Wednesday, June 5, 2013

225. LUÂN HOÁN Đinh Cường, mộng du những nhan sắc









L U Â N   H O Á N
Đinh Cường, mộng du những nhan sắc




Châu Bích, Đinh Cường. Luân Hoán và Lý tại phố cũ Montréal




          Sinh hoạt văn học nghệ thuật là một công việc vượt quá khả năng của tôi. Tôi làm thơ và in thơ có thể hơi  nhiều, nhưng thời gian dành cho công việc này không bao nhiêu. Bởi tôi thường thực hiện thú vui với thơ trong những giờ đang làm một công việc khác, như đang đi trên đường đến đâu đó, đang làm những công việc lao động chân tay... và cả những khi nằm bệnh. Vì thế chuyện làm thơ, in thơ của tôi khó có thể gọi là làm văn học nghệ thuật. Tuy chỉ để chơi thôi, nhưng trong cái thú của mình, tôi đã làm phiền đến khá nhiều ông họa sĩ thứ ngon lành. Trước 1975, họa sĩ Nghiêu Đề xem tôi như một cục nợ. Sau 1975, mấy ông Đinh Cường, Khánh Trường, Vivi...chắc đã ớn mặt tôi nhiều lần.
          Họa sĩ Đinh Cường là một tên tuổi. Tôi không dùng những chữ đứng kèm: lớn, hay vĩ đại. Những chữ này có người tầm thường đã lợi dụng, dùng mòn cả rồi, không còn thú vị để lặp lại. Đinh Cường được biết đến không riêng trong lãnh vực hội họa. Những người viết văn, làm thơ, viết biên khảo, viết nhạc...đều quen thuộc tên ông. Dĩ nhiên những người thưởng ngoạn nghệ thuật, từ thập niên 60 đến hôm nay, cũng dành cho ông nhiều cảm tình và ngưỡng mộ.
          Tiểu gia đình của tôi hiện nay gồm có chín người trên 18 tuổi, nhưng chưa hẳn đã trưởng thành, cụ thể như tôi. Trong chín người đã có đến 8 người biết và kính mến họa sĩ Đinh Cường. Người còn lại chưa được biết đến họa sĩ, là cô con dâu của tôi, Cao Nguyệt Lan,  còn ở Kiên Giang, Việt Nam. Năm ngoái hôn lễ của hai cháu, tôi không về được. Để thay sự hiện diện của mình và cũng để chia vui cùng gia đình ông bà sui gia, tôi tự trình bày và in màu bằng máy rẻ tiền, Epson C60, một tấm thiệp chúc mừng. Tôi hay làm những logo, poster vớ vẩn, nên khá quen tay. Muốn tấm thiệp tăng phần trí thức, mỹ thuật, tôi không ngại dùng hình chụp họa phẩm Thiếu Nữ Áo Vàng của Đinh Cường. Một họa phẩm tôi rất thích và đã mượn chưng trong tiểu mục “trích Thơ Luân Hoán” trong trang Vuông Chiếu. Tôi không xin phép và cũng không báo cho tác giả biết, vì chỉ làm độc một bản, gởi đến một gia đình. Thiệp gởi đi một thời gian, tôi gọi về thăm. Cô dâu khen qua điện thoại: “Ba làm thiệp đẹp quá. Hình cô gái ba vẽ thật tuyệt. Ba má con khen quá trời...”. Tôi nghe hết hồn, vội đính chính :... “Ồ, không phải ba vẽ đâu, tranh của một người bạn, ba dùng đỡ vậy thôi”. Tuy cụt hứng, con bé cũng khen tiếp: “Bạn ba vẽ đẹp quá, ông là họa sĩ hả ba ?”. “Vâng, một họa sĩ nổi tiếng”. Dĩ nhiên tôi không quên khoe cái tên Đinh Cường một cách trang trọng và quí mến. Qua điện thoại, tôi không thể nói thật rõ về người bạn của mình, nên hôm nay, lợi dụng bài viết này, tôi viết ít dòng tiểu sử của họa sĩ Đinh Cường, hy vọng ít hôm nữa con dâu tôi qua, chữ đã thành sách cho cháu đọc, hiểu rõ hơn về một tài hoa của hội họa Việt Nam từ thập niên 60 đến hôm nay, và còn tiếp tục tỏa sáng.
          Đinh Cường không dùng bút hiệu. Ông sinh năm 1939, tại Thủ Dầu Một, một vùng đất giàu hoa trái, ấm áp những bóng cây xanh. Trời đất chung đụng giữa những nhịp thở của sông, rạch, tiếng chim. Một quê hương đủ để làm ánh lên trong tranh ông sau này những hồn màu đất sét, những dáng bước nhẹ nhàng, chừng như vô âm của những con chim thời ấu thơ. Lớn lên, Đinh Cường theo học tại Pétrus-Ký Sài Gòn. Rồi vào Mỹ thuật Gia Định. Trường lớp giai đoạn đầu còn đơn sơ, thiếu chỗ, Đinh Cường phải ngồi học lớp Dự bị trong một căn nhà của trại gia binh, phía sau trường. Cùng chung bàn với ông còn có hai người bạn học thành danh sau này, Mai Chửng và Hồ Hữu Thủ. Cả ba đua nhau tiếp thu nghệ thuật trang trí được truyền đạt từ thầy Trịnh Hữu Định, một họa sĩ có tinh thần sáng tạo rất mới ở Pháp về (ông hiện sống tại Sài Gòn) Và nghệ thuật xây dựng tượng từ đôi tay chuyên nghiệp của thầy Đỗ Đình Hiệp (đã qua đời). Giáo sư Lê Văn Đệ cũng đã làm giàu thêm kiến thức hội họa cho Đinh Cường và các bạn ông trong giai đoạn này. Năm 1957, Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, Linh mục Cao Văn Luận cho mở thêm phân khoa Cao Đẳng Mỹ Thuật. Đinh Cường đã về đây trong khóa 3, cùng với Nguyên Khai. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1963, Đinh Cường trở lại Gia Định học tiếp khóa Sư phạm Hội họa. Ông chính thức làm thầy dạy các kiều nữ Đồng Khánh của Sông Hương từ 1965.Có lẽ vừa dạy vừa lo sợ “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy / có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” (thơ HMT) nên năm 1967, Đinh Cường về giảng dạy tại Cao đẳng Mỹ Thuật Huế, đề huề đủ nam, đủ nữ, cho đến biến cố lịch sử 1975.
