Sunday, August 12, 2012

27. NGUYỄN XUÂN THIỆP Thơ & Văn

                                                                                   

NGUYỄN XUÂN THIỆP
t h ơ  &  v ă n

Nhà thơ/nhà văn Nguyễn Xuân Thiệp


Đà Lạt ở một góc khuất 
của Virginia


em và bầy chim én
vẫn bay trên phố xưa
những mái nâu. cao. thấp
quán sách. hương cà phê
(NXT)

     Người viết đã thật sự được sống cái không khí thoảng mùi nhựa thông của Đà Lạt khi ngồi với các bạn ở nhà Nguyễn Minh Diễm, thành phố Alexandria, Virginia, tối chủ nhật cách đây cũng đã dăm bảy năm. Buổi họp mặt gồm vợ chồng Diễm, vợ chồng Thanh Quang, anh Phúc và vợ là Thanh Trúc, Lê Khắc Huyền và kẻ này. Ngô Vương Toại nói sẽ cố gắng đến, cuối cùng đã không đến được. Tối hôm ấy, món giả cầy chị An Thục Đức vợ Diễm nấu thật tuyệt vời.

     Ngồi ở một góc khuất của Virginia mà tưởng như đang ở Đà Lạt, trong ngôi nhà đường Nguyễn Trường Tộ hay Nguyễn Du nhà Diễm hay Calmette nhà Nguyễn Quang Tuyến. Ba mươi năm qua rồi mà như mới hôm qua. Như cùng có mặt Lê Văn Ngăn, Hoàng Khởi Phong, Thái Lãng và bạn Tuyến và bạn Nguyễn Thạc. Như chúng ta vẫn ngồi với nhau như thế này, rất nhiều lần, những năm tháng ấy. Không, không hề có biển dâu, xa cách...

     Và Phùng Văn Hưởng vẫn đọc Hồ Trường, hát cho chúng ta nghe ThiênThai -Hưởng nay không còn nữa, than ôi. Bởi trong buổi họp mặt có hai người mà trí nhớ như một cuộn phim chiếu lại từng đoạn từng đoạn –đó là Nguyễn Minh Diễm và anh Phúc, chồng Thanh Trúc- tôi đã thấy lại, tôi đã thấy lại những cây cầu, những con đường, những dãy phố... Và hàng thông sau nhà ga Đà Lạt. Và Nhà Thờ Con Gà đứng trong sương. Những con chim én bay dưới mái Hotel du Parc nơi đặt Đài Phát Thanh. Và ai như tôi đứng trên góc lầu cao nhìn xuống con đường Nhà Chung, đường Tự Đức. Và ai mắt màu hoa pensée trong đêm màu hồng của Night Club. Cầu Bá Hội Chúc, cầu Ông Đạo rồi thì quán cà phê của Dì Ba, ôi cái kiosque thứ hai ấy trên lối đi vào hàng bán hoa dưới chợ Hòa Bình. Chính ở đây, trong cái kiosque đèn màu này, nhiều đêm Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý và kẻ này ngồi ngắm Dì Ba ngây ngất.

     Chúng tôi nói với nhau mà không sợ mất lòng các giai nhân khác của thành phố: Dì Ba xứng đáng là trang quốc sắc, người đẹp nhất Đà Lạt ở những năm tháng ấy. Anh Phúc, vì có Thanh Trúc ngồi bên, không dám đồng ý, nhưng anh nói anh quen, rất quen với chồng Dì Ba lúc bấy giờ làm nghề bán bảo hiểm. Ôi, Dì Ba đâu rồi... Nhớ Đinh Cường có vẽ một portrait về Dì Ba rất đẹp trưng bày ở phòng triển lãm Alliance Francaise. Dì mặc áo nhung màu rượu chát, tóc dài, mắt xanh đen. Ôi. mắt em xanh như đêm dài / Để người quên kiếp mai… (Phạm Duy)

     Và con đường Duy Tân, chỗ quán sách Nhân Văn nhìn lên là nhà của nhà khảo cổ Nguyễn Bạt Tụy. Không hiểu cái ngôi nhà kiến trúc rất lạ, như tổ chim, nằm trên đầu con dốc ấy, còn không? Và Huỳnh Chùm, người đánh xập xám chuyên binh lủng, và Trần Hoài họa sĩ... nay về đâu. Tôi nói với Nguyễn Minh Diễm: Tuyến vừa email cho biết Hạnh Chi đã sang Mỹ.

