những năm đầu 70 của thế kỷ trước.
Nhà báo Nguyễn Minh Diễm (1943 - 2014) |
Vậy là sau nhiều bàn bạc cả bọn đi tới quyết định mở trước hết là một cái nhà in. Biết anh bạn Nguyễn Duy Diệm giáo sư dạy triết ở Bùi Thị Xuân cũng có máu văn nghệ thích hoạt động sách vở báo chí lại có quen biết rộng chúng tôi mời thêm anh vào nhóm. Sơ khởi mỗi người góp một lượng vàng để mua sắm máy móc và dụng cụ in ấn.Thật ra không anh nào có tiền cả phải vay mượn bà con. Diệm quen với người chủ nhà ở 72 Duy Tân chỗ nhìn lên cái nhà chuồng cu của nhà ngữ học Nguyễn Bạt Tụy. Chúng tôi mướn tầng trên làm nhà sách và salon cà phê tiếp.khách, basement ở dưới đặt nhà in. Cơ sở lấy tên Thư Ấn Quán Nhân Văn và bảng hiệu là do anh bạn họa sĩ Đinh Cường cho mẫu chữ và vẽ kiểu. Tiệm có mái auvent bằng vải bạt, bên trong trang trí thật đẹp, kiểu Paris, ai nhìn vào cũng thích. Sách lấy ở các nhà xuất bản như An Tiêm, Lá Bối và kho sách của anh Tùng ở Sài Gòn. Máy in và các bộ chữ cùng dụng cụ linh tinh tôi nhờ ông anh vợ có cơ sở in ấn ở Sài Gòn cung cấp. Thợ chính là bác Lại ở đường Hàm Nghi, những thợ khác là ông Ruẩn và anh Lập do tôi gởi về Sài Gòn học nghề. Thư Ấn Quán hoạt động khá nhộn nhịp, đây là nơi lần đầu tiên Lê Uyên Phương và Lê Uyên hát nhạc của Lộc với sự có mặt của Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Thế Uyên và nhiều anh em văn nghệ sĩ khác. Ôi, một thời thật đẹp và đầy mộng tưởng. Ở đây, Nguyễn Minh Diễm là người đóng vai trò điều hành mọi việc. Cơ sở hoạt động được hai năm thì bán cho linh mục Nguyễn Văn Khoát. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cực vui và lãng mạn. Sau này bọn Nguyễn còn có thêm Thái Lãng, Trần Hữu Lục, Lê Khắc Hùng, ngồi làm việc chung với nhau xuất bản tờ Thời Điểm, bản tin văn hóa hàng tuần, Được mươi số thì ngưng. Diễm và Nguyễn qua cộng tác với tờ Đất Sống của Nguyễn Duy Diệm. Nguyễn phụ trách trang thiếu nhi, Diễm chuyên viết mục phiếm, chứng tỏ một văn tài chin chắn. Điều này còn biểu lộ trong những bài viết sau này khi ra hải ngoại.
Thế rồi biến chuyển dồn dập trong đời mình và đời chung. Nguyễn được cử đi học Trung Cấp Chiến Tranh Chính Trị, ra trường lên công tác ở Pleiku mấy tháng rồi chuyển về Đài Quân Đội Sài Gòn vào đầu năm 1974. Hơn một năm sau thì Miền Nam mất. Thế là anh em tan tác. Mình đi học tập cải tạo ra tới Miền Bắc. Diễm cũng đi học tập gần ba năm rồi sống lây lất một thời gian, sau đem hết gia đình về Sài Gòn. Bảy năm sau Nguyễn về lại Sài Gòn, Diễm lúc này đã tạm ổn định, nhà ở trong thành Ô-ma. Cuộc vui lại tiếp tục dù trong nỗi khốn khó, nhọc nhằn. Diễm giới thiệu đi làm phấn viết bảng ở trường Đại Học Sư Phạm, kiếm tiền cà phê thuốc lá. Được một thời gian thì rãđám. Thật là rách rưới nhọc nhằn. Nhiều lúc quá nản chí than với Diễm. Diễm nói có gì mà phải lo, tôi nuôi ông cũng được vậy. Ôi muốn rớt nước mắt. May mà nỗi tuyết vọng rồi cũng qua.Nguyễn tìm được chỗ dạy học chui, rồi dần dần vào dạy ở trung tâm ngoại ngữ Vocatech của Nghiêm Phú Phát rồi trường Sinh Ngữ 2 ở đường Trần Hưng Đạo. Diễm ra mở tiệm phở phát đạt, mình thường đến ăn khỏi trả tiền. Bây giờ thì bia Tiger và xíu quách, lòng heo đều đều. Hai con trai của Nguyễn vượt biên thành công, một năm sau thì có tiền gởi về mỗi tháng. Anh em bây giờ có năm người: Nguyễn Minh Diễm, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Thạc, Vũ Sinh Hiên và Nguyễn này. Mỗi tuần thường tụ nhau ở nhà Diễm, nhà Khánh hoặc nhà mình. Rồi thành lệ, mỗi năm Tết đến, anh em kéo tới nhà mình bên bờ sông Thanh Đa vào ngày mùng 4. Diễm đem tới món giả cầy của chị An Thục Đức nấu tuyệt cú mèo, hiền nội thì có nồi măng hầm và cua xào miến. A, cuộc đời đã bớt đắng cay mà có thêm vị ngọt. Cho đếntháng 6. 1995 thì gia đình Nguyễn có giấy đi Mỹ theo diện HO. Dịp này, Nguyễn có in một tập thơ nhỏ để tặng anh em Như Một Lời Chia Tay, lại cũng do Diễm đánh máy và layout rồi đem in. Trước khi lên đường có cuộc họp mặt bạn bè, có hoa cẩm chướng, có rượu và những món ăn ngon. Còn có tiếng đàn dương cầm của Hồ Đăng Tín, tiếng hát của Phùng Văn Hưởng, giọng đọc thơ của Nguyễn Phan Thịnh.