          Ngay từ thời làm sinh viên cho đến lúc đứng trên bục giảng, Đinh Cường  đã có sự sáng tác bền bĩ, nhờ tâm hồn yêu nghệ thuật tuyệt vời, cùng những lãng mạn cần thiết của một họa sĩ. Ông sớm tạo được chỗ đứng riêng cho ông trong hội họa Việt Nam. Những thành công này được đánh dấu bởi huy chương Bạc Hội họa Mùa Xuân năm 1962 và 1963, giải thưởng của tòa Lãnh sự Trung Hoa tại Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế tổ chức tại Sài Gòn. Tranh của ông được Phủ Văn Hóa Việt Nam Cộng Hòa chọn tham dự tại Musée d’Art Moderne tại Paris, Pháp. Bên cạnh đó, những thành phố lớn của các quốc gia Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brésil, Ấn Độ, Tunisie, Canada đều có tranh của ông ra mắt giới thưởng ngoạn qua các cuộc triển lãm qui mô. Trong thời gian từ 1962 đến 1975, Đinh Cường đã triển lãm chung và riêng trên 20 lần tại các thành phố Huế, Ðà Nẵng, Sài Gòn, Ðà Lạt, Pleiku, Nha Trang. Sau 1975 Đinh Cường cũng có nhiều cơ hội bày tranh riêng hoặc chung với các họa sĩ Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ... tại Sài Gòn. Những  cuộc  triển  lãm rất thành công tiêu biểu sau 1975 tại hải ngoại  có thể kể:
. Tháng 2 -1990 tại McLean, Virginia USA
. Tháng 6 -1991 tại Georgetown Art  Gallery,  Washington, USA
. Tháng 9 -1991 tại Le Jardin du Boisé,   Montréal, Canada
.  Năm 1993 được Smithsonian Museum, Washington, DC chọn. Ngoài hội họa, Đinh Cường còn góp tay rất thành công trong nhiều bộ môn khác. Thơ, tiểu luận về hội họa, hoặc hồi ký, tạp ghi về bằng hữu  được đăng trên các tạp chí  văn học nghệ thuật: Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21...Một số tác phẩm có đóng góp của Đinh Cường: Trịnh Công Sơn Cuộc Ðời-Âm Nhạc-Thơ-Hội Họa, 20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại...
          Tôi có vẻ rành nghề viết tiểu sử, nhờ đã từng viết lý lịch nhiều lần. Nhưng việc tóm ghi mươi dòng thân thế sự nghiệp của một người nổi tiếng xem ra vẫn rất khó. Trong những dòng trên, chắc chắn còn thiếu sót rất nhiều, mong có dịp sẽ bổ sung sau.
          Tôi biết danh Đinh Cường từ đầu thập niên 60. Thời ấy tôi vẫn tưởng Đinh Cường là con dân của đất cố đô. Anh có sự ràng buộc thân tình và bền vững với Huế. Ngoài thời gian dài ăn ngủ với xứ thần kinh, Đinh Cường còn ký hợp đồng sống chung vĩnh viễn với một o có đôi mắt Huế hữu duyên vì biết háy / nét đài trang trong dáng nhíu lông mày (LH). Hơn thế nữa, anh còn rủ rê nhà văn Dương Nghiêm Mậu cùng về làm anh rể nhà văn Hồ Đình Nghiêm, người bạn văn sau này của tôi. Với Huế, Đinh Cường ngoài tình yêu, còn có tình bạn tuyệt vời với các anh Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Lữ Quỳnh...Tình yêu, tình bạn đã biến dòng máu trong cơ thể anh có hơn một nửa mùi thơm của núi Ngự, sông Hương. Việc tôi ngỡ anh là người Huế, do vậy không hoàn toàn sai.
          Nhớ lại với những ngày đầu tôi biết danh Đinh Cường, vào những năm đầu của thập niên 60. Thời ấy Huế có nhiều người sinh hoạt văn học nghệ thuật, đang trên đường lập danh. Tên tuổi những người đã vượt đèo Hải Vân vào đến Đà Nẵng của chúng tôi có Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Trần Quang Long...nhiều nữa. Riêng Đinh Cường, anh đã tham dự một cuộc triển lãm chung, trong đó có Hoàng Trọng Bân, Nguyên Hạo của Đà Nẵng. Phòng tranh này tôi được hai bạn Lam Hồ và Tô Yên Lê Văn Nghĩa cho biết. Lúc đầu tôi dự trù sẽ đi xem nhưng không hiểu sao, giờ chót tôi cùng Châu Văn Tùng vào Hội An. Có thể tôi nhớ không chính xác về lần bày tranh này. Nhưng một cuộc triển lãm khác của Đinh Cường tại Centre Culturel Francais de Danang, nằm ở ngã tư hai đường Độc Lập và Thống Nhất, thì tôi vẫn chưa quên. Cuộc triển lãm hình như được bảo trợ bởi Trung tâm Văn hóa Pháp.Trong buổi cắt băng khai mạc tôi thấy có những viên chức người Pháp, nhà văn Duy Lam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhiều khuôn mặt trí thức khác. Dĩ nhiên không thiếu những thiếu nữ nhan sắc đang độ của Đà Nẵng. Đinh Cường lúc bấy giờ thon gọn, đẹp trai lắm, nhất là mái tóc rất nghệ sĩ. Anh mặc đồ lớn chững chạc, môi ướt nụ cười xã giao. Tôi là một người đến xem tranh vô danh và  lặng lẽ. Cùng lúc ngắm những họa phẩm, thỉnh thoảng tôi liếc mắt quan sát ông họa sĩ cho biết. Và tôi xem tướng anh theo cảm nhận tự nhiên. Đây là một người ít nói, ưa làm việc, nhưng chỉ với những công việc mình yêu thích, nghĩa là ông có thể rất lười biếng và ham chơi, nhất là ham lang thang. Nghề coi tướng của tôi không học ở trường lớp nào, có chính xác chút nào không, chỉ có thể do chính Đinh Cường trả lời. Có một điều tôi không phủ nhận, những nét đặc trưng tôi vừa nêu đều rất phù hợp với tôi. Chính vì thế, tôi thấy có cảm tình ngay với anh. Nhưng tôi là người thiếu cởi mở và dè dặt, nên không tìm ra lý do nào để đến làm quen, hay ít ra xin được bắt tay để tỏ lòng ngưỡng mộ.
          Cái tình của tôi với Đinh Cường trong nhiều năm chỉ có vậy, dù năm tháng tiếp theo, tôi vẫn theo dõi và rất thích tranh anh, được triển lãm nhiều nơi trong nước. Trong mỗi cuộc triển lãm, tranh Đinh Cường được đón nhận nồng nhiệt. Báo chí thủ đô phổ biến nhiều bài nhận xét tranh anh, được thực hiện bởi những người có trình độ thưởng ngoạn hội họa đáng tin cậy. Dĩ nhiên cũng không thiếu những nhận xét chân tình của bè bạn anh.
          Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gọi Đinh Cường là Thi sĩ của hoài niệm. Ông diễn đạt nhận xét của mình:
          ... “Với cái nền lãng mạn đầy tính chất thi ca, Đinh Cường đã say sưa ‘vọc’ sơn dầu và nhồi nặn tâm hồn mình vào trong ấy. Thời gian ấy, tôi rất hiếm thấy những họa sĩ trẻ sử dụng sơn dầu nhuần nhuyễn như Đinh Cường. Và đó cũng là giai đoạn của những khỏa thân xanh (nu bleu) khỏa thân hồng (nu rose) phảng phất đường nét của Modigliani, một trong những bậc thầy về chân dung mà anh rất ngưỡng mộ và yêu mến...”
          Trịnh Công Sơn còn đẩy nhận xét đi xa hơn:
          ... “ Trong Đinh Cường luôn luôn có sự trở về . Anh không có cái logic của người luyện kim từ một mẩu sắt thô biến thành một thanh kiếm đẹp. Anh mang trong mình một nỗi nhớ không nguôi với kỷ niệm. Trong tranh Đinh Cường không có bóng dáng của cái gọi là sự trở thành (le devenir). Anh có vẻ như đang còn mãi đi tìm cái tuyệt đối trong sự tương đối được lặp đi lặp lại của một đời người. Tìm đến tranh Đinh Cường là tìm đến sự yên tĩnh đằm thắm, thơ mộng...
          Mười năm và có lẽ là nhiều hơn nữa, Trịnh Công Sơn viết thêm về người bạn chí thân của mình:
          ... “Tôi là người khách vãng lai thường trực của atelier Đinh Cường. Đêm cũng như ngày. Thế giới tranh của Đinh Cường đối với tôi không có gì xa lạ, bởi vì chúng tôi đã cùng sống trong thế giới ấy từ những ngày lòng chưa hề vướng bận về một tiếng thở dài...”
          Trịnh Công Sơn cho biết tiếp:
           .... “ Trong Đinh Cường có một thứ hoàng tử bé suốt đời song hành với hắn....Rong chơi là một thứ kinh vương giả trong tâm hồn Đinh Cường. Cứ lên đường, dù cao nguyên, dù biển là đã nghe thấy trong Đinh Cường vang lên một tiếng reo vui mãn nguyện. Đi không là sứ mệnh của đôi chân, mà đi, với Cường, là lòng ngưỡng vọng linh thiêng về một tiếng gọi. Tiếng gọi của một thế giới tự mình tìm thấy từ những ngày còn trẻ trung, tìm thấy và nhớ mãi....Đi để nhận ra một cách buồn bã những gì thiên nhiên đã đánh mất mà mình vẫn còn lưu giữ lại trong tranh...” (Trịnh Công Sơn, 11-1988, báo Thanh Niên)
          Nếu trích đoạn hết những bài nhận xét của những người thành danh viết về Đinh Cường, tranh Đinh Cường, có lẽ tôi không thực hiện nổi, dù tôi đang có trước mặt những bài viết của họa sĩ Võ Đình, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà thơ Cao Đông Khánh, nhà văn Đỗ Long Vân, nhà thơ Du Tử Lê, nhà nghiên cứu phê bình hội họa Huỳnh Hữu Ủy, nhà văn Bửu Ý, nhà văn Hồ Đình Nghiêm... Tất cả đều đưa ra những nhận định, những đánh giá chân tình, giàu giá trị, rất đáng được tổng hợp cho một bài viết về Đinh Cường, nhưng như đã nói, tôi thiếu khả năng đúc kết, nên chỉ xin trích thêm ý kiến của vài nhà báo tại Sài Gòn, sau 1975.
          “Đinh Cường từ Mỹ trở về. Tranh ông như rắn rỏi hơn, sâu đằm hơn mà không hẳn mất đi cái chất "tóc gió thôi bay". Những mảng màu đầy chất hội họa và kỹ thuật tinh khéo. Đặc biệt là những bố cục, phong cảnh đô thị có kết cấu vừa đồ sộ vừa chông chênh, vừa tự tin, vừa lo lắng. Nửa Sân Tuyết hay Đất Cũ, Vong Thân hay Về Trên Phố Xưa chỉ là tên hai đầu của một sự kết nối, và vẫn chỉ là một thực thể là tâm hồn ông. Ở đây hay ở kia vẫn là một Đinh Cường của Huế, thơ và thực hòa nhau, dù lúc này đây thực có nặng cân hơn và vì thế tranh ông thuyết phục hơn”. (Nguyễn Quân, Tuổi Trẻ Chủ nhật, ngày 27-8-200)
          “Vừa từ Mỹ trở về để tham dự cuộc triển lãm, họa sĩ Đinh Cường trưng bày những bức tranh phong cảnh tịch liêu, trầm mặc, thể hiện kỹ thuật sơn dầu chín chắn , đầy tự tin của tác giả. Thế giới trừu tượng của ông là cuộc chơi ý nhị, tinh xảo giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những mảng màu sần sùi và nét vạch khô cứng với những khoảng không gian trơn nhẵn, phẳng lặng, trong hành trình trở về với cội nguồn thẳm sâu của tâm khảm”.       (Long Nghi, báo Lao Động, ngày 30-8-2000).
          Và cũng như đa số tác giả của nhiều bộ môn, Đinh Cường đã có dịp tự bạch trong một catalogue dành cho một cuộc triển lãm:
          “ Xin đừng bắt tôi giải nghĩa tranh. Nó đã hiện ra đó và tôi đã hụt hơi, mệt mỏi. Thế giới xa lạ được dựng lên từ một hồi ức hay một bắt gặp vụt đến, rồi loang dần trên một khoảng không đen, khoảng không mà tôi đã đối diện trong những ngày tháng sống chìm lỉm, câm nín, mỏi mòn, xô dạt lối về gần với hư vô, tiếng vọng bi thảm của một hồi chuông lạ Xin ghi nhớ một góc hành lang, nơi tôi đã đặt giá vẽ, đêm nào mưa bão thổi qua hay cơn nóng của một mùa hạ sắp tàn.Nơi đó tôi đã mài nhẵn ý thức, ném từng vô vọng, đổ từng hơi thở xuống nhũng khung vải vốn hiền từ. Mỗi bức tranh là một hơi thở. Và nó thành hình tức là tôi đã chết. Tôi trở lại cùng người thưởng ngoạn. Nhìn sự mới lạ như lần đầu tiên mới đến. Xin hãy cảm chớ đừng bao giờ tìm hiểu”  (Đinh Cường).
