Sunday, June 2, 2013

218. CAO THOẠI CHÂU Lọn cỏ bờ Đông



CAO THOẠI CHÂU
Lọn cỏ bờ Đông



Tôi không thích cưa sừng làm nghé. Rất ghét, có lẽ vì nghĩ trời sinh sao để vậy, cũng có lẽ vì nghĩ trâu hay nghé thì cũng là trâu, tuổi tác hay trẻ, già không thay đổi được bản chất dòng họ nhà trâu. Tôi cũng không thuộc thành phần xuất thân chăn trâu cắt cỏ như một số người có danh vọng khác hoặc cưa cái nghèo cho thành cái mạt là chăn trâu cắt cỏ cho nhà giàu để có một tuổi thơ “đẹp” theo bài bản! Thế cho nên tôi không phân biệt được một cách thật căn cơ, chính xác sự khác nhau của con vật này ở hai lứa tuổi khác nhau.
       Vả, con trâu bị cưa sừng trông dị hợm lắm, bởi vậy “khi xưa ta bé…” thì làm con nghé, giờ có cháu thuộc cả hai dòng hàng nội và hàng nhập ngoại thì thản nhiên làm trâu cho chúng cỡi đặng cười với nhau cho mát lòng. Trâu ở tuổi nào cũng phải ăn cỏ mới sống được, ở tuổi nào tôi cũng vẫn cần những niềm vui, và tôi đang có chúng.
      Là sáng nay đi ăn sáng ở một tiệm vừa bán phở vừa bán hủ tiếu, bún bò, bò kho…mà tôi vốn không thích sự thiếu chuyên môn hóa như thế. Bán gì thì bán một thứ mới giỏi tay nghề, mới nổi tiếng lên được như yêu ai chỉ yêu một người mới tìm được tình yêu là gì, ngọt, bùi, mặn, đắng, cay, chua ra sao thay vì một chút yểu điệu, dao kéo một chút và văn chương ăn theo một chút nhưng ngay với một tay mơ tình ái như tôi tôi cũng nhận ra và…Còn nếu là đàn ông? Sự cưa sừng làm nghé hơi bị khó nếu trâu già giả làm nghé non thi vô số thứ tự thân nó tố cáo ngay, đàn ông khó trốn tuổi già hơn đàn bà?
       Trở lại quán ăn, sáng nay có tiền rủng rỉnh nhưng món này nặng nghĩa nên ráng không tiêu. Kiểm túi xong, gặp lúc người bán ve chai đi qua bèn kêu vào thanh lý báo cũ được kha khá, và tới tiệm kêu phở. Phở ở đây nước ngọt thanh, trong, thịt con bò lại mềm nên ăn cũng chỉ còn cái tô không, thấy hơi ngượng với người xung quanh. Ăn xong mời tính tiền thì người chủ mang ra một ly cà phê, gói thuốc, nói hai phụ nữ bàn ngoài đã trả tiền còn gửi thêm hai món này. Băn khoăn không biết là ai, người chủ nói thấy họ gọi là “thầy” và còn nói với nhau thầy còn trẻ quá!. Ở cái thành phố này đủ 41 năm, nhiều lần được như vậy, không cần cưa sừng làm nghé cũng có “cỏ” ăn, không cần õng ẹo cũng có những niềm vui nho nhỏ và đời thường như vậy.
      Nói đến niềm vui, ví von nó với cỏ cho trâu cho nghé thì khi về nhà nghe điện thoại reo, nhìn số lạ nhưng giọng người là Phạm Cao Hoàng, bạn đang ở bờ đông Thái Bình Dương nói với sang bờ tây, xa vạn dặm mà cứ như đang ngồi chung một chiếc bàn. Cỏ bờ đông gửi về là họa sĩ Đinh Cường đã cực kỳ nhanh chóng vẽ cho tranh bìa cuốn thơ viết trước 75 đang chuẩn bị in ra, loại tranh “tươi” theo cách nói VN. Lại còn tranh chân dung, tranh minh họa đều là “tươi” cả. Cỏ bờ đông xanh rờn, tươi tốt và hậu hĩ, ai có biết Đinh Cường thì mới hay sáng nay tôi chả cần cưa sừng làm nghé cũng có cỏ ngoại nhập để ăn.
     Tôi đã sống, đã cày nhiều thửa ruộng kể cả ruộng trải nhựa hay tráng xi măng. Nhớ thời ở trại cải tạo, chúng tôi ban bờ thành của doanh trại Mỹ cũ lấy đất lấp chỗ trũng làm ra ruộng, thời gian đầu có máy móc chi đâu và chúng tôi chế ra cái bừa,  thay phiên nhau dăm anh làm trâu. Cũng ổn nhưng lần đầu kéo cày sang đến bờ ruộng bên kia tôi thấy bao tử mình hình như leo lên tới ngực! Mọi thứ rồi cũng qua và đã là trâu thì phải kéo cày, là người thì không được thất nghiệp, phải làm và nhận "tiền công" từ việc làm đó, trừ việc cưa sừng làm nghé! Thất nghiệp giống như trâu phải ăn đá!
      Cám ơn họa sĩ Đinh Cường, người mà đến nay tôi chưa biết mặt, cám ơn nhà thơ Phạm Cao Hoàng. Các anh đã cho tôi vào sáng nay lọn cỏ tươi xanh rờn, cỏ bờ đông Thái Bình Dương quả là ăn rất đã!

Cao Thoại Châu
June 2, 2013


2 1 8