Wednesday, June 14, 2017

2915. NGÔ THẾ VINH: Một vòng đai một con đường một nước Lào đang Hán hóa





Gửi Nhóm Bạn Cửu Long


Khi mà cố đô Luang Prabang có thêm một cây cầu, một nhà ga và một giang cảng "Made in China" thì khu Di Sản Thế Giới ấy sẽ mau chóng trở thành một "Phố Tàu - China Town" và thêm con Domino đổ xuống với cái giá phải trả là một nước Lào bị Hán hóa.


MƯỜNG LUÔNG KHU DI SẢN VĂN HOÁ

Cách đây 75 năm, nữ sĩ Vân Đài (1903-1964), trong một tập bút ký Sang Lào đã có nét hoạ chấm phá về Mường Luông - Luang Prabang, cố đô vương quốc Lào qua bốn câu thơ:

      Chuông chiều ngân trong gió
      Tháp núi ẩn màn sương
      Lầu vua thu bóng nhỏ
      Chùa bụt lạnh hơi sương... 
      [Vân Đài, 1942]

Luang Prabang bao gồm rất nhiều cảnh quan văn hoá và lịch sử của Lào, thu gọn trên một khu đồi núi phủ cây xanh như một bán đảo nơi giao nhau của hai con sông: sông Mekong và sông Nam Khan, một phụ lưu lớn của con Sông Mekong, nơi có ngôi mộ Henri Mouhot (1826-1861) người tái phát hiện khu đền đài Angkor và cũng là người Pháp đầu tiên tới kinh đô Luang Prabang được Vua Lào Tiantha tiếp đón trọng hậu. Cố đô Luang Prabang cách thủ đô Vạn Tượng 425 km về phía Bắc. [Hình 2a]


Hình 1a: Luang Prabang với Hoàng Cung xưa
trên con đường Phothisaratvà nay là Viện Bảo tàng Quốc gia Lào
[photo by Ngô Thế Vinh]

Được chọn là khu Di Sản Thế Giới / World Heritage site từ 1995, cố đô Luang Prabang đã được bảo vệ bằng những quy định khá khắt khe của UNESCO, trước trào lưu đổi mới và kinh tế thị trường đang diễn ra trên toàn nước Lào.

Khác xa với thủ đô Vạn Tượng ở phía nam đang mau chóng bị đô thị hoá, cố đô Luang Prabang chưa bị tràn ngập và nhấn chìm bởi những bảng hiệu quảng cáo và các khách sạn cao tầng.

Nhưng di sản văn hoá quý giá ấy còn tồn tại được bao lâu nữa khi đang phải đối đầu với các dự án thương mại của Trung Quốc trên Sông Mekong: song song với kế hoạch phá đá phá các khúc sông ghềnh thác, Trung Quốc có dự án xây dựng một giang cảng nơi cố đô Luang Prabang.
      
Cho đến nay, Luang Prabang là nơi tương đối còn bảo tồn được một cảnh quan lịch sử có tính cách hài hoà của cả hai thời kỳ: văn hoá truyền thống cổ xưa của Vương quốc Lào và văn hoá thuộc địa từ thế kỷ 19 với các công trình kiến trúc từ thời Pháp, nên là một tụ điểm du lịch hấp dẫn của đất nước Lào. [Hình 1b]

Chỉ ít năm gần đây thôi, như một hiện tượng là lượng khách du lịch người Tàu ngày càng đông tràn xuống các nước hạ lưu Mekong: Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, và đông nhất là vào xứ Lào.

Qua chuyến viếng thăm Luang Prabang mới đây, nhà văn Tưởng Năng Tiến đã bén nhạy ghi lại một hoạt cảnh: "Người Tầu bây giờ có kiểu du lịch lạ lắm. Từ Vân Nam, họ đi xe van có trang bị lò nấu ăn, mền gối và bô đi cầu. Sáng sớm nhìn du khách Tầu thản nhiên đứng đánh răng, và cho con nít ngồi bô giữa công viên... Em cầm máy hình, ngần ngừ một lát rồi lặng lẽ bỏ đi mà lòng buồn muốn khóc, anh à. Bên cạnh nhà trọ của em là một tiệm rượu của một gia đình Việt Nam. Bà chủ than phiền là người Tầu đang làm hỏng thành phố này." [Email Tưởng Năng Tiến 11.06.2017]


Hình 1b: Văn hoá thuộc địa thế kỷ 19 với các công trình kiến trúc
từ thời Pháp vẫn tồn tại hài hoà với nét văn hoá cổ xưa
của Lào nơi cố đô Luang Prabang. [nguồn:internet]