          Trong một lần khác, trả lời phỏng vấn của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, biên tập viên báo Ngày Nay, đăng trong số phát hành ngày 01 tháng 11năm 2005 tại Houston, Đinh Cường bày tỏ tỉ mỉ hơn:
          “...Bức tranh khi vẽ xong là như tất cả hơi thở của tôi phà vào đó. Có lúc thư thái, có lúc mệt mỏi. Khi tranh đã hoàn chỉnh thì mình như bắt gặp một thế giới khác. Nghệ thuật là một thế giới khác. Người xem tranh phải thấy được thế giới khác ngoài thực tại. Không cần suy ngẫm ra một triết lý hay sự gửi gấm một ý tưởng nào nếu nó không đạt đến nghệ thuật. Bức tranh tự nó hoàn chỉnh với tất cả ý tưởng. “Ý tưởng đẹp mà vẽ không tới chỉ khiến người ta ghê sợ và coi rẻ ý tưởng của anh thôi”, Répine, một họa sĩ trong nhóm Triển lãm Lưu động của Nga (1884-1930) đã phát biểu như vậy.
          ... Hội họa là một nghệ thuật phi tuyến tính (illinéaire) khác với hầu hết các thứ nghệ thuật khác, vốn được thể hiện một cách tuyến tính. Nói rõ hơn, ngôn ngữ, và tiếp đó là chữ viết, là tuyến tính, cho nên những thể loại nghệ thuật này như văn, thơ, kịch buộc phải nằm trong số phận đó, nghĩa là phải diễn ra tuần tự trước sau, và người nói cũng như người nghe, người viết cũng như độc giả, đều phải thấy được cái quy luật đó.
          Ngay cả âm nhạc cũng được thể hiện và đón nhận theo cách thức vừa kể. Nhưng đối với hội họa thì không. Trước một bức tranh, người xem thưởng ngoạn một cách tức khắc và toàn diện, dù rằng xem kỹ hay chỉ xem lướt qua.
          Tôi cho rằng người thưởng ngoạn, cả họa sĩ cũng là người thưởng ngoạn tác phẩm của mình, bao giờ cũng nhìn bức tranh như một nhất thể bao gồm những yếu tố đồng hiện, và mang tính chất tức khắc. Vì tính chất này của hội họa, nên tôi thấy hội họa không cần chuyển tải một thông điệp và người xem cũng không cần phải hiểu đúng ý nghĩa họa sĩ gửi gấm trong tranh...”
          Riêng tranh thiếu nữ và khỏa thân, một đề tài thường gặp trong tranh Đinh Cường, anh quan niệm:
          ... “Thiếu nữ là đề tài muôn thuở của hội họa. Đó là vẻ đẹp thuần khiết và thánh thiện. “Không đường nét nổi bật, không bợn xác thịt, chỉ một hình vẽ không thôi, và như thế trong ý tính của nó, nó truyền cảm bằng cái nhẹ nhàng của hư tưởng”. Đỗ Long Vân, người bạn tôi yêu quý nay đã mất, có những đêm Đà Lạt năm xưa đã thức trắng cùng tôi khi tôi vẽ, đã viết như thấu hiểu về các thiếu nữ hiện ra trong tranh tôi”
          Thật ra những trình bày trên của Đinh Cường không ảnh hưởng bao nhiêu đến việc tôi đánh giá anh là một họa sĩ có tài. Tôi chỉ tiếc, tôi đã thiếu may mắn khi được quen biết với anh quá muộn. Năm 1969, tuyển tập thơ nhạc Hòa Bình Ơi Hãy Đến của tôi cùng Phạm Thế Mỹ, Lê Vĩnh Thọ phát hành. Trong tuyển tập này có sự đóng góp của Đinh Cường bằng một phụ bản. Nhưng tôi cũng chưa được bắt tay anh. Công xin phụ bản (in lại bên dưới) do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lo. Sau năm 1975 quí danh Đinh Cường vẫn thường đến với tôi. Rồi tôi qua Canada, gặp tên anh trên tạp chí Đất Việt, một cơ sở ngôn luận của những người có khuynh hướng thiên tả.  Đinh Cường dĩ nhiên cũng bị một số người Việt quốc gia trong lãnh vực văn học nghệ thuật đặt vấn đề. Anh là bạn thân của Trịnh Công Sơn, của Bửu Ý, của Ngô Kha và của cả Hoàng Phủ Ngọc Tường...Nhưng một người chân chất yêu mến nghệ thuật, giàu lòng vị tha, có thể thích hợp với một chế độc độc tài sắt máu hay không, thời gian qua đã trả lời cho chúng ta.
        Vào một đêm mùa thu của năm 1989, ngồi chơi với anh bạn nhà thơ trưởng giả Phạm Nhuận, trên một cao ốc ở trên đường Saint Denis, Montréal, tôi được Nhuận trao cái điện thoại để nói chuyện với một người chưa quen nhưng không xa lạ. Qua trao đổi ngắn gọn trong ít phút, chúng tôi chính thức mở đầu cho một tình bạn tốt đẹp. Đã là bạn của tôi, hầu như ai cũng phải trở thành những người phải cho hơn là nhận. Đinh Cường, người bạn mới này cũng vậy. Anh cho tôi tình cảm chân thật. Anh cho tôi một số hiểu biết về hội họa. Anh tăng cường thêm cho tôi tính thích đi đây đi đó, và nhiều thứ khác nữa, trong đó có cả thú than thở, thú lười biếng. Ông bạn có danh xưng Thích Từ Từ,bất ngờ trở thành thần tượng có nhiều điều tôi đã học theo. Và bây giờ đang dựa hơi anh để le lói thêm.
