Đàn bà đi biển mồ côi một mình. Có phải đi biển kiểu ấy ám chỉ việc vượt cạn sinh đẻ? Rồi ta thán, thương thân trách phận? Đau chẻ dọc người mà ai nào hay biết! Vẫn có trường hợp lúc lâm bồn, vợ đau quá cầm lòng không đậu bèn lôi tên thằng chồng ra chửi cho bớt tái xanh mặt máu. Chồng đứng ngoài xớn xác có nghe cũng chỉ biết nhăn răng cười he he.
Đàn ông đi biển mình ên thì sao? Ngư ông hình như vẫn lẻ loi giữa biển cả. Chuyện nhỏ! Trên thế giới, Florida được ví là thủ đô dành cho dân câu cá, chưa kể đó là tiểu bang ngập tràn ánh dương quang và theo tiếng Tây Ban Nha, Florida có nghĩa là vùng đất của những loài hoa. Thủ đắc nhiều ưu điểm khiến địa danh này, từ xa xưa đã thu hút, quyến dụ các nhà văn Ernest Hemingway, Tennessee Williams…dừng chân, ghé bến. Nhà văn xứ mít, ôm bụng sầu riêng cũng thử giang hồ xem biển có động? Hoa có tươi đẹp? Cá có dễ cắn câu? Không Miami, chẳng Orlando, cứ đè Tampa trực chỉ. Tampa về St- Petersburg, nơi có viện bảo tàng Salvador Dalí. Nơi có sóng hiền hoà từ vịnh Mễ Tây Cơ vỗ về bờ cát trắng lắm chim cò đi khoan thai nhàn du cùng du khách. Hoa trên đất liền chưa thấy qua, nhưng hoa hai chân nghịch đùa cùng biển xanh thì thể hình đẹp vượt ngoài mức qui định. Bị ông ở xứ tuyết tối ngày áo xống đậy đệm chống lạnh nên chưa quen mắt khi ngó ra, chứ quanh năm tui thấy riết mỹ nhân ngư thành… cũng vậy thôi.
Địa phương quân nói thế. Gần bốn mươi năm ông chưa thấy lại biển nên tui thông cảm, chứ tui thì chẳng mặn nồng gì. Địa phương quân trước đây ở Đà Nẵng, cuối tuần vẫn chất cả đám lên chiếc Jeep lùn từ cư xá Đoàn Kết chạy qua biển Mỹ Khê nghịch đùa cho da ăn nắng. Dạo ấy Trung sĩ, lương tháng là 17.500, Trung tá tiểu đoàn trưởng thì 45.000 ăn dè ăn xẻn. Bây giờ nước chảy đá mòn hoa trôi tàn úa, vị Trung tá ngày cũ đã về với đất và ông cựu Trung sĩ ngụ ở Xen Bí (St- Petersburg) thì tiền đô tuy chẳng nhiều như quân Nguyên nhưng tình cảm thì chộn rộn như quân của Quang Trung. Nếu có Lê Lợi thì ổng không ngại mần Lê Lai cởi áo đổi vai. Mùa đông ưa trốn tuyết thì bay qua đây, tui lo cho ấm được chút nào hay chút đó, đóng chặt cửa nẻo mà sáng tác bất biết chuyện khác, nghe đặng không? Bây chừ mùa hè, lời ấy rót vào tai thấy toát mồ hôi, tình nghĩa quá mạng khiến phải xuất hạn dầm dề. Cho hay đi biển mồ côi có khi êm hơn là đi biển có đôi, vượt biên mà xuôi chèo mát mái đậu vào bến trong, học tập cải tạo thì an tâm bởi mọi thứ đều đã có đảng và nhà nước lo. Đang tính tìm lời ca ngợi thì bị ổng chận bằng ba chữ: Không dám đâu! Ổng kể, tuy mang cái cánh gà bên tay áo trận nhưng cũng bị đi học tập như ai, ra trại thì lên ở vùng kinh tế mới sinh nhai bằng nghề bán củi bán than tứ thời lem luốt, tạm xem như đã đặt chân xuống ba tầng địa ngục, rồi vượt biển sang Mã Lai, rồi qua Mỹ ở Xen Bí từ đó tới giờ. Bốn mươi năm cách biệt biết bao điều để kể và đã là người Việt thì tuồng như bất tận những khổ đau, trường thiên hơn cả chuyện dài nhân dân tự vệ. Có kẻ vì từng trầy da tróc vảy nên khi đổi đời cứ mê muội chúi đầu vào vật chất tiền bạc nhà to xe khủng, nhưng ông cựu Trung sĩ chừng đã thấm lẽ phù du nên ăn chơi không sợ mưa rơi, cái chi rồi cũng trôi sông đổ biển chỉ có cái tình là biết lắng sâu vào hồn. Cốt cách quân nhân vẫn ám thân, giờ này đeo thêm lối suy nghĩ của một nhà hiền triết. Xen Bí mà thiếu ông thì xem như địa linh mà thiếu nhân kiệt. Khổng Minh mà thiếu Chu Du thì hẳn cuộc đời Gia Cát tiên sinh ắt phải hiu hắt lắm vậy! Xem ra lính thú hoặc hạ sĩ quan thường chơi bảnh hơn các đấng cổ đeo những mai vàng mai bạc, họ từng đánh hết rác cho tới giờ thứ 25 mới buông súng trong khi “đàn anh” sớm vắt giò lên cổ tam thập lục kế tẩu vi thượng sách. Nôm na, kể về ngày tháng cũ họ chẳng có gì để phải hổ thẹn.