Sang tới Mỹ, một thời gian sau bạn bè lại gặp lại nhau. Vẫn những cuộc họp mặt đông vui, có thêm vài bạn mới -khi thì ở nhà Diễm bên Virginia có lúc ở nhà mình tại Dallas này. Hương vị ngày xưa sống lại nồng nàn trên đất Mỹ với món giả cầy của vợ Diễm và món măng hầm của hiền nội. Diễm lúc đầu làm những việc bình thường trong các siêu thị. Về sau, vào làm Đài RFA, chức vụ Giám Đốc. Đây mới đúng môi trường để Diễm sử dụng tài năng của mình, thực hiện nhiều chương trình lớn: Ký sự về Cải Cách Ruộng Đất, phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, Những Trang Blog… Những chương trình này hiện còn lưu giữ tại Đài. Nguyễn cũng được cho giữ một trang blog, đóng góp một số bài tản mạn văn học, được một thời gian thì ngưng do trục trặc hành chánh. Hồi làm báo Phố Văn, nhớ lại cuốn truyện của nhà văn Nam Tư Ivo Andric được giải Nobel mà hồi ở Nhân Văn Đà Lạt anh em rất mê, Nguyễn bèn nhờ Diễm viết về Chiếc Cầu Trên Sông Drina. Diễm viết ngay một bài đặc sắc phong phú, ký tên Nguyễn An, hiện Nguyễn còn giữ được. Nguyễn cũng như Diễm sống ở Mỹ mà hồn còn mơ về Đà Lạt chốn xưa. Tâm tình đó sống lại trong bài viết Đà Lạt, Ở Một Góc Khuất Của Virginia.
Thời gian trôi qua, quá khứ và hiện tại trộn lẫn.Rồi Diễm lâm bệnh cách đây 7 năm. Chứng ung thư bao tử tưởng đã được trị dứt, không ngờ hơn một năm nay trở lại tấn công những bộ phận khác trong cơ thể. Hồi tháng Giêng 2014, Nguyễn sang DC giới thiệu 3 cuốn sách vừa ấn hành, Diễm đã có mặt với một bài nói xuất sắc. Trong buổi gặp gỡ ở nhà Trương Vũ, Diễm kêu mình ra nói riêng về căn bệnh đang trở nặng, giọng nói khá bình thản. Tháng Tư vừa rồi nghe Diễm phải ngồi xe lăn, Nguyễn qua thăm thấy Diễm vẫn nói cười sinh động cũng yên tâm phần nào. Vậy mà Diễm đã ra đi. Chiều nay nhìn mây trôi sao lòng ngổn ngang bao nỗi bi thương. Quỳnh Giao và Diễm ra đi cùng một ngày, giờ đây đâu còn những cuộc vui họp mặt. Ôi, mây kia…
trên đường tôi đi. chiều nay
gió đã cuốn hết những bông hoa đang mùa
magnolia ơi. về đâu
bạn nguyễn minh diễm của tôi ơi. về đâu
“xưa hạc vàng bay vút bóng người”
tiếng hát quỳnh giao chiều nay nghe lại. lòng bỗng như cơn bão cháy rừng
vầng trăng in mặt trên bức tường nhà hát lớn. cũng đã chết theo tiếng đàn thùng. của người nghệ sĩ thân gầy
một chiều yểu mệnh. như trong thơ bích khê
tôi đi
những ngôi nhà khóa kín cửa
không lửa ấm trong chiều
sự sống. và nỗi chết. cùng nắm tay nhau
ôi. một chiều
xanh giấc mộng desdemona
July 2014
Nguyễn Xuân Thiệp