          Năm 1990, tôi và Đinh Cường chính thức bắt tay nhau lần đầu tiên qua buổi ra mắt thi phẩm mới nhất của nhà thơ Bùi Giáng, được anh em Việt Thường chúng tôi (Đỗ Quý Toàn, Luân Hoán, Hồ Đình Nghiêm, Phạm Nhuận, Lưu Nguyễn, Lê Quang Xuân), ấn hành lần đầu tiên tại hải ngoại. Đinh Cường là bạn thân của ông Trung Niên Thi Sĩ này. Nên dù mới qua định cư tại  Salt Lake City USA được mấy tháng, anh cũng gắng qua Montréal, Canada tham dự. Anh là người đã vẽ chân dung Bùi Giáng nhiều nhất và có lẽ đạt nhất. Mẫu bìa tập thơ Bùi Giáng chúng tôi công bố tại hải ngoại, cũng dùng một bản vẽ Bùi Giáng của anh. Thật ra, Đinh Cường không phải là bạn của riêng ai. Anh là bạn của nhiều người, của  mọi người. Những người làm văn học nghệ thuật, những người thưởng thức và có lòng với thơ văn, hội họa, âm nhạc... Mọi người mến mộ tài nghệ lẫn bản tính nhu hòa, giản dị của anh, nên vẫn thường tạo cơ hội cho anh được ngao du đây đó trên nhiều thành phố lớn của thế giới. Trong bài trả lời phóng vấn của Nguyễn Nam Anh (bút hiệu khác của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng), Đinh Cường cho biết nhờ vé máy bay  ca sĩ Khánh Ly mua tặng, anh đã đến thăm được California, hội ngộ cùng những Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Nguyên Khai, Nguyễn Xuân Hoàng, Nghiêu Đề, Mai Chửng, Lâm Triết, Viên Linh, Nguyễn Mộng Giác, Từ Mẫn, Châu Thọ, Tâm Đan Hoàng Thi Thao...Từ đó mở cho anh những chuyến đi xa hơn nữa, qua Canada, qua Pháp. Đinh Cường đã từng lên tiếng:
          ... “Xin hết sức cảm ơn các bạn đã cho tôi ‘sờ mó’ được Paris, mà bao nhiêu năm như đã từng thân thuộc lắm, qua xóm Montmartre, qua thơ Apollinaire, qua những quán cà phê nghệ sĩ. Cảm ơn những con chim câu dễ thương đón tôi bên bờ sông Seine, những lề đường lát gạch cũ kỹ. Cảm ơn những tình nhân ái qua những chiếc hôn chúc mừng Năm Mới trên công trường Champ Élysée. Cảm ơn tiếng hát Juiliette Gréco lần trở lại Opéra. Cảm ơn Bích Anh. Cảm ơn những bữa cơm gia đình ở nhà chị Thụy Khuê, gặp lại bạn cũ Kiệt Tấn  gật gù, những người viết trẻ giỏi Nguyễn Hưng Quốc, Trần Vũ....Và sung sướng nhất, hào hứng nhất là ‘nhập bọn họa sĩ’ với nhau. Anh Thái Tuấn từ Orléans lên cùng với Nguyễn Trung từ Sài Gòn qua đã bốn tháng. Lê Tài Điển một thời ở Huế với nhau và người bạn hiền hòa Nguyễn Cầm cùng cô bạn Daniel người Pháp gốc Hung rất chịu khó đưa đón, săn sóc bạn...”(trả lời pv Nguyễn Nam Anh)
          Tôi thật sự thú vị khi trích đoạn hơi nhiều những chân tình của Đinh Cường dành cho bè bạn anh, cho mỗi góc cạnh của một thành phố nghệ thuật mà anh từng mơ ước qua sách báo. Tôi nghĩ, Đinh Cường đi, không chỉ để ngao du thăm bằng hữu. Anh tìm kiếm, thu nhặt những hình ảnh, những tâm sự, những vốn sống, những xúc cảm trên mọi ngõ ngách. Chất liệu dùng cho tác phẩm của anh chắc chắn có cái hương, cái hồn góp từ những chuyến rong chơi kỳ thú của một họa sĩ yêu cuộc đời. Đi rồi về miệt mài bên giá vẽ. Hai cái chevalet atelier lên nước đã bỏ lại trong hẽm Tân Định, nơi sản sinh nhiều họa phẩm nổi tiếng của Đinh Cường. Nhưng anh đã có những cõi làm việc mới. Khởi đầu từ thành phố Salt Lake City rồi Virginia, Đinh Cường đã tha thiết và vẫn thiết tha với hội họa. Có lẽ lời khuyên của họa sĩ Ngọc Dũng dành cho anh rất ý nghĩa: “Cố gắng làm sao ở nhà mới vẽ được, chứ đi làm, cuốn hút theo guồng máy là không thể vẽ được...”. Đinh Cường cũng đã thành thât: ... “Những tấm tranh cũng đã từng nuôi sống tôi, tôi không thể bỏ vẽ được”. Và anh đã thực hiện nghiêm túc điều này. Sau cuộc triển lãm đầu tiên do Võ Đình, Trương Hồng Sơn, Nguyễn Trần Chuyên, Phạm Nhuận, Phó Ngọc Văn tổ chức tại McLean Virginia, Đinh Cường tiếp tục bày tranh tại nhiều thành phố của Hoa Kỳ. Năm 1991, một cuộc triển lãm qui mô của Đinh Cường mở cửa tại Les Jardins Du Boisé thành phố Montréal, Canada trong 3 ngày 28, 29 và 30 tháng 9. Cuộc triển lãm thành công trọn vẹn nhiều mặt: tranh giàu tính chất nghệ thuật, thu hút đông đảo giới thưởng ngoạn, và nhất là chỉ trong hai ngày đầu, 70 % trong số 52 họa phẩm trưng bày đã theo chân giới thưởng ngoạn về sống tại nhiều tư gia. Tôi được Đinh Cường mở lối: “bạn thích bức nào cứ chọn mang về mà treo”. ‘Được lời như cởi tấm lòng’ nhưng may, tôi còn đủ tế nhị, nở nụ cười hứa hẹn với anh dịp khác.
          Trong cuộc triển lãm này, Đinh Cường giới thiệu cho tôi quen anh Lưu Trọng Hồ, Dược sĩ, cháu nhà thơ Lưu Trọng Lư, hiện ở thủ đô Ottawa của Canada. Những ngày sau cuộc triển lãm, tôi cùng nhà văn Nguyễn Đông Ngạc đưa Đinh Cường qua thăm thủ đô Ottawa, thăm nhà thuốc của Lưu Trọng Hồ. Chúng tôi có cuộc du ngoạn vui vẻ. Đinh Cường cũng rất thích chụp ảnh. Thời gian trôi qua từng giây phút. Sự khác biệt trên khuôn mặt mỗi người đổi thay từng phút, nhưng khó nhận ra . Một tấm ảnh ghi lại hình dáng một thời, nhất là đang lúc vui vẻ, thật quí vô cùng. Mười mấy năm rồi, ngắm lại Đinh Cường và tôi sát vai nhau bên dòng sông đào ở Ottawa mà ngỡ như mới hôm qua.Câu nói cải lương này coi vậy mà rất đúng. Trời đang xế chiều, nắng đẹp. Đinh Cường không hút thuốc, tôi không hút thuốc, nhưng cả hai chịu được mùi khói từ ống tẩu của Ngạc. Gió nhẹ, mặt nước rung rinh. Chúng tôi nói khá nhiều chuyện có thể rất vu vơ. Nhưng chính những thứ vớ vẩn này thành hình cuộc sống, thành hình chúng tôi. Và mỗi tác phẩm đã núp đâu đó trong trí óc, tâm hồn mỗi người.