     Năm 1979, Tuyến về lại Đà lạt, một buổi chiều đi bộ lên con đường dốc Nhà Thờ Con Gà, thấy Hạnh Chi ngồi ôm con trên bậc thềm, mắt nhìn ra phía hồ Xuân Hương. Ôi, Hạnh Chi cũng là một nhân vật đặc biệt tiêu biểu của Đà Lạt. Ngày ấy, nàng thường lững thững đi từ phố, qua cầu rồi lên dốc nhà thờ về ngôi nhà ven đồi dã quỳ trong đường Nhà Chung. Đi bộ, một mình, tóc dài bay theo gió, đôi khi cầm một đóa hoa hồng. Tôi tự hỏi, sau 1975, Chi có còn đi như thế không? Và tôi thấy tôi về lại, như hồn ma nhớ hơi lửa ấm:

đã về. dốc sương mù
đã về. cây hoàng hôn
tiếng gà trưa vẫn gáy
bông phù dung. trong vườn 
em và bầy chim én                   
vẫn bay trên phố xưa
những mái nâu. cao. thấp
quán sách. hương cà phê


     Ở đó, những dãy phố rợp bóng dù. Giờ đây trong căn nhà của Diễm, ở một góc khuất của Virginia, kẻ này được thấy lại hình bóng của tiện nội ngày xưa:

Tôi thấy em đi. giữa chiều áo lụa
Dãy phố dài. thấp thoáng. bóng dù xưa
Em. tay dắt con. mắt nhìn trời rộng mở
Khi nắng reo hanh vàng. mùa mới sang thu…


    Các bạn ơi, chai rượu màu ráng trời hoàng hôn kẻ này mang tới dường như đã cạn, xin mở chai khác. Hình như lúc chiều trên đường tới đây, kẻ này có thấy xe chạy qua những hàng thông. Đẹp, đẹp lắm, nhưng làm sao đẹp bằng thông Đà Lạt, trên đường lên Dinh 2 tới nhà Hoàng Khởi Phong. Ở đó, trong nhà Hiển nhìn xuống thung lũng đầy thông, một đêm nào họp mặt trong ánh lửa củi ngo từ lò sưởi, có cả Thái Lãng và Trần Hữu Lục, Nguyễn đọc Trong Vườn Tôi Hoa Phù Dung Đã Nở. Diễm chắc chắn còn nhớ, còn Thanh Trúc thì ngoài cuộc, lúc ấy e còn nhỏ xíu?

     Đà Lạt, ở một góc khuất của Virginia. Thật ra chỉ là những ảnh ảo, như trong một bức thư Trà viết từ Woodbridge: "Thành phố vẫn chìm trong sương mù. Từ cửa sổ tầng hai nơi làm việc, Trà đang ngắm một Đà Lạt yêu dấu của Th. Không có tháp chuông nhà thờ, không màu đỏ trường Yersin, không có con đường mang tên Nguyễn Trường Tộ, và cũng không có quán cà phê của Th. và bè bạn... "

Nguyễn Xuân Thiệp



Chào Boston chào bạn bè
Nguyễn Xuân Thiệp



từ giấc mơ của cơn giông
xứ sấm sét
tôi tới đây. chào boston
chào bạn bè anh em. thành phố cổ

và xin tặng nhau, thơ này
của xứ
hoa hải đào. nở đầy trong màu nắng
tháng mười
theo chim. tôi đến đây. gặp boston
gặp bến cảng mù sương. ánh đèn. soi  góc hè gạch xám
ôi. lou giờ đã xa. trăng gầy đỉnh whispering pine. hồn thảo mộc
và ly cà phê. trong trí tưởng. uống ở harvard square. với cái bóng của mình.
và hoàng thị bích ti
không còn thấy. phố tàu. los angeles 
mưa sương. mưa sương. cầu longfellow

này anh em. bạn bè
chúng ta đã đi hết biển
qua các đại dương. và châu lục
không về lại mái đình xưa
bá ngọ
thời của quỷ
ngói lở. cột xiêu. sen tàn. mùa hạ chết
để gặp nhau đây. điểm hẹn boston
con tàu may flower. bắc qua thế kỷ. ký ức của tiếng sóng bờ xa
về phố biển. trời.plymouth

vâng. tôi từ xứ bò. miền đồng cỏ
hái bông vô ưu. ngày nắng phai
chào boston. thế giới dường như rất nhỏ
xướng ca. ồn. quên lệ rơi

Nguyễn Xuân Thiệp 
tháng 10. 2004






Thơ Nguyễn Xuân Thiệp
Từ Công Phụng phổ nhạc

Tiếng hát TỪ CÔNG PHỤNG

2 7