          Đinh Cường còn qua thăm Montréal, qua thăm bè bạn, qua thăm tôi nhiều lần. Tôi, Lý và Bích (vợ Hồ Đình Nghiêm), đưa anh dạo chơi khá nhiều nơi, chụp ảnh ở phố cổ Montréal, ở Jardin Botanique, ở góc quán cà phê...Thân tình giữa chúng tôi mỗi ngày một ấm áp. Năm 1993, cả gia đình chúng tôi rủ nhau qua thăm thủ đô Washington, ngó cái mặt tiền của Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ cho biết. Trong dịp này, chúng tôi có ghé Annandale, Virginia để thăm Đinh Cường. Tổ ấm của anh cùng chị Tuyết Nhung và ba người con là nơi từng thu hút những bạn văn, bạn thơ đến thăm. Những Mai Thảo, Đặng Tiến, Như Phong, Đỗ Ngọc Yến, Võ Phiến, Kiều Chinh, Cao Đông Khánh, Luân Hoán, Phạm Nhuận, Hồ Đình Nghiêm...đã từng ghé qua, đã từng ngồi lại đâu đó trong căn nhà ấm hơi thở của Đinh Cường, cùng những đứa con nghệ thuật của anh. 
          Tôi và Lý hẹn gặp Đinh Cường tại khu thương mại đông người Việt. Chẳng phải đợi lâu, Đinh Cường lái xe đến. Lạ, cũng là chiếc Toyota Corolla màu đỏ sậm cùng đời như tôi. Đinh Cường lái xe cẩn thận. Căn nhà anh chị Cường Nhung thuê khá rộng, có vườn cây thật thoáng mát. Tôi rất thích chỗ ngồi vẽ của Đinh Cường. Ngoài tranh, tôi còn gặp ở đây những chiếc tượng nhỏ Đinh Cường sưu tập tình cờ, rất lạ. Tôi thấy cả hình nhà thơ Bùi Giáng ngồi cười mỉm trên vách, giữa rất nhiều thiếu nữ đã được bàn tay Đinh Cường làm cho bất tử. Trên đời này, nếu có thứ gì khiến tôi biết ghiền, có lẽ đó là người đẹp. Tranh thiếu nữ của Đinh Cường càng làm tăng sự si mê của tôi. Mê tranh thiếu nữ từ bàn tay Đinh Cường tạo nên, nhưng tôi không có tài giải thích. Rất may nhờ có thơ, tôi đã ba hoa:
           “ Màu gối màu, sống thảnh thơi / có tinh, có huyết, có đời sống riêng / quây quần bên một ông tiên / cao tay ấn dựng thiên nhiên tuyệt vời / sắc màu hít thở, rong chơi / hồn đông phương lộng lẫy đời tóc tơ / tinh khôi, gợi mở, hững hờ / suối hoa, khe trúc, ướp thơ mượt mà / tưởng hoa, hoá chẳng là hoa / hiển linh một khối nhân sinh ca hồng (Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ).
          Tại nhà Đinh Cường, tôi gặp hai nhà văn Bùi Bảo Trúc và Nguyễn Thị Hoàng Bắc. Dù mới gặp lần đầu, nhưng như giới võ lâm, từng biết danh nhau, tôi xin phép chụp ảnh chung làm lưu niệm. Cái trò chụp ảnh ‘bắt cóc bỏ dĩa’ này rất dễ gây hiểu lầm, nhưng đã ‘cùng đi một đường’ vui chơi văn thơ, chắc không mấy ai quở trách nặng. Câu chuyện với những người mới gặp không kéo dài được lâu. Đinh Cường đưa chúng tôi đi dự một buổi ra mắt sách. Trong chuyến đi có xe của đám con tôi tháp tùng. Thính đường nơi trình làng tác phẩm khá rộng. Tổ chức khá chu đáo, chỉ tiếc những người có tình với chữ nghĩa hơi lười biếng dời gót đến tham dự. Sau buổi ra mắt sách, Đinh Cường còn đưa cả gia đình chúng tôi đi siêu thị, theo yêu cầu của Lý, vợ tôi. Rồi anh đãi đi ăn phở. Quán phở Đinh Cường thường lui tới đối ẩm với bè bạn mang tên Phở 89. Quán đông khách, nhưng tôi ăn không thấy ngon vì vội vã lên đường để xuống Virginia Beach, tìm lại những hạt muối của Mỹ Khê, Thanh Bình, Cửa Đại... ngày nào.
          Trở lại với những thiếu nữ trong tranh của Đinh Cường. Anh đúng là một ông tiên có quyền uy hơn tôi nhiều. Anh cho các người đẹp mặc áo quần màu gì tùy thích, tùy cảm hứng. Các em lạng quạng, anh không ngại cho mặc trang phục của eve ngay. Khổ một cái, tôi rất thích sự trừng phạt thật có hoa tay của Đinh Cường. Quá tâm đắc, tôi xin Đinh Cường làm cho một mẫu bìa tập thơ Mời Em Lên Ngựa. Tôi dặn kỹ, phải cho cô em của tôi thật phơi phới xuân thì mới ngon. Đinh Cường chiều ý thằng bạn ba trời, anh vẽ một tranh nue thuộc loại ‘khỏa thân thơm’ cho tôi. Cô thiếu nữ, mặt nhìn nghiêng, tóc thề có dải băng đô vàng, giống hệt người tình thật của tôi ngày nào. Cô bé ngồi trên một cái ghế bành, có lưng tựa màu đỏ, mang dáng một bóng ngựa hồng, đầu cúi thấp, tiếp giáp với nền nệm ghế óng vàng. Cánh tay trái cô bé đưa lên đầu, nắm hờ nguồn tóc xôn xao tiếng gió. Tay phải cô buông thõng dịu dàng bên thân mình dây, mảnh khảnh, báo hiệu cặp trường túc hoa thơm lừng phía dưới. Hai nhụy sữa như hai giọt mật hồng, không vun quá cao nhưng cũng đủ mời gọi. Bụng sát, eo thon và vùng cỏ hoa mướt một cách tự nhiên, không vén tỉa.Tổng thể bức tranh là một tác phẩm tuyệt vời. Bốn chữ Mời Em Lên Ngựa được anh tự kẻ càng sắc sảo. Tập thơ do nhà xuất bản Sông Thu của nhà thơ Thái Tú Hạp tại Hoa Kỳ in.
          Thái Tú Hạp trong thời kỳ này đang say sưa với thơ thiền. Có lẽ mùi trầm hương thanh thoát đã làm cho anh ngần ngại trước mẫu bìa. Anh gọi điện thoại đề nghị tôi cắt bỏ phần dưới bức tranh cho nhẹ nhàng. Một tác phẩm nude, loại đi phần chính thì còn gì ý nghĩa và mang tội với nghệ thuật. Dĩ nhiên tôi không đồng ý. Tôi không chịu hoang phí phần tam giác vàng vô giá của người thiếu nữ. Cuối cùng Thái Tú Hạp phải theo ý tôi, nhưng thật ra anh cũng xuống tay mất một chút. Mẩu chính của bản vẽ Đinh Cường có lằn xếp giữa hai búp chân, làm nổi bật cõi thiêng liêng hơn nữa. Tiếc. Dù sao bìa tập thơ cũng rất hoàn hảo, đúng với cái ví von của tôi:
          “ Lãnh thổ thơ tôi, một cõi Em / hàng trăm chánh thất, chỉ một tên / và không cung nữ, không hoàng hậu / lộng lẫy trong cùng một dáng Em”(Mời Em Lên Ngựa)
          Ngoài mẫu bìa, tập thơ còn có sáu phụ bản đều do Đinh Cường minh hoạ, dĩ nhiên cũng còn có cái khỏa thân rất nghệ thuật. Thơ in xong, sách nằm trong tay, tôi sung sướng vô cùng. Bạn đọc có thể chẳng cần biết đến nội dung những bài vớ vẩn trang trong. Có một cuốn sách với một mẫu bìa đầy nghệ thuật, hẳn sẽ làm sáng cả tủ sách. 
          Năm 1995, nhà văn Hồ Đình Nghiêm, em vợ Đinh Cường qua thăm ngôi nhà mới đồ sộ (so với bè bạn chúng tôi) của anh chị mình tọa lạc tại đường Natick Rood vùng Burke Virginia. Lúc trở về Montréal, Nghiêm giao cho tôi bản vẽ chân dung Luân Hoán bằng màu nước, mà Nghiêm nói, Đinh Cường đã ngồi nhớ và vẽ dưới một gốc cây trong sân nhà. Tôi nhận tranh vô cùng cảm động, nhưng không làm được câu thơ nào để tạ lòng anh. Sau Nghiêm, nhà văn Song Thao cũng ghé thăm Đinh Cường. Lúc trở về anh Song Thao chuyển lời Đinh Cường:  “Đã dành cho ‘ông thày’ một chỗ nghỉ ngơi, tha hồ phơi chân, không phải ngại, không phải xấu hổ, lúng túng”. Đinh Cường, gọi đùa tôi là “ông thầy” với Song Thao. Có lẽ tôi là ông thầy mê tranh khỏa thân, mê người đẹp chăng ? Có mấy ai không đam mê nghệ phẩm này ?
          Như đã nói trên, tôi là người thường quấy rầy mấy ông bạn họa sĩ. Sau khi thân tình đã tốt đẹp, tôi lợi dụng sự dễ dãi của Đinh Cường để xin anh nhiều mẫu bìa cho tôi, cho bạn tôi, cho em tôi, mà quên đi cái phí khoản mua màu, mua cọ. Để có một bìa sách, thường phải  năn nỉ họa sĩ nhận cho vài trăm đô la. Tôi nghèo, Đinh Cường biết. Cái tình tôi với văn học nghệ thuật, Đinh Cường biết, nên anh luôn luôn vui vẻ thực hiện những yêu cầu của tôi, không một đòi hỏi, thắc mắc. Đong Đưa Cuộc Tình, tập truyện của Song Thao, bìa Đinh Cường. Tình Thơm Mấy Nhánh, thi phẩm của Lê Hân, bìa Đinh Cường. Và còn hàng trăm tác phẩm khác được Đinh Cường trau chuốt phần hình thức, thật không có thể kể hết. Năm 2005, em tôi, Lê Hân thực hiện cuốn Luân Hoán-Một Đời Thơ, gồm nhiều tác giả viết. Tôi lại nhờ Đinh Cường làm bìa. Bìa vẫn đẹp. Lần này chân dung tôi anh vẽ có phần trẻ ra. Anh không muốn tôi già, nên cố tình quên đi hàng ria phất phơ mươi cái của tôi. Lý bảo: “chắc anh Cường muốn cho anh có thêm bồ nhí nên trang điểm cho anh kỹ thế, trẻ như thời đang yêu” . Có thể thế thật, tạ ơn bạn hiền. Năm 2006, tôi cho tái bản cuốn Tác Giả Việt Nam, lại gọi anh. Đinh Cường than: “loại sách này rất khó làm bìa” Nhưng rồi một mẩu bìa vừa trí thức vừa nghệ thuật được Đinh Cường nhờ cậu con là nhà thơ kiêm họa sĩ Đinh Trường Giang scan, chuyển qua cho tôi theo đường điện thư. Liền sau đó Đinh Cường in ra giấy và chuyển bản mẫu qua theo đường bưu điện. Đã có công suy nghĩ vẽ ra, lại tốn công hao của gởi đi, Đinh Cường quả thật đã thương tôi và thật sự trân qúi những công việc có tính cách văn học. Mẫu bìa thật xuất sắc, rất nhiều bạn thích. Đinh Cường giải thích ngắn vài dòng, đại ý tôi còn nhớ: “Hình chữ S tượng trưng cho Việt Nam thông suốt mọi miền, như bạn không phân biệt khi chọn lựa tác giả để giới thiệu. Tranh nhỏ một bên là hình ảnh sự sung túc, phong phú như đàn én đang xây tổ”. Có lẽ đây là một ngoại lệ Đinh Cường dành cho tôi. Cùng với Tác Giả Việt Nam, tôi còn cho in tập hồi ký rời thứ nhất với tên Quá Khứ Trước Mặt, viết về những vùng đất tôi đã có dịp gắn bó. Đinh Cường lại chọn cho tôi ảnh một tác phẩm mới nhất của anh để làm bìa. Anh hứa bảo đảm không cho bất cứ ai hoặc báo chí nào sử dụng tranh này. Cái tình anh dành cho tôi thân thiết đến vậy. Tôi đành phải nợ anh, không thể trả, không muốn trả. Một đôi lúc chợt nhớ cái dáng người bệ vệ của anh, với những bước đi chậm rãi, cùng tiếng cười lời nói từ tốn, tôi viết chơi mấy câu:
          “ vườn nhà phong diệp trải / quơ chổi gom thành thơ / cà phê ngày mấy cữ ? / nhớ bạn, thèm giang hồ / lợp màu lên mặt vải / ngùn ngụt mắt Tuyết Nhung / dẫn sơn cọ trôi miết / trong thế giới vô cùng”
          Các bạn đọc đừng quên, người bạn họa sĩ của tôi làm thơ rất tới, viết tùy bút rất hay và cảm động, nhất là những đoản văn dành cho một bè bạn nào đó chẳng may bỏ cuộc chơi ở thế gian. ‘Nói có sách, mách có chứng’, xin mời đọc một vài bài thơ của một cây cọ có da thịt, có hơi thở:
       
 bài 1: Trưa Trên Phố Clarento (tặng Phó Ngọc Văn)

          “lỡ trưa tôi đi về trời nắng gió/ đâu có ai về trên phố Clarenton / đâu có mái tóc mượt mà gió lộng / mà nghe như tiếng kinh buồn / rồi lại mùa thu vàng lá rụng / em có buồn như trời thu không / ước chi về đi dưới trời mưa bụi / ôi Huế rêu phong ủ kín trong lòng / lỡ mai tôi đi về dưới suối / vàng mơ một giấc ngủ êm đềm / thì cứ như là mây với gió / gió dạt xô về muôn tiếng chim / rồi lại em qua đồi cỏ ấy / gõ cả mây hồng em nhớ ai / đời nghiêng nghe chút sầu thiên cổ / trưa một mình đi phố lạ người” (Đinh Cường)
           
bài 2: Vẫn Rừng Cao Su Của Ta (tặng Trịnh Công Sơn)

          Hãy chảy nhựa lại đi / những cây cao su đã từ lâu tội nghiệp / mùa mưa tới rồi lá hãy thêm xanh
          những chiều ta qua vùng Bình Long / buồn không biết mấy / ôi những rừng cao su trong tuổi nhỏ ta / mang đầy vết thương tàn nhẫn / làm sao ta lấy nhựa làm trái banh /những người phu không còn đi lấy mủ
          Bây giờ những xác người làm rừng cao su sợ hãi / bom đạn tha hồ rơi như mưa / những chiếc lá úa phủ đầy trên hố thẳm / ta bước đi buồn quá đỗi chiều nay / những chiều rừng cao su lá phủ / những chiều mặt trời không thấy ta nhỏ nhoi
          ngày xưa chạy chơi trong rừng cao su đầy mộng mị / ta ôm ấp trái banh còn thơm mùi nhựa mới / nay ta về sau bao nhiêu năm / bao nhiêu năm rồi rừng cao su ơi / những cây cao su già đã chết / như người u già của ta
          hãy chảy nhựa lại đi / những cây cao su vừa đến tuổi / chiều nay ta ngồi nghe chim hót một mình / thứ chim hoàng hôn kêu gào thảm thiết / nhớ bạn bè ta nổi trôi lênh đênh / những giọt rượu nồng đã cạn / những đêm sương mù phủ đầy ta trên Dran / hay bờ biển nào hoang vu nhất / cho ta gửi lời thăm chiều nay
          chiều một mình ta nhớ một chiếc hôn / hãy đem cho ta trái banh bằng nhựa mới / ta đá một mình, tuổi nhỏ tàn phai
          hãy chảy nhựa lại đi / rừng cao su ơi / một ngày bình yên nào trở lại / một ngày mưa nào thơ mộng quá đi thôi”
                                                                  ( Đinh Cường 29-4-1969)

          Sau một tháng bày tranh ở thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ từ 15 tháng 9 đến 15 tháng 10 năm 2005, Đinh Cường còn có vài cuộc triển lãm khác trên đất Mỹ. Tháng năm 2006 này anh sẽ về Việt Nam trong nhu cầu hâm nóng những nhan sắc, tình người, dân tộc, để chuẩn bị cho loạt tranh mới trong tương lai. Tôi không rõ, lần về này anh có bày tranh ở đâu đó không ? Hai người bạn thân của anh, Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ đều đã ra đi. Hẳn nhiên Đinh Cường sẽ buồn ghê lắm, khi phải ghé về những điểm kỷ niệm cũ. Ai có thể không chia tay với cuộc sống ? Những gì để lại chưa chắc đã tới đâu, nhưng đã yêu nghệ thuật, đã lỡ sinh hoạt, đều luôn luôn tiến về phía trước. Đinh Cường cũng vậy. Anh chưa dừng bao giờ. Con người mộng du nhan sắc ấy, tìm thấy hạnh phúc trong từng giây ngồi trước giá vẽ, trong từng phút thư giãn bên vợ con, trong từng giờ cụng lời nói ấm áp cùng bè bạn. Anh trở thành một ông anh mẫu mực, tôi muốn hao hao giống một phần nào. Đọc lời nhắn của Đinh Cường email: “sẽ mang Tác Giả Việt Nam, Quá Khứ Trước Mặt về khoe với bè bạn ở Việt Nam rồi tặng lại  Dương Nghiễm Mậu hay Bửu Ý ” tôi lâng lâng niềm vui. Bài viết về anh tôi gắng ngồi gõ trong cái nóng đang bắt đầu tới thăm Montréal, để anh tạm đọc kịp trước khi về quê nhà. Đâu có ích gì cho anh. Nhưng tôi nôn nao muốn thế. Bọc hành trang lên đường của Đinh Cường hình như bao giờ cũng gọn nhẹ. Lần này không chừng thêm được vài gram cái chân tình của tôi. Nhớ nhét vào lòng nhé, ông anh!

Ghi chú thêm:
THE ART OF DINH CUONG là một tuyển tập những bức ảnh chụp 28 tác phẩm sơn dầu của Đinh Cường, được  Viet Art Gallery ấn hành tại Hoa Kỳ nhân dịp phòng tranh Đinh Cường mở cửa tại thành phố đông người Việt Houston, Texas, USA năm 2005. Trong tuyển tập in màu này có khá nhiều tranh thiếu nữ nổi tiếng như: Woman with Scarf (Oil on canvas 24”x30”-2004), Pink Nude (Oil on cavas 24”x30”, 1994), St.Joseph, Montréal (Oil on cavas 30”x30”, 1993), Moon, Girl, Heather (Oil on cavas 30”x30”, 1991), Nude and Cobblestone (oil on canvas 24”x24”, 1993), Summer Lotus (Oil on canvas 24”x30”, 2005), Pilgrimage (Oil on canvas 24”x30”, 2004), Girl and Flowers (Oilon board 14”x18”, 1998), Tree Turning Red (oil on canvas 48”x60”, 1989), Stage (Oil on canvas 24”x30”,2005) cùng nhiều tác phẩm thể hiện nhiều chủ đề, trong đó có bức Sympathetic Abyss (oil on canvas 22”x28” 2005) Đinh Cường rất thích, chọn cho tôi làm bìa tập Quá Khứ Trước Mặt.

Luân Hoán